50 năm HĐGMVN hướng dẫn
Nghi Lễ Thờ Kính Tổ Tiên 14.06.1965
HÀNH TRÌNH HỘI NHẬP GIAN TRUÂN
NGHI LỄ THỜ KÍNH TỔ TIÊN
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Đức thánh cha Phanxicô trong bài giảng lễ bế mạc Đại hội giới trẻ Châu Á tại Hàn Quốc ngày 17.8.2014 đã nói : “Là những người Châu Á, các bạn cần thấy và yêu, từ bên trong, tất cả những gì là đẹp đẽ, cao quý và chân thật trong các nền văn hoá và truyền thống của các bạn. Nhưng là những kitô hữu, các bạn cũng biết rằng Tin Mừng có sức mạnh để thanh luyện, nâng cao và làm cho hoàn hảo di sản này … Trong sự hiệp nhất với các vị chủ chăn của các bạn, các bạn có thể trân trọng nhiều các giá trị tích cực và đa dạng của các nền văn hoá Á Châu”.
Lời nhắn nhủ của vị cha chung cho thấy giáo hội luôn trân trọng và đề cao văn hóa và truyền thống Châu Á, đẹp đẽ, cao quý, chân thật và đa dạng. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ hãy thấy và yêu từ bên trong di sản quý giá ấy … Và hiệp nhất với các chủ chăn, làm thế nào để sức mạnh của tin mừng có thể góp phần kiện toàn nền văn hóa truyền thống này.
Bài viết này chủ yếu trình bày về quá trình từ tranh luận đến chấp nhận nghi lễ thờ kính tổ tiên. Nhưng để có cái nhìn toàn diện hơn, chúng ta sẽ đi từ giáo lý về đạo hiếu, và hướng đến vai trò của giáo hội và các tín hữu trong việc duy trì và phát huy truyền thống dân tộc này.
I. Đạo hiếu trong truyền thống hội thánh
1.1. Hiếu thảo theo giáo lý của hội thánh
Giáo hội qua mọi thời luôn dạy tín hữu sống hiếu thảo, tôn kính và tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Kinh Thánh cho chúng ta rất nhiều lời khuyên về lòng thảo hiếu. Như trong sách Huấn Ca : “Của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3,14). Hoặc “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các vị là những người đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. (Hc 44, 9-10.14)
“Thảo kính cha mẹ” là giới răn thứ bốn trong mười điều răn,chiếm vị trí quan trọng liền sau ba giới răn hướng về Thiên Chúa, đã được công bố từ thời ông Môisen, được chính Đức Giêsu xác nhận (Mt 19,19). Mà đã là giới răn thì buộc phải giữ. Không giữ là mang tội, tội bất hiếu. Thánh Phaolô khẳng định hiếu thảo “là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Êphêsô 6,2-3). Hơn nữa, ngài còn mở rộng bổn phận ấy đến thân bằng quyến thuộc : “Ai không biết lo lắng đến người thân và gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1 Timôthêo 5,8).
Tại Việt Nam, cuốn giáo lý đầu tiên “Phép giảng Tám ngày” của cha Đắc Lộ cũng nhấn mạnh lòng thảo hiếu trong giáo lý về ba người cha : “có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy… Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng…”
Lòng hiếu thảo của tín hữu còn phải được thể hiện với Cha trên trời nữa : “Hãy còn cha cả là Chúa trên hết mọi sự : đã hóa nên và giữ gìn trời đất muôn vật cùng hết mọi sự… Vì vậy ta cám ơn đức Chúa trời là cha cả chúng tôi, và thờ phượng đấy trên hết mọi sự thì thậm phải”. [1]
Nội dung phù hợp với văn hóa Á Đông và tương đồng với sách Lễ Ký, “vạn vật bản hồ Thiên, nhân bản hồ Tổ” (nghĩa là : muôn vật gốc ở Trời, người gốc ở Tổ), tất cả qui vào hai nguyên ủy là Trời và Tổ, vì nhưng minh định cội nguồn chỉ có một, vì tổ tiên sinh ra người, nhưng vạn vật đều do Trời sinh dưỡng,
Về sau, các sách bổn như cuốn “Chân đạo yếu lý” [2] khi quảng diễn giáo lý tam phụ của cha Đắc Lộ, xác định bảy điều phải thực hành để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, gồm năm điều trùng với đạo hiếu của dân Việt là : 1. Kính sợ; 2. Vâng lời; 3. Phụng dưỡng; 4. Chăm sóc khi ốm đau; 5. An táng mồ yên mả đẹp. Và hai điều riêng cho tín hữu : 6. Khi lâm chung, phải lo liệu cho cha mẹ chịu các phép trong đạo, và đọc kinh làm việc lành phúc đức để cầu nguyện cho các ngài; 7. Tổ chức tống táng và giỗ chạp theo phép đạo.
Ta thấy có sự trùng hợp giữa kitô giáo và quan niệm dân Việt trong cách thức thể hiện hiếu thảo với cha mẹ còn sống hoặc mới qua đời, trong việc an táng và chăm sóc mồ mả. Riêng với cha mẹ đã qua đời, đôi bên đều tin tưởng vẫn còn mối tương quan và bổn phận phải hiếu thảo. Tuy nhiên cách biểu hiện sự hiếu thảo ấy có một số khác biệt.
1.2. Sống phải đạo với người đã khuất.
Với những người đã khuất, đặc biệt là ông bà cha mẹ giáo hội dạy người tín hữu phải tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Truyền thống này đã có từ ông Macabêo trong Cựu Ước, ông xin lễ cầu nguyện cho người đã khuất, vì “nghĩ đến phần thưởng tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức (Mcb 13, 45). Giáo hội cổ võ việc siêng năng đọc kinh dâng lễ cầu nguyện cho các bậc tiên nhân, nhất là trong ngày giỗ kỵ, và dành riêng tháng 11, đặc biệt là ngày mùng hai, quen gọi là lễ các đẳng, để nhắc nhở tín hữu tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà và những người đi trước.
Khi cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và những người đã qua đời, người công giáo biểu lộ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Đấng sẽ đưa các ngài vào cõi vĩnh hằng hưởng hạnh phúc muôn đời. Tín hữu làm các việc lành phúc đức để đền bù những thiếu sót nếu có. Họ ghi nhớ công ơn các vị tiền nhân, và trong mầu nhiệm hội thánh thông công, xin các ngài độ trì bằng lời chuyển cầu trước nhan Thiên Chúa [3]. Ngoài ra, tín hữu cũng tưởng nhớ đến các vị tiền nhân trong đức tin, đặc biệt là Đức Maria và các thánh đã được suy tôn trên bàn thờ và đã để lại những mẫu gương sáng ngời [4].
Nhìn lại lịch sử giáo hội tại Việt Nam, nghi lễ thờ kính tổ tiên là một cuộc “hành trình hội nhập” đầy gian truân kéo dài ngót ba thế kỷ, chịu tác động bởi cuộc tranh luận lễ nghi Trung Hoa. Khó khăn chính là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông-Tây, đưa đến những ngộ nhận và thiên kiến. Cụ thể là những khái niệm như thần chủ, bàn thờ, nhà thờ, đền thờ, và những hành vi như bái lạy, cúng quả, tiến rượu bày cỗ trước linh vị… khiến các nhà truyền giáo khó chấp nhận, vì họ liên tưởng ngay đến những lễ nghi tôn giáo.
Chính vì những ngộ nhận trên, nên chủ trương hội nhập hoàn toàn của dòng Tên bị cản trở, rồi cho phép với điều kiện, hoặc chỉ cho phép một số thực hành, và kết thúc là lệnh cấm toàn diện. Phải chờ đến huấn thị Plane Compertum ngày 8-12-1939, cuộc tranh luận mới chấm dứt.
Năm 1964 các giám mục Việt Nam thỉnh cầu Tòa thánh được áp dụng huấn thị Plane compertum. Ngày 20-10-1964 Bộ Truyền giáo cho biết lời thỉnh cầu đã được đức Phaolô VI chấp thuận. Và ngày 14-06-1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Đà Lạt đã ra thông cáo cổ võ và hướng dẫn về việc cử hành nghi lễ thờ kính tổ tiên.
Bản Thông cáo có hai phần. Phần thứ I : khẳng định giáo huấn của giáo hội về hội nhập văn hóa. “Trải qua các thể kỷ, giáo hội đã thánh hóa những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này, xứ nọ sát nhập vào nền phụng vụ của mình…”. Phần thứ II : hướng dẫn “Thể thức áp dụng huấn thị Plane compertum”.
Bản văn kết thúc bằng lời kêu mời : “xin các cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cả cho người ngoài Công giáo”… “Các hội đoàn cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập trong các buổi họp và các khóa huấn luyện”.
Tiếp theo văn bản trên, ngày 14-11-1974, các giám mục Việt Nam ra thông cáo thứ hai, xác định cụ thể hơn về : “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, người tín hữu được thi hành và tham dự cách chủ động”. Do hoàn cảnh chiến tranh, phải sau năm 1975, các thông cáo này mới được phổ biến rộng rãi tại miền bắc.
Một trang sử mới đã mở ra với Giáo hội Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay, có những phần tử trong giáo hội vẫn còn xa lạ với hai thông cáo này. Nhiều anh chị em dự tòng vẫn còn biểu lộ mối ưu tư của gia đình, sợ rằng “theo đạo là từ bỏ ông bà”. Năm 1988, tại Thượng hội đồng giám mục Á Châu, đức tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể còn đưa ra nhận định : “Một số người công giáo Việt Nam không chấp nhận dễ dàng những thực hành mà họ xem như là còn mang tính cách ngoại đạo, vì những giáo huấn đã được lãnh nhận trước đó. Người ta còn cảm thấy vài chia rẽ giữa những người công giáo Việt Nam trong vấn đề nầy… Đây là một trở ngại thật cho công việc rao giảng Phúc Âm.”
Nhân kỷ niệm 50 năm Hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam về thờ kính tổ tiên, chúng ta cùng nhau ôn lại diễn biến chính của hành trình hội nhập đầy gian truân này, lập trường các nhà truyền giáo và quan điểm Tòa thánh khi cho phép hoặc ngăn cản, đến huấn thị hướng dẫn về việc thờ kính tổ tiên Plane Compertum năm 1939. Sau đó, cùng nhìn lại những nỗ lực của hội thánh Việt Nam trong thời gian qua, và gợi lên một vài suy tư hướng về tương lai.