HỘI THẢO VỀ CUỘC ĐỜI THẦY MARCEL – LỜI ĐÁP TRẢ TRONG BỐI CẢNH TỤC HÓA NGÀY NAY

HỘI THẢO VỀ CUỘC ĐỜI THẦY MARCEL –

LỜI ĐÁP TRẢ TRONG BỐI CẢNH TỤC HÓA NGÀY NAY

Chiều ngày 10/10/2023 vừa qua, tại Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc đã diễn ra Hội Thảo Cuộc Đời Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR trong bối cảnh thế giới bị chủ nghĩa tục hóa thống trị. Khách mời trong buổi chia sẻ là ông Dominique Vermesch và bà Brigitte Vermesch – Chủ tịch Hội Thân Hữu Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, Hội Các Ân Nhân Chủng Viện và Cha Phêrô Nguyễn Duy Phương – Giáo phận Bordouex, Nước Pháp. Thành phần tham dự buổi hội thảo gồm có quý cha giáo và 399 quý thầy chủng sinh.

Đúng 14g30’, cha Giám đốc Phaolô Nguyễn Ngọc Phương cùng 3 vị khách mời tiến vào hội trường Đại chủng viện trong sự chào đón nồng nhiệt của tất cả mọi người tham dự. Cha Giám đốc Phaolô đã có đôi lời nói lên niềm vinh hạnh và sự vui mừng khi được tiếp đón và lắng nghe những chia sẻ mà quý khách sẽ mang tới. Thêm nữa, cha cũng bày tỏ sự cảm kích với hoạt động của quý hội trong sự vun trồng các vườn ươm ơn gọi trên thế giới, đồng thời đánh giá cao ảnh hưởng của Hội với đời sống tín hữu Kitô tại nước Pháp.

Sau lời chia sẻ của cha Giám đốc Phaolô, ông (bà) Dominique Vermesch và cha Phêrô Nguyễn Duy Phương – người giữ vai trò thông dịch viên từ Tiếng Pháp sang Tiếng Việt Nam cũng lần lượt bày tỏ những tâm tình với cử tọa. Ông Vermesch nói rằng việc được mời tới ĐCV để chia sẻ có ý nghĩa rất lớn lao với cá nhân ông. Ông vui mừng vì được ở đây để nói về một chứng nhân đức tin sống động là thầy Marcel Văn. Chính Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục tiền nhiệm Giáo phận Xuân Lộc, Viện trưởng Học Viện Công Giáo Việt Nam đã từng tổ chức một cuộc hội thảo tương tự liên quan tới cuộc đời thầy Marcel Văn cách đây 6 năm. Và ông Vermesch không quên thông tin với mọi người tham dự về tiến trình xin mở án phong Chân phước cho thầy Marcel.

Buổi hội thảo được bắt đầu với đề tài chính: Sứ điệp của thầy Marcel Văn như lời đáp trả trong bối cảnh tục hóa ngày nay trên thế giới do ông Vermesch trình bày với 3 phần. Phần I : Hiện tượng tục hóa trên toàn thế giới và hệ lụy của nó. Đây có thể coi là một làn sóng bắt đầu từ Tây phương, sau đó lan rộng trên toàn thế giới. Làn sóng này cho thấy những ảnh hưởng sâu rộng và rõ nét trên 4 phương diện: Con người bị thống trị bởi tiền bạc; Giữa người với người nảy sinh tương quan cạnh tranh khốc liệt; Con người chỉ mải tìm kiếm thú vui và khoái lạc, đặc biệt trong vấn đề tình dục; và Hệ lụy của tục hóa trong đời sống Giáo Hội (đức tin hời hợt, không còn thực hành đạo, ơn gọi suy giảm nghiêm trọng, thậm chí Giáo Hội bị chống đối cách công khai…). Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực trên gây ra các xung đột trong các quốc gia, trong cộng đồng và ngay trong nội tại mỗi con người.

Phần II của hội thảo được tiếp tục với trình bày của bà Brigitte Vermesch. Bà nói về cuộc đời thầy Marcel, một chứng nhân sống động, đồng thời là một chứng từ của niềm tin vươn ra từ trong đau khổ. Trong từng thời đại, Thiên Chúa đều gửi đến những gương mặt tiêu biểu để như lời đáp trả trước những gì hiện tượng tục hóa gây ra. Và một trong những gương mặt đó là thầy Văn. Cuộc đời của thầy là một cuộc hành trình dài “được Chúa mời gọi biến khổ đau thành niềm vui”. Cuộc hành trình ấy quá nhiều cam go và thử thách. Nhưng thầy đã bước đi miệt mài trong niềm yêu mến Đức Maria, bằng việc yêu mến lần chuỗi Mân Côi. Như một sự an bài thánh thiện, thầy tình cờ đọc được thụ bản về cuộc đời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thầy đã trân quý nó và coi đây là con đường để học cách nên thánh. Điều quan trọng hơn cả để giúp thầy kiên cường trong đau khổ, đó là thầy đã chọn tháp nhập đời mình vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Khi tháp nhập đời mình vào cuộc khổ nạn của Chúa, cuộc đời của thầy Marcel quả nhiên trở nên một sứ điệp.

Bà Vermesch trong Phần III của đề tài tiếp tục chia sẻ về cuộc đời của thầy Văn – Một cuộc đời và một sứ điệp. Đó là sứ điệp từ trong tiếng nói của đau khổ để nói cho thế giới. Cuộc đời ngắn ngủi trong đau khổ ấy của thầy Marcel như một sự liên kết thần linh với chính cuộc đời của chị thánh Têrêsa. Những chứng từ của thầy Văn theo một cách thức không ngờ đã trở nên gắn kết với chính thực tại đức tin của người Kitô hữu Pháp trong cuộc chiến với thời đại tục hóa. Bà Brigitte Vermesch hy vọng sứ điệp của thầy văn cũng chạm tới bối cảnh người tín hữu tại Việt Nam. Có thể nói, sứ điệp của Thầy Văn là lực đẩy giúp nhiều người vươn lên khỏi sự thống trị của hiện trạng tục hóa, bằng cuộc đời có Chúa của thầy. Chính Đức Kitô đã khơi gợi ngọn lửa tình yêu trong con người, làm thay đổi tương quan giữa người với người. Đức Kitô kêu gọi mỗi người chúng ta xây dựng tương quan thân mật, gần gũi và đơn sơ qua mẫu gương thầy Văn. Cuộc đời thầy là bài học về sự yếu đuối. Trong sự yếu đuối ấy, thầy nhận ra sức mạnh tiềm tàng ẩn chứa trong chính sự hèn yếu của phận người, như con đường nên thánh của chị thánh Têrêsa. Con đường chấp nhận yếu đuối để dâng hiến cho Thiên Chúa – phương thế chống trả các thách đố tục hóa là con đường mà con người ngày nay được mời gọi tìm kiếm.

Trong phần chia sẻ đầy thấm thía, bà Vermesch đã cho mọi người thấy tính liên hệ giữa cuộc đời thầy Marcel với nước Pháp. Đó cũng là mối liên kết giữa nước Pháp và Việt Nam. Tại sao lại thấy tính liên hệ này? Bà đã nhiều lần lặp lại rằng cuộc đời của thầy Văn là sự tiếp nối cuộc đời chị thánh Têrêsa. Đây là sự liên kết của hai đóa hoa nhỏ, như dấu chỉ liên kết hai đất nước Việt Nam và Pháp. Nhưng sự liên kết đó nhằm diễn tả sự liên kết và lan rộng một thực tại lớn lao hơn: Nước Tình Yêu của Thiên Chúa. Nước ấy đã và đang lan rộng từ Đông sang Tây và mọi người được mời gọi đi vào Nước ấy.

Buổi hội thảo tiếp tục với phần trao đổi giữa khách mời và cử tọa. Hai thầy chủng sinh cùng quê hương Bắc Ninh với thầy Marcel đã lần lượt nói về cảm nghiệm bản thân sau khi nghe các khách mời chia sẻ sứ điệp nơi cuộc đời của thầy Văn. Sau đó, cha giáo Phêrô Nguyễn Huệ đã hỏi các khách mời về lịch sử tiến trình mở án phong thánh của thầy văn đã được bắt đầu từ 1997 tại Pháp, giờ tiến trình ấy đạt kết quả ra sao? Hai vị khách mời trước khi trả lời vào ngay câu hỏi của cha Phêrô Huệ đã cho biết thêm, cáo thỉnh viên đầu tiên đệ trình việc mở án phong thánh cho thầy Marcel Văn là Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Tiến trình này tại Pháp từ 1997 đã trải qua nhiều giai đoạn và vẫn luôn được thúc đẩy. Hy vọng của Hội thân hữu và nước Pháp là tới năm 2024, hồ sơ án phong thánh cho thầy Marcel Văn cấp Giáo Hội Pháp sẽ được hoàn thiện, để sau đó hồ sơ sẽ được gửi về Tòa Thánh.

Qua hơn một giờ của hội thảo, mỗi người tham dự đã hiểu biết thêm về mẫu gương chứng nhân sống thánh của thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, CSsR, đồng thời, thấy được tính liên hệ nơi sứ điệp cuộc đời thầy Marcel Văn trong bối cảnh tục hóa lan rộng. Khép lại buổi hội thảo, thầy niên trưởng thay lời cho toàn thể Đại chủng viện có tâm tình cảm ơn trân quý đến ông bà Vermesch và cha Phêrô Nguyễn Duy Phương vì những chia sẻ vừa qua cùng những cống hiến của Hội Thân Hữu Thầy Marcel Văn cho công cuộc đào tào Linh Mục trên thế giới.

BTT – ĐCV GIUSE XUÂN LỘC

 

Comments are closed.