Bài giảng Lễ Chúa Chiên Lành cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh mục Và Tu sĩ – 21.04.2013

Các bạn trẻ chúng con thân mến!

Cha rất vui mừng khi thấy chúng con về tham dự ngày lễ hôm nay thật đông đảo. Nhìn xuống chúng con, cha chỉ thấy sự trẻ trung, sự tươi vui và hăng say. Điều đó làm cho cha hy vọng rất nhiều vào tương lai của Giáo hội, Giáo phận. Vì giới trẻ là tương lai của Giáo hội.

Read MoreSở dĩ cha nói thế, vì trong sứ điệp gửi Dân Chúa nhân ngày lễ hôm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng: “ơn gọi là dấu chỉ hy vọng”, và hy vọng ấy được “đặt nền tảng trên đức tin vào một Thiên Chúa hằng trung tín với các Giáo ước đã ký kết với Dân của Ngài.

Như chúng con biết, Chúa nhật thứ IV mùa Phục sinh hàng năm được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, là ngày được Giáo hội dành riêng để cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Vậy chúng con đã biết gì về ơn thiên triệu Linh mục và Tu sĩ ?

Trong bầu khí thánh thiện của ngày lễ hôm nay, cha xin chia sẻ với chúng con ba điểm sau đây để giúp chúng con suy tư, cầu nguyện và nhất là tìm ra thánh ý Chúa muốn nói với từng người chúng con trong ngày đặc biệt này.

1. Thứ nhất, thế nào là Ơn thiên triệu?

Thông thường khi nói tới ơn thiên triệu, người ta nghĩ ngay tới ơn Chúa gọi ai đó đi tu làm linh mục, hay tu sĩ, còn giáo dân không đi tu, họ ở giữa thế gian, nên không có ơn thiên triệu, Chúng ta cần phải xét lại cách hiểu đó.

Có hai cách định nghĩa :

a. Theo nghĩa rộng, mọi người đều có ơn thiên triệu, đều được Thiên Chúa mời gọi: làm người và làm Con Chúa, tất cả đều được mời gọi nên thánh, Công Đồng Vaticano II xác định đây là ơn gọi phổ quát, một ơn gọi mà tất cả mọi kitô hữu đều được mời gọi hướng tới[1]. Chính vì vậy, không chỉ có giám mục, linh mục và tu sĩ, cả giáo dân, tất cả đều được mời gọi đạt tới sự hoàn thiện. Cũng theo Công Đồng này, trong Giáo Hội có nhiều hình thức của đời sống: ơn gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân. Đây là những hình thức đời sống để nên thánh hay để đạt tới sự hoàn thiện kitô giáo.

b. Theo nghĩa hẹp, ơn thiên triệu có nghĩa “là tiếng Thiên Chúa mời gọi kẻ Ngài đã chọn ủy thác làm một công việc đặc biệt trong kế hoạch cứu rỗi loài người và trong vận mệnh của dân Ngài”[2]. Ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ thường được hiểu theo nghĩa này.

Nhưng hiểu theo nghĩa nào, cuối cùng thì chúng ta cũng phải nhìn nhận: ơn thiên triệu luôn có hai phía hay hai yếu tố đi liền với nhau: Thiên Chúa gọi và con người đáp trả.

2. Thứ hai, ơn gọi vừa là hồng ân, vừa là chọn lựa dứt khoát

Thật vậy, ơn gọi là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa: chính Ngài tuyển chọn, ban ơn và thúc đẩy. Con người đáp trả cách tự do, chọn lựa, từ bỏ và bước theo Chúa, sống cho Chúa, hiến thân cho Chúa. Thánh Kinh giới thiệu cho chúng ta nhiều ơn gọi tiêu biểu như ơn gọi của Abraham, Môsê, Giêrêmia, của Đức Maria và các thánh Tông đồ…

Trong Cựu ước, Chúa gọi Abraham để ông trở thành tổ phụ của một Dân riêng và “Cha của những kẻ tin”. Thiên Chúa chọn Abraham trong dòng dõi Sem, người “sinh ra từ Ur” (St 11, 10-31) và dẫn đưa ông bằng những con đường đến vùng đất mà ông không hề biết (Dt 11,8). Ông đã ra đi theo tiếng gọi đó, dù không biết đi về đâu, nhưng ông biết chắc một điều là có Chúa dẫn đường. Ông đã phó thác cho Chúa hướng dẫn.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu chọn và mời gọi các môn đệ đầu tiên như Phêrô, Gioan và Giacôbê: “Hãy theo Ta. Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 3,20). Họ từ bỏ và mau mắn đáp trả theo Chúa. Họ là ai? Họ là những người đánh cá, bình dân, quê mùa, không có học vấn cao, bằng cấp, có địa vị… nhưng họ đã đáp trả lời mời gọi đó một cách hăng hái và từ bỏ tất cả để theo Chúa. Họ đã được Chúa biến đổi và làm cho trở thành những “kẻ lưới người như lưới cá”.

Như thế, ơn gọi vừa rất huyền nhiệm vì Thiên Chúa gọi ai Ngài muốn, gọi vào thời điểm nào và ở nơi nào đều tùy ý Ngài (x. Mc 3, 13). Nhưng ơn gọi cũng là một chọn lựa liên lỉ, đòi hỏi nhiều hy sinh và từ bỏ của những ai mà Thiên Chúa muốn gọi. Vì thế, nếu nhìn ơn gọi như là một hồng ân của Thiên Chúa, việc đi tu hay theo Chúa không phải hệ tại nơi khả năng và tài cán của con người, nhưng hệ tại nơi lòng muôn và ân sủng của Thiên Chúa. Nếu nhìn ơn gọi như là chọn lựa, đi tu bao gồm sự hy sinh, từ bỏ để dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

3. Thứ ba, chúng ta phải làm gì khi nghe tiếng Chúa gọi?

Các bạn trẻ chúng con thân mến!

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Có rất nhiều người giờ này đang hướng về chúng con, cầu nguyện cho chúng con biết lắng nghe và nhận ra ý Chúa. Vậy chúng con có nghe được tiếng Chúa đang mời gọi trong sâu thẳm tâm hồn của mình không? Đâu là thái độ của chúng con trước lời mời gọi của Chúa?

“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Nếu chúng con thực sự nghe tiếng Ngài thì đừng ngần ngại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Chúng con hãy để cho Đức Giêsu sử dụng con người và cuộc đời của chúng con, Ngài sẽ biến chúng con nên những dụng cụ hữu hiệu trong tay của Ngài. Chúng con cũng đừng sợ mình không đủ khả năng hay không đủ tài, Thiên Chúa không cần những thứ đó, Thiên Chúa chỉ cần sự sẵn sàng và tình yêu chúng con dành cho Ngài, Ngài sẽ làm được tất cả.

Nếu chúng con muốn đi tu để trở thành những linh mục, thì chúng con hãy nhớ rằng : ngay từ bây giờ chúng con đã được mời gọi để trở nên những “chủ chiên” biết làm chủ con người của mình, chống lại những tấn công của sói dữ là những cám dỗ và những lôi kéo của xã hội hôm nay. Hãy trở thành những “chủ chiên” biết phục vụ anh chị em bạn hữu của mình trong gia đình, khu xóm, trường học cũng như mọi môi trường sống ; đồng thời đừng quên mình là “con chiên” trong đoàn chiên của Giáo hội, của Giáo phận, Giáo xứ, luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của các vị chủ chăn và hết mình cộng tác với các ngài xây dựng Giáo hội và mở mang Nước Chúa.

Để được như thế, cha mời gọi chúng con chuyên chăm học hỏi về Đức Kitô, gặp gỡ và sống mật thiết với Ngài, cách đặc biệt nơi Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, để cho tâm hồn chúng con thấm nhuần tình yêu của Ngài. Chính trong việc gặp gỡ thường xuyên ấy mà càng ngày chúng con được hiểu biết hơn rằng Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, và ơn gọi của chúng con không ngừng được củng cố và tăng trưởng. Xin Chúa chúc lành cho hết thảy chúng con và cả những nguyện ước chân thành của chúng con. Amen.

+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục giáo phận Xuân Lộc


[1] x. CÔNG ĐỔNG VATICANO II, Hiến chế Giáo Hội, số 39.

[2] Jacques GUILLET, Vocabulaire de théologie biblique, 1970.

———————————————

Comments are closed.