CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA – Lễ Đức Mẹ Lên Trời – 15/08/2021 – Trên Trời Dưới Thế: Ngày Vui Mừng Và Tạ Ơn

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

Lễ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, 15-8-2021

TRÊN TRỜI VÀ DƯỚI THẾ : NGÀY VUI MỪNG VÀ TẠ ƠN

Maria, Evà mới, được đưa về trời. Mẹ Maria, người sinh ra Chúa Giêsu, đã bước vào vinh quang Chúa dành cho Mẹ, để trở thành “dấu chỉ vĩ đại” về niềm hy vọng cho chúng ta, những người đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, “Đấng làm cho kẻ chết sống lại”.

Bài đọc I : Kh 11, 19a ; 12, 1-6a. 10ab

Thánh Giêrônimô nói rằng trong sách Khải Huyền “có bao nhiêu biểu tượng là có bấy nhiêu lời”. Bài đọc hôm nay là một xác nhận hùng hồn về lời nói này. “Người Phụ Nữ” được trang điểm bằng các biểu hiện thiên giới, giống như các biểu hiện của Người Phụ Nữ được yêu trong sách Nhã Ca, hình ảnh dân Thiên Chúa theo cách giải thích truyền thống của người Do Thái. Người Con Trai mà Người Phụ Nữ sinh ra cho thế gian, “người chăn dắt muôn dân” này chỉ có thể là Đấng Mêsia, nghĩa là Đức Kitô : “những đau đớn” của việc sinh nở gợi lên những đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập giá và sự tái sinh của Ngài là sự sống lại. Sự kiện đứa trẻ được đưa lên trời tượng trưng cho sự thăng thiên của Đức Kitô “bên cạnh Thiên Chúa”. Người phụ nữ, vô danh, đại diện cho dân mới của Thiên Chúa, và các Kitô hữu nhìn nhận người phụ nữ ấy là Đức Maria thành Nazareth, mẹ của Chúa Giêsu.

Thánh vịnh 44 (45)

Tựa đề của thánh vịnh bằng tiếng Do Thái là “Bài ca tình yêu”. Nói “Bài ca tình yêu” là muốn nói đến mối quan hệ giữa hai người. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ có nửa sau của thánh vịnh tập trung vào vẻ đẹp của một nữ hoàng. Huy hoàng, tráng lệ, lộng lẫy, lời khen ngợi nữ hoàng gợi lên sự miêu tả về Người Phụ Nữ được yêu trong sách Nhã Ca. Nhưng nhất thiết phải quay lại nửa đầu của thánh vịnh để hiểu được ý nghĩa chung của nó. Các câu 1-10 mô tả một vị vua lý tưởng là Đấng Mêsia : “Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc” (câu 8). Và “Ái nữ của Vua” được mô tả trong các câu 11-16 không ai khác chính là dân thiên sai, được Thiên Chúa sủng ái như cô dâu hảo hạng (xin xem hai chương đầu của sách Ô-sê.

Bài đọc II : 1 Cr 15, 20-27a

Với 58 câu, chương 15 này của lá thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô là sự trình bày và chứng minh dài nhất của giáo lý Kitô giáo về sự sống lại của kẻ chết, gắn liền với sự sống lại của Đức Kitô. Trước hết, Phaolô công bố “Tin mừng” về sự sống lại. Trong đoạn trích chúng ta đọc, Phaolô khai triển cách thức và hệ quả của việc người chết sống lại. Cách thức : “Bởi một người (A-đam) mà có sự chết, thì cũng chính bởi một người (Đức Kitô) mà có sự sống lại của những kẻ đã chết“. Và hệ quả: “Tất cả sẽ nhận được sự sống, nhưng ai nấy theo thứ tự của mình“. Sự sống lại của kẻ chết được khắc ghi trong việc hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa, sau khi Đức Kitô chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết.

Tin Mừng : Lc 1, 39-56

Ở ngưỡng cửa của Tân Ước, có hai người chủ chốt là hai phụ nữ đặc biệt: Elizabeth và Maria. Họ là chị em họ của nhau : Elizabeth cư trú ở Giuđêa, Maria ở Nazarét, xứ Galilê. Hai tín hữu vĩ đại này đều được Thiên Chúa cho mãn nguyện là được sinh con, khi mà Elizabeth đã lớn tuổi và vẫn son sẻ, còn Maria thì rất trẻ và là một trinh nữ. Hai người phụ nữ này đã sinh ra hai vị tiên tri vĩ đại nhất của Tân Ước : Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Chúng ta hiểu rằng họ tràn ngập hạnh phúc. Elizabeth nhận ra sự vĩ đại thực sự của Mẹ Maria, vĩ đại vì đã “tin rằng những lời […] của Chúa sẽ được ứng nghiệm“. Thế rồi, Maria cất tiếng hát tạ ơn, Magnificat, là lời, thật ra có thể được gọi là “thánh vịnh của các thánh vịnh“.

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.