Hành Trình Hội Nhập Gian Truân Nghi Lễ Thờ Kính Tổ Tiên

II. Tranh luận và việc cản trở nghi lễ tổ tiên [5]
   Các thừa sai Tây phương khi đến Trung Hoa và Việt Nam, đều bỡ ngỡ trước các nghi lễ, phong tục địa phương, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên. Có vị thấy đây chỉ là nghi lễ tôn kính dân sự, vị khác thì cho là mê tín dị đoan không phù hợp với đức tin. Đưa đến một cuộc tranh luận dài về “nghi lễ Trung Hoa” quen gọi là về “lễ phép nước Ngô”. Cuộc tranh luận xảy ra tại Trung Hoa, nhưng ảnh hưởng đến các nước lân cận như Việt Nam. Dựa vào ý kiến của một số thừa sai, Toà thánh khi thì nghiêm cấm, khi cho phép với điều kiện. Tính từ lệnh cấm lần đầu năm 1645 đến tông huấn Ex quo năm 1742, cuộc tranh luận kéo dài xấp xỉ một trăm năm.

   Trong thế kỷ XVI nhiều đơn vị truyền giáo theo đường biển đã đến Trung Hoa. Dòng Tên lập cơ sở tại Macao năm 1565, có giám mục tiên khởi Melchior Carneiro SJ vào năm sau, và có vị thừa sai rất nổi tiếng là cha Matteo Ricci (1552-1610)[6]. Ngài thông thạo ngôn ngữ, triết học và phong tục Trung Hoa. Với chủ trương hội nhập vào văn hoá, xã hội địa phương, ngài viết sách giáo lý, thiên văn, toán học, triết học, và từ điển bằng tiếng Hoa… Tiếp nối con đường đó, các giáo sĩ Dòng Tên cho phép tín hữu Trung Hoa được thi hành nghi lễ kính Đức Khổng và người qua đời theo truyền thống.

 2.1. Những bước truân chuyên\

    Năm 1645 sắc lệnh đầu tiên ngăn cản các tín hữu cúng bái tổ tiên và đức Khổng mới được đức Innocentê X ban hành. Nhưng diễn tiến đã bắt đầu từ năm 1633, khi hai cha Juan Moralez dòng Đaminh và Anton Caballero dòng Phanxicô, từ Philippines đến Trung Quốc. Hai cha “sốc” khi thấy cách các tín hữu ở Mai Dương, tỉnh Phúc Kiến, thi hành các nghi lễ có dáng dấp mê tín dị đoan. Cụ thể như thực hành “hồn bạch”, là miếng vải trắng ghi tên người qua đời đặt trên quan tài khi an táng, sau đó đem về đặt trên bàn thờ để nhận lời khấn nguyện và nghi lễ thảo kính của con cháu. [7]

   Năm 1635, hai cha viết thư cho cha Manuel Dias (1574-1659), phó giám tỉnh dòng Tên tại Trung Hoa, hỏi các vị căn cứ vào đâu để cho phép, nhưng không nhận được câu trả lời. Thái độ của hai cha đã khiến chính quyền địa phương nổi giận. Cha Moralez và cha Francisco Diaz OP, bị bắt giam, bị cùm, bị đòn đánh và bị trục xuất về Macao.

   Ở Macao năm 1639, cha Moralez lại gửi thư cho cha Dias tiếp tục nêu 9 câu hỏi tại sao ! Và phê bình các cha dòng Tên, lấy cớ là chọn điều ít xấu hơn, dễ dàng ban phép xá giải cho những ai đã thực hành những nghi thức trên.

   Qua lá thư, ta biết các cha dòng Tên đã từng cho phép tín hữu : được góp của cúng; được phủ phục và dâng nhang tại đền Chin-Hoan [8]; được đến Văn miếu hành lễ và cử hành nghi thức kính đức Khổng ; được ăn của cúng, mà theo cảm nghĩ của giới bình dân, để được đức Khổng và thần thánh phù  trì; được dự lễ an táng với những nghi thức địa phương; được đốt nhang nến và bái lạy trước bài vị [9] người ngoại đạo. Ngoài ra, các cha dòng Tên còn cho phép tín hữu được tôn kính tổ tiên trong nhà và tại phần mộ, được dâng cúng thịt, cá, nến, nhang …[10] Các vị chỉ hạn chế ba điều là không đốt vàng mã; không tin hồn người chết hiện diện trong khi cử hành các nghi lễ; và không cầu khấn gì với người chết.

    Không nhận được thư hồi đáp, cha Clementê Gan bề trên dòng Đaminh, đề nghị cha Manuel Dias SJ bàn hỏi với những người thông thạo vấn đề, được chọn ra từ các Dòng tu. Nhưng cha Dias vẫn im lặng ! Các bề trên hai dòng Phanxicô và Đaminh liền cử hai cha Juan Moralez và Anton Caballero về Roma để trình bày 17 vấn nạn lên Toà thánh.

    Dựa vào các thông tin của hai vị thừa sai, năm 1645 đức Innocentê X ra sắc lệnh cấm các thừa sai cho phép, và buộc các tín hữu ngưng thi hành các nghi lễ cúng bái tổ tiên hoặc đức Khổng. Sắc lệnh được công bố tại Goa, Manila và Macao. Hậu quả của lệnh cấm này là cha Francisco Capillas OP, chịu tử đạo vào năm 1648. Năm 1649, cha Moralez trở lại Macao, đích thân báo cho cha Dias lệnh cấm trên, vị này xác định mình sẽ trình bày rõ ràng hơn sự việc với tòa thánh.

 2.2. Giai đoạn lắng dịu

   Năm 1651, cha Martini dòng Tên được cử về Roma để trình bày. Theo cha Martini, dân Trung Hoa hoàn toàn không tôn thờ Đức Khổng, mà chỉ tỏ bày lòng tôn kính của môn sinh với thầy; và đây chỉ là những nghi lễ dân sự chứ không phải tôn giáo. Lập trường cha Martini trình bày dựa vào giới nho sĩ, chứ không căn cứ vào thực hành của giới bình dân, vốn chịu ảnh hưởng ít nhiều niềm tin dân gian.

    Dựa vào trình bày của cha Martini, ngày 23-3-1656, Bộ Đức Tin (Saint office, Thánh Vụ) công bố sắc lệnh mới, được đức Alexandro VII phê chuẩn, cho phép kính bái tổ tiên: “cho phép cử hành những nghi thức thuần túy dân sự và chính trị” kèm với lời nhắc nhở “xa tránh những dị đoan.”

    Giai đoạn này dòng Tên tại Pháp, đang hứng chịu nhiều công kích của phái Jansen. Nhà toán học, vật lý và triết gia Pascal, trong thư thứ năm gửi giám tỉnh dòng Tên năm 1658, có đề cập đến việc dòng Tên cho phép nghi lễ cúng bái tổ tiên. Ông nói : các giáo sĩ dòng Tên dám cho phép giáo hữu thờ Quan Âm và Đức Khổng với điều kiện giấu ảnh Chúa Giêsu trong mình mà thầm thĩ kêu xin !

   Nhiều người tán thành quyết định cho phép năm 1656 của đức Alexandro VII. Họ coi quyết định năm 1645 trước đó của đức Innocentê X không còn giá trị. Những người khác, nhất là phái Jansen và đại học Sorbonne, vẫn theo quyết định cũ năm 1645. Thế thì bên nào đúng bên nào sai ?

   Để trả lời, ngày 20-11-1669 Bộ Đức Tin xác định : cả hai sắc lệnh đều giá trị và phải được tuân giữ, theo nguyên tắc “nếu là nghi lễ thờ ngẫu tượng thì cấm ngặt, nếu là nghi lễ dân sự thì cho phép”.

Câu trả lời khiến cho hai phe tại Đông Á có vẻ như hoà hợp hơn, vì được quyền chọn lựa theo sắc lệnh 1645 hay 1656. Đặc biệt, các vị xích lại gần nhau hơn mữa, khi 23 thừa sai của ba dòng bị giam chung một nhà tại Quảng Châu năm 1665. Họ ký vào một văn bản tuân theo hướng dẫn cho phép của đức Alexandro VII.

2.3. Căng thẳng tại Phúc Kiến

    Thế nhưng, từ năm 1693 cuộc tranh luận lại bùng phát, khi đức cha Charles Maigrot thuộc hội Thừa sai Paris (MEP), giám mục Phúc Kiến, kế vị đức cha Pallu từ năm 1687, chỉ thị cho các thừa sai trong giáo phận bốn điều :

    1- Chỉ được dùng từ Thiên Chủ để chỉ Thiên Chúa, loại bỏ hoàn toàn hai từ Thiên và Thượng Đế; 2- Cấm các nhà thờ treo hoành phi có hai chữ Kính Thiên. Nếu đã treo, phải tháo gỡ trong hạn hai tháng; 3- Không được cho phép tín hữu cử hành hay tham dự các cuộc tế tự kính Đức Khổng và người đã khuất. 4- Cấm phổ biến các nội dung như: “Nếu hiểu đúng, triết học Trung Hoa chẳng có gì trái ngược với đức tin Kitô giáo”; “Việc kính lễ Đức Khổng và các thần, có tính chính trị hơn là tôn giáo”; “Sách Kinh dịch là một toát yếu hay một tổng luận học thuyết trổi vượt về vật lý và luân lý”.

    Đức cha cử thừa sai Charmot MEP, đi Rôma trình bày lập trường của mình. Đức Innocentê XII (1691-1700) trao cho bốn vị hồng y nghiên cứu. Dựa vào ý kiến các hồng y và hai tác phẩm mới xuất bản của hai cha dòng Tên Lecomte và Gobien, ngày 18-10-1700, phân khoa thần học Sorbonne lên án việc thờ kính tổ tiên và Đức Khổng, đồng thời kết án các quan điểm cho rằng : Dân tộc Trung Hoa đã bảo tồn từ xa xưa nhận thức một Thiên Chúa chân thật, và là mẫu gương cho nhiều dân tộc trong việc tôn kính Chúa. Dân tộc Trung Hoa đã có một nền luân lý cũng tinh tuyền như Tôn giáo.

    Những diễn biến trên đã khiến cho sinh hoạt tôn giáo tại Trung Hoa đang an bình bỗng gặp cơn giống tố. Vua Khang Hy chuyển thái độ thân thiện sang hận thù, và ra lệnh trục xuất các thừa sai.

   Tại Roma, hai phe đối lập vẫn tiếp tục hoạt động ráo riết. Đức Clementê XI (1700-21) nỗ lực muốn tìm một quyết định xác đáng, vừa bảo vệ toàn vẹn đức tin vừa không phương hại đến công cuộc truyền giáo. Ngài triệu tập nhiều nhà thần học, hai vị giám mục tông tòa tại Trung Hoa (một vị Phanxicô một vị Augustinô), đại diện các dòng tu và một số nhà truyền giáo khác, về Roma dự nghị hội do đức thánh cha đích thân chủ tọa. Mỗi người được tự do trình bày ý kiến bênh hoặc chống, quyền quyết định thuộc Tòa thánh.

    Kết cuộc, đức Clementê XI ra một tông hiến ngày 20-11-1704, chấp thuận những luận điểm của Bộ Đức Tin, tương tự với các chỉ thị của đức cha Maigrot : Cấm dùng từ Thiên hay Thượng Đế để chỉ Thiên Chúa; Cấm trưng bày hoành phi có hai chữ Kính Thiên; Cấm chủ sự hoặc tham gia lễ tế Đức Khổng và người quá cố ; Cấm tế Đức Khổng ngày một và rằm mỗi tháng; và Cấm đặt bài vị trong nhà.

   Tông hiến được trao cho đức cha Maillard Tournon, thượng phụ giáo chủ hiệu tòa Antiokia, đang làm đặc sứ Tòa thánh tại các xứ Truyền giáo tại Đông phương. Ngài có nhiệm vụ đến Trung Hoa công bố và hướng dẫn thi hành. Ai không tuân lệnh, tức khắc bị vạ tuyệt thông.         

   Thượng phụ Tournon đi qua ngả Macao, đến Bắc Kinh năm 1705, gặp gỡ và trao đổi với vua Khang Hy. Ngài tỏ ra can đảm và cương quyết nhưng thiếu tế nhị, khi truyền tháo gỡ bảng “Kính Thiên” do chính vua Khang Hy chấp bút, đã được gắn trên mặt tiền thánh đường Bắc Kinh. Tại Nam Kinh ngày 25.1.1707, ngài công bố sắc lệnh chính thức bác bỏ lễ nghi Trung Hoa, vì “không phù họp với giáo lý Công giáo”. Tình hình trở nên căng thẳng hơn. Sứ thần Tournon bị vua Khang Hy trao cho người Bồ Đào Nha ở Macao canh giữ. Nhiều thừa sai bị trục xuất. Sứ thần Tournon được Tòa thánh phong tước hồng y và qua đời ngày 8-6-1710. Ngày 25-9-1710, đức Clementê XI ban một Tông hiến khác, châu phê sắc lệnh Nam Kinh 1707, đồng thời cấm tranh luận và cấm khiếu nại về vấn đề lễ nghi.

 2.4. Đến tông hiến Ex illa die năm 1715

    Roma ngày càng cương quyết với lập trường cấm việc thờ kính tổ tiên theo nghi lễ Trung Hoa. Ngày 19-3-1715, Đức Clementê XI công bố Tông hiến Ex illa die, tái xác định hai tông hiến năm 1704, 1710, và sắc lệnh Nam Kinh 1707, buộc mọi người phải hoàn toàn vâng phục.

   Tông hiến ra lệnh chấm dứt tranh luận. Cấm không được phản đối, bàn cãi, hay xin toà thánh xét lại… và buộc các thừa sai phải thề vâng phục mới được cử hành các bí tích trong giáo phận cũng như trong nhà dòng riêng mình. Sau đây là “bản mẫu lời thề” :

   “Tôi là N….  Tôi sẽ vâng phép Toà thánh truyền dạy về các lễ phép dối trá nước Trung Hoa trong Hiến chế của đức Clementê XI, đã lệnh phải tuyên thệ theo mẫu lời thề này. Tôi đã đọc trọn Hiến chế ấy cách kỹ càng, tôi xin vâng giữ trọn vẹn, cách chính xác, tuyệt đối và bất khả xâm phạm đúng như Hiến chế dạy, mà chẳng dám thoái thác cách nào. Nếu tôi không giữ như vậy, thì hễ lần nào tôi lỗi phạm, tôi cam đoan chịu phạt vạ như Hiến chế qui định. Vậy tôi xin đặt tay trên sách Phúc âm này mà hứa, khấn và thề. [11] Xin Thiên Chúa cùng sách Phúc âm của Chúa phù hộ cho tôi”.

   Tôi là N., chính tay tôi ký.

2.5. Tám điều được phép làm (năm 1721)

   Dù tông hiến Ex illa die buộc các thừa sai phải tuyên thệ vâng phục, thậm chí còn phạt vạ, nếu dám đi ngược lại, vẫn không dập tắt được các cuộc tranh luận tại Đông Á và ngay tại Roma. Nhiều thừa sai và giáo hữu tiếp tục ủng hộ văn hóa địa phương dù biết rằng Roma chỉ muốn bảo toàn tính tinh tuyền của tôn giáo và phong hoá.

   Trong tình hình đó, đức Clementê XI đặt đức cha Ambrosio Mezzabarba, thượng phụ giáo chủ Alexandria, làm Khâm sai Toà thánh sang Trung Hoa. Vị khâm sai lên đường và đến Macao ngày 20-9-1720. Tại đây, ngài giải vạ cho giám mục và cha bề trên Phụ tỉnh dòng Tên, đã bị vạ do không tuân lệnh hiến chế Ex illa die… Sau khi lên Bắc Kinh triều yết Khang Hy, đức Khâm Sai trở lại Macao và công bố ngày 4-11-1721 Tám điều được phép làm [12]. Cho phép đặt bài vị với lời phân trần theo nghi lễ dân sự, không có tính tôn giáo.

  Tám điều được phép là : 1. Được giữ Bài vị trong nhà; 2. Được làm các nghi lễ với người qua đời; 3. Được đặt bài vị và kính lễ Đức Khổng. 4. Được dâng hương nến trong lễ an táng; 5. Được lạy trước Bài vị, trước quan tài và thi hài người chết; 6. Được cúng hoa quả trước quan tài, khi ở đó có bài vị; 7. Được phép khấu đầu (sát đất) trước bài vị trong ngày đầu năm và các lễ tiết trong năm; 8. Được thắp nhang nến cũng như dâng cúng đồ ăn trước Bài vị và mồ mả.

   Các giám mục Bắc Kinh tích cực phổ biến “Tám điều được phép” của khâm sai Mezzabarba được khoảng 10 năm. Đến năm 1732 một cuộc bách hại mới gắt gao hơn bùng nổ dưới thời vua Ung Chính : hầu hết các thừa sai bị trục xuất, các thánh đường bị triệt hạ. Vấn đề lại được đưa về Roma. Ngày 26.9.1735 đức Clementê XII ra đoản sắc Apostolicae sollicitudinis, lên án “Tám điều được phép” là hoàn toàn vô giá trị, bất thành sự và phải được huỷ bỏ [13].

2.6. Tông hiến Ex quo 1742 kết thúc tranh luận

   Nhằm giải quyết dứt khoát vấn đề, ngày 11-7-1742, đức Bênêdictô XIV công bố tông hiến Ex quo, truyền dạy phải tuân theo tông hiến Ex illa die (1715), tuyên bố 8 điểm được phép nh­ư chưa hề có, bác bỏ lễ nghi Trung Hoa vì “không phù hợp với giáo lý công giáo”, phạt vạ tuyệt thông tất cả những ai bất tuân; vạ chỉ có đức thánh cha mới tha được, trừ trường hợp nguy tử. Các giáo sĩ có mẫu tuyên thệ mới, bổ sung thêm lời thề không áp dụng tám điều được phép.

   Năm 1744 đức Bênêđitô XIV cử đức cha Hilario Costa Hy, người Ý, dòng Augustinô, giám mục Đông Đàng Ngoài  làm Khâm sai Toà thánh tại Đàng Trong. Đức Khâm sai vào Đàng Trong tháng 5-1747, để công bố tông hiến Ex quo và giải quyết những tranh chấp còn lại giữa các nhóm thừa sai Paris, Dòng Tên và Phanxicô …

1 2 3 4 5 6

Comments are closed.