CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật XXVI-TN ~B, 26-9-2021 – TÂM HỒN KHÔN NGOAN VÀ VĨ ĐẠI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVI-TN ~B, 26-9-2021

TÂM HỒN KHÔN NGOAN VÀ VĨ ĐẠI

Môsê và Chúa Giêsu là hai vị tiên tri quyền năng, và hai vị đều tỏ ra có sự khôn ngoan và lòng cao thượng. Cả hai đều biết nhận ra Thần Khí Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi, và cả hai đều mơ ước về một đoàn dân là những nhân chứng cho các phúc lành của Thiên Chúa và là những người phục vụ Lời Chúa.

Bài đọc I : Ds 11, 25-29

Mô-sê có mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, Đấng đã “ngự xuống giữa đám mây” để nói chuyện với ông. Vừa mới nhận được một phần to lớn của Thần Khí Thiên Chúa, Mô-sê đã chọn chia sẻ phần đó với 70 kỳ mục, “những người đã bắt đầu nói tiên tri“. Việc chia sẻ này được thực hiện trong Lều hội họp, và Mô-sê rất vui mừng. Khi hai người ít ai biết, là Eldad và Medad, vốn không có mặt trong Lều hội Họp, bắt đầu nói tiên tri, thì chàng thanh niên Gio-suê đã yêu cầu thầy của mình buộc hai tiên tri không biết từ đâu đến này, phải im miệng. Câu trả lời của Mô-sê cho thấy tâm hồn vĩ đại của ông: ông vui mừng trước những lựa chọn tự do của Thiên Chúa và thậm chí còn mơ đến ngày mà cả dân tộc đều là “những tiên tri”!

Thánh vịnh 18B

Nửa sau của Thánh vịnh 18 này là lời ca ngợi “giới luật”, “hiến chương”, “sự kính sợ” và “quyết định của Chúa”. Rõ ràng, tất cả những điều này đã được truyền đạt cho dân Israel thông qua Mô-sê. Chính người “tôi tớ” vĩ đại này của Thiên Chúa đã được “soi sáng” và tràn đầy niềm vui bởi Luật pháp mà ông đã mặc khải và dạy cho toàn dân. Trong hai khổ thơ cuối, tác giả thánh vịnh khẳng định ý của ông muốn được là người tôi tớ chân chính của Thiên Chúa và ao ước được “gìn giữ … khỏi kiêu hãnh”. Luật Mô-sê là sự khôn ngoan giúp người ta có thể “nhận ra lầm lỗi của mình” và giải thoát mình khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi.

Bài đọc II : Gc 5, 1-6

Trong các chương trước, chúng ta đã đọc được những lời khôn ngoan đúng thực (Gc 1, 2-6; 3, 13-18). Nhưng ở đây chúng ta gặp thấy một lời buộc tội có tính tiên tri chống lại những người giàu có, đáng được coi như những phát biểu nghiêm khắc của tiên tri A-mốt. Từ đầu đến cuối, những người giàu bị ‘vạch mặt chỉ tên’, và vị Tông đồ nói thẳng vào mặt họ. Chân dung của người giàu là những gì cụ thể nhất và bản án là không thương xót : “Hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người”. Tác giả bức thư nhắc lại những câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy sự vô cảm của người giàu đối với người nghèo và sự vô nghĩa của sự tích lũy của cải sẽ bị cái chết cuốn trôi.

Tin Mừng : Mc 9, 38-43. 45. 47-48

Phản ứng của Gioan và các Tông đồ khác giống một cách kỳ lạ với phản ứng của Giô-suê, người muốn ngăn cản Eldad và Medad nói tiên tri, vì lý do như chúng ta đã biết. Còn phản ứng của Chúa Giêsu gợi nhớ đến phản ứng của Mô-sê : tại sao phải giới hạn trong một phạm vi hạn hẹp, dù điều này quan trọng đến đâu, khả năng làm điều thiện cho người khác ? Các môn đệ nghĩ rằng họ có một độc quyền nào đó trong việc trừ quỷ, nhưng Chúa Giêsu nhắc cho họ nhớ tới trật tự : “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy“. Chúa Giêsu còn làm cho các môn đệ ngạc nhiên hơn nữa khi nói rằng điều vấp phạm thực sự là việc khinh thường “một trong những kẻ bé mọn” tin vào Ngài.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.