VI. Thờ kính tổ tiên hôm nay và ngày mai
Những tranh luận về “lễ phép nước Ngô” đã là lui vào dĩ vãng. Nhưng vấn đề phải đặt ra là : sau khi huấn thị Plane compertum và hướng dẫn của HĐGMVN đã chính thức du nhập vào sinh hoạt giáo hội các nghi lễ thờ kính tổ tiên, chúng ta phải làm gì để cuộc hội nhập ấy không chỉ dừng ở hình thức, mà còn phát huy được những giá trị văn hóa đích thực, những giá trị luân lý và những giá trị đức tin.
Nếu xét theo hình thức, thì tranh luận về lễ nghi đã kết thúc, từ nay mọi hành vi cử chỉ đều có thể được áp dụng, tối thiểu là vì lý do xã giao. Theo chiều kích luân lý, các tín hữu cử hành các lễ nghi ấy với lòng thảo hiếu, cũng là để chu toàn giới răn Chúa, nghĩa là một bó buộc lương tâm. Còn theo chiều kích đức tin, người tín hữu khi tiến hành thờ kính tổ tiên, vẫn phải luôn hướng về Thiên Chúa là nguồn cội của tiên tổ. Trong các nghi thức, cùng với tâm tình hiếu thảo, họ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên được hạnh phúc vĩnh cửu, xin các ngài chuyển cầu cho con cháu, và hướng đến ngày đoàn tụ với các ngài trên thiên quốc muôn đời.
Do đó, để cuộc hội nhập nghi lễ thờ kính tổ tiên được trọn vẹn, giáo hội còn nhiều việc phải làm. Muốn cho các nghi lễ ấy phản ảnh được đức tin công giáo, cần có những hướng dẫn cụ thể và thống nhất về nhiều nội dung. Chẳng hạn như quy định về bàn thờ tổ tiên, những câu đối vừa diễn tả lòng thảo hiếu vừa diễn tả được niềm tin, diễn tiến phù hợp cho các buổi lễ, giáo huấn của Chúa qua Kinh Thánh, các mẫu kinh chung, bản văn đọc khi cúng giỗ, bản văn cáo gia tiên trong hôn lễ hay trong các biến cố quan trọng, trong ngày họp mặt gia đình dịp tất niên và tân niên …
Thực ra ta có thể thấy, đáng mừng là đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến từ phía các vị mục tử và cả giáo dân :
Trước tiên ta thấy, với đa số các gia đình công giáo, dù không là trưởng nam, ngoài thói quen xưa nay là xin lễ, cầu nguyện và kinh giỗ, đều có trưng bày hình ảnh ông bà cha mẹ đã qua đời trong nhà, thường là ngay dưới bàn thờ Chúa, nơi gia đình quen tụ họp đọc kinh. Nếu không có tủ thờ hay bàn thờ riêng biệt, thì ít ra cũng thấy có một kệ nhỏ để trưng hoa, thắp nến hoặc cắm hương …
Một số giáo trình giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống gia thất, đã có các bài học về lòng thảo hiếu, những nghi thức cáo gia tiên trong hôn lễ, cùng với Lời Chúa và lời dẫn giải và các bài hát.
Tại nhiều giáo xứ, các cha xứ cùng với giáo dân, đã tổ chức cách long trọng thánh lễ tại nghĩa trang ngày mùng hai tết và vào đầu tháng các linh hồn, tạo cơ hội thuận lợi cho các gia đình viếng thăm, sửa mộ và thắp một nén nhang cho người thân của mình.
Một số giáo xứ khác, sáng kiến tổ chức nghi thức con cháu chúc thọ, dâng hoa, biếu quà cho cha mẹ ông bà ngay tại nhà thờ vào ngày đầu xuân, ngày lễ thánh gia, ngày của cha (father’s day) hoặc ngày của mẹ (mother’s day).
Đặc biệt xin ghi nhận đóng góp âm thầm nhưng sâu sắc của những bài thánh ca “cầu cho cha mẹ”, mà nhiều tín hữu yêu thích đến độ thuộc lòng, đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng lòng hiếu thảo với cha mẹ, còn sống hay đã khuất. Đẹp biết bao khi cả gia đình hoặc cộng đoàn sốt sáng hát lên những lời kinh chân thành như : “Xin cảm tạ Cha xin cảm ơn Trời, đã ban cho đời con có Mẹ Cha. Công Cha thì cao cao hơn là núi Thái, nghĩa Mẹ dạt dào như sóng trào biển đông…”.
Hoặc “Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn … Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan”.
Phải chăng đã đến lúc cần có một ủy ban gồm các nhà chuyên môn về văn hóa và phụng vụ, tổng hợp những sáng kiến, biên soạn các thủ bản phổ biến đến các giáo xứ và các gia đình. Cuộc hội nhập văn hóa sẽ chỉ thực sự trọn vẹn khi tạo được một nếp sống đạo trong giáo hội, được diễn tả trang trọng như một nghi lễ, được cử hành với tâm tình đạo đức trong từng mái ấm gia đình và có khả năng truyền tụng từ đời nọ đến đời kia.
Trong một giai đoạn xã hội có nhiều biến chuyển theo hướng thực dụng, giáo hội cần phải kiên trì bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình. Với những người trẻ, vì nhiều lý do phải sống xa gia đình, các vị mục tử cần nỗ lực nhiều hơn để giúp họ không quên cội nguồn, biết phát huy di sản các bậc tổ tiên để lại. Với mỗi người tín hữu, phải biết trân quý nề nếp gia phong, chu toàn trách nhiệm với các bậc tiền bối cũng là cách tốt nhất để xây dựng tương lai.
Làm thế nào để đức tin có thể làm thăng hoa những giá trị tích cực trong văn hóa thờ kính tổ tiên của dân tộc ? Đó là đề tài lớn, cần đến sự đóng góp của mọi người.
Tải về: Thờ_kính_tổ_tiên.doc
————————————————————————-
[1] Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tinh Việt Văn Đoàn 1961, tr 11-14.
[2] Chân đạo yếu lý, sách bổn giáo lý do đức cha François Puginier Phước, Hà Nội cho in tại Ninh-Phú-Đường, năm 1882, tr 47-52.
[3] Xin coi hiến chế Giáo hội số 49-50
[4] Người Việt nói chung tin rằng chết không phải là hết, ông bà tổ tiên vẫn quanh quẩn bên người thân để che chở cho con cháu. Trong Phật giáo, con cái cầu siêu và làm điều lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ.
[5] Bùi Đức sinh : Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, q II, Calgary 1999, trang 150-157. Étiemble, Les Jesuites en Chine, La querelle des rites (1552-1773), Paris, 1966, tr. 103-106.
[6] Tên Trung Hoa Li Ma-teou, dịch là Lợi Mã Đậu hay Lý Mã Thi
[7] Thông cáo HĐGMVN 1974, số 1, có đề cập đến nội dung này.
[8] Có lẽ là đền Thiên Đàn ở Bắc Kinh là đền thờ đạo Lão.
[9] Bài vị : thẻ bằng gỗ hoặc giấy cứng (đặt trên đế, trên ngai hoặc trong khám), giữa bài vị ghi tên, chức tước, hai bên ghi ngày sinh tử của người được thờ, gọi là thần chủ. Thường các gia đình đặt bài vị năm đời : cao, tằng, tổ, kị, cụ….
[10] Thông cáo HĐGMVN 1974 xác định : được phép dâng hương, nến, hoa, quả, trà … chỉ trừ thực phẩm.
[11] Hứa (promitto), khấn (voveo) và thề (juro).
[12] Octo permissiones. Les Jesuites en Chine, sđd., tr. 137-138.
[13] Constitutio Ex quo singulari; Compendium Theologia moralis, T. III, Ninh Phú, 1893, Phụ lục, tr. XXI. Bản dịch Việt ngữ của đức cha Retord Liêu năm 1841 phần Phụ lục, tr. XXVII.
[14] Theo giáo lý, chỉ có Chúa mới ban ơn, còn Đức Mẹ và các thánh thì chuyển cầu trước tòa Chúa. Ngày nay tín hữu công giáo đã du nhập từ “thờ” theo nghĩa chung khi đặt tượng thờ, làm bàn thờ, khi lập bàn thờ ông bà, hoặc rước ảnh tượng để thờ.
[15] A. de Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr. 80-92. Bản Việt Ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, 1994, tr 49-59.
[16] A. de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr. 76-77.
[17] Lm. Juan de La Paz OP, TBN, hoạt động tại Philippines, từng là Viện trưởng Đại học Santo Tomas (lập năm 1645 ở Manila).
[18] Opusculum in quo 274 quaesita a RR.PP. Missinariis Regni Tunkini proposita totidemque Responsiones ad ipsa continentur, expeditae per Adm. R.p. Fr. Joannem de Paz In-4°, Manila, 1680, 218 tr. Năm 1687, cha La Paz xuất bản cuốn Respueta à 274 questiones de los Missioneros de Tunquin.
[19] A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine. I, Paris 1924, tr. 608-609.
[20] Cha Giovanni Sanna SJ (1668-1726), truyền giáo tại Mexico và Ecuador, đến Đàng Trong 1714, đi Quảng Châu (1722-1724) rồi về Đàng Trong và ở trong Thái Y viện chúa Nguyễn; qua đời tại Hội An. Xc BAVH, 1919, tr. 516-517 và năm 1921, tr. 192.
[21] A. Launay, Sđd. tr. 601-602.
[22] Pierre Heutte MEP, truyền giáo tại Xiêm La từ 1704, đến Đàng Trong năm 1712, qua đời tại Huế 1719.
[23] Eugène Louis Louvet MEP (1838-1900), tới Sàigòn năm 1873. Tác giả bộ La Cochinchine religieuse gồm 2 tập.
[24] Louvet, La Cochinchine religieuse, T. I, Paris, 1885, tr. 459.
[25] A. Launay, Sđd, T. III, Paris, 1925, tr. 320-336.
[26] Barthélemy Boisserand, đến Đàng Trong 1787; qua đời 1797 tại Tân Triều. Xc. A, Launay, Sđd, T. III, tr. 322- 323.
[27] Như trên, tr. 321.
[28] Jean Labartette, MEP (1744-1823); đến Việt Nam 1773; giám mục phó Đàng Trong 1784; qua đời tại cổ Vưu, Quảng Trị.
[29] A. Launay, Sđd, T. III, tr. 328.
[30] Thư năm 1796 gửi cha Boiret. Xc Launay, Sđd, tr. 339- 340.
[31] Mãn Châu độc lập năm 1932 sau khi tách ra khỏi Trung Hoa, gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, và Liêu Ninh.
[32] Tính từ tông huấn Ex Quo là 197 năm (1939 – 1742)
[33] http://dongten.net/noidung/8161. Bản Việt Ngữ : cha Đỗ Quang Chính, SJ, theo bản tiếng Pháp của Achard, Le Siege apostolique et les Missions, textes et Documents pontificaux, Fascicule II 2nd, Édition Lyon, 1959, tr. 152-155.
[34] Giáo luật 1917, điều 22: Luật ra sau, do nhà chức trách có thẩm quyền, bãi bỏ luật ra trước, nếu luật ra sau nói rõ như thế, hoặc luật ra trước trực tiếp mâu thuẫn với luật ra sau.
[35] Giáo luật năm 1917 : Điều 1258 §1. Người tín hữu không được phép tham dự cách chủ động bằng bất cứ cách nào, hoặc tham dự một phần trong các nghi lễ của người không công giáo.
§2. Trong các nghi lễ an táng người không công giáo, các đám cưới và những cuộc lễ long trọng tương tự, có thể chuẩn chước cho người tín hữu hiện diện cách thụ động hoặc chỉ có tính cách bề ngoài, vì trách nhiệm dân sự hoặc vì danh tiếng, miễn là không có nguy hiểm làm gương mù và sinh tội, trường hợp nghi ngờ thì phải được Giám mục xác nhận vì lý do nghiêm trọng.
[36] Đức Piô XII, sinh năm 1876, giáo hoàng 1939-1958.
[37] Sacerdos Linh mục nguyệt san, số 36, tr. 892.
[38] Sacerdos Linh mục nguyệt san, số 43, tháng 7-1965, tr 489-492.
[39] Bản văn hiện nay là : “… đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và thân bằng quyến thuộc chúng con”.
[40] Sacerdos Linh mục nguyệt san số 156, năm 1974, tr. 878-880.