Bài chia sẻ sứ điệp Quốc Tế Ơn Gọi lần thứ 50 của Đức cha Giuse – Giám đốc Đại Chủng viện Giuse Xuân Lộc

Hoà chung tâm tình của Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 50, Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã tổ chức Buổi Họp Mặt dành cho các nam thanh thiếu niên có thành ý muốn tìm hiểu Ơn gọi Linh mục Giáo phận vào ngày Chúa Nhật, 21-4-2013, tại khuôn viên Toà Giám Mục và Đại Chủng viện Xuân Lộc .Read More

Trong Buổi Họp Mặt này, ngoài các hoạt động như sinh hoạt nhóm, giao lưu, tham quan, giải đáp thắc mắc về ơn gọi, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Đại Chủng viện đã có giờ gặp gỡ các tham dự viên và khai triển sứ điệp nhân Ngày Ơn Gọi lần thứ 50 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Ban Biên Tập Trang Web Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài chia sẻ của ngài.

“ƠN GỌI, DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN ĐỨC TIN”

Ngày 06.10.2012 Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cho công bố Sứ Điệp Ngày Ơn Gọi thứ 50, với chủ đề: “ƠN GỌI, DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN ĐỨC TIN

Sứ điệp của Đức Thánh Cha khai triển chủ đề theo 3 ý tưởng chính yếu. Ý tưởng I: cầu xin ơn kêu gọi; ý tưởng II: Ơn gọi linh mục là dấu chỉ của niềm hy vọng; ý tưởng III: Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn tiếp tục kêu gọi các thiếu niên, thiếu nữ theo Chúa trong ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Hai ý tưởng đầu áp dụng chung cho tất cả mọi thành phần của Giáo Hội Hội; ý tưởng thứ 3 áp dụng đặc biệt cho các bạn trẻ, những người được Chúa kêu gọi.

1.Cầu xin Chúa ban thêm ơn kêu gọi

a) Ơn gọi linh mục phát xuất từ Chúa. Chính Chúa đi bước đầu kêu gọi các môn đệ của Chúa.

         Ở đây, chúng ta có thể nhắc lại ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (x. Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Mc 2,13-14): Sáng kiến là của Chúa.

         Chính Chúa nhắc nhở các môn đệ điều này. Tin mừng thánh Gioan: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và cắt cử các con để các con ra đi, sinh hoa trái, và hoa trái của các con tồn tại, hầu tất cả những gì các con xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho các con” (Ga 15,16).
Tin mừng thánh Matthêô: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với

         môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,35-38; x. Lc 10,2).

b)Hiệp nhất trong lời cầu xin

“Trong vài thập niên gần đây, các cộng đoàn giáo hội nhiều nơi trên thế giới mỗi năm quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội những ơn gọi thánh thiện” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013).

2.Ơn gọi Linh mục là dấu chỉ của niềm hy vọng và lòng cậy trông

Ơn gọi Linh mục là kết quả của lời cầu nguyện của đoàn Dân Chúa, kêu cầu Chúa với niềm hy vọng và lòng cậy trông. Do đó, ai được Chúa mời gọi theo Chúa trong ơn gọi Linh mục phải thấm nhuần để trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng và lòng cậy trông. “Hy vọng là mong đợi một điều gì tốt đẹp cho tương lai, nhưng đồng thời nó cũng nâng đỡ hiện tại của mình thường được ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013). Trong câu xác quyết của Sứ điệp Ngày Ơn Gọi, có 3 ý tưởng cần phải được diễn giải thêm:

a)Tầm quan trọng của dấu chỉ hy vọng

Trong cuộc đời của rất nhiều người hôm nay vắng bóng niềm hy vọng. Họ sống vật vờ lay lắt cho qua ngày hoặc lao mình tìm những thú vui vô bổ, chóng qua. Thế giới cần có các chứng nhân của niềm hy vọng. Đó là những người hạnh phúc vì đã tìm được nguồn mạch thực sự của cuộc sống. Họ là dấu chỉ của một thực tại vượt lên khỏi những thú vui chóng qua, có sức khơi lên một niềm khát vọng làm cho lòng được vui thỏa và an bình.

b)Đối tượng của niềm hy vọng

Chúng ta hy vọng cái gì, trông chờ cái gì? Thực tại vượt lên khỏi những thú vui chóng qua, có sức khơi lên một niềm khát vọng làm cho lòng được vui thỏa và an bình là thực tại gì? Thưa, đó chính là tình yêu của Chúa. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới đổ đầy con tim của chúng ta. Thánh Agostinô đã diễn tả điều này như sau: “Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa. Lòng con sẽ mãi mãi khắc khoải cho đến bao giờ được an nghỉ trong Chúa”. Sứ điệp Ngày Ơn Gọi cũng nói một điều tương tự khi mời gọi: “Trong mọi hoàn cảnh, thuận tiện hay bất lợi, chúng ta vẫn luôn nuôi trong mình một niềm hy vọng chắc chắn và hãy cầu nguyện cùng với tác giả Thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi nghỉ ngơi yên hàn, vì hy vọng của tôi đến từ nơi Người” (Tv 62, 6). ” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013).

c)Nền tảng của niềm hy vọng và sự cậy trông

Thiên Chúa chung thủy với giáo ước tình yêu của Ngài. “Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và Ngài luôn trung tín với Lời đã hứa” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013).

3.Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn tiếp tục kêu gọi

a)“Như trong cuộc đời dương thế của mình ngày xưa, hôm nay Chúa Giêsu Phục Sinh cũng tiếp tục rảo bước đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, nhìn thấy chúng ta ngụp lặn trong những sinh hoạt thường ngày, với những nhu cầu và khát vọng. Chính trong cuộc sống thường ngày đó Ngài ngỏ lời với chúng ta; mời gọi chúng ta cùng sống với Ngài vì chỉ có mình Ngài là Đấng có thể thỏa mãn khát vọng của chúng ta. Lúc này, Chúa Giêsu đang sống giữa cộng đoàn các môn đệ là Giáo Hội, Ngài mời gọi hãy bước theo Ngài. Lời mời gọi này có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Lúc này Chúa Giêsu tiếp tục nhắc lại: Hãy đến và theo Ta (Mc 10, 21)” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013).

b)“Theo Chúa Giêsu, có nghĩa là đặt để ý riêng mình trong thánh ý của Chúa Giêsu, trao cho Ngài quyền ưu tiên, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lãnh vực của cuộc đời mình: gia đình, công việc, sở thích riêng, và chính cả bản thân mình. Điều này còn có nghĩa là giao nộp chính bản thân mình cho Ngài” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013).

c)“Sống kết hợp sâu xa với Ngài, nhờ Ngài mà thông hiệp với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, và như thế, nên một với mọi anh chị em khác… Các ơn gọi linh mục và tu sĩ được phát sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, và nhờ vào cuộc trao đổi chân thành riêng tư với Ngài, người ta đi đến chỗ đón nhận ý muốn của Ngài. Do đó, cần phải lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, nghĩa là tăng trưởng sâu xa mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe tiếng nói của Ngài được vọng lên trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Tiến trình này giúp chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa, có thể phát sinh nơi cộng đoàn Kitô hữu biết sống đức tin cách mãnh liệt, quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nhiệt thành truyền giáo đến độ quên mình vì Nước Thiên Chúa, siêng năng nhận lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và chuyên chăm cầu nguyện” (Sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2013)

CÂU HỎI ĐỀ NGHỊ CHO GIỜ CHIA SẺ NHÓM

Đề tài chia sẻ nhóm tùy theo Cha và Thầy hướng dẫn của Nhóm. Nếu thấy hữu ích, có thể chia sẻ theo vài câu gợi ý dưới đây:

1.Chia sẻ về kinh nghiệm ơn gọi: vì sao Bạn có ý tưởng đi tu? Có gì cản trở Bạn theo tiếng gọi không?

2.Chia sẻ về kinh nghiệm tiếng Chúa trong tâm hồn

Chia sẻ để thấy sự khác biệt giữa kinh nghiệm những thú vui do những yếu tố trần thế kích thích, thúc đẩy và kinh nghiệm an bình và khoan khoái của cuộc sống đầy tràn cảm nghiệm trong những lần gặp gỡ thiêng liêng, sau khi thắng lướt dục vọng, hy sinh để phục vụ, giúp đỡ người cộng đoàn hay một người nào đó..

+ Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo
Giám đốc Đại Chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc

Comments are closed.