Hãy Yêu Thương Nhau (Ga 13,34) – Bài giảng Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C

Bài Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta điều răn quan trọng nhất là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

Chúa Giêsu dự bữa ăn tối cuối cùng với nhóm Mười Hai, hôm trước ngày chịu chết. Ngài vừa thiết lập bí tích Thánh Thể là bữa ăn Vượt qua của Ngài. Ngài cũng đã rửa chân cho các môn đệ, kể cả Giuđa, sắp sửa phản bội Ngài. Trước khi vượt qua thế gian để về cùng Cha, Ngài muốn để lại cho họ một gương mẫu tuyệt vời về lòng khiêm nhường và phục vụ.

Chúa Giêsu vừa loan báo rằng một trong các môn đệ sẽ phản bội Ngài. Đó là người mà Ngài trao cho một miếng bánh. Sự phản bội nầy khởi động một tiến trình sẽ dẫn Chúa Giêsu đến cuộc Khổ nạn cho đến chết trên thập giá. Đàng khác, chính Ngài cảnh giác và loan báo cho các môn đệ biết tình thế sẽ đảo ngược: “Bây giờ, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài”. Dù không được các môn đệ hiểu, nhưng Lời ấy của Chúa Giêsu là nền tảng. Thật thế, sự tôn vinh chính là sự tỏ hiện rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài.

Chính trong mạch văn long trọng ấy mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ điều răn của Ngài: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau.” Và Ngài xác định rằng đó là một điều răn mới. Điều răn ấy cũng đã hiện diện trong các tôn giáo khác. Người ta cũng đã dạy yêu thương người khác và yêu thù địch. Cả Thánh Kinh Cựu Ước cũng đã nói đến điều răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, và được triển khai bằng muôn ngàn điều luật và qui định phụ thuộc khác. Lấy cớ yêu mến Thiên Chúa, người ta đã quên anh em mình.

Điều làm cho điều răn ấy nên mới mẻ chính là việc Chúa Giêsu đã đặt nó lên hàng đầu. Tình yêu tha nhân trở thành một điều răn giống với tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giêsu gán cho nó tầm quan trọng đặc biệt trong giáo huấn của Ngài. Ngài coi tình yêu hai mặt ấy như là sự hoàn tất giáo huấn của Ngài, là điểm đến hoàn tất mọi lề luật. Hơn nữa, tha nhân mà ta phải yêu mến không chỉ là những người đồng đạo như ta, mà là tất cả mọi người được coi như anh em, vì là con cùng một Cha trên trời.

Sự mới mẻ căn bản của điều răn yêu thương, đó chính là yêu thương theo cách của Chúa Giêsu, với cùng một lòng khiêm nhu và tinh thần phục vụ như Ngài. Người môn đệ Chúa Giêsu không được quên lời Ngài dặn: không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mình cho kẻ mình yêu thương (Ga 15,13). Vì thế, yêu thương như Chúa Giêsu, chính là thí mạng cho người mình yêu thương. Dấn thân không thôi chưa đủ, cần phải đón nhận tình yêu ấy như một quà tặng từ Ngài. Do đó, chúng ta phải cầu xin, vì nếu không, thì giới răn yêu thương trở thành một sứ mạng không thể thực hiện được.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta một điều chỉnh vô cùng cần thiết. Ngài nói với chúng ta rằng tình yêu ấy là một dấu chỉ giúp người khác nhận ra người kitô hữu. Dấu chỉ cho thế gian biết rằng chúng ta là môn đệ của Ngài chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ đưa ra một hình ảnh méo mó về đức tin và Hội Thánh của chúng ta. Đời sống của chúng ta sẽ trở thành một phản chứng.

Tình yêu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, phải có tính phổ quát. Nó nhắm đến tất cả mọi người trên thế gian. Một tình yêu không loại trừ ai. Yêu thương mọi người không làm cho chúng ta quên những người ở gần chúng ta nhất, cùng chia ngọt sẻ bùi với chúng ta, những người mà chúng ta có nhiệm vụ đồng hành, che chở và đem lại hạnh phúc. Dấn thân cộng tác và làm việc trong những hiệp hội bác ái phục vụ người nghèo nhất, chống lại bất công xã hội, đó là một cách thức tuyệt vời đáp lại đòi hỏi của Đức Kitô.

Người kitô hữu phải yêu thương nhau đó là một điều tuyệt đối quan trọng. Một cộng đòan không hợp nhất chỉ đưa ra một chứng tá tầm thường. Trong những trường hợp ấy, sứ điệp Tin mừng không được thể hiện. Chỉ có những người kitô hữu nào yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương họ mới có thể tỏa sáng Tin mừng. Chính tình yêu đó sẽ cho thế gian thấy rằng chúng ta là môn đệ của Đức Kitô. Vấn đề không phải là trình diễn cho người ta thấy, mà là tiếp nhận chính Chúa Giêsu.

Khi cử hành tiệc Tạ ơn và thông hiệp với Thân thể duy nhất của Đức Kitô, chúng ta cầu xin cho Đức Ái được rạng ngời trong chúng ta và giữa chúng ta. Chỉ với điều kiện đó chúng ta mới có thể làm chứng cho Nước Chúa mà Ngài đến để thiết lập. Chúng ta đến kín múc tận nguồn để rồi ra đi vào sứ vụ đầy sức mạnh và tin tưởng. Xin Chúa ban cho chúng ta sự can đảm cần thiết để biến lời nói thành hành động cụ thể. Và đừng bao giờ quên rằng chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.