Thứ Tư Tuần Thánh – Ngày 5/4/2023

Lời Chúa: Mt 26,14-25

Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.

Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

 


Suy niệm

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA CỨU VỚT TỘI NHÂN

“Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,22).

Bố cục Tin Mừng theo thánh Gioan được xây dựng dựa trên chủ đề về Giờ. Đó là Giờ mà Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha tôn vinh trên cây thập tự. Trước biến cố vĩ đại về Giờ, không riêng gì thánh Gioan, các tác giả sách Tin Mừng khác đều kể về bữa tiệc Vượt Qua là khoảng khắc cuối cùng mà Thầy và trò được qui tụ bên nhau. Tại đây, chúng ta thấy được tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các Tông đồ. Tình yêu đó đạt tới đỉnh điểm khi Chúa Giêsu đã tự hiến chính mình để cứu vớt muôn người khỏi tội.

Bữa tiệc vốn dĩ diễn tả niềm vui, thế nhưng bầu khí của bữa tiệc hôm nay lại trở nên nặng nề khi Chúa Giêsu tiên báo về sự phản bội của một thành viên trong nhóm Mười Hai. Các Tông đồ đều buồn rầu khi nghe như vậy và lần lượt từng người hỏi Chúa Giêsu, “Lạy Thầy,chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,22b)

Khi nghe đến tội phản bội, ai trong chúng ta cũng nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội này. Đây chính là cảm thức về tội mà Thiên Chúa đặt để trong lương tâm mỗi con người. Nói về tội, chúng ta cần phân biệt giữa tội lỗi và tội nhân. Tội lỗi tự nó là xấu. Tội lỗi phá vỡ mối tương quan của con người với Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và vi phạm đến tình liên đới nhân loại. Thiên Chúa lên án tội chứ Ngài không kết án tội nhân vì Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu con người khỏi tội lỗi (x. Mt 1,21). Điều này được thể hiện rõ trong Giờ Tử Nạn. Lúc Chúa Giêsu được giương cao trên cây thập giá cũng chính là lúc tội lỗi bị phơi bày, và từ đây, nguồn ơn cứu độ được tuôn tràn trên mọi tội nhân. Từ một thập giá là biểu tượng cho tội lỗi thì Thiên Chúa đã biến nó trở nên Thánh Giá, dấu chỉ của Tình Yêu. Lời của một bài hát đã diễn tả điều này như sau: “Thánh Giá hình chữ “T”. Người nằm giang tay chữ “Y” là Tình Yêu, yêu đến trọn đời”. Đúng thế, tội lỗi của con người được phủ lấp bởi Tình Yêu Thiên Chúa (x. 1Pr 4,8).

Trong bữa tiệc trước Giờ Tử Nạn, bản thân Chúa Giêsu biết rõ về kẻ sẽ nộp Người. Không những thế, Chúa Giêsu còn biết về việc Phêrô sẽ chối Thầy khi gà chưa kịp gáy, còn các Tông đồ thì bỏ Thầy mà chạy tán loạn. Nếu xét về mức độ nghiêm trọng của tội, thì nộp Thầy, chối Thầy và bỏ Thầy có khác là bao! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không lên án một ai. Ngài tế nhị nhắc nhở Giuđa và nhẹ nhàng khuyên bảo Phêrô. Cho dù biết lòng các Tông đồ chưa sẵn sàng đáp trả tình yêu nhưng Chúa Giêsu vẫn chủ động yêu thương họ trước. Ngài đã cùng Giuđa chấm chung một chén là dấu chỉ của tình bạn và sự liên kết. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ. Và trên thập tự, Ngài đã tự hiến chính bản thân mình vì nhân loại.

Thật ý nghĩa khi chuẩn bị bước vào Tam Nhật Thánh, Mẹ Giáo Hội cho chúng ta suy niệm khoảng khắc trước Giờ Tử Nạn là tiệc Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các Tông đồ. Cách nào đó, Chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn để cảm nếm về Tình Yêu tự hiến của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Ngày ngày, chúng ta được tham dự vào vào Hy tế Thập Giá nơi bàn thờ, cùng nhau chia sẻ một Tấm Bánh Giêsu nhưng đâu đó lòng ta vẫn chưa yêu Chúa cách trọn. Lời tiên báo của Chúa có làm lòng ta băn khoăn và áy náy như các Tông đồ xưa, “Lạy Thầy, chẳng lẽ con sao?”

Tội nộp Thầy và chối Thầy đều nghiêm trọng, nhưng điểm khác giữa Giuđa và Phêrô chính là lòng sám hối và tin tưởng vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Phêrô đã khóc khi nhìn vào mắt Chúa và chắc chắn Giuđa cũng hối tiếc về hành động của mình, nhưng Giuđa lại không để Chúa thứ tha. Giuđa đã tự đi tìm cho mình một lối giải thoát riêng. Thánh Ambrôsiô đã nói: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của Bí tích Rửa Tội, và nước mắt của Bí tích Thống Hối. ” Nơi Bí tích Thống Hối, Thiên Chúa đang đợi chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa giúp bản thân khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối và mạnh dạn trở về với Tình Yêu của Chúa nơi Bí tích Thống Hối để được tha thứ và biến đổi. Amen


Comments are closed.