CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV-Mùa Vọng_B, 24-12-2023

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV-Mùa Vọng_B, 24-12-2023

֎

Bài đọc I : 2 S 7, 1-5.8b-12.14a.16

Câu chuyện này, giống như câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, có tất cả những gì của trình thuật truyền tin. Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa Vua Đavít và tiên tri Nathan về việc xây dựng một ngôi nhà xứng đáng với Thiên Chúa. Lời thông báo của Nathan chắc chắn tán thành dự án của Đavít, nhưng lời đó đảo ngược quan điểm của Đavít. Từ nay trở đi, chính Thiên Chúa là Đấng cam kết với Đavít : “Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà”. Thiên Chúa không quan tâm đến việc có một ngôi nhà bằng đá cho bằng việc xây dựng một nơi ở cho Đavít và dòng dõi ông. Mối quan hệ của Thiên Chúa với Đavít giống như mối quan hệ của một người cha với người con của mình. Đó là mối quan hệ vượt xa số phận cá nhân của Đavít và áp dụng cho toàn thể dân Israel.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 88

Thánh vịnh 88 (89) rõ ràng được gợi hứng từ lời sấm của tiên tri Na-than liên quan đến kế hoạch của Chúa nhằm thiết lập sự trường tồn vĩnh viễn cho nhà và dòng dõi Đavít. Hai khổ thơ cuối biến thành một lời tiên tri thiêng thánh, khẳng định mối quan hệ nghĩa tử của Đavít với Thiên Chúa: “Người sẽ thưa với Ta : ‘Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ’ ”. Những khổ thơ được trích dịch thuộc phn đầu của thánh vịnh, xác nhận sự trung tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa với vua Đavít.

Bài đọc II : Rm 16, 25-27

Trong chương này, Thánh Tông Đồ gửi lời chào dài nhất (các câu 1-24) đến một cộng đoàn Kitô hữu. Đọc danh sách các nam nữ cộng tác viên của Phaolô, người ta hiểu rằng cộng đoàn Rôma rất năng động và có nhiều nguồn lực. Phaolô biết cách ghi nhận sự đóng góp của từng người và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Để kết thúc bức thư trọng đại về phương diện giáo thuyết này, Phaolô đi từ lòng biết ơn đối với những người cộng tác với mình, đến lời tạ ơn thực sự “dành cho Đấng có thể làm cho anh em nên vững mạnh […] là Đấng khôn ngoan duy nhất, Thiên Chúa”. “Mầu nhiệm” về Thiên Chúa này giờ đây “được mọi dân tộc hiểu biết”, nhờ Tin Mừng của Đức Kitô.

Tin Mừng : Lc 1, 26-38

Người ta vẫn còn nói đến “ngai vàng của Đavít” và tính bền vững của triều đại Đavít. Nhưng, bối cảnh không còn là Thành thánh Giêrusalem nữa, mà là Nazareth, một ngôi làng ít người biết đến ở Galilê. Bối cảnh cũng không phải là cung điện hoàng gia, mà là ngôi nhà khiêm tốn của một cô gái trẻ tên là Maria. Thế nhưng, Truyền Tin là lời loan báo quan trọng nhất trong mọi lời loan báo được thực hiện xuyên suốt lịch sử Kinh Thánh. Sứ giả còn hơn cả một vị tiên tri: đó là thiên thần Gabriel, danh xưng có nghĩa là “Thiên Chúa là sức mạnh của tôi”. Những lời chưa từng nghe nói đã được nói cho cô gái trẻ, người đang ngạc nhiên: “Kính chào Bà, Đấng đầy ân sủng”. Con trẻ sắp sinh ra, Chúa Giêsu, vượt trội hơn tất cả những người đã được loan báo trước Ngài: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Việc thụ thai của Mẹ Maria là hoa trái của “Chúa Thánh Thần” và của đức tin của Mẹ vào lời thiên thần.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.