CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật XXV-TN ~B, 19-9-2021 – Đức Khôn Ngoan Làm Vướng Bận

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXV-TN ~B, 19-9-2021

ĐỨC KHÔN NGOAN LÀM VƯỚNG BẬN.

Phát xuất từ Thiên Chúa và được diễn tả qua một cuộc sống công chính và phục vụ tất cả mọi người, Đức khôn ngoan chắc chắn gây vướng bận đối với những người quyền thế và những người hung bạo, là những người không tìm kiếm sự công chính hay hòa bình. Chúa Giêsu là người khôn ngoan tiêu biểu nhất, vậy mà người ta đã tìm ra cách để loại bỏ Ngài.

Bài đọc I : Kn 2, 12. 17-20

“Những người trù tính điều ác” thấy mình bị ngăn trở bởi đời sống của người công chính: họ không những không nhận ra sự bất tuân của họ “đối với luật pháp của Thiên Chúa”, mà họ còn muốn lôi kéo người công chính “vào một cái bẫy” để kết án người ấy “phải chết nhục nhã”. Họ xem xét lời nói và đời sống của người công chính, hơn là xem xét cách ăn ở của riêng họ và nhìn nhận điều sai trái của mình. Họ không ngần ngại bắt người công chính phải chịu những sự lăng nhục và tra tấn để thử thách “sự hiền hòa” và “sự nhẫn nhục” của người công chính, và để xem Thiên Chúa có can thiệp cho người ấy không. Bản văn có từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên này lấy lại chủ đề của các bài ca về Người Tôi tớ trong sách Isaia và dự đoán những sự chế giễu cùng những cực hình mà “Con Thiên Chúa” phải chịu trên Thập giá.

Thánh vịnh 54 (53)

Thánh vịnh về sự tin tưởng tuyệt đối này hoàn toàn phù hợp với những gì tác giả Sách Khôn ngoan nói với chúng ta về người công chính bị ngược đãi mà, qua miệng kẻ thù của người ấy, chúng ta biết rằng người ấy đã biết : “ai đó [sẽ can thiệp] cho anh ta” (Kn 2, 20). Những người ác là những “người lạ” và “người quyền thế” tìm cách hủy diệt người công chính, và là những người, ở bài đọc thứ nhất, không “kể gì đến Thiên Chúa”. Tác giả thánh vịnh cầu xin Chúa ban cho mình sự cứu độ và xét xử cho mình, và khi kết thúc lời cầu nguyện, tác giả biết rằng Thiên Chúa “đến để giúp đỡ [tác giả]”, và Thiên Chúa vẫn là “chỗ dựa của mình giữa tất cả mọi người”.

Bài đọc II : Gc 3, 16 – 4, 3

Thánh Giacôbê biết quan sát kỹ lưỡng xã hội ở thời đại của mình và xác định những tệ nạn tác hại đến nó : sự ghen tị và ganh đua “dẫn đến rối loạn” và “những việc xấu xa”. Mặt khác, thánh nhân cũng biết mô tả và giới thiệu “Đức khôn ngoan đến từ trên cao”, dẫn đến “hòa bình” và “công chính”. Mô tả của thánh nhân về các phẩm chất của Đức khôn ngoan chắc chắn được gợi hứng từ danh sách trong sách Khôn ngoan (Kn 7, 22-23), trong đó liệt kê không dưới hai mươi mốt phẩm chất: nghĩa là sự hoàn hảo của các sự hoàn hảo. Trong nửa sau của bài phát biểu của mình, thánh Giacôbê thay đổi hoàn toàn giọng điệu của mình và sử dụng giọng điệu công kích, tố cáo của các tiên tri, nhất là của Chúa Giêsu: “Anh em ham muốn […], anh em ganh ghét […], anh em xung đột“, v.v…

Tin Mừng : Mc 9, 30-37

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Trong lần loan báo thứ nhất, Marcô chỉ thuật lại phản ứng của Phêrô, bị vấp phạm vì lời loan báo đó. Lần này, thánh sử nói về phản ứng của các môn đệ, là không hiểu gì và thậm chí còn “sợ không dám hỏi lại Ngài”. Như để quên đi viễn cảnh đau buồn về những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ thích thảo luận “với nhau để biết ai là người lớn nhất trong họ“. Đề tài này không làm nên vinh dự cho họ : đề tài này thật là hời hợt, nhẹ ký so với lời giảng dạy mà Chúa Giêsu vừa nói với họ. Chúa Giêsu cho biết, sự vĩ đại đích thực hệ tại việc tự biến mình “làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người“, như chính Ngài sẽ làm trong cuộc Khổ nạn và cái chết của Ngài. Thế rồi, Chúa Giêsu ôm lấy một em nhỏ và đón tiếp nó. Ngài yêu cầu các môn đệ cũng làm như vậy, và họ phải làm như vậy để đón nhận Đức Kitô và “Đấng đã sai [Đức Kitô] đến”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.