Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc Niên Khóa 2020-2021: Định Hướng Huấn Luyện Chủng Sinh & Hành Trình Thiêng Liêng

 Ngày 7/9/2020 Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã bắt đầu niên khóa mới 2020-2021. Trong niên khóa này, Đại Chủng viện có 447 chủng sinh thuộc bảy lớp: ba lớp Triết học và bốn lớp Thần học. Dưới đây là một vài đường nét chính về Định hướng huấn luyện chủng sinh và hành trình thiêng liêng của Đại Chủng viện trong bài phát biểu của cha Giám đốc Giuse-Đệ Đoàn Viết Thảo nhân ngày khai mạc niên khóa mới.

  1. Định hướng đào tạo

Dựa theo bản “Hướng Dẫn Đào Tạo Linh Mục” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và “Đường Hướng Huấn Luyện Chủng Sinh” của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, chương trình đào tạo của Đại Chủng viện quan tâm huấn luyện cách tiệm tiến các ứng sinh, hướng họ vươn tới con người toàn diện, cụ thể qua 4 chiều kích: Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ. Vươn tới con người toàn diện tức là nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu và Mục tử. Nhờ đó, các ứng sinh sẽ hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say nhiệt thành trong sứ vụ.

Ngoài chương trình huấn luyện chung tại Đại Chủng viện, các ứng sinh còn có nhiều cơ hội khác nhau trong năm học để thực tập mục vụ. Song song với những kết quả đạt được trong quá trình tu học tại Đại Chủng viện, các ứng sinh có thêm những điều kiện và cơ hội để áp dụng những kiến thức đã học, cũng như từng bước hòa nhịp với cuộc sống của mỗi người trong những hoàn cảnh xã hội và môi trường xứ đạo khác nhau để biết thấu cảm bằng trái tim của Mục tử nhân lành Giêsu. Nhờ sự cộng tác của quý cha xứ và sự góp sức của mọi thành phần Dân Chúa, việc thực tập mục vụ làm cho công cuộc đào tạo trở nên phong phú hơn về nhiều phương diện.

  1. Hành trình thiêng liêng

            Điểm nhấn cụ thể của niên khóa 2020-2021 là: nhờ sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, các chủng sinh sẽ: “Sống Dưới Cái Nhìn Của Chúa” – ‘Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài’ (Tv 27,8b). Các chủng sinh được mời gọi khám phá ra cái nhìn đầy yêu thương của Chúa Giêsu Mục tử, Đấng đã đoái nhìn và tự do chọn gọi họ đến phục vụ Dân thánh. Đây chính là khởi điểm và là động lực để các thầy lớn lên và trưởng thành hơn mỗi ngày trong niềm say mến Chúa Giêsu và tự hiến theo thánh ý Chúa.

Từ ý thức được đào tạo và tự đào tạo, các chủng sinh cần đời sống trưởng thành để có đời sống kết hiệp thâm sâu cá vị với Chúa. Dù sống một mình hay giữa cộng đoàn, dù làm bất cứ công việc gì, mỗi ứng sinh vẫn chân thành ý thức khao khát tìm Thánh nhan Chúa – vừa thiêng liêng cao cả vừa cận thân và xót thương. Tìm kiếm Thánh nhan diễn tả sự khao khát của tình yêu dâng hiến chỉ có một động lực sống: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,14a).

Đấng gọi ứng sinh nên ‘bạn hữu’ (x. Ga 15,14) chính là Đấng lên tiếng gọi để họ ở với Người (Mc 3,14), để họ ý thức cần phải hiện diện luôn trước Thánh nhan Người. Khao khát tìm kiếm Thánh nhan là nỗ lực cam kết dấn thân và cộng tác tích cực vào công cuộc đào tạo. Ý thức sống dưới cái nhìn của Chúa định hướng các ứng sinh đi vào mối dây hiệp thông cá vị với Chúa, ước muốn uốn mình nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Ý thức này sẽ là men làm dậy cả đấu bột (x. Mt 13,34) để ứng sinh của hôm nay sẽ làm chứng nhân của ngày mai, hầu lôi kéo muôn dân làm môn đệ Chúa Giêsu.

Comments are closed.