Tiếp Cận Mục Vụ Truyền Giáo Lớp Thần Học IV – Khóa V

TIẾP CẬN MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO

LỚP THẦN HỌC IV – KHÓA V

30/3/2016 – 01/4/2016

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội (x. AG 2). Nhằm gây ý thức cũng như giúp cho các chủng sinh hun đúc cho bản thân về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, Ban Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã tổ chức ba ngày đi tiếp cận mục vụ truyền giáo cho lớp thần học IV tại ba giáo xứ: giáo xứ Đạ Tẻh – thuộc giáo phận Đà Lạt, giáo xứ Đaguri – thuộc giáo phận Phan Thiết và giáo xứ Tân Triều thuộc giáo phận Xuân Lộc.

1. Một vài ghi nhận về các “điểm truyền giáo”

Giáo xứ Đạ Tẻh được thành lập sau 1975, có địa bàn khá rộng. Đây là vùng kinh tế mới cho bà con từ khắp mọi miền đất nước về làm ăn sinh sống. Hiện nay giáo xứ có khoảng hơn 5000 giáo dân, trong tổng số khoảng 50.000 người, gồm người Kinh và các anh em đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế chủ yếu là cấy lúa, trồng mía, trồng điều và hồ tiêu. Lương dân và anh chị em đồng bào dân tộc ở đây sống hiền hòa, cởi mở và thân thiện.

Giáo xứ Đaguri có khoảng 800 giáo dân, tọa lạc trên một vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Người dân thật sự nghèo và điều kiện đến nhà thờ rất khó khăn. Người dân ở đây lương cũng như giáo phần đông rất gần gũi, ân cần. Tuy nhiên, nơi đây cũng là điểm cư trú của không ít “đối tượng” có vấn đề trong xã hội như phạm pháp, tiền án tiền sự.

Giáo xứ Tân Triều hiện nay có 2.027 giáo dân trong số gần 50.000 lương dân thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi tập trung rất nhiều di dân. Dân địa phương ở đây gốc Nam Bộ theo đạo Phật hoặc theo tín ngưỡng thờ kính ông bà với nhiều chùa chiền, am miếu, đình thần. Đặc tính của người Nam Bộ là chân thành, gần gũi, dễ tiếp xúc và thẳng thắn.

2. Những điều học được từ cha xứ và giáo xứ

Cha xứ của cả ba “điểm truyền giáo” đều là những vị mục tử hết lòng vì đoàn chiên, mạnh dạn dấn thân đến với người lương dân. Các ngài chăm lo phát triển toàn cho người dân lương cũng như giáo: đức tin, giáo dục, y tế, kinh tế…

Quý chức Ban hành giáo và các cộng tác viên rất quảng đại và dấn thân cho lo cho việc truyền giáo. Cùng với vị chủ chăn, quý chức và mọi người đã tận dụng tất cả phương tiện để truyền giáo: mọi điều kiện vật chất có được cũng như phương tiện truyền thông và việc thăm viếng cá nhân.

3. Những kinh nghiệm rút ra cho bản thân

Ba ngày đi tiếp cận mục vụ truyền giáo là những ngày anh em khóa V sống và cảm nghiệm được niềm vui vì Chúa đang mở ra trước mắt mỗi người một cánh đồng bao la và hứa hẹn một mùa gặt bội thu của công cuộc truyền giáo tại ba “điểm truyền giáo” này. Quý cha xứ và quý cộng tác viên hết sức dấn thân và nhiệt thành lo cho đời sống đức tin của giáo dân và việc truyền giáo. Anh em được tiếp xúc với nhiều gia đình lương dân. Nhiều người trong số họ rất có thiện cảm với Đạo Chúa và rất cởi mở khi đối thoại. Hy vọng trong một tương lai không xa, họ sẽ mở lòng đón nhận Chúa để được Chúa đón nhận họ vào gia đình của Ngài.

Trong những ngày này anh em hun đúc thêm cho bản thân về lòng thao thức với sứ mạng truyền giáo. Ba “điểm truyền giáo” anh em đến đều có số giáo dân rất khiêm tốn so với số người chưa biết Chúa. Rộng hơn nữa, Giáo Hội Công giáo Việt Nam hiện nay gần 7 triệu người, một con số cũng rất bé nhỏ trong tổng số hơn 80 triệu con dân Đất Việt. Điều đó phản ánh một thực tại: còn biết bao nhiêu người là con cái Chúa, nhưng lại không biết mình là con cái Chúa. Nhu cầu cấp bách phải truyền giáo: để mọi con cái Chúa được trở về và sum họp trong gia đình của Chúa.

Những ngày đi tiếp cận mục vụ truyền giáo này anh em cảm nhận rằng: Say mến Chúa Giêsu và lòng nhiệt thành thật cần thiết cho sứ vụ truyền giáo. Chính khi say mến Chúa Giêsu cùng với nhiệt thành, người tông đồ sẽ tìm ra nhiều điều kỳ diệu, và nhiều sáng kiến cho công cuộc truyền giáo. Những sáng kiến ấy không ở đâu xa, ngoài tầm tay, mà chính là ngay trong chính con tim, những sáng kiến phát sinh từ trái tim yêu thương, từ lòng thao thức nhiệt huyết tông đồ khi cùng hiện diện, sống dễ thương, để cảm thấu được sự đau khổ, đói khát, thiếu thốn, cả về tâm linh lẫn vật chất đau khổ của từng con chiên “trong ràn” cũng như “ngoài ràn”.

Trên đỉnh đồi yêu thương, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi khát” (Ga 19,28). Ngài khát tình yêu, khát phần rỗi cho các linh hồn, khát sự bình an và hạnh phúc trường cửu cho đoàn chiên của Ngài. Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tế tiếp cận mục vụ truyền giáo trong ba ngày qua, ước mong anh em khóa V nỗ lực tu luyện để trở nên những mục tử say mến Chúa Giêsu, đầy lòng thao thức và dấn thân lo cho việc truyền giáo để phần nào “giải khát” cho Chúa Giêsu.

Anh em khóa V

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc

01_Dateh (6)

Comments are closed.