Những Văn Kiện Của Giáo Hội Về Truyền Giáo Trong 100 Năm Qua (p.3)

Phần 1: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-p-1.html

Phần 2: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/nhung-van-kien-cua-giao-hoi-ve-truyen-giao-trong-100-nam-qua-p-2.html

III. GIÁO HUẤN HỘI THÁNH VỂ TRUYỀN GIÁO SAU VATICANÔ II: 1975-2007

Roger p. Schroeder, S.V.D.

Trong một bài viết về sự thay đổi về quan điểm và thực hành truyền giáo của Giáo hội Công giáo ở thế kỷ XX, Robert Schreiter[1] đã phân chia thành bốn chặng: xác tín, dậy men, khủng hoảng, tái sinh. Chặng thứ nhất bao gồm thế kỷ XIX và tiền bán thế kỷ XX. Công đồng Vaticanô II đánh dấu chặng dậy men. Hai phần trước đây đã đề cập giáo huấn Hội thánh trong chặng xác tín của thế kỷ XX (1919-1959) và chặng dậy men của Vaticanô II (1959-1965).

Thập niên chuyển mình sau Vaticanô II

Schreiter gọi thập niên sau Công đồng (1965-1975) là chặng khủng hoảng về truyền giáo. Thế giới đang chuyển biến: phong trào nhân quyền tại Hoa Kỳ, cuộc cách mạng văn hóa bên Trung Quốc, Chiến tranh sáu ngày ở Trung Đông, Mùa Xuân Praha ở Tiệp Khắc, cuộc nổi dậy của sinh viên ở Mêxicô. Trong Giáo hội cũng có nhiều nhân tố góp phần cho cuộc khủng hoàng. Việc hồi tục của nhiều linh mục và tu sĩ đã làm suy giảm nhân số các thừa sai. Cuộc chấm dứt chế độ thuộc địa, mà công cuộc truyền giáo thường được gắn kết, cũng khiến cho nhiểu người kêu gọi kết liễu việc truyền giáo, hoặc ít là một đường lối truyền giáo. Ngoài ra, những biến chuyển thần học của Công đồng – việc nhìn nhận bản chất truyền giáo của toàn Giáo hội (AG 2), sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới như là các dấu chỉ thời đại (GS 4), sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác (NA2), và khả năng có thể được cứu độ ngoài Hội thánh (LG 16) – đã cắt đứt những động lực trước Công đồng về việc cứu độ các linh hồn và về việc thiết lập Giáo hội hữu hình.

Cần phải phát triển một thần học và thực hành mới về truyền giáo. Cha Schreiter đánh dấu khởi đầu của chặng “tái sinh” là năm 1975 với Tông huấn Evangelii Nuntiandi (EN) của Đức thánh cha Phaolô VI. Tuy nhiên, cần ghi nhận một vài chuyển động góp phần vào việc tái sinh đã manh nha từ chặng khủng hoảng. Năm 1968, Liên Hội đồng giám mục Mỹ châu Latinh (CELAM) họp tại Medellin (Colombia) đã phân tích và suy nghĩ về thực trạng của Mỹ châu Latinh, và đã thảo ra một kế hoạch hành động vượt lên trên những khái niệm phát triển và cách mạng đến chỗ biến đổi các cơ cấu bất công. Điều này đã tác dụng đến Giáo hội phổ quát bởi vì Thượng hội đồng giám mục năm 1971 tại Rôma đã khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa công lý và loan báo Tin Mừng. Nhiều sự tiến triển mới cũng chớm nở tại những lục địa khác: các tín hữu tại Á châu chú trọng đến đối thoại liên tôn; Phi châu quan tâm đến đức tin và văn hóa; Âu châu, Bắc Mỹ và Úc châu để ý đến Kitô giáo và sự tục hóa; quần đảo Thái bình dương nghĩ đến tác dụng của các biến đổi xã hội nhanh chóng. Các cộng đoàn cơ bản cũng phát triển, và việc học hỏi Kinh Thánh cũng gia tăng trong Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới.

Thập niên sau Công đồng Vaticanô II là một thời chuyển tiếp mang dấu vết của sự phá vỡ và xây dựng (xem Gv 3,3). Bây giờ chúng ta chuyển sang chặng “tái sinh” trong quan điểm truyền giáo dựa theo các văn kiện chính thức của Giáo hội, khởi đầu với Evangelii Nuntiandi năm 1975 và kết thúc với văn kiện “Ghi chú đạo lý về một vài khía cạnh của việc Loan báo Tin Mừng” năn 2007.

A. Evangelii Nuntiandi (1975)

Đức thánh cha Phaolô VI triệu tập Thượng hội đồng năm 1974 để bàn về việc “Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại”. Đúc kết những ý kiến của các nghị phụ (với tỷ lệ các giám mục miền “đạo gốc” cao hơn thời kỳ họp Công đồng), Đức thánh cha đã soạn và ban hành Tông huấn Evangelii Nuntiandi (EN) năm 1975. Có lẽ vì muốn tránh đồng hóa “truyền giáo” với “thuộc địa” cho nên thuật ngữ “loan báo Tin Mừng” (evangelization) được dùng thay cho “truyền giáo” (mission). Tuy rằng việc loan báo Tin Mừng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là công bố sứ điệp Phúc Âm bằng lời nói và chứng tá, nhưng ở đây Đức Phaolô VI muốn hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm hết mọi hình thức của việc truyền đạo; hiểu như vậy, hai từ ngữ loan báo Tin Mừng (evangelization) và “truyền giáo” (mission) coi như đồng nghĩa. Chúng tôi muốn nêu bật ba đóng góp quan trọng nhất của tông huấn vào việc hiểu biết sứ vụ[2]

1.Hội thánh tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu

Trong chương mở đầu, EN khẳng định bản tính truyền giáo của Giáo hội mà Vaticanô II đã tái khám phá. Tuy nhiên, thay vì đặt nền tảng của khẳng định này trên mầu nhiệm Tam Vị (missio Dei), giống như Ad Gentes [AG], Đức Phaolô VI lấy trọng tâm là vương quốc Thiên Chúa. “Như một người loan báo Tin Mừng trước hết Đức Kitô loan báo một vương quốc, vương quốc của Thiên Chúa, và điều này trở nên quan trọng đến nỗi khi so sánh với nó, tất cả những cái khác đều là ‘phần còn lại, và sẽ được ban thêm’. Vì vậy, duy chỉ Vương quốc mới tuyệt đối, khiến cho mọi điều khác trở nên tương đối” (EN 8). Vương quốc Thiên Chúa là trọng tâm của sứ vụ Đức Giêsu, trong lời giảng (các dụ ngôn), trong các hành động (cách riêng là chữa bệnh và trừ tà) và thái độ (cách riêng là ngồi đồng bàn). Những ai chấp nhận Tin Mừng và tìm kiếm vương quốc “họp thành một cộng đoàn và đến lượt mình trở thành kẻ loan báo Tin Mừng” (số 13). Như vậy, “loan Báo Tin Mừng là hồng ân và ơn gọi riêng của Giáo hội, căn tính âu sắc nhất của mình” (14).

Đức thánh cha rút ra vài hệ luận về bản tính truyền giáo của Giáo hội. Trước hết, Giáo hội cần “bắt đầu với việc Tin Mừng hóa chính mình… qua việc hoán cải và đổi mới không ngừng, ngõ hầu có khả năng loan báo Tin Mừng cách khả tín” (15). Thứ hai, có nột mối liên hệ và liên tục chặt chẽ giữa sứ vụ Đức Giêsu đối với vương quyền Thiên Chúa và Giáo hội, là thành quả trực tiếp và hữu hình nhất của công trình của Đức Giêsu. Để trả lời cho những người tách rời lòng yêu mến Chúa Kitô khỏi Giáo hội, EN trả lời rằng không thể nào tách rời hai thực thể ấy. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng là một công việc của Giáo hội và không thể nào thực thi mà không có Giáo hội, phương chi là chống lại Giáo hội (16). Thứ ba, bởi vì toàn thể Giáo hội mang bản tính truyền giáo, cho nên mỗi người trong Giáo hội phải tham gia vào sứ vụ của Giáo hội, “và công việc của mỗi cá nhân đều quan trọng cho toàn thể’ (15). Như vậy, tuy không nói minh thị, nhưng hiểu rằng bí tích Thánh tẩy (cũng như Giáo hội) tự bàn tính là truyển giáo.

2.Thực chất đa dạng của việc loan báo Tin Mừng

Sự đóng góp quan trọng thứ hai cùa EN là quan niệm mở rộng của việc truyền giáo, đến nỗi không chỉ gồm việc rao giảng trực tiếp và vun trồng Giáo hội, mà còn bao hàm nhiều hoạt động khác. Trong khi AG chỉ phớt qua khái niệm mở rộng này, thì EN đi xa hơn. Để trả lời cho khuynh hướng muốn thu hẹp việc loan báo Tin Mừng vào việc công bố Chúa Kitô cho những ai chưa biết Người, Đức Phaolô VI tuyên bố rằng “bất kỳ định nghĩa nào muốn thu hẹp hoặc phân mảnh việc loan báo Tin Mừng thì đều có nguy cơ làm nghèo và thậm chí bóp méo nó. Ta chỉ có thể nắm bắt khái niệm về loan báo Tin Mừng khi đào sâu tất cả những yếu tố cốt yếu của nó” (17).

Tuy rằng việc rao giảng là điều thiết yếu nhưng nó chỉ là một khía cạnh của việc loan báo Tin Mừng (22). Chương hai mô tả các “yếu tố cốt yếu khác”. Loan báo Tin Mừng có nghĩa là đem Tin Mừng vào tẫt cả mọi giai tầng của nhân loại, với hy vọng đưa tới sự hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của dân tộc, đời sống và môi trường của họ (18). Đức Phaolô VI mô tả điểm này như là “Tin mừng hóa các nền văn hóa”, không chỉ như quét một vỏ sơn bên ngoài, nhưng đâm sâu tận cội rễ (20). Ngoài ra, EN nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối của chứng tá của các cộng đoàn và cá nhân như là “sự công bố Tin Mừng cách thầm lặng (21).

3. Loan báo Tin Mừng và giải phóng

Việc mở rộng khái niệm truyền giáo như thế đưa đến sự đóng góp  thứ ba của EN: Loan báo Tin Mừng cũng bao gồm dấn thân việc thăng tiến con người và giải phóng (31). Dựa trên kết luận của Thượng Hội đồng họp bốn năm trước (1971) theo đó công lý là một chiều kích cốt yếu của việc rao giảng Tin Mừng,  Đức Phaolô VI tuyên bố rằng, “việc loan báo Tin Mừng bao hàm một sứ điệp … về những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân con người, về đời sống gia đình mà nếu thiếu thì khó lòng nói đến sự phát triển cá nhân, về đời sống trong xã hội, về đời sống quốc tế, hòa bình, công lý và phát triển – một sứ điệp rất hùng hồn thời nay về cuộc giải phóng” (29). Đây là lần đầu tiên từ “giải phóng” (liberation) xuất hiện trong một văn kiện Tòa thánh, cho thấy ảnh hưởng của thần học giải phóng rất mạnh vào thập niên 70.

Tông huấn nhấn mạnh đến sự quân bình giữa loan báo Tin Mừng và giải phóng. Trước hết, không thể nào thu gọn việc truyền giáo vào chiều kích thuần túy thế tạm (32). Chiều kích tâm linh là nguồn mạch cho sự giải phóng con người cách sâu đậm. Thứ hai, Giáo hội chống lại việc sử dụng bạo lực, bởi vì bạo lực phát sinh ra bạo lực, và phát sinh ra những hình thức đàn áp và ức chế mới còn tệ hơn những hình thức mà người ta muốn thoát khỏi” (số 37).

Qua ba điểm vừa nêu bật, người ta hiểu được vì sao EN được xem như là “Hiến chương” cho cuộc tái sinh khái niệm truyền giáo. Bây giờ chúng ta bước sang văn kiện khác ra đời 15 năm sau đó.

      B. Redemptoris Missio (1990)

Thông điệp Redemptoris Missio (RM) được ký vào ngày 7-12-1990, hôm trước kỷ niệm 25 năm Ad Gentes (AG) và 15 năm Evangelii nuintiandi (EN). Dưới khía cạnh Truyền giáo học, đây là văn kiện quan trọng nhất của triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và trình bày cách hệ thống nhất suy tư về việc truyền giáo.

Tuy nhìn nhận rằng có nhiều tiến triển về truyền giáo trong vòng 15 năm qua kể từ EN, Đức Thánh Cha tỏ ra lo âu vì vài nhà thần học và thừa sai đã không nêu bật đúng mức ý nghĩa của Đức Kitô và của Giáo hội. Trước hết, việc nhấn mạnh đến sự thánh thiện của thế giới, của các nền văn hóa và tôn giáo dựa theo nền tảng Tam Vị của AG có thể đưa đến việc coi nhẹ vai trò của Đức Giêsu như là vị Cứu tinh duy nhất và vị xét xử các nền văn hóa. Thứ hai, việc đề cao quá mức về sứ vụ toàn diện dựa trên nền tảng vương quốc Thiên Chúa theo EN có thể làm giảm nhẹ tầm quan trọng của Giáo hội trong sứ vụ. Thứ ba, việc nhấn mạnh đến chiều kích phổ cập của sứ vụ Giáo hội và các hình thức đa dạng của việc truyền giáo có thể dẫn đến sự bỏ rơi hình thức truyền giáo cho dân ngoại và việc loan báo Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II trở lại với khái niệm “sứ vụ” nhìn dưới nhiều khía cạnh, cũng như khái niệm “loan báo Tin Mừng” hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Xét vì việc tóm lược thông điệp, dù cách vắn tắt đi nữa, cũng sẽ vượt quá khuôn khổ của bài này[3], cho nên chúng tôi chỉ nêu bật ba khía cạnh quan trọng để hiểu rõ về truyền giáo theo RM, cũng như là áp dụng trên đây cho EN.

1. Hướng về Chúa Kitô làm trọng tâm

Để trả lời cho ba mối quan tâm vừa nói trên, Thông điệp trình bày nền tảng của việc truyền giáo dựa trên một nền thần học quy về Đức Kitô, cách riêng trong chương I. Tuy vẫn khẳng định giáo huấn của Vaticanô II rằng, con người có thể được cứu độ mặc dù không có đức tin minh thị vào Đức Kitô (RM 10), nhưng cần phải thêm rằng mọi ân sủng đều được ban qua Đức Kitô và chỉ qua Người mà thôi. “Vì thế, không ai có thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không qua Đức Kitô, nhờ tác động của Thánh Linh… Tuy có thể nhìn nhận những hình thức và cấp độ trung gian khác nhau, nhưng các hình thái trung gian ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị nhờ sự trung gian của Đức Kitô mà thôi, chứ không được phép coi như song hành hoặc bổ sung cho Người” (5). Ngoài ra, Giáo hội đã được thiết lập như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ (9). Nhân loại có quyền được tiếp nhận sự thật và sự sống do Tin Mừng mang đến, tuy phải theo một đường lối tôn trọng tự do của con người (7-8).

Trong chương II, thông điệp khẳng định vị trí trọng tâm của vuơng quốc Thiên Chúa trong lời giảng và cuộc đời của Đức Giêsu. Dù rằng Giáo hội không phải là cứu cánh cho chính mình 19), nhưng không thể nào tách rời Vương quốc khỏi Đức Kitô và khỏi Giáo hội (18). Chương III khai triển thần học về Tam Vị của AG và nhấn mạnh đến Thánh Linh như là tác nhân chính của cuộc loan báo Tin Mừng. “Sự hiện diện của Thánh Linh chi phối không những các cá nhân mà còn xã hội, lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo” (28). Ngoài ra, thông điệp nhấn mạnh rằng đó cũng chính là Thánh Linh của Đức Kitô, và “không được phép tách rời tác động phổ cập của Thánh Linh… ra khỏi Giáo hội” (29). Ba chương đầu mang tính nền tảng cho thần học truyền giáo, dựa trên AG và EN, nêu bật vai trò của Chúa Kitô và sự cần thiết phải loan báo Đức Kitô là chủ tể. Để trả lời cho câu hỏi “tại sao phải truyền giáo”, Thông điệp trả lời dựa vào thánh Phaolô rằng, “bởi vì ân huệ đã được ban cho chúng ta, đó là rao giảng cho muôn dân Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8) (11).

2. Mở rộng khái niệm truyền giáo

Thông điệp khai triển khái niệm truyền giáo theo hướng “những chân trời” (chương IV) và “những nẻo đường” truyền giáo (chương V). Liên quan đến các “chân trời” hoặc “hoàn cảnh”. Đứng đầu là “truyền giáo cho dân ngoại” (ad gentes), nghĩa là làm chứng và công bố Tin Mừng ở nơi nào Chúa Kitô chưa được biết đến hoặc ở nơi mà Giáo hội chưa được trưởng thành đủ để cho đức tin thấm nhập vào môi trường của mình và loan báo cho những nhóm khác (RM 33). Đây là truyền giáo theo nghĩa chặt. “Hoàn cảnh” thứ hai được mô tả là công tác mục vụ dành cho các tín hữu, và “hoàn cảnh” thứ ba là nơi một thời đã theo đạo mà nay không còn nữa. Việc truyền giáo cho “chân trời” thứ ba mang tên là “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ” hoặc “tái loan báo Tin Mừng” (33). Tuy truyền giáo theo nghĩa chặt được dành cho “dân ngoại”, nhưng phạm trù này có thể được hiểu về các môi trường như là đô thị, giới trẻ, các cộng đồng di dân và người nghèo (37b). Ngoài ra, khi thuật lại cảnh thánh Phaolô thuyết giảng tại nghị viện Athens, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến việc đáp ứng cách sáng tạo cho các “nghị viện” thời nay, nghĩa là các môi trường văn hóa, tựa như thế giới truyền thông xã hội, cũng như các phong trào tranh đấu cho hòa bình, phát triển và giải phóng dân tộc, các phong trào tranh đấu cho quyền lợi cá nhân và dân tộc, đặc biệt các dân tộc thiểu số, sự thăng tiến phụ nữ và thiếu nhi, việc bảo vệ sinh thái (37c). Thông điệp chú trọng đến tầm quan trọng của việc truyền giáo cho dân ngoại, và đồng thời mở rộng phạm vi của nó.

Thứ hai, RM mô tả những “nẻo đường” của việc truyền giáo một thực tại duy nhất nhưng đa dạng (41). Hình thức thứ nhất của việc loan báo Tin Mừng là chứng tá, chứng tá của các cá nhân, gia đình, cộng đoàn Kitô hữu (42), và đứng hàng đầu là việc loan báo (44). Điều này có thể đưa đến sự trở lại, rửa tội và xây dựng cộng đồng địa phương (46-49). Thông điệp còn thêm những nẻo đường khác nữa, tựa như hội nhập văn hóa, đối thoại liên tôn, phát triển nhân bản và công tác bác ái (52-60). Khi bàn về các “nẻo đường” và các “chân trời”, thông điệp đã giải thích và mở rộng khái niệm của Công đồng Vaticanô II về truyền giáo “thuộc bản tính của Giáo hội”.

3. Đối thoại liên tôn

Đối thoại liên tôn được coi như sự đóng góp quan trọng thứ ba của RM, bởi vì đề tài này tương đối còn mới mẻ trong giáo huấn của Giáo hội. Số 53 của EN đã tái khẳng định tính tích cực của các tôn giáo nhưng không đi sâu vào vấn đề. Năm 1984, Văn phòng “đặc trách những người ngoài Kitô giáo” đã coi việc đối thoại liên tôn như một thành phần của công cuộc loan báo Tin Mừng trong văn kiện mang tựa đề là “Đối thoại và Truyền giáo” (Dialogue and Mission), (DM 1984). Tuy nhiên, RM là thông điệp giáo hoàng đầu tiên đã coi việc đối thoại ấy như là thành phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng (55).

Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng việc đối thoại liên tôn ăn khớp với những khía cạnh khác của truyền giáo. Giáo hội dấn thân vào cuộc đối thoại bởi vì nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các tôn giáo, nhưng điều này không loại trừ niềm tin rằng “ơn cứu độ được ban qua Chúa Kitô” (55). Việc đối thoại không bỏ qua việc loan báo Tin Mừng: khi gặp gỡ các tín đồ của tôn giáo khác, người Công giáo thâm tín rằng “Giáo hội là phương thế thông thường của ơn cứu độ và Giáo hội có những phương thế dồi dào của sự cứu độ” (55). Tuy nhiên, Thông điệp tuyên bố rằng việc đối thoại không dựa trên chiến thuật lợi ích, nhưng dựa trên sự tôn trọng hoạt động của Thánh Linh nơi người khác (56). Những ai dấn thân vào cuộc đối thoại cần phải đến với người khác, không phải với thiên kiến hoặc thiển cận, nhưng với lòng tôn trọng sự thật, khiêm tốn và thẳng thắn, biết rằng việc đối thoại có thể làm phong phú cho cả đôi bên (56). Thông điệp cũng thêm rằng việc đối thoại không chỉ dành cho các chuyên viên, nhưng các Kitô hữu có thể thực hành trong đời sống hàng ngày.

Còn nhiều điều khác có thể viết về quan điểm truyền giáo theo RM, nhưng ba điều vừa kể có lẽ là quan trọng nhất.

C. Dialogue and Proclamation (1991)

Hội đồng Tòa thánh đặc trách đối thoại liên tôn vào năm 1984 (dưới danh xưng Văn phòng đặc trách những người ngoài Kitô giáo) đã công bố văn kiện về đối thoại và truyền giáo, vài tháng sau khi thông điệp RM được ban hành, đã cùng với Bộ Loan báo Tin Mừng phát hành văn kiện mang tựa để “Dialogue and Proclamation (DP) – Đối thoại và Loan truyền”. Thông điệp đã đề cập đến mối liên hệ giữa đối thoại liên tôn và loan báo Tin Mừng nhưng văn kiện DP đào sâu hơn mối tương tác linh động giữa đôi bên. Văn kiện gồm ba phần: phần Một bàn vế đối thoại, phần Hai bàn về loan báo, phần Ba nói đến tương quan giữa đôi bên. Đối thoại được bàn ở phần Một, không phải vì vị trí ưu tiên, nhưng vì văn kiện bắt nguồn từ Hội đồng đặc trách đối thoại. Cả hai khía cạnh (đối thoại và loan truyền) của việc truyền giáo đều nằn trong tác động của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ban ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng luôn dưới hình thức đối thoại, nghĩa là mời gọi(x. DP 38).

Trước hết, văn kiện trình bày thần học về các tôn giáo và bốn hình thức đối thoại: đối thoại bằng đời sống, hành động, trao đổi thần học, cảm nghiệm tâm linh (DP 42). Về phía các Kitô hữu, việc đối thoại đòi hỏi sự quân bình, thâm tín, mở rộng đến chân lý, và tin tưởng vào kết quả (47-50). Các trở ngại của cuộc đối thoại liên tôn có thể là thiếu hiểu biết về đạo của mình hoặc là đạo của bên kia, những dị biệt về văn hóa, những yếu tố xã hội chính trị, sự hiểu lầm về cải đạo, phép rửa và đối thoại (52). Dù vậy, bất chấp những khó khăn, việc Giáo hội dấn thân vào cuộc đối thoại là điều chắc chắn và không thể thoái lui (54).

Phần thứ hai của DP bàn về sự loan báo, trước tiên nói đến mệnh lệnh, nội dung, sự cần thiết. Xét về cách thức, văn kiện nhắc nhở rằng, những người nghe rất có thể đã được Thánh Linh đụng chạm đến và đã được liên kết cách huyền nhiệm với mầu nhiệm ượt qua của Đức Kitô (DP 68, x. Gaudium et Spes 22). Vì thế, Tin Mừng cần được loan báo làm thế nào để người nghe có thể liên kết với kinh nghiệm của mình và mời gọi đáp lại sáng khởi của Thiên Chúa. Việc loan báo, một đàng cần phải xác tín và trung thành, đàng khác phải khiêm tốn và đối thoại (70). Những trở ngại của việc đối thoại có thể là sự cách biệt giữa sứ điệp Kitô giáo và lối sống của người Kitô hữu, thiếu tôn trọng các tôn giáo khác, hoặc những yếu tố bên ngoài như là thành kiến chống lại Kitô giáo (x. 73-74).

Trong phần thứ ba, DP tóm lại tương quan giữa hai yếu tố quan trọng của truyền giáo: đối thoại và loan truyền là hai thành phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng, dù không trên một bình diện. Cả hai đều cần thiết, có tương quan mật thiết với nhau, nhưng không thể hoán đổi. Về phía người Kitô hữu, việc đối thoại chân chính giả thiết lòng ước ao muốn cho Chúa Giêsu được nhận biết và yêu mến; việc loan báo Chúa Giêsu cần được thực hiện theo tinh thần đối thoại của Tin Mừng (77).

Kết luận: Từ Dialogue and Proclamation đến nay

Kể từ văn kiện Đối thoại và Loan truyền năm 1991, không có văn kiện chính thức nào của Tòa thánh về truyền giáo ngang tầm cỡ với EN, RM và DP. Trọng tâm của những vấn đề thần học quan trọng nhất trong vòng 20 năm qua là tương quan giữa đối thoại liên tôn và địa vị của Đức Giêsu Kitô như là Đấng Cứu Thế duy nhất. Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố tuyên ngôn Dominus Iesus vào năm 2000 và một tài liệu tựa đề “Ghi chú đạo lý về một vài khía cạnh của việc loan báo Tin Mừng” vào năm 2007. Cả hai đều nhấn mạnh đến địa vị trọng tâm của Đức Kitô là Đấng Cứu Tinh, đến nỗi đạo lý về ân sủng ngoài Kitô giáo bị lu mờ. Tuy nhiên hai văn kiện này không nhằm trình bày thần học hệ thống về truyền giáo, nhưng chỉ muốn trả lời vài vấn đề liên quan đến chủ trương chân lý tương đối, tính cách duy nhất của Đức Kitô và vai trò của Giáo hội. Điều này cho thấy rằng các vấn đề của Kitô học rất quan trọng không những đối với việc đối thoại liên tôn mà còn đối với việc hội nhập văn hóa.

Đối với nhiều người, văn kiện EN đánh dấu khởi đầu của cuộc tái sinh một khái niệm mới về truyền giáo trong các văn kiện chính thức của Giáo hội Công giáo. Công đồng Vaticanô II đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn truyền giáo và sự khởi đầu của gia đoạn kế tiếp. Sau 10 năm chuyển tiếp, dựa trên thần học về Tan Vị (missio Dei) của AG và những suy tư của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1974 về việc loan báo Tin Mừng, Đức Phaolô VI đã ban hành Tông huấn EN chú trọng đến thần học vương quốc Thiên Chúa. 15 năm sau, trong thông điệp RM, Đức Gioan Phaolô II cung cấp một thần học hệ thống tuyệt vời về truyền giáo bằng cách kết nạp cả AG và EN, và cụ thể hơn, bằng cách trình bày thần học lấy Đức Kitô làm tâm điểm và mở rộng khái niệm truyền giáo. Một năm sau, văn kiện Đối thoại và Loan truyền tiêu biểu cho khảo luận quân bình và hệ thống về những đề tài thách thức nhất trong thời hậu Công đồng. Các văn kiện sau đó tiếp tục trả lời cho những vấn đề ấy.

Ngày nay, giáo huấn chính thức của Giáo hội Công giáo về truyền giáo dựa trên ba nền thần học về sứ vụ: việc tham dự vào sứ vụ của Thiên Chúa Tam Vị (missio Dei), việc phục vụ Vương quốc Thiên Chúa mang lại sự giải phóng, và việc công bố Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Tinh của toàn thể nhân loại. Một đàng, một thứ thần học có thể nổi bật trong một bối cảnh đặc thù nào đó; nhưng đàng khác, mỗi thứ thần học trong tính đa dạng của nó và được xây dựng trên truyền thống Kitô giáo, mang lại một sự đóng góp quan trọng cho toàn thể. Dưới viễn tượng Công giáo, chúng có thể họp thành một tổng hợp lành mạnh cho sự hiểu biết về việc truyền giáo, cung cấp nền tảng cho việc đáp lại tiếng gọi truyền giáo trong thế giới hôm nay.

PHỤ THÊM

Bài này được viết trong khung cảnh mừng 100 năm Hội nghị về Truyền giáo (của các Giáo hội Tin Lành) tại Edinburgh (1910), trình bày quan điểm của Giáo huấn Công giáo. Dĩ nhiên, danh sách các văn kiện có thể kéo dài thêm, hoặc với những văn kiện trước Maximum Illud hoặc sau Redemptoris Missio.

Đối với các văn kiện được ban hành sau năm 2007, thiết tưởng cần phải thêm hai Tông huấn Verbum Domini (30-9-2010) của ĐGH Bênêđictô XVI về “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Giáo hội”, và Evangelii Gaudium (24-11-2013) của ĐGH Phanxicô, gắn liến với Thượng hội đồng về “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”.

Ngoài ra, chúng ta không nên bỏ qua những văn kiện về Giáo huấn xã hội, bởi vì đó là một cách đưa Tin Mừng vào các thực tại trần thế hôm nay. Những văn kiện này đã được khởi xướng từ Đức thánh cha Lêô XIII, và tiếp tục với những văn kiện sau:

–        Lêô XIII, Thông điệp Rerum novarum (1891)

–        Piô XI, Thông điệp Quadragesimo anno (1931)

–        Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (1961); Pacem in terris (1963)

–      Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (1967); Tông thư Octogesima adveniens (1971)

–         Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens (1981); Sollicitudo rei socialis (1987); Centesimus annus (1991)

–         Bênêđictô XVI, Thông điệp Veritas caritate (2009)

–         Phanxicô, Thông điệp Laudato sì (2015)

 

(Hết)

—————- 

Roger p. Schroeder, S.V.D.

Nguồn: Thời sự Thần học, số 86 (11/2019), 64-104.

[1]  Robert Schreiter, ‘Changes in Roman Catholic Attitudes toward Proselytism and Mission.’ In New Directions in Mission and Evangelization 2. Ed. James A. Scherer and Stephen B. Bevans, Orbis Books, Maryknoll, NY 1994, p. 113-25.
[2]   Bố cục. Nhập đề. I. Từ Đức Kitô loan báo Tin Mừng (LBTM) đến Hội thánh LBTM – II. LBTM là gì ? – III. Nội dung (sứ điệp) của việc LBTM. – IV. Phương tiện LBTM. – V. LBTM cho ai ? – VI. Những người LBTM. – VII. Tinh thần của việc LBTM (74-80). Kết luận. Đức Maria, ngôi sao của việc LBTM.
[3]   Bố cục. Nhập đề. I. Đức Giêsu Kitô, Vị Cứu Tinh duy nhất. – II. Vương quốc của Thiên Chúa – III. Thánh Linh, tác nhân chính của việc truyền giáo. IV.Những chân trời rộng lớn của việc truyền giáo cho dân ngoại. – V. Những nẻo đường truyền giáo. – VI. Những nhân viên của công cuộc truyền giáo. – VII. Sự hợp tác trong công cuộc truyền giáo. – VIII. Linh đạo truyền giáo. Kết luận.

Comments are closed.