Hôm nay, cả giáo phận Xuân Lộc hướng về Đức Cha chính Đaminh trong ngày lễ tạ ơn Tám năm làm giám mục. Nghĩa là cùng với Ngài chúng ta tạ ơn Chúa đã dắt Ngài đi qua một chặng đường của sứ vụ mục tử, mà hồi đầu Ngài nhìn tới đầy khiếp sợ.
Chính vì thế những ai ở TGM còn nhớ hôm đó vào hạ tuần tháng 9/2004, khi Đức Cha cố Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật gọi Ngài sang thông báo việc Tòa Thánh chọn Ngài làm người kế vị. Ngài đã khóc nức nở vì xúc động, hay vì lo sợ vào tuổi 64 trong tay vị giám mục già đau bệnh. Như Maisen khi được gọi trong lúc đang chăn đoàn vật nơi hoang địa Madian, nhìn thấy con đường của mênh mông sứ vụ lãnh đạo trải dài trước mặt, trong khi đó phận mình thì bất xứng, ông đã khẩn thiết nài xin Chúa : tôi là gì mà dám đến trước Pharaon.
Tin vào lời hứa Ta ở với con. Theo Maisen, Đức Cha Đaminh đã đón nhận, để 8 năm qua , một thời gian dài của thân phận con người , chỉ biết hằng ngày phủ phục tìm Chúa trong trướng Tao Phùng, và dắt dân đi qua hoang mạc của một thế giới mang sắc mầu sự chết.
Xem ảnh kỷ niệm
“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi”. Có Chúa và có Dân. Đó là lời thưa chân thật của Maisen xưa sau 40 năm trong hoang địa, cũng là lời thưa phơi bày một quá khứ 8 năm phục vụ hết mình, và hôm nay thưa như một một dự phóng hướng nhìn về tương lai của sứ vụ mục tử. Lời thưa của vị giám mục đã được xe kết duyên tình với giáo phận, và chiếc nhẫn Ngài trân trọng đeo trên tay mọi ngày trong 8 năm qua, là hình ảnh của lối sống trọn vẹn đó.
Dựa trên Thánh Kinh và truyền thống của Dân Chúa, khuôn mặt Maisen nổi bật như một đầy tớ trung thành của Thiên Chúa, nhưng đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại đầy lòng xót thương, tuyệt đối liên đới với Dân Chúa. Ông được gọi là Người của Chúa, cả đến khi chết trong cánh đồng Môab, ông vẫn trọn vẹn yên nghỉ trong cái hôn của Đức Giavê. Hình ảnh đó mãi vẫn là những ký ức đẹp trong lịch sử dân tộc và trong tâm tình của những thế hệ người Do Thái.
Nhưng đó là chuyện của ngàn năm xưa cũ, hồi Dân đi về Đất Hứa, còn thời Chúa Giêsu thì không còn Maisen, chỉ có những mục tử tìm xén lông chiên, tìm vắt sữa chiên. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay có ghi một trình thuật ngắn việc Đức Giê-su lên án các kinh sư giả hình tức các mục tử chỉ thích phô trương bộ vó bên ngoài, huênh hoang trên môi miệng, còn trong lòng thì kho cằn và rỗng tuếch (Mc 12, 38-40). Họ “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” Để có được bộ vó bảnh choẹ, đám người chỉ thích ăn trên ngồi trước “nói mà không làm” đó, lại đi bóc lột tận xương tuỷ các người hèn hạ nhất trong giai tầng xã hội Do Thái, đó là các bà góa.
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, lại có hai hình ảnh trái ngược : Một bên là hình ảnh đám kinh sư chỉ chú trọng phô trương hình thức sang trọng oai vệ bề ngoài, chỉ thích “ngồi trên toà ông Maisen mà giảng dạy” nhưng “họ nói mà không làm” (Mt 23, 2-3), vì thực chất họ chỉ là thứ “thùng rỗng kêu to”. Còn một bên là thái độ đạo đức đích thực nơi người góa phụ. Bà đã bị bóc lột, nhưng bỏ tiền quyên góp vào đền thờ thì được Chúa đánh giá là nhiều hơn ai hết, vì mọi người lấy tiền của dư thừa bỏ vào, còn bà thì lấy tất cả của độ thân mà dâng cúng, “ bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
Trước đó, từ thời Cựu Ước, cũng có một bà goá nghèo ở Sarépta hành động như vậy (bài đọc 1 – 1V 17, 10-16): Khi nghe ngôn sứ Ê-li-a xin nước, bà đã mau mắn lấy nước cho ngài. Khi ngài xin bánh, thì bà nói: “Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” (1V 17, 12). Thế nhưng bà vẫn nhường chút lương thực cuối cùng ấy cho người của Chúa là ngôn sứ Êlia.
Người đàn bà góa ở Sarépta và bà góa trong đoạn Tin Mừng có chung một nhân cách sống: Đó là cả hai đều có một tấm lòng vàng, cả hai đều dám trọn vẹn hiến dâng. Cả hai đều có một tình yêu. Tình yêu cho đi, tình yêu hiến dâng, tình yêu trao tặng. Hiến dâng những gì mình có tức là cho đi hết tất cả, cả con người, cả sự sống – Có tình yêu, nên người đàn bà góa hiến dâng đến đồng tiền, nắm bột cuối cùng. Cũng vì thiếu tình yêu nên đám kinh sư “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4).
Khi nhìn cử chỉ của những người phụ nữ này, làm sao mà chúng ta có thể không nhớ đến Chúa Giêsu. Những gì các bà goá này đã làm, Chúa Giêsu sẽ làm. Chính Ngài cũng sẽ cho đi những gì Ngài có; Ngài cũng sẽ hiến dâng mạng sống mình. “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Việc hiến dâng của các bà goá loan báo việc hiến dâng của Con Thiên Chúa, và cũng là sự hiến dâng trong Kitô giáo của những người trọn đời cho sự nghiệp phụng sự Chúa. Trọn đời dâng hiến : ”tất cả vì Tình Yêu Chúa Kitô”.
Chúng ta có thể nói điều đó về vị Giám Mục của chúng ta hôm nay kỷ niệm ngày tấn phong Giám Mục. Kể từ ngày cúi đầu lãnh nhận thánh chức, chưa bao giờ Ngài nhận mình xứng đáng, chưa bao giờ Ngài huyênh hoang, bởi Ngài bảo : tất cả là do Chúa. Câu Ngài hay nói: “không có Chúa, ta chẳng làm được gì cả”. Không bao giờ Ngài cho rằng mình làm được điều này điều nọ, dù nhiều người bảo Đức Cha thành công, nhưng ngài vẫn cứ xác tín: tất cả vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách mình.
Trong liên hoan phim VN lần thứ XI năm 1996, người ta có trao giải quay phim cho phim “Khoảng Vượt”. Nói về việc đường dây điện kéo ngang sông Tiền. Đó là khoảng vượt mênh mông sông nước băng qua bề ngang của dòng sông rộng . Đó là khoảng vượt vươn lên tít tắp của chiều cao trụ điện giữa bầu trời. Nhưng gián tiếp câu chuyện nói về khoảng vượt tâm lý của người thợ điện : nỗi sợ khó khăn với phương tiện hạn chế, nỗi lo xa gia đình, những ngờ vực nghi kỵ của bạn bè đồng nghiệp . Trong đời Giám mục những khoảng vượt dài, rộng, cao, sâu cũng không thiếu. Làm gì thì làm Ngài đã cho đi suốt 8 năm qua tất cả con người của mình, vượt qua những khoảng vượt mà năm 2004 tưởng chừng không vượt được. Đúng như vậy, từ hũ bột ít ỏi của đời mình , từ 2 đồng tiền kẽm vốn liếng hạn chế của phận người, những khoảng vượt tưởng chừng hết hơi vì nó dài vô cùng đã dần dần vượt qua của việc thánh hóa, chăm sóc đoàn chiên, đến việc điều hành giáo phận, việc xây dựng các cơ sở vật chất…
KẾT
Năm 1976, trước những ngổn ngang của đất nước mới thống nhất, khiến nhiều người phải đặt lại vấn đề chọn lựa, nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã viết những lời ca như thế này :
”mỗi ngày tôi chọn một niềm vui,
chọn những đau thương và những nụ cười…
Và như thế, tôi sống vui từng ngày,
và như thế tôi đến trong cuộc đời..”
Thiết tưởng lời ca ấy cũng là những tâm tình của trăm ngàn giáo dân Xuân Lộc hát về Ngài, về Đức Giám mục Giáo phận. Ngài đã giơ tay đón nhận sứ vụ giám mục là như thế Ngài đã chọn chúng con : chọn từng người, từng mảnh đời, ngài đã nhận chén đắng và cả mật ngọt. Ngài chọn đi đường lên núi Tabor và cả đường lên núi Calvê. Ngài sẵn sàng giơ tay chúc phúc và cả giang tay bị đóng đinh.
Với chừng này tuổi đời, thân xác cứ đi vẹo sang một bên, bước chân chầm chậm, gậy chủ chăn thành cây gậy giữ cho mình khỏi ngã. Chúng con biết trong hũ bột đời Ngài cũng chỉ còn có ít , hay trong tay ngài chỉ còn hai đồng tiền nhỏ / gọi tên nó là tuổi tác, là sức khỏe, là may mắn, là tiềm năng….thế mà Ngài vẫn cứ cho hết. Hiểu được quyết tâm của Ngài, con muốn hát một bài có những dòng điệp khúc thật đẹp, như họa một nhịp tâm tình quý mến cho sự chọn lựa sống đời sứ vụ mục tử trong chức Giám Mục đang thật đẹp:
Trái chín nửa vời làm sao dịu ngọt,
Tay ôm nửa vời sao trọn vòng tay
Thật như vậy, cho nên không hề có nửa vời trong cuộc hiến dâng của đời giám mục. Vì thế, những gì Chúa nói về bà goá được áp dụng cho Ngài: “Ngài đã cho hết … Ngài đang cho hết … Ngài vẫn còn cho giáo phận này hết …”. Xin đựợc mượn lời của Êlia chịu ơn bà góa ở Sarépta con thưa với Đức Cha thay cho những người con trong đoàn chiên của Đức Cha: “Ngài đừng lo, cứ đi và làm như Ngài đã nói…. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: hũ bột sẽ không cạn, và bình dầu sẽ không vơi đi, cho đến khi Thiên Chúa cho mưa xuống trên mặt đất “(1V 17, 16)..
Vì Ngài đã cho giáo phận này hết, nên bột đời Ngài sẽ không cạn và dầu sẽ không bao giờ hết. Đó là Hội nghị của liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á sắp tới. Là Chương trình mục vụ ngũ niên hướng tới Kim khánh giáo phận 2015, là năm Đức Tin cả Giáo Hội đang bước vào…, Đó cũng là 450 linh mục, là Đại Chủng viện với 350 chủng sinh, là nhiều chục hội dòng có hàng ngàn tu sĩ , là 265 giáo xứ vẫn cứ phong phú để … thấy rằng sự nghiệp thiêng liêng ấy 8 năm qua đã tràn đầy chan chứa, và chúng ta tin chắc rằng vẫn cứ mãi mãi tuyệt vời trong tương lai. Amen.
Linh mục Đaminh Ngô Công Sứ
Quản Hạt Xuân Lộc
Nguyên Phó Giám Đốc Đại Chủng viện Xuân Lộc.