Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào

Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào (Cv 10,34)

Trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo Do Thái thời xưa, họ chỉ chấp nhận và ý thức rằng ơn cứu độ chỉ dành cho người Do Thái. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. (Cv 10, 34-35)

I.Vấn đề đặt ra

Trong đường hướng huấn luyện Chủng Sinh của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, chương trình mục vụ được thực hiện trong các ngày Chúa Nhật, trừ ngày Chúa Nhật tĩnh tâm tháng và những ngày Chúa Nhật có chương trình đặc biệt. Mục đích để khơi dậy và khơi lên tinh thần cũng như lòng khao khát ý thức mục vụ truyền giáo nơi các Chủng sinh; giúp các Chủng sinh có cảm thức những nhu cầu mục vụ chính yếu trong thời đại hôm nay; tạo cơ hội để các chủng sinh có thể tiếp xúc, đụng chạm đến những nhu cầu mục vụ truyền giáo; học hỏi kinh nghiệm nơi những vị đang dấn thân phục vụ trong các môi trường mục vụ truyền giáo. Do đó, các Chủng sinh sẽ được hướng dẫn đến với những môi trường mục vụ truyền giáo khác nhau như: học kỹ năng mục vụ, người bệnh, người già, giới trẻ, thiếu nhi, di dân, ơn gọi, sinh viên, tân tòng, truyền giáo[1]…Trong bài viết cảm nhận mục vụ này, xin được gợi lên những cảm nghiệm riêng tư đối với những người tân tòng, những người được xem là đứa con sinh sau nhưng lại cùng nhau tiến bước, cùng hòa một nhịp hướng về hạnh phúc mai sau.

 

II.Mỗi người tân tòng là một câu chuyện.
1.Tôi là tân tòng nhưng tôi một lòng với Chúa với gia đình tôi.

Hằng năm, vẫn có nhiều người đến xin học đạo, để được rửa tội và gia nhập vào đạo Công giáo của chúng ta. Có thể nói, những người này luôn ý thức về một Thiên Chúa là Đấng họ cần tôn thờ. Họ tin, họ học hỏi giáo lý, và họ xin chịu phép rửa. Hình ảnh của Conêliô trong sách công vụ tông đồ là một biểu trưng rất rõ ràng cho một người tân tòng sau khi nghe Thánh Phêrô giảng dạy đã tin vào Chúa và chịu phép rửa, không chỉ là Conêliô mà còn là cả gia đình của ông. Điều này, rất đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi “Ông Phê-rô còn đang giảng dạy, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa” (Cv 10,44). Họ là tân tòng nhưng họ một lòng mến Chúa.

Thật vậy, hình ảnh những người tân tòng gợi lên một điều gì đó rất thiêng liêng cao quý của một niềm tin vào Thiên Chúa. Bởi không ít những người tân tòng, sau khi đã lãnh nhận phép rửa họ đã sống đạo như và thậm chí hơn những người đạo gốc. Họ trung thành trong đời sống cầu nguyện, lễ lạy, kinh kệ, tham gia tích cực các công tác mục vụ Giáo xứ, nhiệt thành không trễ nải, vui mừng đón nhận tất cả những gì mà cuộc sống mang đến.

Câu chuyện về một gia đình nọ, chồng là người đạo gốc vợ là người tân tòng. Tuy nhiên, biến cố trong đời ập đến, anh chồng gặp một tai nạn nhỏ khiến anh trở nên không còn tỉnh táo và ra điên khùng chẳng nhận ra ai với ai. Người vợ, người con thân thương trong gia đình anh cũng chẳng biết gì về họ nữa. Số phận thật bi đát và chua chát làm tan nát cõi lòng của con người. Tuy vậy, người vợ tân tòng ấy vẫn âm thầm chăm sóc, một lòng chung thủy với người chồng tâm thần bất an ấy. Bà một mình làm thuê để nuôi dưỡng người bạn đời của mình cũng như đứa con đang còn tuổi ăn tuổi học. Có dịp hỏi bà, điều gì khiến bà sống trung thành với người chồng hiện tại như vậy? Đơn giản chỉ là một ngày làm vợ chồng thì cả đời là gia đình, một ngày có tình yêu thì cả đời là một trái tim, một xương, một thịt. Thật đáng để những người gốc công giáo suy nghĩ về đời sống gia đình trong xã hội và cuộc sống hôm nay và cũng thật đáng suy nghĩ hơn nữa cho những người đã bước và đang bước theo Chúa hôm nay. Tôi sẽ làm gì để làm rạng danh Chúa và ghi danh mình là người mục tử nhân lành có tấm lòng thương xót nơi những anh chị em và những gia đình tân tòng đang cần sự đồng hành và giúp đỡ của tôi?

2.Người vợ có đạo gốc là công giáo nhưng lại bỏ người chồng là tân tòng khi anh gặp hoạn nạn.

Thực tế hôm nay tại nhiều Giáo phận các gia đình đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về kinh tế, về vùng miền, về văn hóa, về tương quan giữa cha mẹ và con cái. Thật vậy, những câu chuyện dở khóc dở cười trong gia đình vẫn xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo, trên các phố chợ, khu xóm khi người ta bàn tán nhau về những câu chuyện đánh ghen, ngoại tình, mẹ chồng nàng dâu cặt mặt nhau đưa nhau lên mạng, phanh phui chuyện gia đình. Thật chẳng ra làm sao…khi những chuyện như vậy vẫn xuất hiện trong nhiều gia đình hiện nay và khiến chúng ta phải suy nghĩ? Chúng ta sẽ làm gì để đồng hành với các gia đình? Chúng ta sẽ hy vọng gì để mọi gia đình luôn là tổ ấm yêu thương của những đứa trẻ đang cần đến vòng tay của Cha Mẹ chúng?

Câu chuyện đang được viết lại dưới đây khiến chúng ta suy nghĩ, liệu rằng những người đạo gốc công giáo đã thực sự sống đạo và sống tốt vai trò là người ng giáo trong bối cảnh Giáo hội đang đẩy mạnh công cuộc truyền giáo của mình. Có dịp đến thăm, tìm hiểu và nghe các ông trùm thuật lại, anh chồng là một người tân tòng rất đạo đức và sốt sắng trong các công việc của Giáo xứ, cô vợ có chí làm ăn nên kinh tế gia đình rất khá giả, thậm chí đã từng là mạnh thường quân của Giáo xứ để cộng tác với mọi người trong việc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, cuộc sống đâu lường trước được gì, những giá trị, những gì mình tưởng là trường tồn lại sụp đổ một cách khiến ai cũng cảm thấy đau đớn. Anh chồng trong một lần làm hàn khung sắt đã vô tình bị một cây sắt nặng đổ xuống ngang đầu. Tai nạn này đã để lại dư chấn mạnh khiến anh lờ đờ về tinh thần, chậm chạp về thể xác. Một người đàn ông đang ở một độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con ngoan, ai cũng cảm thấy anh có một cuộc hôn nhân viên mãn, một cuộc đời, một gia đình đáng sống, đáng tự hào. Bỗng chốc tất cả đều sụp đổ, sụp đổ tan tành về tinh thần, sụp đổ tan nát về gia đình. Người vợ vốn dĩ anh yêu thương, hai đứa con gái vốn dĩ là con ngoan trong con mắt, trong tâm hồn anh lại quyết định rời bỏ anh. Tất cả trở về số không. Anh không còn gia đình, không còn vợ, không còn con. Anh mất tất cả. Tuy nhiên, hỏi thăm mới thấy người tân tòng này vẫn ở vậy, một mình tự chăm sóc bản thân dù thể xác không được nhanh nhẹn như trước đây. Anh vẫn đón nhận Mình Thánh Chúa hằng tuần, hàng tháng. Anh vẫn vui vẻ dù nụ cười không còn dòn dã, không còn tỏa nắng như cái thuở ban đầu…Hy vọng rằng mọi gia đình Công giáo, dù là đạo gốc hay đạo theo xin những người chồng người vợ cần nhớ lời tuyên hứa khi cử hành bí tích hôn nhân: “Anh (em) hãy nhận lấy gia đình này như là mái ấm yêu thương của nhau hứa một lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu và hứa tôn trọng nhau suốt đời”.

3.Ba người con được rửa tội nhưng lại không được sống đạo vì bà nội nghiêm cấm và đe dọa.

Mỗi người là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện là một tình tiết. Mỗi tình tiết trong câu chuyện có thể khiến người nghe đau xót và xúc động. Có thể nói, không ai có thể cảm nhận hết được hoàn cảnh và nỗi đau tâm hồn của người khác dù mình có lắng nghe và đồng cảm với họ một cách thân thiết nhất. Thật vậy, câu chuyện được thuật lại dưới đây như một lời mời gọi, như một niềm hy vọng và như một lời cầu nguyện cho một gia đình Công giáo có vợ là đạo gốc lấy chồng là người tân tòng.

Anh chị lấy nhau trong sự vui mừng và chúc phúc của hai gia đình. Cả hai sinh được 3 người con trai đều được rửa tội. Nhưng cái trái ngang là cả ba đứa trẻ này không được học giáo lý, không được đi lễ, không được liên quan gì đến nhà thờ bởi sự nghiêm cấm và đe dọa của bà nội, vốn dĩ là một phật tử trung thành. Một điểm khó khăn ở cái đình tân tòng này đó chính là khoảng cách từ nhà ở đến nhà thờ lại quá xa nên việc sống đạo, đi lễ, kinh kệ cũng là một trở ngại. Căn nhà không có lấy một cái bàn thờ Chúa đúng nghĩa bởi lý do thì chúng ta đều có thể hiểu. Khi nghe người vợ trong gia đình trải lòng, mới thấy được đồng cảm nhưng không thể hiểu hết được nỗi đau, nỗi uất mà chị đang trải qua và đang phải hứng chịu. Dù có cố gắng, có lén lút hay công khai đến nhà thờ để sống đạo thì vẫn bị người mẹ chồng lên án. Bà còn đe dọa mấy đứa cháu của bà “nếu mà đi lễ đi đi nhà thờ thì về bà đánh”. Thế nên, mấy đứa cháu nhỏ đứa nào cũng sợ, đứa nào cũng phải nghe lời của bà. Vậy nên, mấy đứa cháu trai đứa nào cũng đến tuổi khôn mà không đứa nào biết gì về đạo nghĩa, chỉ lắp bắp đôi ba lời kinh đơn giản do người mẹ công giáo dạy vào buổi tối trước khi đi ngủ…

Câu chuyện vẫn còn bỏ ngỏ, vẫn đang tiếp diễn trong thực tế hôm nay. Cái khổ, cái đau vẫn còn. Trái tim vẫn còn thổn thức nơi người vợ, người mẹ của gia đình tân tòng ấy…

III.Tạm Kết

Hành trình mục vụ luôn là một hành trình mở ra với những câu chuyện đầy tính hiện thực đặc biệt nơi đời sống của các gia đình công giáo, đặc biệt là những gia đình tân tòng. Chúng ta chỉ dám hy vọng và cố gắng hy sinh những gì mình đang có để như một lời cầu nguyện cho các gia đình ấy. Dẫu biết rằng, chúng ta không thể cảm nhận được hết những gì họ đang trải qua, những gì họ đang vất vả mang gánh nặng nề. Tuy nhiên, lời mời gọi của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma giúp chúng ta hy vọng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35-37). Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) và Ngài mời gọi chúng ta hãy giữ lấy tình yêu ấy. Bởi chính tình yêu là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua và chiến thắng tất cả. Cần nhắc lại rằng: Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào (Cv 10,34) miễn là người đó can đảm sống, sống đức tin, sống đức cậy và đức mến. Vì Chúa vẫn trung thành mãi dù ta có không trung thành, Người vẫn một lòng trung thành, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).

.

.

.

    

  1. Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, “Đường hướng huấn luyện Chủng Sinh”, tr 26-27.

Comments are closed.