CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXI-TN ~B, 22-8-2021
MỘT CHỌN LỰA TỰ DO VÀ CHẮC CHẮN
Giô-suê và gia đình của ông đã chọn “phụng thờ Đức Chúa” ; trong quyết định này, dân chúng tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ. Và trong khi nhiều môn đệ rời bỏ Chúa Giêsu, thì Simon Phêrô nhân danh Nhóm Mười Hai khẳng định đức tin của ông nơi Chúa Giêsu, “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Bài đọc I : Gs 24, 1.2a. 15-17. 18b
Giô-suê biết cách làm cho cuộc phiêu lưu vĩ đại của các con cái Israel và (cho) việc họ định cư trong Đất Hứa đạt kết quả. Nhưng không phải là không có va chạm và bi kịch. Con cái Israel vi phạm mệnh lệnh của Thiên Chúa (Gs 7) và lẩm bẩm chống lại Giô-suê như họ đã làm với Mô-sê và A-a-ron. Tuy nhiên, sách Giô-suê kết thúc bằng một cuộc tụ họp long trọng tại Si-kem, trong đó Giô-suê yêu cầu toàn thể dân chúng từ bỏ các thần ngoại bang và hết lòng trở về với Chúa. Ông để cho dân tự do lựa chọn, nhưng cho phép mình tuyên bố sự lựa chọn cá nhân của mình: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA“. Lời chứng của Giô-suê thật thuyết phục và dân chúng đã theo đề nghị của ông.
Thánh vịnh 33 (34)
Thánh vịnh diễn tả niềm hạnh phúc tỏa sáng trong tâm hồn những người công chính và những người nghèo khó, những người chúc tụng và tôn vinh Chúa. Chắc chắn, niềm hạnh phúc này là hạnh phúc của Giô-suê và gia đình ông, nhưng (hạnh phúc này) lại thường thiếu vắng nơi các con cái Israel, những người đã từng được thụ hưởng sự quảng đại của Thiên Chúa. Tất nhiên, họ đã bị thử thách (“tai họa chồng chất”) nhưng Chúa đã nghe thấy tiếng kêu của họ và đã luôn đến cứu giúp họ. Tuy nhiên, khổ thơ cuối cùng của thánh vịnh đề cập đến giáo lý Kinh Thánh về sự thưởng phạt : kẻ gian ác bị trừng phạt và người công chính được cứu độ. Đây cũng là lời giải thích được sách Giô-suê đưa ra liên quan đến những chiến thắng và những thất bại của Israel trên đất Ca-na-an. Nhưng Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với Ra-háp, cô kỹ nữ ngoại quốc (Gs 6, 22-25).
Bài đọc II : Ep 5, 21-32
Bản văn này đã khiến nhiều giấy mực phải đổ ra, và nguyên nhân sự việc dường như là do “Phaolô không thích phụ nữ”. Tuy nhiên, Phaolô là người môn đệ đã liên kết vào sứ vụ của mình nhiều phụ nữ nhất (bà Lydia, nữ phó tế Phoebe, bà Priscilla, một bà Maria nào đó, và rất nhiều bà khác). Khi bám sát đoạn trích này, chúng ta phải lưu ý đến sự kiện là Phaolô yêu cầu tất cả các Kitô hữu phải “phục tùng nhau”, nghĩa là “vì lòng kính trọng Đức Kitô”, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau và chịu trách nhiệm về nhau. Hơn nữa, Phaolô nhấn mạnh để dạy cho nam giới một bài học: “Hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô” là Đấng “đã yêu Hội Thánh” ! Đây là một lý tưởng không hề xoàng, được Phaolô chứng minh bằng cách trở lại với lý tưởng từ nguyên thủy (Gn 2, 24).
Tin Mừng : Ga 6, 60-69
Trong những Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã được nghe trình thuật về hóa bánh ra nhiều và lời dạy của Chúa Giêsu về bánh hằng sống cũng như câu trả lời của Ngài cho sự lẩm bẩm, xầm xì của người Do Thái. Trong kết luận ở đây, chúng ta thấy rằng ngay cả “nhiều môn đệ của Ngài … cũng đã lẩm bẩm, xầm xì” và nhận thấy lời dạy của Chúa quá “chướng tai”, đồng thời vượt quá sự hiểu biết của họ. Có một điều chắc chắn là “nhiều môn đệ của Chúa” bị vấp phạm và đã rời bỏ Chúa : họ không còn tin vào Chúa nữa. Điều này không xảy ra với Nhóm Mười Hai, những người được Chúa Giêsu để cho tự do lựa chọn. Simon Phêrô thay mặt cả Nhóm đã phát biểu và tuyên xưng đức tin của mình rất rõ ràng: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời“. Họ tin và biết rằng Chúa Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.