TÌM RA GIÁ TRỊ CỦA KHỔ ĐAU

TÌM RA GIÁ TR CA KH ĐAU

.

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền

ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc

Một trong những thắc mắc rất khó trả lời của đời sống Kitô hữu và cả những ai chọn sống đời tu trì là, “Tại sao ai cũng nỗ lực học sống yêu thương mà lại cứ xoay vần bởi đau khổ?” Tôi cũng suy nghĩ nhiều về câu hỏi này cho đời sống cá nhân, gia đình và tu trì. Nhiều cuộc gặp gỡ riêng hay nhóm bạn trẻ, tôi thường nhận thấy câu chuyện chia sẻ xoay quanh khó khăn, thử thách và đau khổ nhiều hơn là niềm vui, bình an và hạnh phúc. Chúng ta thừa nhận rằng đời sống riêng hay chung, còn đó những bất toàn, ít nhiều đau khổ; mỗi người còn đó những điểm tối, chỗ sần sùi, và cả gai góc thỉnh thoảng đâm nhau chảy máu, hoặc né nhau trong nhà, tránh nhau ngoài ngõ và không thích đụng nhau trên đường hiệp hành. Đc biệt, trong những ngày vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đang diễn ra tại Rôma về hiệp hành thì thế giới lại chứng kiến cuộc chiến thảm khốc giữa Israel và Hamas. Đau khổ và tang thương lại đổ ngập trên dân thường, người nghèo, người già, bệnh nhân và trẻ em…Tôi dành chút khoảng lặng tâm hồn và trong ánh sáng Tin mừng để tìm xem đau khổ tồn tại có ý nghĩa sâu thẳm nào mà cứ dai dẳng thế? Đọc bản văn Hiến Chương Nước Trời của Chúa Giêsu được thánh sử Matthêu ghi lạiPhúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Tôi tự hỏi: ý nghĩa tâm linh của sự bách hại là gì? Những lý do căn cốt nào của sự bách hại? và cách thức diễn tả sống công chính như thế nào? Trả lời 3 câu hỏi này phần nào giúp tôi tìm ra giá trị của đau khổ.

.

1. Ý nghĩa tâm linh của bách hại

Theo cách nhìn nhân loại, phúc thứ Tám có phần khó hiểu cũng như khó chấp nhận; bởi lẽ, chẳng ai muốn gọi tên đau khổ do bách hại là một phúc lành và cũng chẳng ai thích cuộc đời mình cứ bị bách hại đeo bám. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự bách hại vẫn diễn ra dưới nhiều tên gọi và nhiều hình thức như: bảo vệ tôn giáo, giữ gìn lãnh thổ, quyền lợi người nghèo, phẩm giá trẻ em, nhân danh cộng đoàn… hình thức này dẫn đến tình trạng bạo lực, hận thù, loại trừ và ghen ghét. Cuộc chiến tranh của Nga và Ukraina chưa có hồi kết thì lại thêm cuộc chiến của Israel và Hamas gây nên biết bao khổ đau cho phận người. Dẫu có tên gọi hay hình thức nào đi nữa thì bách hại luôn bị coi là hẹp hòi và đáng khinh chê bởi đó là cách chất thêm hận thù, đổ đầy căm phẫn và gia tăng uất hận. Cho nên, nhãn giới đời thường sẽ không hiểu và chẳng thể giải thích được bách hại là phúc lành.

Người Kitô hữu, đặc biệt người đang sống đời tu trì, có thể hiểu bách hại trong lăng kính Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh. Đọc trang Tin mừng của thánh sử Maccô, tôi thấy khó hiểu khi Chúa Giêsu tiết lộ cho các Tông Đồ biết rằng, “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.Chúng ta thử hình dung nếu biết trước ý đồ của một người làm hại mình, chúng ta có thái độ và phản ứng nào? Chờ đợi tới ngày để họ ra tay? Tìm cách đối phó? Chạy để thoát thân? Tôi đọc thấy thánh Phêrô đã dùng cáchkéo riêng Người ra và can ngăn…? (Mc 8, 32-33). Xét về mặt nhân loại, tôi cũng thích dùng cách của Phêrô và tôi cũng dễ cho rằng mình đủ khôn ngoan khi đưa ra lời khuyên.

Tuy nhiên, suy nghĩ một chút ý nghĩa bên trong, tôi nhận thấy Chúa Giêsu thể hiện thái độ quân bình, tự chủ và rất bản lĩnh. Ngài bình tĩnh nói rõ về sự bách hại đáng sợ, cho biết một sự bất công đáng khinh và thẳng thắn đề cập một sự chà đạp phẩm giá của người khác là đáng lên án. Chính thái độ của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu mục đích của việc chấp nhận bách hại là gì? Chúa Giêsu không theo chủ nghĩa ái khổ hay cổ súy cho sự bách hại nhưng ẩn chứa bên trong có một giá trị cao hơn, một sự sống tiềm tàng đang chờ sinh hoa kết trái ngang qua đau khổ. Mục đích cuối cùng để Chúa Giêsu chấp nhận cách tích cực sự bách hại là “Ba ngày sau sẽ sống lại.” Ý nghĩa tâm linh của đau khổ được tỏ lộ chỗ này. Đây cũng là định luật hạt lúa mì Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng thánh Gioan về tiến trình sự sống mới và tr sinh hoa trái (x. Ga 12, 24). Thái độ đối diện với sự bách hại của Chúa Giêsu trả lời rõ lý do tại sao chúng ta không lớn lên dẫu có trải qua đau khổ. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta dễ lên án, dễ bất mãn và không dám đối diện để vượt qua mà vươn tới; thay vào đó, ta tìm cách lẩn tránh, trốn chạy hầu mong thoát nạn cứu thân. Một anh tuổi trung niên chia sẻ với tôi nhiều đau khổ gia đình đang gặp do người vợ thiếu khôn ngoan. Anh cảm thấy mệt mỏi và không muốn sống chung nữa. Tôi hỏi anh: nếu chọn không sống chung thì 3 người con ngoan ngoãn của anh chị sẽ đi về đâu? Anh lặng im một lúc và nặng trĩu trả lời: Con chỉ biết vì con cái nhưng…. Một tu sĩ trẻ đến với tôi trong sự bực tức và muốn chuyển ơn gọi… người tu sĩ trẻ kể hoàng loạt lý do uất ức từ đời sống cộng đoàn: bất công, ghen ghét, ích kỷ… Sau khi kể với cảm xúc dâng trào tức giận, tôi tạo khoảng lặng để lắng dịu và hỏi đó là lý do chính bạn muốn bỏ đời tu? Tu sĩ trẻ trả lời cộc lốc: hết chịu đựng nổi rồigiữ làm gì.

Sự sống lại của Chúa Giêsu ngang qua hành hạ, bắt bớ, giết hại lại mang đến phần phúc ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ và cho từng cá nhân khi quyết định chọn lựa cho Chúa cùng đồng hành và cùng một khát khao hiến tế đời mình với hy tế thập giá Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không tung hô đau khổ nhưng qua đường đau khổ, Thiên Chúa được tôn vinh. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể giải thích “phúc cho người bị bách hại” không có nghĩa bình thường nhưng tiềm tàng một ân phúc phi thường mà chính trong những đau khổ mới bộc lộ hết giá trị cao đẹp ấy. Thánh Phaolô chia sẻ một kinh nghiệm đáng giá cho chúng ta, “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.  Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 7-10). Cho nên, đặt trên giá trị đức tin và nền tảng Lời Chúa, tôi dần hiểu lý do nội tại sâu hơn, lý tưởng lớn hơn, và lẽ sống mãnh liệt hơn cho mỗi Kitô hữu nói chung và người môn đệ chính danh của Chúa Giêsu nói riêng khi nếm trải những khổ đau hay bách hại…

.

2. Bách hại vì sống công chính

Chúng ta có quyền tự hỏi: sống công chính là sống thế nào mà người khác không ưa, không thích, và không muốn nên tìm cách bách hại? Kinh Thánh trả lời rất rõ câu hỏi này. Thánh Gioan giúp chúng ta cảm nghiệm sâu điều này, “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1-2). Như vậy, Chúa Giêsu Kitô, Đấng công chính đã thực thi tình yêu xót thương và cứu độ của Thiên Chúa đưa chúng ta vào học cách thực hành sự công chính trong ân sủng. Ngài tạo dựng chúng ta bởi tình yêu, cứu chuộc chúng ta với tình yêu, và sống sự sống của chúng ta trong tình yêu. ĐTC Phanxicô cảm nhận tình yêu sâu thẳm này khi nói, “Thiên Chúa đã “cưu mang” chúng ta theo hình ảnh và giống Người và mong muốn chúng ta trở thành những người con của Người. Chúng ta được tạo dựng bởi tình yêu, vì tình yêu, với tình yêu, và chúng ta được tạo dựng để yêu thương.”[1]

Mục đích của Chúa là trao ban tình yêu cứu độ cho mỗi người; và nhiệm vụ của chúng ta là đón nhận quà tặng ấy cũng như học cách chia sẻ cho anh chị em. Nhờ điều này, chúng ta có thể thêm xác tín sống công chính là diễn tả tình yêu thuộc về Đức Kitô của chúng ta trọn vẹn nhất. Sự diễn tả này đôi lúc chấp nhận những trái ý, hiểu lầm, sự khó chịu, hay cả những chỉ trích, chê cười vì ghen tương, ích kỷ… nếu đón nhận với trái tim Giêsu, chúng ta là người có phúc và người được chúc phúc. Thánh Luca cho chúng ta một cái nhìn sắc nét và lời giải thích thật rõ ràng, “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” (Lc 6, 22). Đức Giêsu đã sống cuộc đời công chính để huấn luyện cho chúng ta cách sống công chính. Ngài cho chúng ta được mặc lấy sự công chính đích thực của Thiên Chúa ngang qua ân phúc là con để trở nên và tiến mãi trong hành trình làm con yêu của Chúa. Chúa Giêsu đã đón nhận sự bách hại không phải vì thương hại những người hiểu lầm nhưng vì thương mến những người con của Chúa đang gồng mình bởi suy nghĩ ích kỷ, vụn vặt dẫn đến ghen ghét và hận thù. Ngài đã mang lấy những yếu hèn và gánh lấy tội lỗi nhân loại không phải để xót xa xoa dịu mà để xót thương tha thứ bằng sự chạnh lòng; nhờ đó, chúng ta nhận được ơn chữa lành và biến đổi tận căn (x.1Pr 2, 21-25; Dt 2, 18). Cha Jacques Philippe nói, “Động lực mang tính quyết định nhất giúp chúng ta thanh thản đương đầu với bi kịch của đau khổ là: chúng ta phải coi trọng mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thập Giá. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác phàm của chúng ta. Ngài thực sự mang vào thân mình những đau khổ của chúng ta. Và trong tất cả những đau khổ, Chúa Giêsu đang đau khổ (x. Mt 25, 31-45)”[2]

Lần kia, tôi đến thăm một cha giáo đã nghỉ hưu ít năm. Sau nhiều năm miệt mài đào tạo chủng sinh linh mục tương lai, nay lui về ẩn dật trong căn nhà tổ của cha mẹ và thể lý lại gánh thêm bệnh tật. Tôi xin cha chia sẻ vài kinh nghiệm quý báu cho đời sống linh mục hôm nay. Ngài khiêm tốn nói cho tôi 3 điều: trung thành trong đời sống cầu nguyện, sống tình huynh đệ anh em linh mục, và chịu đựng những đau khổ xảy đến vì phần rỗi linh hồn. Kinh nghiệm trân quý này gợi cho tôi nhiều quyết tâm hơn trong đời sống và sứ vụ linh mục. Một dịp khác, tôi đến thăm một nữ tu trẻ đang mang căn bệnh ung thư đã 5 năm. Trong cuộc trò chuyện, tôi xin Sơ chia sẻ cho tôi một kinh nghiệm đã cảm nghiệm từ bệnh nan y. Sơ tươi cười trả lời tôi với tất cả xác tín: con tin Chúa có một mục đích từ bệnh tật của con dẫu đến nay con vẫn chưa hiểu. Đó là nguồn sức mạnh để con chịu đựng những cơn đau nhiều năm nay. Đối với tôi, kinh nghiệm này là một món quà quý giá giúp tôi cảm nhận và xác tín đau khổ có một giá trị bên trong mà tôi chưa hề hiểu hết. Từ kinh nghiệm của cha giáo và nữ tu trẻ, tôi thêm xác tín Lời Chúa được thánh Phêrô viết, “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế” (1 Pr 2, 20). Còn thánh Phaolô, nhờ nếm cảm vị ngọt của đời sống công chính và vì Chúa Giêsu Kitô, đã nói về chọn lựa lẽ sống như sau, “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3, 7-11). Cả hai thánh Phêrô và Phaolô đã sống cuộc đời công chính và cho cả thế giới biết các ngài là sản phẩm chính hiệu do tay Giêsu đúc thành qua lò luyện đau khổ. Đến đây, tôi có thể hiểu sống công chính đích thực là sống cuộc đời có mục đích theo phong cách Giêsu.

.

3. Cách diễn tả đời sống công chính theo phong cách Giêsu

Nhìn vào đời sống thường ngày, một kinh nghiệm dễ thấy, chúng ta thường bị ghét bỏ và đố kỵ do ghen tức về những việc lành hơn là việc xấu; đôi lúc bị khó chịu vì sự thiện chúng ta muốn làm…chúng ta dành giờ cầu nguyện, dự thánh lễ, đọc kinh, tham gia các hội đoàn để mong gia tăng lòng yêu mến Chúa thì bị người khác gọi tên “thánh rồi.Lắm lúc chúng ta sợ “bị làm thánh” và hãi với cái nhìn của người khác nên đành lòng sống theo tâm lý đám đông, để dễ sống, dễ thở và khỏi bị đặt tên lập dị. Có những ngày chúng ta sống hết mình, hết tình với nhiều tâm huyết xây dựng cộng đoàn giáo xứ…nhưng vẫn bị nghe lời ra tiếng vào, ồn ào bàn tán… Điều này chẳng phải giờ mới có, Chúa Giêsu đã cảm nếm tất cả. Một minh chứng từ Tin Mừng Nhất Lãm kể lại chuyến thăm quê hương và giảng trong hội đường ngày Sabath của Chúa Giêsu, dân đồng hương đã sửng sốt kinh ngạc tỏ vẻ ghen tỵ với tài giảng thuyết hấp dẫn nhưng lý lịch trích ngang lại quá bình thường: bố làm mộc, mẹ nội trợ thì con cùng lắm chỉ chuyên cưa với búa, chẳng thể nào đào tạo ra một anh tài xuất chúng như thế (x. Mc 6, 1-6; Mt 13, 54-58) và họ vấp phạm vì Người. Ông bà ta đã thấm thía dạy rằng,Ở sao cho được lòng người. Ở hẹp người cười ở rộng người chê. Chê là chê mất nề mất nếp. Cao chê ngỏng thấp chê lùn. Béo chê béo trục béo tròn. Gầy chê xương sống xương sườn bầy ra.”

Thánh Phêrô đã cho chúng ta một giải đáp về sống công chính như sau, “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người… Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 21-24). Từ gương mẫu của Đức Kitô, chúng ta học sống công chính là từng ngày trở nên người môn đệ thuộc về Chúa, phản chiếu chân dung từ bi, xót thương và cảm thông với những phận người thấp hèn như Chúa Giêsu: đồng bạn với người yếu đuối, đồng bàn với người thu thuế tội lỗi, và đồng cảm với những đớn đau của phận người… sống kiểu ấy dưới mắt người khác lắm khi thật khó chịu. Lúc đó, chúng ta phải chịu khó nghe lời càm ràm, đôi lúc cả gièm pha chê bai… giúp ta tập luyện tự chủ, khiêm tốn, phân định và tự hiến theo khuôn mẫu Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Thánh Phêrô cho chúng ta những động viên quý giá như sau, “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1 Pr 3, 16-17).  

Sống công chính theo khuôn mẫu Giêsu, chúng ta không còn dìm đời mình trong ảm đạm, chán chường, thất vọng hay chống đối… nhưng là cơ hội để ta tiếp tục hành trình sống cuộc đời hiến tế với Chúa Kitô. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống đời yêu Chúa và mến tha nhân chứ không nuôi tham vọng tích góp danh lợi trần thế. Như vậy, chúng ta cần giữ cho mình sự bình tĩnh khi đối diện với đau khổ, bất hòa trong gia đình, cộng đoàn và xứ đạo. Chúng ta cần mạnh mẽ tín thác rằng Đức Kitô cũng đang đau khổ trong ta hoặc trong những người đang chịu đau khổ vì ta để hoàn tất cuộc thương khó trong người đó.[3] Đây là một ơn lớn lao nâng đỡ đức tin yếu hèn của chúng ta trước những làn sóng của khổ đau.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không bao giờ hết đau khổ và cũng chẳng thể trốn chạy đau khổ; vì vậy, hãy bình tâm thực hành sống công chính theo kiểu và cách thức của Chúa Giêsu để tìm được ý nghĩa đích thực của đau khổ. Cách thức ấy đơn giản là chú ý đến những việc làm nhỏ bé với trái tim xót thương của Chúa: cho người anh em bé mọn một chén nước lã… làm một việc nhỏ cho tha nhân là đang làm cho chính Chúa (x. Mt 25, 31-45). Từng ngày góp nhặt những hy sinh nhỏ bé đưa đời ta thành vĩ đại trước Chúa còn hơn là cố gắng vĩ đại trước mặt người khác để rồi trước mặt Chúa lại nghe một tuyên bố lạnh lùng, Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 27). Chúa chẳng muốn nói và chúng ta cũng chẳng muốn nghe lời này. Trái lại, Chúa mong chúng ta “từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày” (x. Lc 9, 34) và đi trên đường của Chúa, sống cuộc đời yêu thương phục vụ theo cách của Chúa. Nhờ thực hành này, khi diện đối diện với Chúa, chúng ta được nghe, “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25, 23) bởi vì “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

  Khi hiểu ý nghĩa về sống công chính, chúng ta được trả lời câu hỏi tại sao vẫn tồn tại những đau khổ trong đời sống cá nhân, gia đình hay cộng đoàn. Sự hiểu biết này cũng mở ra cho chúng ta một con đường của hy vọng; bởi lẽ, ngang qua đau khổ, chúng ta đạt được niềm vui đích thực và viên mãn. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm, “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (1Cr 1, 5-6). Kitô hữu được gọi là những người con yêu của Chúa, được mời gọi gieo yêu thương, rắc hòa bình giữa lòng nhân thế. ĐTC Phanxicô mời gọi mỗi người sống giá trị Tin Mừng cứu độ với niềm vui Kitô, “Là Kitô hữu, sứ vụ chung của chúng ta là sống niềm vui ở những nơi chúng ta hiện diện, qua hành động và lời nói, về kinh nghiệm được ở với Chúa Giêsu và các thành viên trong cộng đoàn Người, đó là Giáo hội. Sứ vụ đó được thể hiện trong các hoạt động thương xót, trong một lối sống chào đón và nhẹ nhàng phản ánh sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng, trái ngược với nền hóa lãng phí và thờ ơ.[4]

.

  1. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp ngày cầu nguyện cho ơn gọi 2023

  2. Jacques Philippe, Tìm kiếm và giữ lấy bình an, Lm. Minh Anh dịch, XNB Hồng Đức 2013

     

  3. Jacques Philippe, Tìm kiếm và giữ lấy bình an, Lm. Minh Anh dịch, XNB Hồng Đức 2013

     

  4. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp ngày cầu nguyện cho ơn gọi 2023

Comments are closed.