CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC – Chúa Nhật XXIII Thường Niên B – Ngày 05/09/2021 – TÔN GIÁO CỦA CÁC TIÊN TRI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIII-TN ~B, 05-9-2021

TÔN GIÁO CỦA CÁC TIÊN TRI

Từ Isaia đến Chúa Giêsu, qua thánh vịnh 145 và thư Giacôbê, chúng ta cảm thấy cùng một hơi thở tiên tri. Tôn giáo làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất thiết phải là yêu thương người lân cận và có những cử chỉ cụ thể của lòng thương xót đối với người nghèo và những người thiếu thốn nhất.

Bài đọc I : Is 35, 4-7a

Ý niệm về sự trả thù / báo thù của Thiên Chúa có điều gì đó khiến chúng ta nghe mà thấy chưng hửng, bối rối ! Còn bối rối hơn nữa vì ý niệm đó phát ra từ môi miệng của Isaia, một người giỏi nói về sự cứu độ, sự dịu dàng và lòng thành tín của Thiên Chúa. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra, trong lời tiên tri này, không có gì phải sợ cái gọi là “sự báo thù của Chúa”. Sự báo thù của Chúa, trong những hoàn cảnh thử thách cực độ, sự rầu rĩ nói chung, những căn bệnh nan y…, chính là sự đảo ngược hoàn toàn các tình huống này để giúp ích cho sự cứu độ. Thiên Chúa nhạy cảm với sự đau khổ của con người và Ngài không yêu cầu điều gì tốt hơn là chữa lành người mù, người điếc, người què, người câm, và làm cho nước chảy ra dồi dào ở những nơi khô cằn.

Thánh vịnh 145 (146)

Thánh vịnh chia sẻ với Isaia cùng một tầm nhìn về sự cứu độ liên quan đến các hạng người thụ hưởng khác nhau : người mù, người điếc, người câm, người què, người bị áp bức, người bị đè nén, người xa lạ, người góa bụa và người mồ côi, v.v. Isaia là tiên tri nổi bật về ơn cứu độ và người ta còn tìm thấy những hạng người tương tự ở những nơi khác ngoài chương 35. Có lý do chính đáng để tin rằng các tiên tri đã ảnh hưởng đến lời cầu nguyện của Israel, nhưng cũng phải thừa nhận rằng thần học của các thánh vịnh, đặc biệt là thánh vịnh này, ngang tầm với thần học của các tiên tri. Sự cứu rỗi của Thiên Chúa được diễn tả qua một chuỗi hành động: Thiên Chúa thực thi công lý, ban bánh, tháo cởi xiềng xích, mở mắt, nâng dậy những người bị đè nén, v.v. Có rất nhiều chất liệu ở đây để “ngợi khen Chúa”.

Bài đọc II : Gc 2, 1-5

Chắc chắn bức thư của thánh Giacôbê là ngắn gọn, nhưng giọng văn thì trực tiếp và gay gắt, như nơi các tiên tri trong Cựu Ước. Ngay từ đầu, thánh Giacôbê yêu cầu cộng đoàn của mình không để bị xúc động bởi địa vị xã hội của người giàu, mà dành cho những người này chỗ ngồi hảo hạng, và bắt người nghèo phải đứng hoặc ngồi ở bệ chân. Sẽ là đi ngược lại sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng “chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc của Ngài

Tin Mừng : Mc 7, 31-37

Chúa Giêsu đi vào “miền Thập Tỉnh”, ở phía đông. Trong khu vực không thuộc lãnh thổ của Israel, tức là đất dân ngoại này, Chúa thực sự tiếp đón một người “điếc” được người ta đưa đến với Chúa, và người đó còn “bị ngọng”. Chúa Giêsu không hỏi han hay phản đối. Chúa ngay lập tức hành động : Chúa chạm vào miệng và tai của người đó, với nước miếng của Chúa, và chỉ thốt lên một tiếng : “Effata”, nghĩa là “Hãy mở ra”. Mặc dù Chúa yêu cầu những người chứng kiến ​​phép lạ này phải im lặng “không được kể chuyện đó với ai cả”, nhưng vì nhận ra lòng thương xót và sự quảng đại của Chúa, nên họ vội vã làm chứng về Ngài.

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.