CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 10 Lớp Thần học II – Khóa: XIV

NIỀM VUI – DẤU CHỈ BẤT KHẢ NGỘ VỀ THIÊN CHÚA

Con sẽ bước tới bàn thờ Chúa Trời,

tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con. (Tv 42,4)

Trước khi bắt đầu chương tình tiếp cận Mục vụ Ơn Gọi, tôi có gặp một cha giáo và ngài nói với chúng tôi: “Anh em hãy cố gắng khơi lên trong các em ý thức về Chúa và tiếng gọi của Người”. Chúng tôi suy nghĩ nhiều về điều ấy và tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi sẽ làm điều ấy như thế nào đây? Bỗng nhiên, tôi nhớ đến câu nói của triết gia Léon Ploy: Niềm vui là dấu chỉ bất khả ngộ nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y Timothy Doland đã nói về một kinh nghiệm của ngài như thế này: “Khi tôi làm phụ tá tại giáo xứ Little Flower ở St. Louis, trong cuộc họp với ủy ban hỗ trợ ơn gọi, tôi hỏi các linh mục và nữ tu trong giáo xứ có thể làm gì để khích lệ người trẻ xem xét ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Một cụ già lên tiếng: ‘Cha có thể bắt đầu bằng cách tỏ ra vui vẻ! Hãy cho chúng tôi thấy cha yêu công việc của Cha và vui thích đời sống của Cha! Hãy vui vẻ”.[1]

Đó là những gợi ý rất phù hợp và hữu ích cho chúng tôi. Niềm vui là điều mà người khác dễ nhận ra nhất những người sống đời thánh hiến và là điều thu hút nhất đối với những người trẻ đang ước ao dâng đời cho Chúa. Chúng tôi không thực hiện chương trình mục vụ như một “chiến dịch quảng cáo” nhưng để mình trở thành một công cụ để chính Chúa sử dụng tác động trên cuộc đời của những người mà Người muốn kêu gọi. Chúng tôi nói với những các em dự tu, lễ sinh về niềm vui mà mình đang có. Chúng tôi cho các em thấy chúng tôi yêu thích bậc sống mà mình đang đảm nhận, chúng tôi tha thiết với Đấng đã mời gọi chúng tôi và Đấng ấy cũng đang ngỏ lời trong lòng các em.

Niềm vui thực sự phát xuất từ việc cảm nghiệm mình được yêu thương vô hạn. Từ những kinh nghiệm cá nhân trên hành trình tu học, chúng tôi nói với các em những việc xảy ra cuộc sống hằng ngày, dù rất giản đơn, nhưng chứa đựng tình yêu bao la của Thiên Chúa: Người luôn hiện diện, đi cùng và bao bọc chúng ta trong từng khoảnh khắc khi chúng ta học hành, vui đùa, phục vụ Bàn Thánh và, thậm chí, ngay cả khi chúng ta phạm lỗi nữa. Sự hiện diện của mỗi người chúng ta trên cuộc đời này là dấu chỉ của việc chúng ta được yêu thương vô hạn.

Khi trình bày những điều ấy, có một em hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, nếu Chúa thương con, sao Người lại để cho con có nhiều nỗi buồn ạ?”. Câu hỏi của em như một nốt lặng giữa bản hòa ca của niềm vui khiến chúng tôi dừng lại đôi chút

Thế rồi chúng tôi ngồi xuống cùng nhau và lắng nghe câu chuyện của nhau. Mỗi câu chuyện được các em kể lại, là những bài học quý giá cho từng người chúng tôi: bài học về sự lắng nghe. Mỗi tâm hồn, mỗi cảnh đời của các em là “một vùng đất thánh” mà, nơi đó, chúng tôi phải “cởi đôi dép” của tri thức, của kinh nghiệm cá nhân để có thể bước vào, có lẽ không thể thay đổi được điều gì, nhưng có thể “chiêm ngắm”. “Lắng nghe” là một biểu hiện sâu sắc hơn của “lời nói”. Chúng tôi yên lặng lắng nghe để các em kể chuyện, nói ngôn ngữ không lời” của sự cảm thông và chia sẻ.

Gặp những câu chuyện buồn, bản hòa ca niềm vui tưởng như phải kết thúc. Nhưng không phải vậy, nó chuyển sang một giai điệu nhạc, sâu lắng hơn: Niềm vui của các em là chính Đức Kitô đã sống cuộc đời như các em. Người đã sống ở trần gian này, Người đi qua độ tuổi của em hôm nay, Người hiểu rõ những điều em cần và những cảm xúc đang có trong em. Người không phải là mt nhân vật đã lui vào quá khứ nhưng Người đang sống với các em, với chúng ta. Người không sống thay các em nhưng Người đi cùng các em trong những khó khăn và khổ đau của cuộc đời! Chúng tôi dặn em rằng em hãy kể cho Chúa nghe những câu chuyện của em, kể cả những câu chuyện mà em chưa kể cho chúng tôi trong giờ Chầu Thánh Thể. Chúa muốn và đang đợi nghe em kể chuyện! Chúng tôi tin rằng qua sự hiện diện yên lặng của chúng tôi bên em, và những giây phút em ở bên Chúa, Chúa sẽ nói với em nhiều điều. Chúng tôi tự nhủ, biết đâu, từ những đau khổ em gặp phải hôm nay, Chúa sẽ làm cho em trở thành “một kho tàng” cho chính em và cho người khác mai này…

Từ những câu chuyện của các em, cũng như những quan sát và kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi hiểu được phần nào những khó khăn mà các em đang phải đối mặt. Sự đầy đủ về vật chất không đảm bảo một cuộc đời hạnh phúc và những “thú vui” của thời đại đang lôi kéo nhiều người, nhất là những thiếu niên ở độ tuổi các em rời xa khỏi niềm vuihiện diện của Thiên Chúa. Trong một thời đại mà tưởng như các em có đầy đủ mọi thứ, lại là lúc nhiều em thiếu đi những điều cốt yếu: tình yêu thương thấu hiểu từ gia đình; những trợ lực tâm lý và tâm linh giúp các em định hướng để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Chúng tôi nỗ lực hết mình, dù còn nhiều giới hạn, để giúp các em có “một sự quay trở về với truyền thống”: gắn bó với gia đình, với cộng đoàn giáo xứ và với Thiên Chúa qua các bài phụng vụ, nhân bản, chia sẻ cảm nghiệm và Chầu Thánh Thể. Chúng tôi đã đi tìm điều cốt yếu nào cho đời mình, chúng tôi truyền lại cho các em chừng ấy. Phần còn lại, chúng tôi xin trao vào tay Chúa.

Chúng tôi tin rằng Chúa sẽ làm những điều lớn lao trong cuộc đời của các em nhờ những “hạt giống” hy sinh nhỏ bé của chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi cũng tin tưởng các em rất nhiều: tin rằng các em có khả năng mở rộng tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa và tiếng gọi của Người, sống trọn vẹn ơn gọi mà Người muốn nơi các em như “các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: Có mặt, và hân hoan chiếu sáng mừng Đấng tạo nên mình” (Br 3,34-35).

Đến với các em, nhìn thấy các em, chúng tôi biết ơn vô cùng. Tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng tôi, tạ ơn vì Người đã cho chúng tôi được lớn lên, được dạy dỗ và đón nhận những tri thức cũng như kinh nghiệm khôn ngoan thánh thiện mà không phải ai cũng có được. Giúp các em khám phá niềm vui, chúng tôi lại khám phá sâu xa hơn niềm vui và hạnh phúc mà mình đang trong đời. Chúng tôi biết ơn các em! Nơi các em, chúng tôi thấy hình ảnh của chính mình ngày trước: ngày đó chúng tôi đã vui, đã hạnh phúc biết bao khi nghe tiếng gọi yêu thương của Chúa và dấn thân bước theo Người.

Một Cha linh hướng nhắn nhủ con cái mình trước khi họ đi thi hành sứ vụ như thế này: “Các con hãy đến với những người mà các con gặp gỡ như là một người truyền cảm hứng nhưng đừng bao giờ nghĩ mình là nguồn cảm hứng. Hãy để cho người khác thắc mắc về động lực của con, về tình yêu của con, về sự từ khước trong sáng mà con đã làm để giải thoát chính mình trong đời thánh hiến. Khi đó, họ sẽ được Chúa biến đổi nhờ việc nhìn thấy con, không phải chỉ thấy một mình con nhưng là thấy Chúa ở trong con. Điều này đòi hỏi ở con lòng khiêm tốn và một tình yêu thẳm sâu bắt nguồn từ cầu nguyện và lắng nghe Thiên Chúa. Các con hãy đi, hãy làm thật nhiều bao nhiêu có thể, miễn là lòng các con đầy Chúa!”. “Lòng có đầy Chúa” thì người môn đệ mới có được niềm vui và trở nên dấu chỉ bất khả ngộ nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa” giữa cuộc đời này.

Thầy Vincent Bùi Bảo Ân – Thần học II

.

  1. TIMOTHY DOLAND, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, Micae Trần Đình Quảng dịch, NXB Tôn Giáo, trang 265.

Comments are closed.