Ơn Gọi Tông Đồ Giáo Dân

Nguyễn Tri Sử

Vào đề

Trong một Thánh lễ long trọng tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, Mừng Kỷ Niệm Kim Khánh Linh Mục, như thường lệ, những bài diễn văn, thuyết giảng và rất nhiều lời cầu nguyện đều ca ngợi và cầu xin “cho có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ”. Chỉ đến cuối cùng, khi vị linh mục trưởng Ban tổ chức cuộc lễ hôm đó nói những lời cám ơn cộng đồng Dân Chúa, – không hiểu vì ngài thâm tín về ơn gọi tông đồ giáo dân, hay vì thấy tất cả cuộc lễ kể cả bửa tiệc tại nhà hàng sau đó đều được giáo dân đảm trách chu toàn, – đã cám ơn mọi người và xướng lên lời nguyện: “Chúng con xin Chúa ban cho có nhiều “ơn gọi tông đồ giáo dân!”.

Một lời nguyện nghe thật lạ tai, gây ngỡ ngàng, song làm mát lòng người tuy không phải là tu sĩ, cũng chẳng là giáo sĩ, nhưng từ lâu tin chắc rằng mình có ơn gọi.

Phải! Chúng ta gần như không nghe biết những lời cầu nguyện cho ơn gọi giáo dân, nói rõ hơn cho “Ơn gọi Tông đồ giáo dân”; mỗi khi cầu cho ơn gọi thì chỉ có cầu cho ơn gọi linh mục và ơn gọi tu sĩ.

Thánh Thomas More có một lời cầu nguyện rất ý nghĩa: “Lạy Chúa! Xin ban cho con ơn biết làm việc cho điều con nguyện xin” (Give me, Dear Lord, the grace to work for what I pray for). Nếu không cố gắng sống lời mình cầu nguyện thì làm sao Thiên Chúa có thể ban ơn cho mình? Thật vậy, nếu chỉ cầu nguyện mà không cố gắng sống lời mình cầu nguyện là một thiếu sót lớn, thì muốn làm việc tông đồ như Giáo Hội thường dạy mà lại không cầu nguyện với Chúa cho ơn gọi và sứ vụ tông đồ của mình thì quả là một điều không hợp lý, và là một thiếu sót căn bản.

Không cầu nguyện cho ơn gọi tông đồ giáo dần của mình, cũng là của tuyệt đại đa số tín hữu Kitô: Điều không hợp lý và thiếu sót đó đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ soát xét lại những vấn nạn: – Người giáo dân có ơn gọi chung của mọi tín hữu Đức Kitô, và ơn gọi riêng của mỗi người hay không? – Tại sao có ơn gọi cho bậc sống linh mục và tu sĩ, mà không có ơn gọi cho bậc sống giáo dân? – Tại sao không cầu nguyện hay nói đến ơn gọi giáo dân? Tình trạng thiếu vắng đó có những nguyên nhân và hậu quả nào? – Dựa vào đâu? căn cứ trên giáo lý hay tín lý nào của Giáo Hội và huấn quyền mà bảo rằng có ơn gọi giáo dân hay rõ hơn là ơn gọi tông đồ giáo dân? – Ơn gọi ấy khiến người tín hữu thuộc thành phần giáo dân có những chức năng nào trong Giáo Hội? – Và đưa đến sứ vụ, quyền, cùng trách nhiệm nào, đặc biệt là lãnh vực nào trong Giáo Hội và giữa trần thế?

Đó là những điều chúng ta sẽ bàn thảo sau đây.

1. Không cầu nguyện, giảng dạy, và chú trọng đến ơn gọi tín hữu giáo dân

Chúng ta quan sát thấy khi đọc kinh riêng, nhất là kinh chung, trong nhà thờ, hay những buổi hoặc lời kinh phụng vụ, không có những lời cầu cho ơn gọi tông đồ giáo dân, cũng không có những lời nguyện cho ơn gọi tín hữu cách chung, mà chỉ có những lời nguyện cho ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ. Chúng ta có những lời cầu chung cho “toàn thể Dân Chúa”, song với ý nguyện gì, như xin được bình anh, hiệp nhất, phát triển, hay gì gì khác, thường khi không thấy chỉ rõ.

Thật vậy, không có kinh cầu nguyện, cũng không có những cơ hội, biến cố, cơ quan để thúc đẩy nhắc nhớ đến ơn gọi tông đồ giáo dân. Hàng năm, Đức giáo hoàng thiết định một Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Gọi, vào dịp đó ngài soạn một Kinh cầu cho Ơn Gọi, song đó cũng chỉ là cầu nguyện cho, – và cho có nhiều – ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ. Ở các Giáo phận Hoa Kỳ đều có những Văn Phòng Ơn gọi và những linh mục đặc trách các văn phòng ấy, song cũng chỉ để vận động, khuyến khích, truy tìm ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ.

Từ sau Công Đồng Vatican II, và đặc biệt sau khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố Tông Huấn “Christifideles Laici” (Người Tín Hữu Giáo dân: Ơn gọi và sứ mệnh trong Giáo Hội và giữa trần thế) (viết tắt CL) ngày 14 tháng 4 năm 1989, tiếp theo sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tháng 10 năm 1987 mà chủ đề là “Ơn gọi và sứ mệnh của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế 20 năm sau Công Đồng Vatican II”, đã có nhiều bàn thảo, hội nghị, bài và sách viết về “ơn gọi và sứ vụ” của giáo dân, đó là một điểm son trong việc triển khai nền thần học và Giáo Hội học về tín hữu giáo dân, và cũng là một khởi điểm cho người giáo dân ý thức về ơn gọi, sứ vụ, vai trò, vị trí của mình trong Giáo Hội. Riêng trong cộng đồng tín hữu Việt Nam ở hải ngoại hay trong nước, thì khi nói đến ơn gọi và sứ vụ giáo dân là chỉ nói chung chung để khuyến khích sứ vụ tông đồng. Song đã không biết đến hay nói đến ơn gọi tông đồ giáo dân như thường được biết và nới đến ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ, và lại càng không nghe cầu nguyện cho ơn gọi của tín hữu cách chung, hoặc của tín hữu giáo dân.

Sự kiện “không biết đến hay nói đến và không cầu nguyện cho ơn gọi tông đồ giáo dân” thật ra phổ cập cả trong toàn Giáo Hội như nói trước đây chớ chẳng riêng gì cho cộng đồng Kitô hữu Việt Nam.

Giáo sư Thần Học Linh mục William R. O’Connor kể lại trong quyển sách của ông: một linh mục trẻ nọ được mời trở về nói chuyện cho học sinh trong ngôi trường xưa của mình, một giáo sư góp ý với linh mục trẻ ấy là nên nói về ơn gọi. Ông đã thích thú nói về ơn gọi linh mục và tu sĩ, và đã khuyến khích những em nào thấy mình nhận được tiếng gọi ấy thì hãy trì chí đi theo cho đến cùng. Sau đó khi nghĩ lại về chuyến viếng thăm trường xưa và bài nói chuyện của mình linh mục trẻ ấy tự hối và tự hỏi không biết mình đã có hành xử công bình đối với đề tài và đối với cả cử tọa hay không?[1]

Có lẽ linh mục ấy đã thấy mình không công bằng đối xử: Trước tiên là đối với đề tài vì trong đề tài chung “ơn gọi” mà đã chỉ nói đến ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ, trong khi nếu công bình hơn cho đề tài “ơn gọi” thì phải nói đến ơn gọi chung của mọi tín hữu Kitô, kế đến ơn gọi riêng của từng thành phần trong Dân Chúa, và ơn gọi riêng của mỗi cá nhân. Kế đến, không công bằng đối với cử tọa, vì chỉ nói về đề tài liên hệ đến linh mục và tu sĩ, ông cũng biết rằng về phương diện chủ quan mình chỉ nhắm vào vài em nào đó trong đám đông học sinh kia, và về phương diện khách quan đề tài chỉ liên hệ đến vài em nào đó, trong khi số đông đảo còn lại, có thể đang nghĩ đến việc học hành và chọn một ơn gọi, một nghề nghiệp cho tương lai mình trong xã hội thì lại không được lưu ý đến và hướng dẫn, khiến chúng thất vọng vì đã mong ước được hướng dẫn đi vào tương lai. Cũng có thể khiến chúng đặt câu hỏi: – ngoài ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ còn có ơn gọi vào đời sống nào khác Chúa muốn cho mình hay không? Ngoài nếp sống linh mục và tu sĩ còn có nếp sống nào tốt đẹp và giúp mình nên trọn lành và cứu rỗi hay không? Hay là mọi nếp sống khác đều chỉ là nghề ngiệp sinh nhai, là chuyện của trần thế và trần tục, không đáng được xem là ơn gọi, nên không nằm trong mối bận tâm của Giáo Hội. Giáo Hội có bận tâm lo lắng cho chúng hay không, điều đó chúng đã thấy được qua sự việc linh mục kia, – người trước mặt chúng là đại diện của Giáo Hội, – đã không bàn đến ơn gọi và tương lai của chúng.

Đến đây chúng ta tự hỏi: chúng ta có đối xử công bình trong quan niệm về ơn gọi, còn gọi là ơn thiên triệu, hay không? Chúng ta có đối xử công bình hay không trong việc cầu nguyện cho mọi người và mọi ơn gọi, nhất là cho ơn gọi của tuyệt đại đa số người là ơn gọi tông đồ giáo dân?

Chúng ta sẽ nói đến giáo huấn của Giáo Hội từ sau Công Đồng Vatican II về ơn gọi và sứ vụ của tín hữu giáo dân. Song tạm thời ghi nhận rằng đã có những giáo huấn của Công Đồng Vatican II như vậy mà không xác tín ơn gọi tông đồ giáo dân trong dư luận và trong giảng dạy thường ngày của Giáo Hội cơ sở, và cũng không cầu nguyện cho ơn gọi tông đồ giáo dân là điều, nếu không nói là bất công, thì cũng là bất quân bình và không hợp lý chút nào. Điều cần lưu ý là cái thiếu vắng lôgic ấy vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự cản trở việc đặt lại người giáo dân cho đúng chỗ như Công Đồng mong muốn, cũng như cản trở việc xúc tiến và thúc đẩy sứ vụ tông đồ của giáo dân.

Vì thúc đẩy hoạt động tông đồ mà không căn cứ trên ơn gọi được ý thức và được cầu nguyện thì quả là không phân biệt được cái gì trước cái gì sau, cái gì chính yếu cái gì phụ thuộc, và đi ngược lại mọi phương pháp lý luận và hành động. Bởi chúng ta hiểu rằng “tư tưởng hướng dẫn hành động”, chúng ta cũng thường nói “tri và hành”, “tri hành hợp nhất”, hay “tri nan hành dị”, “vô tri bất mộ”. Và một nguyên tắc lý luận triết học kinh điển là “agere sequitur esse” (tạm dịch: hành động theo sau hữu thể); theo nguyên tắc này trước tiên phải có hữu thể và phải biết hữu thể, căn tính mình là gì, tôi là ai, tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu, tôi được ai gọi đến hay tuyển chọn (ơn gọi), rồi kế đến mới xét xem được mời gọi và tuyển chọn để làm gì, cho mục tiêu tối hậu nào (sứ vụ). Một nguyên tắc khác nữa từ câu châm ngôn “Lex orandi, lex credendi”, dịch là “Luật cầu nguyện là luật tin kính”, có nghĩa là: điều mình cầu nguyện là điều mình tin, hoặc hãy cầu nguyện điều mình tin, hoặc chỉ có thể tin điều mình cầu nguyện. Từ đó trên chiều kích thực tế và mục vụ một vấn nạn được đặt ra: Có phải vì bất chấp nguyên lý suy luận và hành động, và cũng vì không tuân hành lời dạy của Đức Giêsu mà đời sống và hoạt động tông đồ của chúng ta thiếu kiến hiệu hay không, vì Người đã chẳng bảo: “Tất cả những gì anh em tin và cầu xin thì anh em sẽ được”? (Mt 21, 22).

2. Có phải chăng nguyên do chính yếu là vì mô hình Giáo Hội định chế?

Khi tìm về lịch sử Giáo Hội và nghiên cứu Giáo Hội học về giáo dân, các nhà thần học và Giáo Hội học tầm cỡ như Yves Congar, Alexandre Faivre đã thấy ngay từ khởi đầu của Giáo Hội không có phân chia, khác biệt, cao thấp trong Giáo Hội, sự phân chia giáo sĩ và giáo dân chỉ xảy ra sau này, với tính cách phân ly trầm trọng ít nhiều tùy thời gian và hoàn cảnh xã hội của Giáo Hội La Mã.

Linh mục Peter C. Phan, tức Phan Đình Cho, cựu Giáo sư và Trưởng Phân Khoa Thần học University of America, hiện là Sáng Lập viên First Ignacio Ellacuría, Ghế Giáo sư Tư tưởng Xã hội Công Giáo, Phân Khoa Thần học Đại Học Geogetown, đã viết:

“Rõ ràng là trong Tân Ước chỉ có một tư tế duy nhất, đó là Chúa Giêsu, và toàn thể dân Thiên Chúa bình đẳng chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô thông qua phép rửa (chức tư tế do phép rửa). Nhờ chức tư tế phổ quát (chung) này, mọi Kitô hữu đều bình đẳng từ nền tảng, có cùng một phẩm giá và cùng một ơn gọi nên thánh như nhau. Tuy nhiên, sự bình đẳng nền tảng này giữa các Kitô hữu không có nghĩa là họ cùng làm một việc. Có rất nhiều phần vụ và mọi phần vụ đều cần thiết cho sự lành thánh của Giáo Hội; và mọi người phải thực thi các phần vụ mình để kết thành thân thể Chúa Kitô”.[2]

Theo Lm. Cho, đáng lẽ chỉ có khác biệt về phần vụ phục vụ, nhưng dần dần đã trở thành khác biệt cao thấp về phẩm giá, chức vụ, quyền hạn, quyền lợi, đặc quyền,… Rốt cuộc ta thấy quen thuộc với tháp phẩm trật mà trên hết là giáo hoàng, xuống kế là giám mục, linh mục, phó tế, dưới hết là giáo dân; trong khi, vì mọi tín hữu đều có phẩm giá và phẩm trật bằng nhau phát xuất từ ơn gọi tư tế chung, nên chi trong tháp phẩm trật đáng lẽ phải đặt trên hết là Kitô hữu tư tế (chung), rồi ở nền của tháp là các tư tế khác, có truyền chức hay không truyền chức.[3]

Avery Dulles là nhà thần học đầu tiên và duy nhất đến nay của Hoa Kỳ được giáo hoàng cất nhắt lên hàng Hồng Y, đã nghiên cứu và trình bày “Những mô hình Giáo Hội”, cho biết những mô hình ấy có ảnh hưởng sâu rộng thế nào trong Giáo Hội Công Giáo. Những mô hình được trình bày là: Giáo Hội như là hiệp thông mầu nhiệm, bí tích, tiên phong ngôn sứ, người đầy tớ, và định chế, (còn gọi là thể chế hay cơ chế). Trong số đó mô hình Giáo Hội như là định chế đã tạo ra nhiều tiêu cực.

Avery Dulles xác nhận rằng nhiều cấu tố trong định chế (institution) thật là cần thiết trong Giáo Hội, song tinh thần và tổ chức “chủ định chế” (institutionalism) mới là đáng trách. Ngài nói Giáo Hội của Chúa cần có một số yếu tố thiết định để có thể giúp giữ gìn sự ổn định, mới có thể phối hợp nhiều người hay nhiều dân tộc thành một “cộng đồng có cùng một quyết tâm, dấn thân, tin tưởng, hy vọng và mới có thể phục vụ cho nhân loại kiến hiệu,… Giáo Hội từ sơ khai đến giờ vẫn có những yếu tố thiết định như vậy”. Và ngài tiếp: “Nền thần học Công Giáo từ thời các Giáo phụ và thời Trung cổ, xuyên suốt qua thời các Tiến sĩ Kinh viện thế kỷ XIII, đã tương đối tự do không bị tinh thần chủ định chế kềm hảm. Tinh thần chủ định chế chỉ phát triển mạnh cuối thời Trung cổ và thời Phản Cải cách, khi mà các thần học gia và giáo luật gia vì phải đáp trả những tấn công vào cương vị giáo hoàng và giáo phẩm, nên càng nhấn mạnh hơn trên những điểm mà các đối phương phủ nhận…”.

Avery Dulles nói rằng lược đồ cho Công Đồng Vatican I đã có những câu như thế này: “Giáo Hội của Chúa không phải là một cộng đồng của những người bình đẳng trong đó mọi tín hữu đều có những quyền như nhau. Đây là một Giáo Hội gồm những người không bình đẳng, không phải chỉ vì trong số tín hữu một số người là giáo sỉ một số người là giáo dân mà thôi, song đặc biệt vì lý do trong Giáo Hội Thiên Chúa chỉ ban quyền lực cho một số người để thánh hoá, dạy dỗ, và cai trị, còn những người khác thì không”.

Và lược đồ ấy đã được lấy lại phần nào làm lược đồ cho Công Đồng Vatican II, khiến cho có nhiều tranh cãi và lược đồ phải bị sửa đổi 3 lần, và Avery Dulles viết: “Trong phiên họp Khóa I của Vatican II, Giám mục Emile De Smedt, giáo phân Bruges, (Bỉ quốc) đã mô tả đặc điểm của lược đồ này với ba “từ” trở thành nổi tiếng đến nay: clericalism, juridicism, and triumphalism” (xin tạm dịch là: “chủ nghĩa giáo quyền” (có người còn gọi là “giáo sĩ trị”), “chủ nghĩa pháp trị”, và “chủ nghĩa đắc thắng” (theo Tự Vựng Triết Thần Căn Bản của Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh).

Cũng theo Avery Dulles thì Giám mục Emile De Smedt đã cắt nghĩa tại sao dùng từ “chủ nghĩa giáo quyền” để mô tả tinh thần của lược đồ, vì nó “nhìn giáo sĩ, đặc biệt là những giáo sĩ ở cấp trên như là nguồn gốc của mọi quyền hành và sáng kiến”. De Smedt “còn nói đến tháp phẩm trật trong đó mọi quyền hành phát xuất từ trên xuống, từ giáo hoàng đến giám mục rồi linh mục, ở dưới nền là giáo dân với một vai trò thụ động và vị trí thấp kém trong Giáo Hội. Quan niệm “duy pháp trị” thì xem Giáo Hội như một nhà nước trong đó đặt nặng luật pháp và hình phạt…”. Chủ nghĩa đắc thắng” xem Giáo Hội như một đạo binh dàn trận chống lại Satan và quyền lực sự dữ”.[4]

Tinh thần và quan niệm Giáo Hội nặng về cơ chế ấy đã thưòng được minh chứng qua câu trích dẫn sau đây của Đức Giáo Hoàng Piô X: “Giáo Hội này tự bản chất là một xã hội bất bình đẳng, nghĩa là xã hội gồm có hai hạng người: những người chăn chiên và đàn chiên, những người chiếm một địa vị ở các cấp bậc khác nhau trong giáo phẩm, và đám đông những tín hữu (giáo dân); và hai hạng này khác nhau đến nổi chỉ trong hàng ngũ mục tử mới có quyền lực và uy quyền cần thiết để khuyến khích và lãnh đạo mọi thành phần đưa đến mục tiêu của cộng đoàn. Còn đám đông kia chỉ có phận sự duy nhất là để cho mình được dẫn dắt và, như một đàn chiên ngoan ngoãn, đi theo những người chăn chiên”.[5]

Tinh thần “chủ định chế” đã đi vào Bộ Giáo Luật 1917 và Bộ luật này là khí cụ bảo vệ định chế. Bộ Giáo Luật năm 1917 với những tu chính đã có hiệu lực đến khi công bố Bộ Giáo Luật mới năm 1983. Nếu Bộ Luật 1983 đã được soạn dựa trên căn bản thần học của Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium coi Giáo Hội là Dân Chúa, thì Bộ Luật 1917 đã được soạn theo cấu trúc của Bộ Luật La Mã, và xem Giáo Hội là một “xã hội hoàn hảo”.

Bộ Luật này có 2414 Điều, gồm 5 Phần; Phần III đề cập đến Giáo dân, có 45 Điều, từ Điều 682 đến 725; trong đó chỉ có 2 Điều 682, 683 nói trực tiếp đến quyền lợi và những điều bị cấm, những Điều còn lại bàn về các Hiệp hội giáo dân. Hai Điều ấy như thế này:

– “Điều 682. Giáo dân có quyền được hưởng từ phía giáo sĩ, tùy theo luật định của Giáo Hội, những lợi ích thiêng liêng và đặc biệt là những sự trợ giúp cần thiết cho sự cứu rỗi”.

– “Điều 683. Giáo dân không được phép mặc áo của giáo sĩ, chỉ trừ trường hợp họ là những chủng sinh trong các chủng viện, hoặc họ là những người chuẩn sinh vào các hội dòng nói ở Điều 972 § 2, hoặc họ là những giáo dân phục vụ thường xuyên trong một thánh đường trong lúc họ đang ở trong thánh đường, hay khi họ ở ngoài thánh đường song đang tham dự vào một phần vụ của Giáo Hội”.[6]

– Điều 207 triệt 1: “Do thiết định của Thiên Chúa , thì trong số những tín hữu có những thừa tác viên chức thánh của Giáo Hội, mà theo luật, còn gọi là giáo sĩ, và những người khác gọi là giáo dân”.

Đọc kỹ những Điều giáo luật trên chúng ta thấy người giáo dân được nói đến cũng chỉ trong viễn tượng quy chiếu vào giáo sĩ: như Điều 682, một cách khác, nói về phận sự của giáo sĩ phải cung cấp ban phát các ơn ích thiêng liêng cho giáo dân. Còn Điều 683 thì để bảo vệ quyền của giáo sĩ được mặc áo đặc biệt của chức vụ mình, mà người khác không được. Trong Điều 207, thì giáo dân là “những người khác”.

Qua những trình bày trên, chúng ta thấy người giáo dân chỉ được định nghĩa như là thành phần “không phải là” giáo sĩ hay tu sĩ. Cái “không phải là” thì làm sao có một bản thể, một hữu thể, hay một thực chất gì. Nghĩa là không có căn tính, và không có căn tính nghĩa là không có ơn gọi, chẳng qua chỉ vì được định nghĩa một cách tiêu cực. Do đó trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1987, các Giám Mục đã đề nghị yêu cầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho một định nghĩa tích cực hơn về giáo dân.

3. Từ tư tưởng đến não trạng và thực trạng

Trải dài trên 400 năm, cho đến Vatican II, mô hình Giáo Hội định chế vừa nói đã tạo ra trong Giáo Hội một não trạng và thực trạng, một bầu khí ngột ngạt khó thở khó sống đến nổi Đức Gioan XXIII phải kêu gọi mở hội Công Đồng, “mà mục đích gần cận của ngài là để cho một luồng khí tươi mát thổi vào Giáo Hội, và để vận động trong lòng Giáo Hội một aggiornamento (có nghĩa là cập nhật hay canh tân)”.[7]

Điều gì được lập lại nhiều lần thì thành thói quen. Điều tốt nếu được làm và lập lại nhiều lần thì trở thành nhân đức, điều xấu nếu được làm và lập lại nhiều lần thì trở thành tật xấu, bệnh mà cứ để kéo dài không chữa trị thì bệnh trở thành tật, mà đã thành tật thì nan y khó chữa. Một quan niệm, một tư tưởng tồn tại lâu ngày trong tâm tư thì trở thành não trạng.

Nói về não trạng và thực trạng gây nên do quan niệm và tinh thần “chủ định chế” trình bày ở trên, Russell Shaw, nguyên Giám Đốc Thông Tin của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hiện là Tư vấn Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách Thông Tin Xã hội, và là Giáo sư tại Đại Học Giáo hoàng Holy Cross ở La Mã, viết:

“Mặc dù có nhiều nguyên do, song nguyên do quan trọng nhất trong các nguyên do có thể là ý tưởng cho rằng chỉ có linh mục và tu sĩ có “ơn gọi”, trong khi giáo dân thì không”.

“Bằng ngôn ngữ thực tế, ý tưởng cho rằng giáo dân nói về phương diện tôn giáo là công dân hạng hai, thì tự nhiên đưa họ đến thái độ, lối sống, và quan niệm rằng giáo sĩ là và phải là thành phần năng động, là giai cấp lãnh đạo trong Giáo Hội, trong khi giáo dân thì là và phải là tiêu cực và tùng phục, đưa đến cái nhìn cho rằng giáo sĩ và tu sĩ có trách nhiệm về sứ vụ truyền bá Phúc âm của Giáo Hội, trong khi giáo dân đứng bên lề mà nhìn, đưa đến tin tưởng rằng công việc của hàng giáo phẩm là có sáng kiến trong mọi việc liên hệ đến tôn giáo, và ra lệnh, trong khi vai trò của giáo dân nam nữ là “pray, pay, and obey” (cầu nguyện, cúng tiền, và vâng phục).

“Tình trạng đó tạo nên thụ động và không dấn thân nơi một số giáo dân, phóng thể và cay đắng nơi một số khác… Từ thụ động và thờ ơ lãnh đạm nơi một số người đến tức giận và nổi loạn nơi một số khác”.[8]

Những tiêu cực trong hiện trạng và não trạng từ quan niệm “người giáo dân không có ơn gọi” cũng như từ tinh thần “chủ định chế” đã được một số tác giả Việt Nam nói đến phần nào.[9]Nên ở trong khung khổ bài này chúng ta không cần nói thêm.

Trong tiểu luận này chúng tôi chỉ nêu lên một số giải nghĩa và giảng dạy thường nghe liên hệ đến “ơn gọi” có tính rất gượng ép và ngang cung lạc điệu so với tinh thần Công Đồng Vatican II; những lý giải này càng có ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài vì it được lưu ý để phản bác.

Những lối bình giải Thánh Kinh cần xét lại vì có thể gây nhiều hiểu lầm bất công và phân ly cách biệt giữa giáo sĩ tu sĩ và giáo dân.

3. 1 – “Được gọi mà không được chọn” Chúng ta thường nghe câu trích và cắt xén Thánh Kinh này

Tân Ước ở những đoạn như Matthew 20, 16 nói về Nước Trời như nông gia kia từ sáng sớm cho đến chiều tối vẫn tìm người vào làm vườn nho của mình, Matthew 22, 14, hay Luca 14, 15 – 24 nói về dụ ngôn Nước Trời như ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình và mời tất cả mọi người dự tiệc. Trong các đoạn đó có câu “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”. Những dụ ngôn ấy trước hết nói về Dân Chúa chọn là Dân Do thái, kế đến là tất cả mọi người được mời gọi vào Nước cứu rổi của Thiên Chúa, song phần chúng ta chúng ta chọn lựa được cứu rổi hay hư mất, chúng ta có đáp trả lại ơn gọi ấy cách xứng hợp hay không, có làm việc cật lực, có ăn mặc y phục bác ái và thánh thiện để dự tiệc đúng cung cách lễ nghi hay không, chớ không có chuyện Chúa gọi rồi không chọn.

Điều đáng tiếc là thường nghe nhấn mạnh đặt nổi câu “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”. và “được gọi mà không được chọn” để chỉ những người đi vào chủng viện hay nhà tu mà đã rời khỏi những nơi ấy để chọn một nếp sống khác là những kẻ đã được gọi mà không được chọn.

Lối diễn giải này đưa đến nhiều hệ luận sai lầm tai hại. Trước hết chỉ có một số nhỏ “đi tu” mới được gọi, mới có ơn gọi, còn tuyệt đại đa số không một lần đi tu thì không được gọi chớ đừng nói là được chọn: điều đó “đúng” và minh chứng cho thành kiến chỉ có giáo sĩ và tu sĩ mới có ơn gọi. Kế đến chỉ trong muôn vàn mới có một số rất ít, rất hiếm hoi “được gọi và được chọn”. Mà “hiếm” thì “quý”, thì đắt giá, thì sang cả như hàng “quý tộc, khanh tướng”, như vậy làm sao tránh khỏi ý tưởng kẻ trọng người khinh, mà ai là trọng và ai khinh thì đã biết rồi. Chúng tôi còn nhớ một câu trong Sách Bổn đàng trong: “Hỏi: Kẻ có vợ chồng cùng kẻ đồng trinh ai hơn? – Thưa: kẻ đồng trinh hơn, vì kẻ ấy không lo vợ chồng, một khí tục tinh tu thì phước đức càng cao càng trọng lại càng gần Chúa hơn nữa”. Chúng tôi cũng còn nhớ cách đây không lâu ở Miền Nam Việt Nam, khi tân linh mục được truyền chức thánh và ăn mừng thì gọi đó là ngày “Lễ Vinh Qui”, từ ngữ “vinh qui bái tổ” thường dùng cho những kẻ thi đỗ đạt vẻ vang về làng.

Lối cắt nghĩa “được gọi mà không được chọn” như vậy cũng có hậu quả tiêu cực vì hàm chứa rằng “được chọn” làm linh mục, tu sĩ là thành công, là được chúc phúc, là thánh thiện, là thánh thiêng, còn “không được chọn”, làm giáo dân là thất bại, là bất hạnh, là không tốt lành; người ta còn gọi là “bỏ ơn Chúa hay mất ơn Chúa”.

Nếu hiểu như vậy và nhìn vào thực tế cộng đoàn Dân Chúa hiện nay, người ta có thể tự hỏi: – Phải chăng Chúa đã có lần “chọn” nhầm? Và phải chăng trong vài trường hợp đáng lẽ Chúa không “chọn” thì hơn?

Nói rằng không đi suốt con đường tu trì của mình là “không được chọn”, là phủ nhận lời của Phaolô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định… Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang (Rm 8, 28.30). Hay như lời Georges Bernanos: “Tất cả đều là ơn Chúa”. Hay như Linh đạo mà Linh mục Henry J.M. Nouwen viết tặng cho những người sống lăn lộn giữa chợ đời. Theo linh đạo ấy, cuộc đời chúng ta sẽ là “chiếc bánh được Thiên Chúa chọn, chúc phúc, rồi bẻ ra, để ban phát cho mọi người”. Và ông cắt nghĩa: như chiếc bánh được cầm lên, là được Thiên Chúa chọn. Rồi Thiên Chúa chúc phúc là chuẩn bị cho bằng một thời gian dạy dỗ tôi luyện. Kế đến như chiếc bánh phải bị bẻ ra, chúng ta phải hy sinh đau khổ, để sau đó được ban phát cho mọi người làm của ăn.[10] Những năm sống trong các nhà tu có thể là những năm được chuẩn bị trước khi đưa vào đời. Công cuộc và thời gian chuẩn bị những người tông đồ giáo dân có thể là từ sinh ra trong gia đình, đến trường tiểu học, trung học, đai học, trường học nghề hay học chữ, trong cơ quan, hảng xưởng, xí nghiệp, trong đời binh bị, trong cuộc sống gia đình hay xã hội… tất cả là để chuẩn bị và trang bị cho cuộc xuống núi hành hiệp tông đồ giáo dân. Tất cả đều được thiết kế cho công trình cứu chuộc, và như Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người”.

3. 2 – Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít

Matthew 9,37-38, Luca 10, 2 nói về “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” luôn luôn được nhắc nhớ để kêu mời ơn gọi linh mục. Khuyến khích vận động cho ơn gọi linh mục là tốt và cần. Song dùng hình ảnh thợ gặt để chỉ linh mục mà thôi, còn lúa chín đầy đồng để chỉ tất cả mọi tín hữu, hay không là tín hữu Kitô, thì quả thật là thu hẹp ơn gọi và nhiệm vụ tông đồ vào giáo sĩ mà thôi, thì rõ ràng là ngược lại giáo huấn của Giáo Hội, làm cho người ta có thể hiểu sai rằng phải là linh mục mới có thể làm việc tông đồ.[11] Tại sao không dùng dụ ngôn vườn nho để kêu gọi tất cả mọi người như Đức Gioan Phaolô II: “Dụ ngôn Phúc Âm mô tả trước mắt chúng ta vườn nho mênh mông của Chúa và đàn lũ người gồm đàn ông đàn bà mà Ngài gọi và sai vào làm việc. Vườn nho đó là toàn thể thế giới (Matthew 13, 38)”, (CL 1). Và thật vậy, đọc tất cả Tông Huấn này, người ta thấy Đức Gioan Phaolô II nhiều lần viện dẫn dụ ngôn làm việc trong vườn nho của Chúa, chớ không một lần nào nói đến dụ ngôn “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, phải chăng ngài muốn tránh cho người ta đừng hiểu sai và hiểu xa rằng không phải toàn thể tín hữu đều được mời gọi và có phận sự làm việc tông đồ, làm thợ gặt, mà chỉ có một số rất ít mà thôi?

3. 3 – Chữ “dân” hiểu theo nghĩa bị hạ cấp

Không thể nói do đâu hoặc do lỗi ai, chữ “dân” trong “giáo dân”, dùng như danh từ hay tính từ, tự nó có nghĩa chính xác là “người trong một nước”,[12] như khi nói: dân Việt, Dân Chúa, dân quyền, hay dân sinh… lại mang một ý nghĩa xấu, hay bị hạ cấp, như dân đen, dân ngu, hoặc “dân” hiểu ngược lại với “quan chức”; và giáo dân là thấp giáo sĩ mới là cao. Ấn tượng cao thấp do ngôn ngữ này chắc sẽ còn ảnh hưởng lâu dài, nếu không có bình giải Thánh Kinh đúng đắn, và diễn nghĩa chính xác theo thần học và giáo lý.

4. Ơn gọi và sứ vụ chung của mọi Kitô hữu từ nền tảng phép Rửa tội

Trước hết chúng ta cần thỏa thuận về một số “từ” căn bản dùng ở đây cũng như trong các văn kiện trích dẫn của Giáo Hội:

– Những chữ: tín hữu, Tín hữu Đức Kitô, Kitô hữu, đều đồng nghĩa, và có nghĩa là những người tin Chúa Kitô (chrétien, christian, faithfull, Christ’s faithful, Christifideles), gồm toàn thể Dân Chúa, không phân biệt giáo dân, giáo sĩ, hay tu sĩ.

– Những chữ: giáo dân, tín hữu giáo dân, đều đồng nghĩa và có nghĩa là tín hữu thuộc thành phần giáo dân (laics, laicat, lay, lay person, laity, Christifideles laici), mà những đối tác khác trong Dân Chúa là giáo sĩ và tu sĩ.

– Cũng nên ghi nhớ trong những văn kiện Công Đồng Vatican II có những nơi dùng chữ “faithful” để chỉ tín hữu giáo dân, và ngược lại dùng chữ giáo dân để chỉ toàn thể tín hữu; dùng chữ như vậy không được chính xác, nên sau này trong Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân công bố năm 1989 Đức Gioan Phalô II nhấn mạnh lại cho rõ chữ “Christifideles Laici” để chỉ tín hữu giáo dân.

Lm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P., Nguyên giáo sư Luân lý Xã hội tại Roma và Mỹ Châu Latin, Giáo sư tại nhiều Đại Học và Đặc Trách Học Vụ Dòng Đaminh Việt Nam, và hiện nay là Giám mục chính tòa Giáo Phận Vinh, Việt Nam, đã viết trong “Yves Congar thần học gia khai mở” một đoạn văn ngắn, trong sáng, và trôi chảy dễ đọc dễ hiểu, nhưng may mắn chứa đựng tất cả những ý niệm và phạm trù thần học và Giáo Hội học về người tín hữu giáo dân sau Vatican II:

“Theo Công Đồng do bí tích Thanh Tẩy, tất cả các Kitô hữu đều tham dự vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Kitô. Những khác biệt về thừa tác vụ hoàn toàn do nhu cầu của cộng đồng Dân Chúa và nhằm phục vụ cộng đồng. Đây là một trách vụ nên đóng vai trò phụ thuộc nếu so sách với ơn gọi căn bản làm Kitô hữu. Chiều hướng thần học này đặt nổi tính bình đẳng về phẩm giá, căn tính và ơn gọi nền tảng của tất cả Kitô hữu trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Những khác biệt về chức vụ, nếp sống và ơn gọi thực sự chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng phục vụ cộng đoàn Dân Chúa”.[13]

Chúng ta không thể tìm hiểu về người tín hữu giáo dân mà không bàn đến những đặc tính bao gồm trong các ý niệm và phạm trù được in đậm ở trên.

Ơn gọi và sứ vụ chung của mọi Kitô hữu bắt đầu và đặt nền tảng trên phép Rửa.

Thánh Công Đồng Vatican II dạy rằng mọi Kitô hữu do phép Rửa đã trở thành Dân mới của Thiên Chúa, một “vương quốc những tư tế”, tất cả đều có cùng một ơn gọi và một sứ vụ, cùng chung những trách nhiệm căn bản là tôn thờ, dâng chính mình làm của lễ lên Thiên Chúa, mang ánh sáng Phúc Âm đến mọi người, bằng cách làm chứng cho Đức Kitô, và nói cho mọi người biết về đức tin và niềm hy vọng của mình:

“Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người để biến dân tộc mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người. Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và sức dầu của Thánh Thần được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và rao truyền kỳ công của Đấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài. Vì thế, tất cả môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa , họ phải dâng mình làm hy vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày về cuộc sống vĩnh cữu mà họ ôm ấp cho những ai khao khát” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (viết tắt LG), số 10).

Thánh Công Đồng Vatican II còn diễn giải thêm: “Các tín hữu nhập hiệp vào Giáo Hội bởi phép rửa, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng tự Kitô giáo”… Họ có “phận sự khần thiết phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm… Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh, cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ” (LG số 11).

Mọi tín hữu, có chịu chức thánh hay không, nhờ phép rửa đã được sát nhập vào cùng một thân thể của Đức Kitô, đều có cùng một ơn gọi và sứ vụ chung, đều được mời gọi nên trọn lành, và do đó đều bình đẳng vì có phẩm giá như nhau:

“Vì như trong một thân thể , chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ, cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể của nhau” (Rm 12,4-5).

“Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4, 5). Các chi thể cùng chung một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất, và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hay vì nam nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Kitô” (Gal 3, 28) (LG số 32).

Trong Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Không phải là quá đáng khi chúng ta quả quyết rằng toàn cuộc sống của người tín hữu giáo dân chỉ có mục đích là đưa họ đến nhận biết mầu nhiệm chính yếu của họ phát xuất từ phép Rửa tội, là bí tích Đức tin, để họ có thể sống nghĩa vụ theo ơn gọi Chúa đã chỉ định” (CL số 10).

Khi nói đến tông đồ người ta thường nghĩ hay chỉ nghĩ đến 12 tông đồ và những người kế vị các ngài là giám mục và nới rộng ra là linh mục, trong khi Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân quả quyết: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô” (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân “Apostolicam Actuositatem” (viết tắt AA), số 3).

Qua những trình bày trên chúng ta thấy phép rửa là cửa mở, là bước đầu, là nền tảng cho ơn gọi, sứ vụ và phẩm giá của mọi tín hữu không phân biệt thừa tác vụ hay bậc sống.

Về điểm này nhà thần học Yves Congar, chuyên viên của Công Đồng đã diễn giải khá khúc triết: “Linh mục, giám mục, giáo hoàng trước tiên phải là một tín hữu. Những vị đó phải lãnh nhận phép rửa để trở thành một Kitô hữu, để dâng hiến đời mình làm hy tế thiêng liêng, để rước Mình thánh, để lãnh nhận bí tích hòa giải, để được chúc phúc, để tiến hành việc cứu rỗi của mình. Họ không thể phân cách đời sống tôn giáo của mình trong tư cách một tín hữu với đời sống tôn giáo của mình trong tư cách nhiệm vụ đảm nhận, là nhiệm vụ linh mục hay giám mục”.[14]

Trong khi Hồng Y Suenens, một trong ba Điều Hợp Viên Công Đồng, như thường khi, đã nói một câu súc tích gợi ảnh và thường được trích dẫn: “Thời điểm tuyệt diệu nhất của đời một giáo hoàng không phải là khi được bầu hay được tấn phong, song là lúc được nhận lãnh phép rửa tội”.[15]

4. 1 – Ơn gọi theo bậc sống (state of life, état de vie)

Trên dây chúng ta đã nói về ơn gọi chung của mọi tín hữu, phát xuất từ phép rửa. Trong viễn ảnh Giáo Hội học chúng ta kể như có ba bậc sống trong Giáo Hội là; giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tuy mọi tín hữu đều có cùng ơn gọi chung, là “xây dựng thân thể Chúa Kitô” (LG 32) song vì mỗi người đều chọn cho mình một bậc sống riêng, đó là ơn gọi theo bậc sống, và trong bậc sống mình đã chọn, mỗi người còn có ơn gọi riêng tùy theo ý hướng, lý tưởng, khả năng thiên phú, ơn đoàn sủng và nghề nghiệp mình ưa thích,…

Trong Hiến chế Lumen Gentium Chương II nói về toàn thể Dân Thiên Chúa, câu 11 sau khi nói về chức tư tế chung qua các bí tích, đã nói đến bậc sống linh mục là những người đã chịu chức thánh, và bậc sống giáo dân là những người sống trong trần thế, có hay không chịu phép hôn phối, đã kết luận: “Được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người”. Tùy theo con đường của mỗi người là tùy theo ơn gọi theo bậc sống và ơn gọi riêng của mỗi người.

Mọi tín hữu đều có ơn gọi chung với những đặc tính chung, song bênh cạnh những đặc tính chung ấy, mỗi tín hữu thuộc mỗi bậc sống đều có những đặc nét riêng của bậc sống mình. Sau đây Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội bàn về những đặc nét hoạt động trong ba bậc sống trong Giáo Hội: “Các phần tử có chức thánh dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn gọi đặc biệt, sứ vụ chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là thừa tác vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quý rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng (có nghĩa là ơn gọi theo bậc sống), giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (LG số 31).

Như vậy, trong tiểu luận này khi bàn thảo về “Ơn gọi Tông Đồ Giáo Dân”, là chúng ta một phần lớn đang bàn về “ơn gọi theo bậc sống” của người giáo dân khi so sánh với ơn gọi của bậc sống linh mục hay tu sĩ.

Sau khi nói đến phận sự làm tông đồ của bậc sống giáo sĩ, Công Đồng đã nói đến phận sự làm tông đồ của bậc sống giáo dân: “Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian” (AA số 2).

Ơn gọi và sứ vụ tông đồ ấy không thể chỉ xem là một phận sự mà còn là một quyền. Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân viết: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (AA số 3).

Nhưng mỗi cá nhân chúng ta đều phải xét đến ơn gọi riêng của mình, và đó là điều Giáo Hội đặt năng không kém.

4. 2 – Ơn gọi riêng của mỗi cá nhân

Nói về ơn gọi riêng của mỗi cá nhân, chúng ta nghĩ đến những điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta chọn lựa và thi hành theo ý Chúa muốn đối với riêng mỗi chúng ta, tùy theo khả năng, đoàn sủng, dấn thân, những mỗi liên hệ với gia đình và người chung quanh,…

Thánh Phaolô vừa cắt nghĩa vừa khuyên bảo mỗi chúng ta hãy suy nghĩ để biết ơn gọi riêng của mình và thực hiện nó với nhiệt tâm và xứng hợp: “Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,3-8).

Đức Gioan Phaolô II bảo: “Thật vậy, Thiên Chúa đã nghĩ đến chúng ta từ thuở đời đời và Ngài đã yêu thương chúng ta như những con người duy nhất và bất khả thay thế… Người đã gọi mỗi chúng ta đích danh” (CL số 58).

Để thực hiện ơn gọi và sứ vụ của mình, Chúa Thánh Linh ban cho mỗi chúng ta những ơn khác nhau, và tùy các ơn ấy mà mỗi chúng ta lựa chọn ơn gọi cho chính mình. Những ơn đó gọi là đặc sủng đã được Phaolô giảng giải như sau: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (Cr 12,4-11).

Đức Gioan Phaolô II mời gọi mỗi người chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi của Chúa gọi đích danh mình và rộng lượng đáp trả, vì “mỗi Kitô hữu là một hữu thể cá biệt không thay thế được”… “vì Đức Kitô đã gọi mỗi người trong chúng ta bằng tên riêng của họ, không lẫn lộn người này với người kia”. Lời mời gọi đó “dành cho từng người một: “Con, chính con, hãy vào làm việc trong vườn nho của Thầy” (CL số 28).

Tông huấn còn nói rằng “việc đào tạo tín hữu giáo dân nhằm mục tiêu cơ bản là tìm ra ơn gọi riêng của mỗi người.. để họ sống ơn gọi đó và chu toàn sứ vụ riêng của mình” (CL số 58). Ý thức về ơn gọi của mình, sẽ giúp mình biết phải sống thế nào, đang theo đuổi lý tưởng cùng mục tiêu nào, nhất là biết rằng ơn gọi cùng lý tưởng sống của mình cao đẹp không kém ơn gọi và lý tưởng của bất cứ ai trong bậc sống nào. Khi đó càng thấy khẩn thiết kêu cầu cùng Chúa ban cho mình biết sống thành toàn ơn gọi tông đồ giáo dân của mình, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi của mọi người khác và thành phần khác.

5. Ơn gọi và sứ vụ vì là thành phần của Giáo Hội

Mượn lại lời của Đức Piô XII trong diễn văn đọc trước các Hồng Y mới nhậm chức ngày 20-02-1946, Đức Gioan Phaolô II xác định lại ơn gọi và sứ vụ của giáo dân vì là thành phần quan yếu hàng đầu của Giáo Hội: “Các tín hữu, nói một cách rộng hơn, là các giáo dân, là kẻ đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội” (CL số 9).

Không nên chỉ nhìn ơn gọi và sứ vụ của người tín hữu vì là thành phần của Giáo Hội dưới góc độ xã hội học hay định chế mà thôi, song để cho đầy đủ và toàn diện hơn phải nhận chân tính cách thần học, tín lý và bí tích của căn tính người tín hữu đã nhờ phép Rửa mà trở thành một thành phần của huyền nhiệm Giáo Hội, một chi thể trong Nhiệm thể của Đức Kitô. Công Đồng đã dùng cả hai Chương đầu của Hiến Chế Tín Lý để trình bày chân lý và mầu nhiệm ấy: Chương I: Mầu nhiệm Giáo Hội, Chương II: Dân Thiên Chúa.

5. 1 – Ơn gọi và phẩm giá vì là thành phần của mầu nhiệm Giáo Hội là Dân Chúa

Đọc lại những nhà khảo cứu lịch sử Giáo Hội học lúc đầu, giúp chúng ta trở về nguồn và hiểu thêm các thành phần Dân Chúa đã có những tương quan như thế nào.

Theo Alexandre Faivre, từ ngữ “klèros” mà bây giờ chúng ta dịch ra và hiểu là “giáo sĩ”, thì trong thời Tân Ước chỉ toàn Dân Chúa, chớ không chỉ riêng thừa tác viên; còn chữ “hiéreus” mà bây giờ chúng ta dịch và hiểu là “giáo phẩm”, thì Do thái giáo và truyền thống ngoại giáo chỉ là Thầy cả, Tư tế, trong khi truyền thống Kitô giáo thì chỉ dành để chỉ Đức Kitô hoặc toàn thể cộng đoàn Dân Chúa: “Trong Tân ước, từ ngữ “klèros” lại được áp dụng cho toàn Dân Chúa, chớ không dành riêng cho những thừa tác viên. Còn danh từ thường dùng trong Do Thái giáo và trong truyền thống thế giới ngoại giáo, nhằm để chỉ các vị Thầy cả, Tư tế = hiéreus, thì trong Kitô giáo, những sự kiện cho thấy có một sự khác biệt rất xa: không bao giờ chữ này được áp dụng cho các thừa tác viên, nhưng chỉ áp dụng cho Đức Kitô hoặc cho toàn cộng đoàn dân Chúa”.[16]

Nếu bây giờ chúng ta phân biệt và dịch chữ “laos” hay “laikos” ra là “giáo dân” và chữ”klèros” là giáo sĩ, thì trái lại theo nhà thần học Yves Congar “Chữ “laikos” không thấy được dùng ở đâu trong Thánh Kinh. Còn chữ ‘laos” thì rất được thường dùng trong Thánh Kinh, trong đó nó có nghĩa là “dân”, song không phải bất cứ là dân nào. Nó nhắm chỉ là dân của Chúa, “một dân thánh ngược lại với những dân không được thánh hiến”[17] … Và trình bày tiếp, Congar viết: “Không có một sự phân biệt nào giữa hai chữ “laos” và “klèros”.[18]

Trở về nguồn, Công Đồng Vatican II đã đặt nặng ý niệm Giáo Hội là Dân Chúa, và toàn thể Dân Chúa, từ đó xác định ơn gọi và sứ vụ, vị trí và phẩm giá của giáo dân như là thành phần thiết yếu hay một “phần” của Giáo Hội là Dân Chúa. Giáo dân như mọi tín hữu không phân biệt thành phần, sống ơn gọi và sứ vụ của họ không phải như là một phần phụ thuộc của giáo sĩ.

“Tinh thần của nền Giáo Hội học mới cho phép các Nghị phụ nói đến người giáo dân trong viễn ảnh của mối liên hệ của họ với mầu nhiệm của chính Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội. Giáo dân được trình bày rõ ràng như là một phần của Giáo Hội. Họ không phải là một phần phụ thuộc hay phụ thêm vào Giáo Hội. Họ cũng không phải chỉ là đối tượng thừa tác vụ của giáo sĩ. Các Nghị phụ rời xa khỏi viễn ảnh tất cả quy về giáo sĩ trong đó giáo dân chỉ được xem là khách hàng của giáo sĩ. “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” Lumen Gentium cho thấy rằng khởi điểm và trung tâm điểm của thần học về giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ phải là mầu nhiệm Dân Chúa, là Thân thể Đức Kitô”.[19]

Nói cho dễ hiểu, kể từ bây giờ Giáo Hội học không xem giáo sĩ như là trung tâm mà giáo dân là vệ tinh quay chung quanh, trái lại mầu nhiệm Giáo Hội như là Dân Chúa, như là Nhiệm Thể Chúa là trung tâm, và các thành phần giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân là vệ tinh quay chung quanh. Chính vì vậy mà Hồng Y Suenens nói rằng một thần học gia trong Công Đồng cho rằng đã có một cuộc cách mạng Copernic.[20] Nhà khoa học này, ngược lại những tin tưởng của thời ông, cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời chớ không phải mặt trời quay chung quanh trái đất như người ta lầm tưởng.

5. 2 – Ơn gọi và phẩm giá vì là thành phần của Giáo Hội Hiệp thông

Đức Gioan Phaolô II nhắc lại tài liệu của Thượng Hội Đồng năm 1987 nói rằng: “Giáo Hội học về hiệp thông là tư tưởng trung tâm căn bản của các văn kiện Công Đồng”… Sự hiệp thông này “chúng ta nhận được nhờ lời Chúa và qua các phép bí tích” (CL số 19). Chúng ta còn nhớ Công Đồng xác tín: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (LG số 9).

Đức Gioan Phaolô II giải nghĩa sự hiệp thông trong Giáo Hội chính là “sự thông hiệp nhiệm mầu giữa các môn đệ với Đức Giêsu và giữa các môn đệ với nhau”, ngài dùng hình ảnh “Ta là cây nho, chúng con là cành” (Ga 17,21) để diễn tả sự hiệp thông ấy (CL số 12). Ngài còn nói đó là một sự “hiệp thông có cơ cấu” gồm những phần thân thể sống động”, “sự hiệp thông ấy là một ân huệ”, các tín hữu phải nhận ơn ấy và “sống bằng tinh thần trách nhiệm”. Tính hiệp thông trong Giáo Hội ấy đòi buộc người giáo dân “không được quyền tự cô lập mình với cộng đoàn”, “nhưng phải sống trong tình huynh đệ sâu đậm… hợp tác với nhau… lãnh nhận nhiều thừa tác vụ và nhiều trọng trách khác nhau… biết rằng trong mối tương quan với nhau điều làm cho họ nổi bật, không phải là thăng tiến chức phận mà chính họ là được trao quyền năng đặc biệt và bổ túc để phục vụ… Vì thế các ơn đoàn sủng, các thừa tác vụ, các trọng trách, các dịch vụ của người tín hữu giáo dân nếu có là có trong sự hiệp thông” (CL số 20).

Hướng về giáo dân ngài nói: “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau… Hiệp thông là truyền giáo và truyền giáo có sứ mệnh thể hiện sự hiệp thông… Cũng trong sứ mệnh của Giáo Hội, Chúa đã giao phó cho người tín hữu giáo dân trong sự hiệp thông tất cả các thành phần của Dân Chúa, một phần trách nhiệm rất lớn” (CL số 19).

5. 3 – Ơn gọi và phẩm giá vì là thành phần của Giáo Hội Nhiệm Thể Chúa Kitô

Vị đầu tiên đã diễn tả khúc triết mầu nhiệm Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô là thánh Phaolô: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,3-8). Nếu trong đoạn trên thánh nhân nói nhiều đến những thành phần khác nhau với những đặc sủng khác nhau, thi trong thư 1Cr 12,12-22 ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết và lệ thuộc vào nhau giữa các thành phần, đến nổi cũng như trong một thân xác không bộ phận nào có thể nói không cần đến bộ phận khác.

Gần đây hơn, Đức Piô XII đã lấy Nhiệm Thể Chúa Kitô làm chủ đề ưa chuộng của mình mà ngài đã đặc biệt trình bày trong Thông Điệp Nhiệm Thể Chúa Kitô Mystici Corporis.

Công Đồng Vatican II cũng đã dùng căn bản gíáo hội Nhiệm Thể Chúa Kitô để diễn giải về sự liên kết hiệp thông giữa các tín hữu, và về ơn gọi cùng sứ vụ tông đồ giáo dân.

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (AA số 3).

5. 4 – Bình đẳng, giống nhau và khác biệt

Như tất cả mọi người Công Giáo hay không Công Giáo, chúng ta đều thâm tín rằng mọi người. nam và nữ, đều bình đẳng như đã được minh định trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, cũng như đã được xác định trong Hiến Chế Mục vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spes” (viết tắt GS) của Công Đồng Vatican II: “Càng ngày phải nhận thức bình đẳng giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và một nguồn gốc…” (số 29). Nhân quyền và bình đẳng ầy con người không phải bị mất đi, hay bị thu hẹp, hoặc bị phủ nhận khi chịu phép Thanh Tẩy và trở thành người Công Giáo, dù thuộc thành phần giáo dân sống bên cạnh thành phần giáo sĩ hay tu sĩ.

Trái lại sự bình đẳng vì đồng nhân phẩm ấy càng được củng cố và có nền tảng vững chắc vì nhờ phép Thanh Tẩy con người đã trở thành Dân Thiên Chúa, thành một chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” khẳng định: “Chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5). Các chi thể cùng chung một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất, và một đức ái không phân chia…”. “Mặc dù theo ý Chúa Kitô có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (LG số 32).

Tuy có giống nhau và bình đẳng về nhân phẩm, tuy có cùng chung một căn tính và ơn gọi căn bản và, như sẽ nói sau đây, cùng chung chức vụ tư tế vương quyền của Chúa Kitô, song có khác biệt về vai trò, phần vụ và công tác, gọi là thừa tác vụ, về ơn gọi theo bậc sống và ơn gọi riêng. Những khác biệt đó không làm phân ly chia cách hay tranh chấp chống đối, trái lại bổ túc cho nhau trong mục tiêu thực hiện chung là “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô”.

“Nếu Chúa phân biệt các thừa tác viên có chức thánh với những thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung” (LG số 32).

Ở đây khi nói đến khác biệt, vai trò, thừa tác vụ, và phẩm trật, Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh đến lãnh đạo là phục vụ, là khiêm nhượng, và luật cao đẳng tuyệt đối phải tôn trọng là luật yêu thương. Công Đồng lấy lại câu nói trứ danh của Thánh Augustinô nói về chức vụ giám mục của mình khi sống giữa tín hữu anh em là những người cùng có ơn gọi chung với mình: “Nếu vị thế của tôi cho anh em làm tôi run sợ, thì đời sống cùng với anh em là niềm an ủi của tôi. Cho anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu. Giám mục là một chức vụ. Kitô hữu là một ân huệ. Chức vụ giám mục chỉ mang lại cho tôi những hiểm nguy, trong khi đối với tôi Kitô hữu đảm bảo cho tôi ơn cứu rỗi” (LG số 32).

6. Ơn gọi và sứ vụ với 3 chức vụ tư tế ngôn sứ và vương giả

Công Đồng Vatican II là công đồng đầu tiên duy nhất từ trước đến nay bàn thảo sâu rộng về giáo dân và về Giáo Hội học về giáo dân. Tài liệu làm nền tảng cho mọi tài liệu khác của Công Đồng chính là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, trong đó dành 2 trong 4 chương đầu để bàn về thần học và Giáo Hội học về giáo dân.

Trong Hiến chế này, Công Đồng đã nói về bản tính và sứ mệnh của người giáo dân dựa trên 3 chức vụ mà họ có do phép rửa và sự nhập hiệp của họ vào thân thể của Chúa Kitô như sau: “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì đựợc Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được nhập hiệp vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình” (LG số 31).

Trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng cũng đã xác định vì 3 sứ vụ ấy mà họ phải chu toàn phận sự của họ: “Giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trân gian” (AA số 2).

6. 1 – Chức vụ tư tế

Giáo Hội thường nói đến Nước Chúa như một “vương quốc những tư tế”, vì thành phần trong Nước Chúa là phần thân thể của Đưc Kitô, và Đức Kitô là “Linh mục Thượng Phẩm”. vì nếu Đức Kitô là Đầu và là Thượng Phẩm thì không lý gì mà các chi thể khác lại không được chức tư tế (LG số 10).

Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân nói rõ thêm: “Người giáo dân được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (Xc. 1Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc của họ làm thành những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu” (AA số 3).

Người giáo dân tham gia vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu thế nào? Họ lấy gì làm vật hiến tế? – Có thể nói bằng chính cuộc đời, toàn bộ cuộc đời với mọi hành động, suy nghĩ và dự phóng của mình. Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Bằng việc dâng hiến chính mình và các hoạt động của họ… những lời cầu nguyện cũng như các hoạt động tông đồ, đời sống hôn nhân, gia đình, những công việc lao động hằng ngày, các việc giải trí, tinh thần thể xác, nếu tất cả đều được hướng dẫn do Thần Linh Thiên Chúa, ngay cả những thử thách của cuộc đời, miễn là chịu đựng một cách nhẫn nại, tất cả trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong thánh lễ, các của lễ này hiệp với Mình Chúa được dâng lên cho Đức Chúa Cha với tâm hồn sốt sắng. Như thế người giáo dân thánh hiến cho Thiên Chúa chính cả trần thế này” (CL số 14).

6. 2 – Chức vụ ngôn sứ

Người giáo dân tham dự vào chức vụ ngôn sứ tức chức vụ rao giảng của Chúa Kitô là gì? phải hiểu thế nào?

Nhắc lại rằng: “Đức Kitô là Đấng lấy cuộc sống mình cũng như lấy sức mạnh của lời nói để tuyên bố vương quốc của Chúa Cha”, Đức Gioan Phaolô II giải thích: “Sự tham dự này làm cho người giáo dân có đủ năng cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác… Họ làm chứng cho Đức Kitô phục sinh… Họ tham dự vào ý thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội “không thể sai lầm trong đức tin”… Hơn nữa họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang “ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế” (CL số 14).

Về sự “không thể sai lầm trong đức tin”, một đoàn sủng của Dân Chúa, nghĩa là gồm cả giáo dân, là một xác định có tính thần học và tín lý, đã gây nhiều tranh cãi trước thời công đồng và ngay trong các phiên hợp của Công Đồng, chúng ta nên nghe thêm giải thích của Hiến chế: “Dân thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách phổ biến chứng từ sống động về Người… Toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (Xc. 1Ga 2,20.27) không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin (supernatural discernment in matters of faith, sens surnaturel de la foi) của toàn thể Dân Chúa, khi “từ các Giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa” (LG số 12).[21]

6. 3 – Chức vụ vương giả

Người tín hữu giáo dân tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô: “Vì họ thuộc về Đức Kitô là Chúa Tể, là Vua vũ trụ, nhờ đó họ được tham dự vào trách vụ vương giả của Ngài… Họ sống vương quyền Kitô hữu trước tiên bằng cách chiến đấu để chiến thắng thế gian tội lỗi ngay trong chính mình họ, rồi hiến dâng mình để phục vụ trong đức bác ái và trong công bằng… họ được gọi đặc biệt để đem lại cho các tạo vật những giá trị nguyên thủy của nó… họ liên kết mọi thụ tạo vào lợi ích chân thật của con người. Làm như thế, họ được tham dự vào việc thi hành quyền bính của Đức Kitô Phục Sinh” (CL số 14).

Hành xử quyền vương giả của mình, người tín hữu giáo dân “khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, đưa tha nhân đến Đức Vua” và mở rộng Nước của Người, “nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu, và hòa bình”. Đặc biệt khi ta phụng sự Thiên Chúa chính là lúc ta thống trị. Hành xử vương quyền của mình còn là: “Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động được ơn sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, nhờ lao động, kỷ thuật, văn hoá để khai thác những tài sản hầu mưu ích cho mọi người” (LG số 36).

Có thể hiểu như thế này: nếu chức vụ ngôn sứ làm “cho người giáo dân có đủ năng cách và dấn thân để nhận lãnh Phúc Âm trong Đức Tin, để rao giảng bằng lời nói và hành động, và để tố cáo một cách bạo dạn không do dự những gì là điều ác…”, thì chức vụ vương giả, làm vua, là để bổ túc cho sứ vụ ngôn sứ, là để kinh bang tế thế, sửa sang những thực tại trần thế hư đốn cho ra tốt đẹp, ích nước lợi dân, và bình trị an dân theo quan niệm và nêu gương của Đức Giêsu là rửa chân, là phục vụ, hy sinh thân mình, ngược lại với thói đời cai trị là để ăn trên ngồi tróc, áp chế người dưới và nghèo yếu.

Chính vì chức vụ vương giả mà người giáo dân phải dấn thân vào các hoạt động xây dựng trần thế như sẽ nói sau này.

6. 4 – Sứ vụ được ủy nhiệm đích danh

Ngày nay có nhiều tổ chức chính trị, xã hội, bác ái, văn hóa, kinh tế, y tế, giáo dục,… trong số đó có Phong Trào Giáo Dân, được tổ chức theo tinh thần của Hiến Chế Tín Lý, Hiến Chế Mục Vụ, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Bộ Giáo luật 1983, Tông Huấn Người Tín Hữu Giá Dân; trong các tổ chức ấy có giáo dân, có thể có cả giáo sĩ, song do sáng kiến và lãnh đạo của giáo dân,… Sự thành lập và tổ chức những hiệp hội hay cơ sở này do thúc đẩy của tinh thần Vatican II khuyến khích tín hữu hãy có sáng kiến và mạnh dạng sống ơn gọi và sứ vụ tông đồ giáo dân của mính.

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ (they are assigned to the apostolate by the Lord Himself, c’est le Seigneur lui – même qui les députe à l’apostolat), vì phép Rửa tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (AA số 3).

“Giáo dân làm việc tông đồ là thông phần vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo Hội (the Church itself, de l’Eglise elle – même) Mỗi tín hữu đều được chính Chúa (the Lord Himself, le Seigneur Lui – même) đề cử làm tông đồ qua việc lãnh nhận phép Rửa và Thêm Sức. Họ được đặc biệt kêu gọi làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (LG số 33).

Chúng ta cần lưu ý đến những từ ngữ chính Chúa, chính Giáo Hội chỉ định, đề cử. Nó có nghĩa là người giáo dân được chính Chúa đề cử, ủy nhiệm, giao công tác, kêu gọi đích danh, không qua môi giới bất cứ ai; cũng như họ “thông phần vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo Hội”, chớ không phải thông phần vào sứ mệnh cứu độ của một trung gian, như hàng giáo sĩ hay giáo phẩm chẳng hạng. Những sứ vụ và ủy nhiệm này không có tính tùy phụ vì lý do kiến hiệu kỷ thuật hay quản trị, song có tính thiết yếu vì mang tính cách bí tích do phép Rửa và Thêm sức, cũng như phát xuất từ sự tháp nhập vào Thân thể Chúa Kitô, và được tăng cường thần lực cùng hiệu năng bởi Chúa Thánh Thần.

Về điều này, nhà thần học trứ danh Karl Rahner, cũng là một chuyên viên của Vatican II đã nói: “Việc tông đồ của người giáo dân được đặt nền tảng trực tiếp trên chính con người của họ… và được xác định bởi hoàn cảnh của họ trong trần thế”.[22]

Nếu hồi xưa đến giờ quan niệm rằng việc tông đồ là phải do sáng kiến và thẩm quyền của giáo sĩ,và vì thế mà định làm gì thì phải hỏi ý kiến và xin quyết định của các linh mục, phải gia nhập Công Giáo tiến hành, phải có sự khuyến khích và thúc đẩy của các cha. Thì bây giờ, bởi được gọi và ủy nhiệm đích danh làm tông đồ, người tín hữu giáo dân phải có trách nhiệm và trả lời về nhiệm vụ tông đồ của mình, mà không thể nói rằng tại bị lý do gì, cũng không thể đổ lỗi cho cha xứ hay cho giám mục đã không cho phép, không chỉ dẫn, hay không khuyến khích nâng đỡ, trừ ra những lãnh vực thừa tác vụ thuộc về Giáo Hội.

Điều này cần có một sự trưởng thành của người giáo dân nhờ học hỏi, trao dồi kiến thức cần thiết như Giáo Hội dạy.

Trong phạm vi hoạt động Công Giáo Tiến Hành thì khác.

6.5 – Công Giáo Tiến hành

Tất cả chúng ta đều biết, và gần như đều có gia nhập một hay hai đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, và không thể phủ nhận ơn ích của nó trong Giáo Hội và cả trong trần thế nữa, trải dài từ nhiều thế hệ, nhất là tại Âu Châu, đặc biệt là Bỉ, Ý, Pháp, và theo chân của Pháp là ở Việt Nam, và ngày nay Công Giáo Việt Nam cũng đưa vào những quốc gia nơi mình tạm trú, trong đó có Hoa Kỳ là nơi mà người Công Giáo địa phương không biết gì về Công Giáo Tiến hành, họ chỉ nói đến “việc tông đồ” hay “tông đồ giáo dân”.

Yves Congar trong quyển sách đã dẫn, trình bày rất đầy đủ về định nghĩa, lịch sử và thần học của Công Giáo Tiến Hành. Theo Congar, Công Giáo Tiến Hành đã bắt đầu ở Âu Châu từ đầu thế kỷ XX đến nay. Định nghĩa Công Giáo Tiến Hành đầy đủ nhất và thường được nhắc đến là của Đức Piô XI: “Công Giáo Tiến Hành là tham dự của giáo dân vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm”.[23] Congar còn lưu ý rằng các Giám mục còn rõ ràng hơn, để giáo dân hiểu rằng đó chỉ là “tham dự vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm, chớ không phải tham dự vào chính hàng Giáo phẩm… và cũng không phải là tham dự vào quyền bính của hàng Giáo phẩm trong chức vụ huấn quyền của hàng Giáo phẩm”.[24] Đến thời Đức Piô XII, thế cho dùng chữ “tham dự” thì ngài dùng chữ “hợp tác”, có người cho rằng như vậy là ngài có ý thăng cấp cho Công Giáo Tiến Hành, song nội dung quan niệm thì không có gì thay đổi, mà vẫn là tham dự hay hợp tác với việc tông đồ của hàng Giáo phẩm và có sự ủy nhiệm của hàng Giáo phẩm.[25]

Theo định nghĩa, giáo huấn, và áp dụng như trình bày trên, Công Giáo Tiến Hành, từ việc thành lập đến tổ chức, sinh hoạt, linh hướng, và kiểm soát phải đặt dưới quyền của hàng Giáo phẩm.

Và đó cũng là khác biệt căn bản với quan niệm của Công Đồng Vatican II chủ trương, đặt nặng, và khuyến khích sứ vụ tông đồ của giáo dân như là tham dự vào việc tông đồ của chính Giáo Hội (chớ không phải của hàng Giáo phẩm), và được ủy nhiệm, sai đi, giao trách nhiệm từ chính Đức Kitô, cùng được tăng lực, nâng đỡ, hướng dẫn bới Thánh Thần. Trong tinh thần đó, Công Đồng đã khuyến cáo: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại” (LG số 33) Mở rộng đường cho họ phải chăng là không đặt thêm những khuôn khổ trung gian và trạm kiểm soát khi không cần thiết?

Chúng ta nhận chân những lợi ích lớn lao trong Giáo Hội nhờ tổ chức và hoạt động Công Giáo Tiến Hành. Song chúng ta cũng chứng kiến những giới hạn của nó. Làm sao trong khuôn khổ Công Giáo Tiến Hành người tín hữu giáo dân có thể chu toàn phần vụ của mình trong “thế giới mênh mông phức tạp của đời sống chính trị, của các thực tại xã hội và kinh tế, của đời sống văn hóa, khoa học và nghệ thuật, của đời sống quốc tế, của các phương tiện truyền thông xã hội. Nó cũng bao gồm các thực tại khác đặc biệt mở rộng cho việc rao truyền Phúc Âm như tình yêu, gia đình, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, lao động, chức nghiệp, và đau khổ”? (CL số 23).

Trong một Công Đồng tầm cỡ như Vatican II với chủ đạo “canh tân cập nhật mục vụ” aggiornamento để “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô” “phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật” (LG số 1), thì Giáo Hội không thể không đưa ra những nguyên tắc và định hướng mới cho sứ vụ tông đồ giáo dân:

Trước hết, đây là một xác định có tính thần học và bí tích: giáo dân được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, và thông phần vào sứ mệnh cứu độ của chính Giáo Hội; kế đến, như Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân vạch rõ, “hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi việc tông đồ của giáo dân phải hoàn toàn mãnh liệt và nới rộng” ; và “để thi hành việc tông đồ giáo dân cho có hiệu quả hơn, Sắc Lệnh phải làm sáng tỏ bản chất, đặc tính, và những cách thế của việc tông đồ ấy và Bộ Giáo luật tương lai cũng sẽ phải xét lại những khoản liên quan” (AA số 1). Hiệu quả hiển nhiên là vấn nạn, hay lấn cấn khó khăn đến nay đã được giải quyết: giáo dân có thể hoàn toàn tự nhận lãnh trách nhiệm dấn thân mang tinh thần Phúc âm thấm nhập và cứu rỗi các thực tại phức tạp trần thế trên mọi địa hạt văn hoá, xã hội, kinh tế, và nhất là chính trị, điều mà Công Giáo Tiến Hành, giáo sĩ, cũng như giáo phẩm không thể làm, “vì ơn gọi đặc biệt, sứ vụ chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là thừa tác vụ thánh” (LG số 31), vì lý do không thể lẩn lộn đạo đời, không thể “làm chính trị”, hoặc không được chuẩn bị để làm, nhất là còn phải làm những thừa tác vụ có tính đặc biệt Giáo Hội.

7. Nhiệm vụ trong Giáo Hội và giữa trần thế

Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân khẳng định: giáo dân phải chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa “trong Giáo Hội và giữa trân thế” (AA số 2). Triển khai và giúp áp dụng chu toàn phần việc đó Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987 đã hợp và Tông Huấn năm 1989 được công bố, tất cả dưới tên “Người tín hữu Giáo dân: ơn gọi và sứ vụ trong Giáo Hội và giữa trần thế”.

Đã nói “ơn gọi và sứ vụ trong Giáo Hội và giữa trần thế”, thì không nên đơn thuần phân chia rằng công việc phúc âm hoá và thánh hoá là của Giáo Hội và giáo sĩ, và chỉ có Giáo Hội hay giáo sĩ làm, còn việc xây dựng xã hội là của giáo dân, và chỉ có giáo dân làm. Tín hữu nói chung hay giáo dân nói riêng đều có phận sự và quyền trong cả hai thực tại Giáo Hội và trần thế, mặc dù mỗi người mỗi cung cách và công việc, tùy bậc sống và ơn gọi riêng của mình, như nói trước đây.

Như sẽ nói sau đây, những tác vụ của thừa tác viên chịu chức thánh được chủ yếu thực thi trong Giáo Hội, và tác vụ của giáo dân được chủ yếu thực thi trong cơ sở của thực tại trần thế. Song các nhiệm vụ và thừa tác vụ của hai bậc sống có chức thánh và không chức thánh, đều đã được thánh hiến bởi các bí tích, phép Rửa Tội, phép Thêm Sức, phép Mình Thánh Chúa, và một bên là phép Truyền Chức, bên kia có thể là phép Hôn Phối, nên phải bổ túc cho nhau và cùng làm việc với nhau, để cho Toàn Thân Đức Kitô, từ Đầu là Đức Kitô đến các chi thể, làm tròn công cuộc cứu rỗi của mình cho đến tận thế.

Công Đồng Vatican II đã phân minh khá chi tiết lãnh vực hoạt động của các bậc sống và ơn gọi. Dĩ nhiên không thể vạch ranh giới chia rõ hai vùng trắng đen, song với sự hiểu biết giáo huấn và nhận định tinh tế thì sẽ không sai lầm: “Các phần tử có chức thánh dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ vụ chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là thừa tác vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quý rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng (có nghĩa là ơn gọi theo bậc sống), giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (LG số 31).

7. 1 – Trong Giáo Hội

Thực tế cho ta thấy gần hết trăm phần trăm những tác vụ, sinh hoạt, công tác tông đồ trong Giáo Hội, nhất là Giáo Hội cơ sở, địa phương, từ các chức vụ lãnh đạo ở cấp trung đến thừa hành, đều do giáo dân đảm trách và thực hiện, với sự đóng góp thời giờ, khả năng, sức khỏe, tài ba, đặc sủng, tài sản, tiền bạc,… Điều đó đúng với chương trình Thiên Chúa thiết định và Giáo Hội giảng dạy, căn cứ trên 3 chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương gỉả mà chính Đức Kitô cho họ chia sẻ và tham dự. Nếu có gì đáng trách trong đó là khi họ hành động vì tinh thần nô lệ, hay ham chuộng chức tước danh lợi, chớ không được thúc đẩy bởi ý thức về ơn gọi và sứ vụ cao cả của mình, như thành phần hữu trách thiết yếu của nhiệm thể Chúa Kitô.[26]

Chúng ta không bàn nhiều đến những thừa tác vụ có tính Giáo Hội của giáo dân, vì khuôn khổ của tiểu luận này, và một phần cũng vì nó đã được chẳng những là nói đến mà còn được khuyến khích vì nhu cầu của Giáo Hội và giáo sĩ.

7. 2 – Giữa trần thế

Đặc tính của giáo dân là sống giữa trần thế. Đặc tính trần thế ấy họ có được trước khi họ nhận lãnh Phép Rửa tội. Song khi nhận lãnh phép Rửa đặc tính ấy còn mang thêm ý nghĩa đặc biệt, vì do phép Rửa Thiên Chúa đã gọi và giao nhiệm vụ cho họ đi tìm kiếm và xây dựng Nước của Ngài ở giữa trần thế.

“Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân” (CL số 15). Đó là điều xác quyết của Đức Phalô II. Nhưng ngài không muốn người ta nghĩ đó chỉ là một xác quyết có tính nhân văn và xã hội học. Trái lại, ngài đã nhấn mạnh đến tính thần học và tín lý của nó khi ngài mượn lời Đức Phaolô VI để quả quyết: “Giáo Hội mang tính chất trần thế chính tông, bẫm sinh trong bản tính thâm sâu và sứ mệnh của mình; gốc rễ nó nằm trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đối với các thành phần của mình” (CL số 15).[27]

Giáo dân tham dự vào chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa với cuộc sống và đặc tính trần thế của mình.

“Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ” (LG số 31).

Họ được gọi và làm sứ vụ trong những vùng đất hoạt động nào, các lãnh vực nào? – Vùng đất hoạt động tông đồ của người tín hữu giáo dân thật là to rộng mênh mông gồm hết mọi sinh hoạt của con người. Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại một đoạn của Tông Huấn “Truyền Bá Phúc Âm” của Đức Phaolô VI (1976), ngài nói: “Môi trường riêng biệt của các hoạt động tông đồ của người giáo dân là thế giới mênh mông phức tạp của đời sống chính trị, của các thực tại xã hội và kinh tế, của đời sống văn hóa, khoa học và nghệ thuật, của đời sống quốc tế, của các phương tiện truyền thông xã hội. Nó cũng bao gồm các thực tại khác đặc biệt mở rộng cho việc rao truyền Phúc Âm như tình yêu, gia đình, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, lao động, chức nghiệp, và đau khổ” (CL số 23).[28]

Ở một đoạn khác ngài còn nói rằng việc dấn thân tham dự vào các sinh hoạt văn hoá, xã hội, chính trị… chính là thực hiện liên tục 3 nhân đức tin, cậy, mến: “Tất cả các sinh hoạt, các hoàn cảnh, các cuộc dấn thân cụ thể – khả năng và liên đới trong công việc làm ăn, tình yêu và sự tận tụy trong gia đình hay trong việc giáo dục con cái, dịch vụ xã hội và chính trị, việc triển khai chân lý trong thế giới của văn hoá – tất cả những việc đó là cơ hội được quan phòng để thể hiện “việc thực hành liên tục Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái” (CL số 59).

Những vấn đề và lãnh vực nào? những nguyên tác và hướng dẫn nào phải theo? – Giáo Hội đã nói rõ trong những tài liệu xã hội của Công Đồng, của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, các Thông điệp và tài liệu của các giáo hoàng và giám mục, trong Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo. Một tài liệu trình bày tổng quát các vấn đề và giáo huấn của Giáo Hội liên hệ đến các vấn đề nêu trên đã được Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình ấn hành và xuất bản giữa năm 2004 dưới tên “Tổng Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội”.[29]

7. 3 – Tầm quan trọng của việc tông đồ giáo dân tập thể

Tuy có ơn gọi riêng và tùy bậc sống của mình mà làm việc tông đồ. Nhưng Giáo Hội khuyên giáo dân nên làm việc chung trong các hiệp hội do họ thành lập hay đã có sẵn, như vậy hợp với tính xã hội của con người và tinh thần liên đới hơn, mới học hỏi dễ dàng, nâng đỡ khuyến khích nhau, và do đó kiến hiệu hơn…

“Tuy nhiên người giáo dân nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tinh, và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp những người tin vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa và kết hợp họ thành một thân thể. Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu”… “Vì hoạt động tập thể nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hộp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ”… “Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được dầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó” (AA số 18).

“Có nhiều hiệp hội tông đồ khác nhau”…

“Giáo dân có quyền thành lập hiệp hội, điều khiển hiệp hội và ghi tên vào các hiêp hội đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền” (AA số 19).

Những giáo huấn và khuyến khích này đã được diễn đạt và soạn thành luật trong Bộ Giáo Luật năm 1983:

– Điều 215: “Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi đạt tới các mục đích đó”.

– Điều 298, triệt 1: “Khác với các Hội Dòng Tận hiến và các Tu đoàn Tông đồ, trong Giáo Hội có nhiều hiệp hội khác, trong đó gồm những tín hữu, hoặc giáo sĩ, hoặc giáo dân, hoặc gồm cả giáo sĩ và giáo dân chung nhau hoạt động, tìm cách cố gắng sống đời hoàn thiện hơn, hoặc cổ động phụng tự công cộng hay giáo lý Kitô giáo, hoặc lo thực hành các việc tông đồ khác như là truyền bá Phúc Âm, làm các công việc đạo đức hay bác ái, hoặc làm thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vào trật tự trần gian”.

– Điều 299, triệt 1: “Các tín hữu đều có quyền thành lập các Hiệp hội, qua một sự họp đồng tư riêng giữa họ với nhau nhằm những mục tiêu nói ở điều 298 triệt 1, tuy vẫn tôn trọng điều 301, triệt 1”.

– Điều 301, triệt 1: “Nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội mới được thành lập các hiệp hội tín hữu nhằm dạy đạo lý Kitô giáo nhân danh Giáo Hội, hoặc nhằm cổ động việc phụng tự công cộng”.

– Điều 321: “Các tín hữu điều khiển và quản trị các hiệp hội tư theo các quy định của nội quy”.

Theo tinh thần khai phóng và canh tân của Công Đồng Vatican II, nhiều hiệp hội do giáo dân thành lập đã ra đời đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và thế giới hôm nay, khiến Đức Gioan Phaolô II không che dấu niềm hoan lạc của mình khi nói rằng: “Đây đó phát sinh và lan tràn nhiều hình thức tập thể như: hiệp hội, nhóm, cộng đồng, phong trào. Nói được đây là một mùa gặt mới của các hội đoàn tín hữu giáo dân” (CL số 29).

Thay Lời Kết: Linh Đạo Giáo Dân

“Ở đời cớ 3 điều đáng tiếc. Một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học. Ba là thân này lỡ hư” (Chu Hi).

“Tiếc thay con chim phượng hoàng con chửa có khôn,

Núi Tam sơn chẳng đậu, lại đi đậu ngàn cỏ may”

(Tục Ngữ Phong Dao, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc).

Phải tiếc lắm, và cũng đáng buồn, vì “nhiều ngày đã bỏ qua”, vì đã “không chịu học”, hoặc học mà chẳng nhớ chẳng làm, hoặc chỉ biết chung chung về một số tác vụ và sinh hoạt, mà không ý thức mình có một nhân phẩm cùng chức vụ cao cả, bởi chính mình đã được hiệp nhập vào Nhiệm thể của Đức Kitô và được chính Ngài ủy thác và sai đi thi hành sứ vụ cứu rỗi và mở rộng nước Thiên Chúa.

Có chút đáng buồn, đáng tiếc, nhưng khi ý thức được ơn gọi và sứ vụ cao cả của mình rồi, thì mình không khỏi cảm nghiệm cả một niềm hy vọng tràn trào, vì “cuộc đời có lở hư”, cũng như mọi sự của trần gian này có lở hư đốn, thì nhờ ơn Chúa mình cũng có thể làm nhiệm vụ cứu rỗi mình và cứu rỗi đời, nhờ Đức Kitô “mang đến cho một cuộc sống mới và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Nếu linh đạo được quan niệm là một nếp sống đạo đức có ý thức và định hướng, được nuôi dưỡng bởi ơn Chúa, thì chúng ta hãy mượn những lời đầy khôn ngoan sau đây làm châm ngôn linh đạo cho cuộc đời tông đồ giáo dân:

– “Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con, trao sứ mạng cho con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ này, thập niên này, môi trường này” (Đức HY Nguyễn Văn Thuận trong quyển Đường Hy Vọng, câu 621).

“Một cuộc cách mạng thật sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội… của thế giới, không thể thực hiện “ngoài con người, ngoài Thiên Chúa”, chỉ thực hiện “bởi con người, trong Chúa Kitô, với Chúa Kitô” (câu 623).

– “Đây là điều Chúa Giavê yêu cầu ngươi và Ngài yêu cầu ngươi chỉ có bấy nhiêu: “Hãy hành động cho công bình, yêu thương cho tha thiết, và khiêm nhượng cùng tiến bước với Thiên Chúa của ngươi” (Mk 6,8. Đây cũng là châm ngôn linh đạo của Phong Trào Giáo Dân Houston).

– Muốn cho cuộc sống hoạt động tông đồ được quân bình, vững chãi thì phải có 3 cấu tố sau đây hợp thành một thế chân vạc kiên cố:

+ Đức tin và cầu nguyện,

+ Lãnh nhận các bí tích,

+ Dấn thân hoạt động cho công bình bác ái. (Lm. André Sève)

– Và sau hết, nhưng cũng quan trọng hơn hết vì là chìa khóa của mọi bí quyết mà Thầy đã truyền: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện: Xin Chúa ban cho có nhiều ơn gọi Linh mục, ơn gọi Tu sĩ, và ơn gọi Tông đồ Giáo dân. Và xin Chúa ban cho chúng con ơn biết làm việc cho điều chúng con nguyện xin.


[1] O’Connor, William R., The Layman’Call (New York: P.J. Kenedy & Sons, 1942), tr. 1.

[2] Phan, Peter C., The Laity in the Early Church: Building Blocks for a Theology of the Laity, Triết Đạo số 4 2002; trên Web: http://members.cox.net/vientrietdao/bao/cho4.html. Bản dịch tiếng Việt: Giáo dân thời Giáo Hội sơ khai: Những viên gạch xây dựng một nền thần học giáo dân, do Trần Duy Nhiên, Dấn Thân Bộ V số 20 tháng 10&11 năm 2004, tr. 23 – 33.

– Về Giáo dân và Giáo Hội học, có thể xem: Công Đồng Vatican II Vatican II, The Conciliar and Post Conciliar Documents, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”Dogmatic Constitution on the Church (viết tắt LG); Hiến Chế Mục vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spes”Pastoral Constitution on the Church in the Modern World (viết tắt GS); Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân “Apostolicam Actuositatem”Decree on the Apostolate of Lay People (viết tắt AA); 1975, Harry Constello and Austin Flannery, O.P. Bản Việt văn: Thánh Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đàlạt Việt Nam, 1973.

– Congar, Yves, Jalons pour une théologie du laicat (Paris, Ed. du Cerf, 1954), Lay People in the Church: A study for a theology of the Laity, dịch bởi Donald Attwater (Westminster, Md.: Newman Press, 1955; rev. ed. 1959, 1965). Faivre, Alexandre, Les Laics aux origines de l’Eglise (Paris, Ed. du Centurion, 1984); Anh ngữ: Faivre, Albert, The Emergence of The Laity in The Early Church (New York, Paulis Press, 1990); Việt ngữ: Giáo dân vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, dịch bởi Nguyễn Đăng Trúc (Định Hướng Tùng Thư, 1993). Lm. Felipe Gómez Ngô Minh, S.J., Giáo dân trong Hội Thánh, Hợp Tuyển Thần Học số 34 năm XII (2002); Nguyễn Thái Hợp, O.P., Sứ vụ của người giáo dân trong thời đại mới (Dấn Thân Bộ V số 16 Tháng 6&7 năm 2004), tr. 17-28 và (Triết Đạo, số 9 năm 5, Xuân 2005, Viện Triết đạo Việt Nam VN University Press), tr. 63-80; Vai trò của Người Giáo dân dưới ánh sáng Vatican II (Dấn Thân Bộ V số 6 Tháng 6 năm 2003), tr. 17-28 và (Triết Đạo số 3, năm 2002); Yves Congar: Thần học gia khai mở (Dấn Thân Bộ VI số 5 tháng 10&11 2005), tr. 37-45; và trong “Yves Congar con người và tư tưởng” Ed. và giới thiệu do Nguyễn Thái Hợp (Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2005), tr. 91-124. Trần Duy Nhiên, Giáo Hội tại Á Châu: Giáo Hội của giáo dân(Dấn Thân Bộ V số 7, 7 2003), tr. 9-14; Người giáo dân Việt Nam sau 40 năm Công Đồng(Dấn Thân Bộ VI số 6, 12 2005), tr. 37-45.

[3] Xem: Phan, Peter C. Bài đã dẫn.

[4] Avery Dulles, Models of the Church (N.Y., N.Y.: Doubleday; rev. edition 2002), tr. 28-32.

[5] Đức Giáo Hoàng Piô X, Thông điệp Vehementer Nos (ngày 11 tháng 2 năm 1906), số 8.

[6] The 1917 or Pio – Benedictine Code of Canon Law (San Francisco, Ignatius Press, 2001), tr. 258-259.

[7] BC Butler, The Theology of Vatican II (Darton, Longman & Todd, 1967 & 1981), tr. 6.

[8] Shaw, Russell, Understanding your rights: Your rights and responsibilitirs in the Catholic Church (Ann Arbor, Michigan: Servant Publications, 1994), tr. 22-23. Câu “pray, pay, and obey” được lấy ra từ mẫu giai thoại đầy tính cười u mặc được chính các dấng trong hàng giáo phẩm cao cấp kể. Y. Congar: “Trong bài tiểu luận “Người giáo dân trong giáo xứ dưới thời Tiền Thệ phản” xuất bản cách đây bốn mươi năm trong tập san Catholic Truth Society, cho biết Hồng Y Aidan Gasquet có kể lại giai thoại một người đến hỏi một linh mục vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo là như thế nào, linh mục kia trả lời: người giáo dân có hai vị thế, một là quỳ trước bàn thờ, hai là ngồi ở dưới trước tòa giảng. Hồng Y nói còn có một vị thế thứ ba mà linh mục đã quên: người giáo dân còn thò tay vào ví lấy tiền” (Y. Congar, sđd bản anh văn Lay People…, tr. XXVII).

[9] Gần như tất cả tác gỉả có bài trong ghi chú số 2 ở trên đều có nói đến những tiêu cực trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam dưới nhiều dạng thức và chiều kích.

[10] Nouwen,Henry J.M, Life of the Beloved, Spiritual Living in a Secular World (Crossroad, New York, 1992).

[11] Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, Yves Congar Dưới cái nhìn của một giáo dân, trong quyển “Yves Congar con người và tư tưởng” tr. 221 đã kể: “Cách đây nhiều năm có một ông cha đi học Pháp về, nói với tôi rằng: “Anh phải chịu chức linh mục, bổn phận của anh là chịu chức linh mục, nếu không là anh trốn tránh trách nhiệm”. Tôi trả lời: “Con là giáo dân”. Vị linh mục đó đáp: “Anh nói giống như là anh ở bên Tây ấy. Đúng, nói như anh ở bên Tây thì rất đúng, nhưng tôi nói cho anh biết, anh ở đất nước Việt Nam này, anh muốn làm gì thì phải có chức linh mục”.

[12] Việt Nam Tự Điển, Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo, (Hànội, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, 1931).

[13] Sđd, tr. 119.

[14] Yves Congar, Lay People in the Church, ed. 1965, tr. 181.

[15] Lakeland, Paul, The Liberation of the Laity: In Search of an Accountable Church (New York, London, Continuum, 2003), tr. 105.

[16] Xem: Alexandre Faivre, sách dẫn trên, Việt ngữ, tr. 20; Pháp ngữ, pp. 18, Anh ngữ, tr. 7.

[17] Yves Congar, Lay People in the Church, ed. 1965, tr. 3.

[18] Yves Congar, Lay People in the Church, ed. 1965, tr. 4.

[19] Hagstrom, Aurelie, The Concepts of the Vocation and The Mission of The Laity (San Francisco, London Chatolic Scholars Press, 1994), tr. 38.

[20] Fleckenstein, Karl Heinz, Pour L’Église de Demain: Conversation avec Le Cardinal Suenens (Paris, Nouvelle Cité), tr. 50.

[21] Ngày nay Giáo Hội gọi Hồng Y John Henry Newman là Đấng Đáng kính, Đức Lêô XIII thăng ngài lên chức Hồng Y và gọi ngài là “Hồng y của tôi”, 11 năm trước khi ngài qua đời năm 1891; ảnh hưởng ngài thật lớn rộng đến nỗi ngài được gọi là “Nghị Phụ Công Đồng Vatican II”, hoặc “Nghị Phụ vô hình”. Song trước đó, những tư tưởng khai phóng của ngài đã bi nghi ngờ, chống đối, chính ngài bị vùi dập phải rút vào bóng tối nhiều năm. Vì năm 1859, John Henry Newman cho đăng trên tờ Rambler mà ngài làm chủ bút, bài “Về việc hỏi ý kiến tín hữu (giáo dân) trong những chủ đề tín lý”. Ngài liền gặp rất nhiều chống đối khó khăn ngay tại Anh quốc và cả tại Giáo triều La Mã. Theo John Coulson, vì có một số giáo dân viết thư ủng hộ Newman nên Đức Ông Talbot đã viết thư gởi Hồng Y Manning: “Nếu không chặn đứng giáo dân ở Anh quốc thì họ sẽ cai trị Giáo Hội Công Giáo thế cho Tòa Thánh và Hàng Giám mục… Họ đang thò ra móng vuốt… Họ chỉ mang ra áp dụng học thuyết mà Tiến sĩ Newman đã dạy họ trong bài đăng trên Rambler”. Và Talbot đã đặt câu hỏi trở thành trứ danh: “Công việc của giáo dân là gì? – Đi săn, đi bắn, giúp vui. Đó là những chủ đề mà họ biết, còn như việc xen vào các chủ đề về Giáo Hội, thì họ không có chút quyền nào, và câu chuyện của Newman là một câu chuyện hoàn toàn thuộc về Giáo Hội… Tiến sĩ Newman là con người nguy hiểm nhất ở Anh quốc, và ngài sẽ thấy rằng ông ta sẽ dùng giáo dân để chống lại ngài”. (Newman, John Henry, On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine, Ed. and Introduction John Coulson (NY: Sheed & Ward, 1961), tr. 41-42); – Shaw, Russell tác giả trích dẫn ở ghi chú số 8 còn viết quyển sách tựa đề: To Hunt to Shoot to Entertain: Clericalism and the Catholic Laity (San Francisco, Ignatius Press, 1993): tựa đề mượn từ câu nói của Talbot.

[22] Karl Rhaner, Karl, Theological Investigations, Volume Two (London: Darton, Longman & Tođ, 1963, Translation by K. Kruger, “Notes on the Lay Apostolate”, tr. 339.

[23] Yves Congar, Lay People in the Church, ed. 1959, tr. 346.

[24] Sđd, tr. 347-348.

[25] Sđd, tr. 348

[26] Khi kể lại giai thoại trong ghi chú số 8 ở trên về nhiệm vụ “pray, pay, and obey”(cầu nguyện, cúng tiền, và vâng phục) của giáo dân, Lm. Yves Congar đã nhận định tinh tế như sau: “Trong một ý nghĩa nào đó, bây giờ là như vậy, và sau này sẽ mãi mãi như vậy: sẽ không bao giờ có cảnh người giáo dân nam nữ mà không quỳ trước bàn thờ, ngồi dưới trước tòa giảng; và chuyện thò tay vào ví lấy tiền sẽ còn lâu. Nhưng kể từ bây giờ trở về sau, họ vẫn làm những việc ấy, song với một cách khác; hoặc ít ra, khi làm những việc ấy họ có cảm nhận khác hơn về vị trí của họ như một thành phần Giáo Hội. Theo Arnold Toynbee, một người thuộc giai cấp vô sản không phải vì họ sống trong một hoàn cảnh lệ thuộc, song vì họ sống trong một xã hội trong đó họ không cảm nhận được họ là một thành phần sinh động hữu cơ tích cực có đầy đủ quyền…” (Y. Congar, sđd, bản anh văn Lay People…, tr. XXVII)

[27] Bài giảng của Đức Phaolô VI trước các bề trên và hội viên các tu hội đời (ngày 2-2-1972)

[28] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm “Evangelii Nuntiandi”, số 60.

[29] Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church (Libreria Editrice Vaticana, Washington, D.C. USCCB, 2005); Conseil Pontifical Justice et Paix, Compendium de la Doctrine Sociale de L’Eglise ( Paris, Cerf, 2005).

Nguồn| Học viện Đaminh

Comments are closed.