Thánh lễ tạ ơn mừng ngân khánh linh mục cha giáo Gioan Baotixita Nguyễn Đăng Tuệ

Đi trong tiếng hát của gia đình Chủng viện và huyết tộc của mình, cha giáo Gioan Baotixita nổi bật với chiếc áo lễ thật nhiều ý nghĩa chứa trong hình ảnh ở mặt trước và mặt sau của chiếc áo do chính cha thiết kế.

Nếu mặt sau của chiếc áo là hình ảnh về mầu nhiệm Giáo Hội do cha tổng hợp vào tháng 7 năm 1987 và được cha nhờ thêu trên chiếc áo ngày chịu chức, 19-9-1987, thì 

mặt trước của chiếc áo là hình ảnh cô đọng sơ lược về cuộc đời của ông bà cố và của cha, để kỷ niệm Ba Hồng Ân: Ngân Khánh Linh Mục của cha, Ngọc Khánh Hôn Phối và Thượng Thọ Bát Tuần của ông bà cố. Thầy dẫn lễ đã khéo hướng cộng đoàn tham dự đến nhận thức: lời tạ ơn hôm nay của cha và gia đình cũng là lời của từng Kitô hữu cảm tạ Thiên Chúa cho chính mình.

Xem ảnh kỷ niệm

Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục của cha giáo Gioan Baotixita Nguyễn Đăng Tuệ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, diễn ra lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật ngày 23-09-2012, Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên. Đây là một ngày hồng ân không chỉ của riêng cha và gia đình, mà còn là của cả đại gia đình Chủng viện.

Những tia nắng ban mai rực rỡ làm cho bầu khí ngày lễ càng trở nên vui tươi, phấn khởi. Giữa khung cảnh ấy, đông đủ thân nhân của cha đã cùng đến Đại Chủng viện dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Đặc biệt hiện diện nơi cộng đoàn là ông bà cố cha Gioan Baotixita, vốn cũng đang mừng hồng ân Thượng Thọ Bát Tuần và Ngọc Khánh Hôn Phối. Tất cả đều chung lòng sốt sắng tiến vào Hy Tế Tạ Ơn.

Mở đầu Thánh Lễ là phần rước đoàn đồng tế. Đi trong tiếng hát của gia đình Chủng viện và huyết tộc của mình, cha giáo Gioan Baotixita nổi bật với chiếc áo lễ thật nhiều ý nghĩa chứa trong hình ảnh ở mặt trước và mặt sau của chiếc áo do chính cha thiết kế. Nếu mặt sau của chiếc áo là hình ảnh về mầu nhiệm Giáo Hội do cha tổng hợp vào tháng 7 năm 1987 và được cha nhờ thêu trên chiếc áo ngày chịu chức, 19-9-1987, thì mặt trước của chiếc áo là hình ảnh cô đọng sơ lược về cuộc đời của ông bà cố và của cha, để kỷ niệm Ba Hồng Ân: Ngân Khánh Linh Mục của cha, Ngọc Khánh Hôn Phối và Thượng Thọ Bát Tuần của ông bà cố. Thầy dẫn lễ đã khéo hướng cộng đoàn tham dự đến nhận thức: lời tạ ơn hôm nay của cha và gia đình cũng là lời của từng Kitô hữu cảm tạ Thiên Chúa cho chính mình.

Trong tâm tình này, cha giáo Gioan Baotixita đã cất lên một câu hát độc đáo, nối dài tâm tình của bài ca nhập lễ “Đường con đi” của nhạc sĩ Phanxicô. Lời ca mới do cha đặt ra và hát lên gói trọn tâm tình tạ ơn và tạ lỗi. Sau đó, cha mở đầu Thánh lễ bằng lời của thánh Phaolô: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không ra vô hiệu” (1 Cr 15, 10). Trong tâm tình khiêm tốn, ngài thừa nhận chỉ dám mạnh miệng ở vế thứ nhất của câu Lời Chúa, đó là: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa”; còn đối với vế thứ hai: “ơn Người ban cho tôi đã không ra vô hiệu”, ngài nhấn mạnh: “Con không dám mạnh miệng, mà còn rất ‘nhột’”, vì đã nhiều lần để ơn Chúa ra vô hiệu. Cái “nhột” của một vị linh mục khiêm nhường đã được ngài dùng để hướng ý cộng đoàn đi vào phần sám hối đầu lễ.

Ở phần Phụng vụ Lời Chúa, bài đọc I và bài Thánh vịnh đáp ca được công bố và cất lên như tiếng khẩn cầu và lòng tín trung vào Thiên Chúa của người sống theo thánh ý Ngài giữa bao gian nan. Trong khi đó, bài đọc II kêu gọi mọi người sống thánh ý ấy bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa – một sự khôn ngoan nhằm kiến tạo cảnh thái hòa.

Sang bài Tin Mừng, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Đại Chủng viện, đã trình bày những lời giảng giải thật hay và ý nghĩa cho cả ngày lễ. Ngài bắt đầu với lời nhận xét rằng mọi người đều muốn cha Gioan Baotixita giảng, nhưng cha lại khiêm tốn không muốn nói, và đã nhờ Đức Ông thay lời. Theo Đức Ông Giuse, hành động ấy gợi đến một câu chuyện của thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: mối tình của thánh nữ với Chúa Giêsu cũng giống như hương thơm của một bông hoa trong phòng. Nếu đem ra ngoài, mùi hương ấy sẽ phai nhạt và bớt đi. Cũng vậy, nếu phải mang khỏi căn phòng tâm hồn, những tình cảm của cha giáo Gioan Baotixita cùng Chúa có thể bị mất đi sự tế vi. Do vậy, Đức Ông mời gọi thay vì đòi ngài mang ra, cộng đoàn hãy cùng vào căn phòng tâm hồn của ngài để thưởng thức.

Đức Ông nói rằng không niềm vui nào mà không có lý do. Điều này là chắc chắn hơn cả đối với cha giáo Gioan Baotixita: thứ nhất, cha giáo đã cảm nhận được tình yêu sâu xa của Chúa dành cho mọi người. Giả như Đức Thánh Cha có kêu gọi cha, chắc chắn cha sẽ vâng lời; huống chi, Chúa Cả trời đất đến kêu mời. Như thế, chắc chắn cha phải cảm thấy vui vẻ khi được cộng tác với Thiên Chúa trong công việc cứu chuộc nhân loại.

Thứ hai, theo lời Đức Ông, hiếm linh mục nào được diễm phúc còn cả ông bà cố trong dịp Ngân Khánh Linh Mục của mình, nói chi đến việc ngài còn có thể mừng cả Ngọc Khánh Hôn phối và Thượng Thọ Bát Tuần của ông bà cố. Y lời cha giáo thì ngài được tổ chức tạ ơn Hồng Ân Ba trong Một; nhưng đúng hơn, phải nói là bốn Hồng Ân trong Một, vì có thêm hồng ân đặc biệt là được trọn cả ba hồng ân trong cùng một dịp.

Thứ ba, Đức Ông nói vui: “Cha giáo phải vui “dữ” vì trong lòng ngài có một ngọn lửa bốc cháy, tuy rằng bề ngoài, ngài làm như không có gì”. Thật vậy, thánh lễ tạ ơn còn là niềm hạnh phúc lớn xuất phát từ cuộc gặp của hai gia đình, mà cha Gioan Baotixita là nhịp cầu nối: gia đình huyết tộc và gia đình thiêng liêng Chủng viện. Sự nối kết ấy được thể hiện trên hết nhờ lời kinh của mọi người.

Đức Ông mở rộng niềm hân hoan của cha Gioan Baotixita ra với mọi người bằng cách trích dẫn ý thư Do Thái: linh mục là người được tuyển chọn giữa muôn người để phục vụ những gì thuộc về Thiên Chúa và những điều mà Thiên Chúa muốn làm cho dân Người. Như thế, mừng Ngân Khánh Linh Mục của cha giáo cũng là mừng niềm vui của chính các linh mục và chủng sinh. Lời kinh tiếng hát của thánh lễ Ngân Khánh Linh Mục của cha giáo cũng chính là lời kinh tiếng hát cho mỗi linh mục và chủng sinh đang có mặt.

Sau đó, Đức Ông Giám đốc đào sâu suy tư của bài Tin Mừng Chúa Nhật XXV mùa Thường Niên năm B. Ngài chú trọng vào các yếu tố cần suy niệm đặc biệt đối với những người đang là linh mục hay đang tiến tới chức linh mục: trong bài Tin Mừng, có điều gì đó riêng tư mà Chúa Giêsu chỉ nói với các bạn hữu của Người. Tuy nhiên, các môn đệ lại không hiểu gì về mối tình riêng tư đó. Các ông đang mải bàn cãi vị trí sau này của mình. Do thế, họ còn xa cách Chúa. Dùng tình huống ấy, Đức Ông đề cao hành trình của linh mục cũng chính là hành trình từ từ tiến vào tình thân với Chúa và trở nên một với Chúa, thay vì cãi cọ và và tranh giành địa vị.

Liên hệ đến ngày lễ, Đức Ông nhắc tới việc cha Gioan Baotixita đã thực hiện cuộc hành trình này được nhiều năm và vẫn còn đang tiếp tục. Cha đã luyện tập để có thể thấu hiểu và thấm nhập tình thân của Chúa Giêsu. Các cha giáo Chủng viện cũng đang sống như vậy, và cả các thầy cũng thế. Tất cả cố gắng đi vào mối tình mang tên Giêsu và trở nên một cùng Người. Với chút dí dỏm, Đức Ông nhắn nhủ: trong tương lai, khi kỷ niệm ngân khánh của chính các thầy, các thầy phải làm lớn hơn nữa. Ngài giải thích: lời này có vẻ xúc phạm nhưng thực ra đó là cách nói “Con hơn cha là nhà có phúc” của người Việt Nam. Vì thế, món quà tặng lớn nhất đối với cha giáo Gioan Baotixita chính là nỗ lực trở nên thân tình với Chúa Giêsu và trở nên giống Người.

Để kết bài giảng, Đức Ông Giám đốc chúc cha Gioan Baotixita lễ Ngân Khánh thật vui và hạnh phúc trong tình nghĩa của Chúa Kitô.

Thánh lễ tiếp tục với phần dâng lễ vật của gia đình huyết tộc cha Gioan Baotixita. Liền đó là phần Phụng vụ Thánh Thể trong không khí linh thiêng sốt mến, vốn được nhận thấy đặc biệt rõ nơi cha giáo.

Vào cuối lễ, cha giáo đã dâng lời cám ơn Đức Ông Giám đốc, Quý Cha Phó Giám đốc, quý Cha, quý Thầy, quý Dì, quý nhân viên và mọi người. Cách riêng cha tỏ lòng tri ân đặc biệt với lớp Thần học I mà cha đồng hành, vì lời cầu nguyện không ngừng của từng thành viên dành cho cha. Lời cám ơn kết thúc bằng câu xin lượng thứ những thiếu sót nếu có.

Cuối cùng, Thánh lễ kết thúc vào hồi 11 giờ 15. Tan lễ, mọi người cùng dự bữa ăn thân mật tại nhà ăn của Đại Chủng viện.

Giuse Phạm Quốc Tuấn
Khoá II – Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc
 

Comments are closed.