CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật XXIV TN B – 12/9/2021 – ĐẤNG THIÊN SAI KHÔNG ĐƯỢC ĐÓN NHẬN : MỘT ĐẤNG THIÊN SAI ĐAU KHỔ !

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIV-TN ~B, 12-9-2021

ĐẤNG THIÊN SAI KHÔNG ĐƯỢC ĐÓN NHẬN :

MỘT ĐẤNG THIÊN SAI ĐAU KHỔ !

Trong khi Isaia đã phác họa chân dung của một Đấng Mêsia đau khổ, thì dân chúng vẫn mơ về một Đấng Mêsia là Vua giải cứu dân Israel khỏi kẻ thù của họ. Thế nhưng Chúa Giêsu không hề có tham vọng làm vua. Bằng con đường đau khổ và tin yêu vâng phục Cha mình, Chúa Giêsu sẽ cứu độ dân Israel và nhân loại.

Bài đọc I : Is 50, 5-9a

Đoạn sách này là bài thứ ba trong số bốn bài ca về người “Tôi tớ của Gia-vê”, chuẩn bị cho bài thứ tư (Is 52, 13 – 53, 12), bài nổi tiếng nhất trong bốn bài. Mặc dù ở đây không tìm thấy chữ “tôi tớ”, người nói ở ngôi thứ nhất số ít tự giới thiệu mình là một môn đệ, người để cho Chúa hướng dẫn mình đương đầu với những ai đánh đập mình và đổ lên mình những mắng nhiếc phỉ nhổ. Có thể xem đây là những giãi bày tâm sự của chính tiên tri, là người đã chứng kiến các cuộc xâm lược của Assyria và Babylon, cũng như sự thất bại của vương quốc phía bắc, và là người, theo Truyền thống kể lại, đã chết vì đạo ? Có thể là thế, bởi vì tiên tri đã không ngừng đồng hành với dân tộc của mình và chia sẻ niềm tin vững chắc của mình vào “sự giúp đỡ của Thiên Chúa”, Đấng luôn “ở gần” và bảo vệ họ.

Thánh vịnh 116 (114-115)

Đây là thánh vịnh duy nhất bắt đầu một cách tự nhiên với lời tuyên bố về tình yêu đối với Thiên Chúa, Đấng mà tác giả thánh vịnh viện dẫn. Tác giả giãi bày tâm sự với chúng ta về niềm hạnh phúc mà ông tìm thấy nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, một hạnh phúc không loại trừ những khoảng thời gian khó khăn và thậm chí cả những nguy hiểm chết người. Tác giả thẳng thắn thừa nhận đã gặp phải “gian truân sầu khổ“. Những lời tâm sự và bày tỏ đức tin của tác giả, vì thế, càng đáng tin hơn. Khổ thơ thứ ba lặp lại một quan điểm cổ điển trong sách Xuất hành, các tiên tri và sách Thánh vịnh: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương, hằng gìn giữ những ai bé mọn“. Quan điểm này được thể hiện đầy đủ trong khổ thơ cuối cùng: bất chấp suýt chết và hụt chân, tác giả vẫn gắn bó với “cõi đất dành cho kẻ sống” và quyết bước đi “trong sự hiện diện của Chúa“.

Bài đọc II : Gc 2, 14-18

Lá thư của thánh Giacôbê bị phân tách giữa lời tiên tri và sự khôn ngoan. Có một chút của cả hai trong đoạn thư này. Bằng tất cả sự khôn ngoan, tác giả đặt câu hỏi cho cử tọa của mình và trình bày với họ những giả thuyết khác nhau. Nhưng những câu hỏi này không phải là ngớ ngẩn và chúng gợi lên những mâu thuẫn nhất định mà người ta có thể mắc phải đối với đức tin. Người ta có thể tuyên bố mình “có niềm tin mà không đem nó ra thực hành“. Vậy thì thế nào ? Nói về Thiên Chúa thì dễ, nhưng chắc chắn sẽ là khó hơn, khi đón nhận “một người anh chị em không có gì che thân, và không có gì để ăn hàng ngày“. Chính trong cuộc sống cụ thể hàng ngày và trong lòng trắc ẩn đối với người nghèo và những người đau khổ về thể xác hay tâm hồn, mà đức tin của chúng ta được chứng thực.

Tin Mừng : Mc 8, 27-35

Chúa Giêsu dò hỏi các môn đệ để tìm biết ý kiến ​​của dân chúng về Ngài. Theo các môn đệ, Chúa được xem là một nhân vật tiên tri nào đó, trong dòng dõi của Gioan Tẩy giả hay của Êlia. Nhưng điều đó không nói lên tính đặc biệt của Chúa. Bấy giờ, Chúa hỏi các môn đệ nghĩ gì về Chúa. Phêrô ngay lập tức đáp lại, nhân danh Nhóm Mười Hai: “Thầy là Đấng Kitô”, nghĩa là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai. Về nguyên tắc, đây là câu trả lời chính xác, nhưng ngay khi Chúa Giêsu thông báo rằng Chúa là Đấng Mêsia đau khổ, thì Phêrô đã hoàn toàn bối rối, đến mức Chúa Giêsu coi Phêrô như là Satan ! Sau đó, Chúa mặc khải cho các môn đệ và cho cả đám đông biết rằng họ sẽ chỉ là môn đệ đích thực nếu họ chấp nhận đi với Chúa qua con đường Thập giá và cái chết “vì [Chúa] và vì Tin Mừng”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.