Công Việc Truyền Giáo: Ai Làm Tốt Hơn Ai?

CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO: AI LÀM TỐT HƠN AI?

       Nói đến công tác Truyền Giáo, có rất nhiều người, có khi có cả bạn trong đó nữa không chừng, thường nghĩ, và cho rằng đó là việc của những người đi tu! Hoặc mấy người tu hành làm công việc này tốt hơn là giáo dân. Có phải đúng như vậy không? Nếu bạn đã từng nghĩ và cho rằng mấy người đi tu làm việc truyền giáo tốt hơn là giáo dân thì thật tôi bảo thật cho bạn hay, bạn…lầm to rồi! Bạn biết tại sao không? Tại vì có rất nhiều anh chị em giáo dân đã, đang và sẽ còn làm rất xuất sắc, còn trên cả tuyệt vời nữa, những công việc truyền giáo đấy! Bạn tin không?

       Anh chị Wang, vừa mới rửa tội vào dịp phục sinh năm ngoái, chia sẻ với các bạn cùng lớp: “Vợ chồng tôi đi học ở trường công giáo bên HongKong từ lớp mẫu giáo cho đến đại học, chúng tôi thấy đạo Công Giáo tốt lắm, quý thầy cô ở đó rất tận tình, tận tâm lo cho chúng tôi chuyện ăn uống, chu cấp đủ mọi thứ, lo lắng cả về vấn đề học vấn lẫn đạo đức… Đáng lý hồi xưa tôi theo đạo rồi nhưng kẹt một nỗi ba má chúng tôi phản đối, bây giờ các ngài qua đời hết rồi nên hai vợ chồng tơi mới đi học giáo lý xin rửa tội trở lại đạo Công Giáo được!”

       Chị Lệ một Phật tử chính gốc, chị ăn chay, phát quả và thường xuyên đi chùa tụng kinh. Chị lập gia đình với một người chồng công giáo, nhưng đạo ai nấy giữ, đã được mời hai năm. Bỗng một hôm, chị ngỏ ý với chồng muốn đi học giáo lý để trở thành người công giáo. Trong buổi chia sẻ với các bạn cùng khóa, chị bộc bạch: “Năm năm về trước, khi tôi bị bệnh thập tử nhất sinh nằm trong bệnh viện, mẹ chồng của tôi đến nuôi con suốt hai tuần lễ, bà cụ chăm sóc cho tôi chu đáo còn hơn là mẹ ruột nữa. Tôi thấy mẹ tôi lúc ở bịnh viện cứ lần chuỗi liên mien, rồi bà cụ điện thoại xin các nhà dòng cầu nguyện, rồi xin bạn bè trong các hội doàn cầu nguyện cho tôi được chóng bình phục nữa. Chưa bao giờ tôi nghe thấy mẹ tôi phàn nàn hay kêu trách ai bao giờ cả, lúc nào mẹ tôi cũng tươi cười vui vẻ và khuyên tôi sống lạc quan, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Mẹ chồng của tôi đã là lý do khiến cho tôi suy nghĩ đến chuyện trở lại đạo Công Giáo.”

       Jonathan, một học viên của lớp giáo lý tân tòng tâm sự: “Tôi qua Mỹ theo diện mồ côi, không có thân nhân gì cả, tôi được một gia đình người Mỹ bảo trợ và nhận làm con nuôi. Lúc đó tôi còn trẻ, một phần vì xa gia đình, phần khác vì nhớ cha mẹ, phần khác thì cô đơn nên tôi chẳng lo chú tâm học hành, chỉ lo tụ tập, đàn đúm đi phá phách làm phiền hà và liên lụy tới bố mẹ nuôi của tôi rất nhiều. Thế nhưng các ngài không giận, không chửi, không mắng, lần nào tôi quay về thì các ngài cũng tươi cười, ôm tôi vào lòng sẵn sang tha thứ và tận tình lo lắng cho tôi ăn học thành tài. Sau khi bố nuôi của tôi qua đời, mẹ tôi mới trao cho tôi cuốn nhật ký của người, nhớ đó tôi mới biết ngày xưa mỗi lần tôi bỏ nhà đi hoang, gặp phiền toái với cảnh sát thì hai ông bà lại ăn chay nghiêm ngặt hơn, lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho tôi nhiều hơn…Chính vì tình yêu và lòng bao dung của các ngài đã khiến tôi suy nghĩ về chuyện trở thành một người Công Giáo và hôm nay tôi quyết định đến ghi danh xin học lớp giáo lý tân tòng.”

       Bạn thử nghĩ xem? Ai là người đem Chúa đến cho vợ chồng anh Wang, chị Lệ và Jonathan? Những người giáo dân hay những người đi tu? Giáo dân đấy! Thật vậy! Bằng và qua những cử chỉ rất dung dị, rất bình thường…nhưng đầy lòng nhân hậu, khoan dung, từ ái, lạc quan, tin tưởng…quý thầy cô, mẹ chồng của chị Lệ, và bố mẹ nuôi của Jonathan, những người giáo dân gương mẫu đã họa nên được một bức chân dung rấ trung thực, thật lộng lậy và tuyệt vời của Chúa Giêsu để cho anh Wang, chị Lệ và Jonathan chiêm ngưỡng, nhận ra và bước đi theo Ngài. Công lao đem Chúa đến cho anh chị Wang, chị Lệ và Jonathan đâu thuộc về những người đi tu? Bạn thấy đúng không?

       Bạn thử nghĩ xem! Giữa mấy người đi tu và anh chị em giáo dân, ai có nhiều cơ hội đi vào các nhà máy, các công xưởng, nông trường, chợ búa, ngân hàng, và vào trong những ngõ ngách của cuộc đời này hơn? Giáo dân đấy! Không phải tôi nói đâu! Mà là Giáo Hội nói trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội được hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh, mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian [được]” (#33)

       Thật vậy! Đại đa số anh chị em tân tòng đã nhận ra được dung mạo của Thiên Chúa là nhờ, là bởi, và là qua những đời sống gương mẫu, đạo đức, thánh thiện của những Kitô hữu dang hành nghề bác sĩ, y tá, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, công nhân, chuyên viên kỹ thuật, thầy cô giáo, đầu bếp, thương gia…Những anh chị em giáo dân này đã giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho các anh chị em tân tòng qua cung cách sống hiền hòa, bác ái, tha thứ, nhân nhậu, hiền lành…của họ ở những môi trường họ đang sống và làm việc. Rồi sau đó, anh chị em tân tòng mới đến các tu sĩ, các linh mục để được giúp tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về con Người của Đức GIêsu Kitô qua các lớp giáo lý, Thánh Kinh và lãnh nhận phép rửa. Bạn thấy không! Công trạng lớn lao trong việc truyền giáo là anh chị em giáo dân chứ không phải là của những người đi tu lập nên đâu (thỉnh thoảng cũng có người theo đạo bởi vì mấy người đi tu, nhưng ít lắm!).

       Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn nhận ra được vai trò quan trọng của bạn trong công việc truyền giáo, mở mang nước Chúa, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân…thì chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau để mọi thành phần trong Giáo Hội càng ngày càng nỗ lực sống thánh thiện, cũng như cố gắng sống lịch sự, tế nhị, nhã nhặn, vui tươi…và luyện tập những nhân đức khác như bác ái, hiền lành, nhân hậu, khoan dung, vui vẻ…để nhờ vậy người ta sẽ dễ dàng nhận ra được hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và hay tha thứ và nhờ vậy họ mới tin và bước đi theo Ngài.

       Để làm tốt hơn và để có thể chu toàn di chúc của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20) tôi xin đề nghị bạn cùng với tôi thực hiện ba việc:

       –        Hãy ghi nhớ: nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại…[Và] mọi Kitô hữu được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công việc tông đồ của hàng giáo phẩm [trong công việc]rao giảng Phúc Âm (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội #33).

       –        Luôn luôn mìm cười, sống lạc quan, vui vẻ và có chút óc khôi hài trong cách hành xử, trong việc giao tiếp, trong quan hệ với tha nhân và trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh vui buồn…làm sao mà tha nhân có thể nhận ra dung mạo của Chúa Giêsu qua khuôn mặt nhăn nhó, cau có, khó khăn, hay quạu cọ và căng thẳng với đôi mắt mang hình viên đạn của chúng mình được? Khó lắm! It’s impossible!

       –        Hãy siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh bởi vì “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Xin bạn bỏ ra mỗi ngày năm phút, chỉ cần năm phút thôi để đọc Kinh Thánh và suy niệm về đời sống và những lời nói của Chúa Giêsu, để bạn bắt chước sống tha thứ, bác ái và yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã sống.

Sưu tầm

trích Báo Dân Chúa 05/2010

Comments are closed.