Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B – Ngày 19/09/2021

Lời Chúa: Mc 9, 30-37

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

 


Suy niệm

THẤU CẢM LỜI CHÚA DẠY

“Đức Giêsu không muốn cho ai biết vì Người đang dạy các môn đệ” (Mc 9, 30-31).

Sau khi gọi và chọn nhóm Mười Hai làm Tông đồ, bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu là huấn luyện các ông trở thành những ‘cánh tay nối dài của Chúa’ để thực thi chương trình cứu độ nhân loại. Chúa gần gũi, ân cần chỉ dạy, và cho các ông tận mắt chứng kiến những việc Chúa làm và tận tai nghe rõ những lời Chúa dạy. Đâu là bận tâm của Chúa Giêsu trong việc dạy dỗ các môn đệ?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca nhấn mạnh chi tiết Chúa Giêsu muốn dành riêng không gian và thời gian dể dạy Nhóm nòng cốt. Nói cách khác, Chúa Giêsu không muốn để mình bị bận tâm với nhu cầu đời sống của dân chúng; và càng không muốn các tông đồ bị phân tâm bởi những điều nhỏ nhặt, cỏn con để toàn tâm lãnh hội điều quan trọng nhất. Nội dung chính Chúa Giêsu dạy các tông đồ là, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và sau ba ngày bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Đây là nội dung quan trọng và chính yếu Chúa muốn các ông hiểu, cảm nhận và thực hành trong đời sống. Bởi đây là nội dung quan trọng, Chúa đã lặp lại đến ba lần điều này. Nội dung giảng dạy này sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn nơi cuộc đời Chúa Giêsu. Đó là con đường Chúa chọn tự hiến để cứu độ nhân loại.

Tuy nhiên, các tông đồ nghe Chúa dạy và có lặp lại nhiều lần nội dung quan trọng này nhưng các ông không hiểu và không dám hỏi lại (x. Mc 9, 32). Theo tâm lý chung, khi một điều gì đó không hiểu và cũng không hỏi để hiểu, chúng ta có nguy cơ vận dụng kiến thức và kinh nghiệm hẹp hòi của mình để suy luận, giải thích và tìm một kết luận theo suy nghĩ riêng của mình. Lúc đó, chúng ta sẽ hành động với những gì chúng ta nghĩ. Các Tông đồ vận dụng cách này. Các ông hiểu theo lối định hướng quyền lực, địa vị, và danh vọng. Các ông đang nuôi trong lòng ước muốn một tham vọng và nóng lòng mong đợi ngày đăng quang quyền lực theo lối trần thế (x. Mt 18, 1-5; Lc 9, 46-48). Vì vậy, các ông cứng họng với câu hỏi của Chúa Giêsu, “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9, 33).

Cùng một sứ điệp, hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta về nội dung căn cốt của đời sống đức tin: Chúa Giêsu, là Thiên Chúa thật và là người thật, trải qua đau khổ, chết và sống lại để cứu độ thế giới. Có thể nói, Chúa dạy chúng ta cách sống theo con đường cứu độ là tự hiến, trao ban tình yêu thương đến cùng dẫu đau khổ, chết sẽ đạt vinh quang của sự sống lại. Lắng nghe sứ điệp hôm nay, chúng ta đã hiểu thế nào và cảm nhận ra sao? và đã áp dụng vào đời sống vào đức tin mức độ nào?

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn lắng nghe và thấu cảm lời dạy của Chúa. Xin cho con một quả tim mềm trong cầu nguyện để cảm nhận sự ngọt ngào của Chúa. Lúc đó, con can đảm dấn thân phục vụ như thánh Phaolô, “Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên nbủ mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1, 28-29). Amen.


Comments are closed.