Bài chia sẻ sứ điệp Quốc Tế Ơn Gọi lần thứ 53 của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc

“GIÁO HỘI LÀ MẸ CỦA CÁC ƠN GỌI”

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Quốc Tế cầu nguyện cho Ơn Gọi thứ 53

Hôm nay là Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, có nghĩa là ngày Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho những người đang trên hành trình đáp lại lời Chúa mời gọi vào đời sống linh mục và thánh hiến; đồng thời Giáo Hội cũng khẩn nài xin Chúa ban cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi và cho các bạn trẻ được nhậy bén nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại lời Chúa mời gọi.

Trong tình hiệp thông, chúng ta cùng nhau cầu nguyện với toàn thể Giáo Hội cho ơn gọi như đã hói ở trên. Một điều có thể làm cho chúng ta hết sức vui mừng là trong khi chúng ta cùng với Giáo Hội cầu nguyện cho các ơn gọi thì chính chúng ta lại là đối tượng của lời cầu nguyện tha thiết của cả Giáo Hội.

Và cũng trong tình hiệp thông và niềm vui linh thiêng nói trên, chúng ta cùng nhau suy tư đôi đièu về Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thể Giáo Hội nhân Ngày Ơn Gọi năm nay.

I. GIÁO HỘI LÀ ĐIỂM TỰA KHÔNG THỂ THIẾU CHO CÁC ƠN GỌI

Chủ đề của Sứ điệp Ngày Ơn Gọi năm nay là “Giáo Hội là Mẹ của các Ơn gọi”, vì Ơn gọi sinh ra trong Giáo Hội, Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội và Ơn gọi được nâng đỡ bởi Giáo Hội. Đây là 3 ý tưởng qua đó, Đức Thánh Cha Phanxicô triển khai đề tài và chúng ta sẽ lần theo những ý tưởng đó để tìm hiểu tâm tư Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gửi gắm cho chúng ta.

1. Ơn gọi sinh ra trong Giáo Hội

Thiên Chúa kêu gọi một người qua trung gian Giáo Hội mà trong thực tế, có thể là gia đình, một nhân chứng nào đó, cộng đoàn giáo xứ, một chứng tá đọc trên báo chí hay một cuốn sách và thậm chí có thể áo lễ linh mục mặc khi cử hành phụng vụ hay chỉ là bộ tu phục. Như thế, ơn gọi gắn liền với đời sống và những con người của Giáo Hội.

Do đó, những người được Chúa kêu gọi phải tập mở lòng để sống tinh thần Giáo Hội. Đức Thánh Cha viết: “Không ai được kêu gọi chỉ riêng cho một khu vực, cũng không chỉ cho một nhóm hay một phong trào tông đồ, nhưng là cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Một dấu chỉ của sự đúng đắn về một đặc sủng là tính cách giáo hội của nó, khả năng tháp nhập một cách hoà hợp vào đời sống của Dân Thánh Chúa, cho lợi ích của tất cả mọi người”.

Tinh thần Giáo Hội sẽ mở rộng lòng trí người trẻ được Chúa kêu gọi. Trong khi mình theo đuổi ơn gọi trên hành trình của mình, chẳng hạn chủng sinh giáo phận, có nhiều người trẻ khác cũng theo đuổi ơn gọi nhưng trên những hành trình khác, chẳng hạn ơn gọi Đaminh, Phanxicô, Dòng Tên, v.v… Vì nhận ra là tất cả cùng được Chúa kêu gọi và cùng thuộc về Giáo Hội, người được Chúa kêu gọi trân trọng ơn gọi của mình, hành trình tu luyện của mình, đồng thời cũng trân trọng ơn gọi của người khác. Như vậy, tinh thần Giáo Hội giúp tăng cường tình hiệp thông và sự liên đới giữa giữa mọi hình thức ơn gọi khác nhau.

2. Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội

Nhờ tiếp xúc với nhiều phần tử khác nhau của Giáo Hội, chúng ta được lớn lên và vững mạnh trong ơn gọi của mình và đồng thời cũng mở rộng tầm nhìn để học hỏi lẫn nhau. Đức Thánh Cha viết: “Trong thời gian đào luyện, các ứng sinh cho các ơn gọi khác nhau cần phải hiểu biết hơn cộng đoàn Giáo hội, vượt thắng những cách nhìn giới hạn mà tất cả chúng ta đều có lúc ban đầu. Để đạt được mục đích ấy, sẽ rất hữu ích nếu thực hiện một số kinh nghiệm tông đồ cùng với các thành viên khác của cộng đoàn, chẳng hạn: cùng với một giáo lý viên tốt, truyền đạt sứ điệp kitô; cùng với một cộng đoàn tu trì, thử nghiệm việc đem Tin Mừng đến các vùng ngoại biên; khám phá kho tàng của sự chiêm niệm qua việc chung sống trong một đan viện; tiếp xúc với các nhà thừa sai truyền giáo để hiểu biết hơn sứ mạng truyền giáo cho muôn dân; và tiếp xúc với các linh mục giáo phận để đào sâu kinh nghiệm mục vụ trong giáo xứ và giáo phận. Đối với những người đang trong giai đoạn đào luyện, cộng đoàn giáo hội luôn luôn là môi trường đào luyện nền tảng, cần phải được trân trọng với lòng biết ơn.”

Tới đây, xin thuật lại tâm tình về ơn gọi của một bạn trẻ được khởi xuất từ cha xứ, bạn trẻ viết như sau:

Cha thân kính,

Con không nhớ cha đến với con, hay con đến với cha, hay cả hai cùng đến với nhau từ bao giờ, nhưng điều con biết chắc là từ “dạo ấy” tình cha con được vun đắp để lớn mạnh đến hôm nay. Con quý mến cha không phải vì cha là chánh xứ có quyền, hay vì cha có học thức uyên thâm, nhưng chỉ vì cha là hình ảnh đích thực, sống động của người tôi tớ hèn mọn của Đức Kitô, một chủ chăn đến để phục vụ, không phải để được phục vụ. Chỉ có thế. Thật đơn giản.

Cha không trực tiếp khuyên dạy con điều gì, nhưng con xem cha là người thầy vì con đã học hỏi nơi cha rất nhiều. Cha giảng Lời Chúa bằng hành động dấn thân gương mẫu. Cha không dạy yêu thương trích từ kinh kệ, sách vở mà qua các cuộc thăm viếng người già, kẻ cô đơn, bịnh tật. Cha không chỉ truyền giáo cho giáo dân có đạo trong ngôi nhà thờ tiện nghi mà cha đi ra ngoài rao truyền cho những người chưa biết Chúa, chưa thấy ánh sáng của Tin Mừng… Như một chiến sĩ với tinh thần trách nhiệm thật cao, chỉ buông tay súng khi không còn đạn, cha làm việc siêng năng, vất vả đến giây phút cuối cùng trước khi bàn giao cho người mới đến.

Mỗi lần nghe cha giảng trong các buổi lễ ở nhà thờ hay ở tư gia, con có cảm tưởng như đang lần giở từng trang sách trong pho tự điển về kinh nghiệm cuộc sống thế trần. Cha là mẫu gương linh mục mà Giáo Hội Đức Kitô đang cần cho ngàn năm thứ ba, như lời Đức Giáo Hoàng Phao Lô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay không cần những bậc thầy rao giảng mà cần những chứng nhân của Tin Mừng. Nếu họ có tin các ông thầy rao giảng thì chẳng qua là những người này cũng là nhân chứng của Tin Mừng.”

Sáng nay trong buổi lễ bàn giao giữa linh mục cựu chánh xứ và linh mục tân chánh xứ, con kính phục cha và xúc động vô cùng vì thái độ, cung cách khiêm cung “làm phận người nhỏ bé” của cha. Phải thật lòng “mến Chúa yêu người,” “yêu tha nhân hơn chính mình,” và “nhìn thấy Chúa trong người anh em” mới có thể hành sử như cha được. Nhìn lên cung thánh, con thấy một bên là linh mục tân chánh xứ, một bên là chiếc ghế trống mà không thấy cha đâu. Tìm thật lâu con mới thấy cha đang ngồi trong góc xó với các em giúp lễ! Rồi như phép lạ nhiệm mầu, con bỗng thấy hình ảnh cha lớn lên, thật to, larger than life! Con chợt nhớ hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Và Người đang làm phép lạ ở giáo xứ con!

Từ tuổi thiếu niên cho đến hôm nay, con vẫn thích xem phim loại “Western Movies” mà nhiều người Việt Nam quen gọi là “phim cao bồi bắn súng!” Có lẽ vì những hình ảnh cướp bóc, đốt phá, bắn giết mà nhiều người có thành kiến với loại phim này. Nhưng con tìm thấy ở đây một mẫu người hùng thật đẹp, thật đáng ca ngợi dù cho họ không hề muốn được tôn vinh, ghi ơn hay được tạc tượng để tôn thờ. Họ không màng danh lợi, quyền chức, tiếng tăm, không muốn được ai biết đến. Họ đến trong âm thầm, ra đi trong lặng lẽ, và để lại bình an, yêu thương, đoàn kết cho mọi người. Với con, họ mới thật sự là anh hùng, dù vô danh hay ít người biết!

Tình tiết tuy có khác, nơi chốn và thời gian thay đổi, nhưng các phim Western hầu hết có chung một chủ đề. Trong cuộc Tây tiến ở Hoa Kỳ, nhiều thị trấn được thiết lập do di dân đổ xô đi tìm vàng hay tìm cơ hội để làm giàu. Thị trấn đang phát triển, phồn thịnh. Một ngày kia, một bọn cướp kéo đến bắn phá, cướp của, gây náo loạn… Dân chúng hoang mang, sợ hãi. Luật lệ lúc nầy là luật của kẻ mạnh, của súng đạn: Bắn chậm thì chết! Không ai dám ra đường, trừ bọn cướp. Thành phố mất đi sức sống.

Rồi một lãng tử đơn thân độc mã đi ngang qua thị trấn, dừng chân tạm nghỉ… Thấy cảnh bọn cướp bắn phá, tạo bất an cho dân lành, anh bất bình ra tay rút súng… Bọn cướp rút lui với đồng bọn bị thương, nhưng hứa sẽ trở lại phục thù. Chàng “cao bồi” tạm đảm nhận trách vụ Cảnh Sát Trưởng (Sheriff), đứng ra kêu gọi cư dân đoàn kết bảo vệ thị trấn, tổ chức phòng thủ chống lại bọn cướp. Vài hôm sau bọn cướp trở lại, đông hơn, với tên đầu đảng. Nhưng cư dân có người lãnh đạo, được tổ chức, tự tin hơn, đánh tan bọn cướp. Tên đầu đảng bị bắn chết và tàn quân bỏ chạy. Cả thị trấn ăn mừng chiến thắng… Hôm sau Hội Đồng Thị Trấn ra quyết định tuyên dương công trạng và đề cử “người hùng” làm Thị Trưởng kiêm Cảnh Sát Trưởng. Nhưng, không ai tìm thấy người hùng ở đâu, chỉ thấy huy hiệu ngôi sao đồng năm cánh của Sheriff để lại trên bàn…

Sáng sớm hôm đó, trong lúc mọi người còn đang an giấc sau một đêm dài liên hoan mỏi mệt, chàng lãng tử đã lẳng lặng lên ngựa dong ruỗi đường xa. Không ai biết chàng đi đâu. Trên đường đi, có thể chàng sẽ phải dừng chân ở một thị trấn khác đang bị quân dữ cướp phá để làm nhiệm vụ người hùng! Sống kiếp giang hồ thì trời đất, gió sương là nhà, lưng ngựa là giường…

Cha thân kính,

Đối với con, chàng lãng tử trong các phim cao bồi Western là hình ảnh hào hùng, tuyệt đẹp của nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo không dùng súng đạn, nhưng có Thánh Kinh, Lời Chúa, tấm lòng rộng mở, khoan dung, yêu thương… Nhà truyền giáo không có yên ngựa, nhưng có đôi chân Chúa ban không biết mỏi mệt, đi đến nơi nào được sai đi, nơi nào Chúa muốn gửi đến, nơi nào chưa có ánh sáng Tin Mừng. Xong, lại lên đường, đi đến một nơi khác để làm “danh Cha cả sáng.” Cứ thế mà tiếp tục cho đến khi “Nước Cha trị đến.”

Với mục tử nhân lành thì đâu cũng là nhà. Họ nhận ra Chúa ở khắp mọi nơi. Họ nhìn ra Chúa ở trong mọi người. Họ chọn cửa hẹp mà đi, không so đo tính toán thiệt hơn. Một lòng trung kiên, phó thác!

Rồi… sau khi mọi thủ tục bàn giao giữa người cũ và người mới đã xong, Cha tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho cha ba năm hồng ân hạnh phúc ở giáo xứ nầy. Cha cám ơn Mẹ Maria, Thánh Cả Giu-se và Thánh Anna đã giúp cha chu toàn trách nhiệm gìn giữ đàn chiên được bình an. Cha lẳng lặng rời ngôi thánh đường tôn nghiêm vừa trải qua cơn bão lốc đã được thu dọn lại gọn gàng, giã từ nhà xứ thân thương vừa được tân trang lát gạch, thay thảm vào những ngày cuối để đón mừng linh mục chánh xứ mới… Cha lên đường như chàng lãng tử cao bồi, anh hùng trong các phim Western: Âm thầm, lặng lẽ. Không kèn, không trống. Đơn thân độc mã ruỗi dong trên đường dài…

3. Ơn gọi được nâng đỡ bởi Giáo Hội

Cả khi ứng sinh ơn gọi đã kết thúc hành trình tu luyện căn bản, mà đối với chúng ta là việc tu luyện tại Chủng viện, theo Đức Thánh Cha, mối liên hệ với Giáo Hội vẫn còn tiếp tục, qua việc đào luyện trường kỳ và qua chính sự phục vụ. Nhu cầu của đoàn Dân Chúa thì muôn vàn và luôn mới mẻ. Chính trong khi sẵn sàng phục vụ và nhiệt thành đáp lại những nhu cầu luôn mới mẻ của đoàn Dân Chúa, ơn gọi lại mở ra trước mắt chhúng ta những chân trời mới, niềm vui mới như thể nếm trước một chút hương vị của niềm vui Thiên Đàng.

II.    VUI MỪNG VÀ CẢM TẠ

1. Vui mừng được thuộc về Giáo Hội và là quà tặng của lòng Chúa thương xót

Đức Thánh Cha Phanxicô không muốn chúng ta chỉ ý thức là được thuộc về Giáo Hội và được Chúa mời gọi, nhưng phải vui mừng vì được thuộc về Giáo Hội và được là quà tặng của Thiên Chúa cho Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Sứ điệp như sau: “Tôi mong muốn biết bao, trong Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, tất cả mọi tín hữu đã được rửa tội có thể trải nghiệm được niềm vui được thuộc về Giáo Hội! Chớ gì họ có thể tái khám phá ra điều này là ơn gọi Kitô hữu, cũng như các ơn gọi đặc biệt, được sinh ra từ lòng Dân Chúa và là quà tặng của Lòng Chúa Thương Xót.”

Trong khi chúng ta cảm thấy hân hạnh vì được thuộc về Giáo Hội và được là quà tặng của lòng Chúa thương xót cho Giáo Hội thì chúng ta có thể ngỡ ngàng và tự hỏi: “Tôi là ai mà được có Giáo Hội như của riêng tôi?” “Tôi là ai mà được Chúa dùng như món quà quý giá của Ngài gửi đến cho Giáo Hội?” Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời là “Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều xuất phát từ ánh mắt xót thương của Chúa Giêsu”, mà “hành động xót thương của Chúa là tha thứ tội lỗi cho chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống mới”. Chính tính trạng tội lỗi được đo lường với lòng xót thương của Chúa là lý do của tâm tình hân hạnh và là nguồn mạch của niềm vui. Chúng ta dòn mỏng và tội lỗi, thế mà Chúa vẫn chọn chúng ta làm quà tặng của Ngài cho Giáo Hội. Ôi lạ lùng! Chúng ta cần mượn lời của tác giả Thánh vịnh mà kêu lên: “Giữa lòng đại hội, con sẽ tạ ơn Chúa, trước mặt quần chúng, con sẽ tán dương Ngài.” (Tv 35,18).

2. Tiến đến niềm vui thuộc về Giáo Hội và được là quà tặng của Chúa

Liệu chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm vui vì được thuộc về Giáo Hội và thuộc về Chúa Không?

Quả thật, khi người ta chiếm hữu được điều gì mà người ta coi đó là điều quý hóa, là kho tàng thì người ta sẽ vui và người ta sẽ bỏ tất cả để giữ điều đó. Tin Mừng thánh Matthêu ghi lại dụ ngôn viên ngọc quý và kho tàng dưới ruộng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,44-46).

Như vậy, niềm vui về Giáo Hội, về Chúa là có thật và có thể cảm nghiệm được với hai điều kiện: xác tín thực đó là kho tàng, là viên bích ngọc và dám đánh đổi mọi điều để giữ Chúa, để sống trong lòng Giáo Hội.

† Gm Giuse Đinh Đức Đạo
Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc

 

 

Comments are closed.