“Rồi mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6) – Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm C

Thánh Gioan Tẩy giả nằm ở trung tâm của phụng vụ chủ nhật thứ hai và thứ ba Mùa Vọng. Tuần tới, chúng ta sẽ nghe sứ điệp Ngài mời gọi hoán cải, còn hôm nay Luca nói về sứ mạng tiên tri của Ngài, bằng cách trích dẫn lời tiên tri Isaia: “Mọi lũng sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn lại cho ngay, đường gồ ghề phải san cho bằng, rồi mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu rỗi của Thiên Chúa”( Lc 3, 5-6).

Lời sấm trên cho thấy các hố sâu phân chia giữa con người, giữa các tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc sẽ được lấp đầy để hình thành một thế giới nơi mà tất cả mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và sẽ được tôn trọng. Một thế giới khác hẳn thế giới của Ti-bê-ri-ô, Phi-la-tô, Hê-rô-đê, Phi-lip, Ly-sa-ni-a, An-na và Cai-pha. Thế giới ấy nằm dưới gót giày chinh phục, áp bức và bất công. Còn trong Vương quốc của Thiên Chúa, tất cả những lạm dụng quyền lực sẽ biến mất, vì: “Tất cả mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Giống như tất cả các sách Tin Mừng khác, Tin mừng Luca không phải là một cuốn sách lịch sử, nhưng là một chứng nhân đức tin. Tuy nhiên, sự kiện Ngài cẩn thận đặt hoạt động của Gioan Tẩy Giả vào khung cảnh lịch sử thế giới đã gán cho câu chuyện một đặc tính nhập thể, rất sát thực tế trong thời gian và không gian. Trên sân khấu thế giới thời ấy, những nhân vật lớn được long trọng giới thiệu: Hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Tổng trấn Phi-la-tô, các Tiểu Vương, Thượng tế An-na và Cai-pha.  Bên cạnh những bậc quyền quí ấy, Gioan Tẩy Giả chỉ là một dung mạo mờ nhạt. Tuy nhiên, giờ đây, sau 2000 năm, Gioan Tẩy giả luôn luôn được lắng nghe, được bắt chước và được cử hành trong khi những người kia bị bụi thời gian phủ lấp. Ti-bê-ri-ô, hoàng đế đầy quyền uy thuở nào, giờ chỉ còn là bức tượng tàn phai với thời gian trước sự thờ ơ của mọi người. Tương tự như thế, một trăm năm nữa, các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay sẽ trở nên như thế nào? Họ có được vị trí nào trong tâm hồn con người?

Sau khi nhấn mạnh khía cạnh phù du của các nhà lãnh đạo thế giới, Luca đề cao sự kiện Lời của Thiên Chúa được lắng nghe, không phải bởi hoàng đế La Mã, các Tiểu Vương hay các thượng tế, nhưng bởi Gioan Tẩy Giả. Lời Chúa “đến với” con trai của Dacaria nơi sa mạc. Rồi ngang qua Ngài, Lời ấy sẽ đến với chúng ta qua bao thế kỷ. Và cho đến ngày nay, Lời vẫn tiếp tục đến qua những người rất bình thường: họ là những người hi sinh đi thăm viếng các bệnh nhân, những người con hiếu thảo lo lắng chăm sóc cha mẹ già yếu của mình, những người quảng đại chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo khổ, những người chịu đựng bách hại để sống trọn vẹn niềm tin của mình, vv..!

Sa mạc nơi Gioan Tẩy giả ở là một nơi mà mọi tước hiệu và đặc quyền không còn ý nghĩa nào cả, nơi mọi người khám phá ra chính mình và tìm kiếm bản sắc riêng cho mình. Trong môi trường ấy, Lời của Thiên Chúa “đến với Gioan”.  Ý nghĩa thời gian dài Mùa Vọng nằm trong cụm từ: “tiếp nhận Lời Thiên Chúa”, lắng nghe Lời có sức biến đổi, biến chúng ta thành những người mới. Với những lời này, Chúa Kitô trở thành “Đường, sự Thật và sự Sống” cho chúng ta.  Tin Mừng hôm nay xác nhận những gì Phaolô nói với tín hữu Cô-rin-tô: “Cách thức mà Thiên Chúa dùng để dạy dỗ chúng ta là chọn những gì thấp hèn nhất để làm điêu đứng những gì mạnh mẽ nhất”.

Theo cách sự phạm ấy, hôm qua cũng như hôm nay, lịch sử tiến bước được là nhờ những con người đặc sủng đã tiếp nhận lời Chúa đến với mình:

– Thế kỷ thứ sáu, Thánh Bê-nê-đi-tô, thông qua các tu viện của mình, rao giảng Tin Mừng cho châu Âu;

– Vào thế kỷ 13, thánh Phan-xi-cô As-si-si, sống chỉ có 26 năm mà đã thay đổi triệt để Giáo Hội thời đại của mình;

– Thế kỷ 14, Thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Si-ê-na đưa Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô XI từ A-vi-gnon trở lại Ro-ma;

– Vào thế kỷ 16, Tê-rê-xa A-vi-la và I-nha-xi-ô Lô-yô-la đổi mới đời sống tôn giáo;

– Thế kỷ 20, Thầy An-rê phục hồi đức tin và niềm hy vọng của quần chúng;

– Và gần đây hơn cả, Mẹ Tê-rê-xa mang lại cho thế giới một khuôn mặt mới của lòng nhân lành của Thiên Chúa.

Lời của Thiên Chúa đã ngự xuống trên các bậc anh hùng ấy, và thế giới đã được biến đổi. Hôm nay, lời của Thiên Chúa cũng “ngự xuống trên mỗi người chúng ta”.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.