GIỌT NƯỚC MẮT CỦA NIỀM VUI
Trong đời sống, chúng ta hẳn đã nhìn thấy những hình ảnh của những người già, những cụ ông cụ bà vào tuổi gần đất xa trời. Khi nhìn họ, chúng ta nghĩ gì? Họ chắc phải đã trải qua một cuộc đời đầy gian khó. Những ngày cuối cùng của tuổi già khi họ đau yếu, bệnh tật, họ mong muốn gì?
Trong những lần đi mục vụ vào các Chúa Nhật, tôi cùng các anh em có dịp tiếp xúc và gặp gỡ nhiều cụ ông cụ bà. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những cụ già không còn đi lại được, cơ thể đã ốm yếu sau thời gian dài nằm trên giường bệnh. Trong số những cụ chúng tôi gặp, người ấn tượng đối với tôi đó là một cụ bà đã hơn chín mươi tuổi, đôi mắt đã mờ, đôi tai nghe không còn rõ. Bà đã phải nằm một chỗ hơn cả chục năm, và hai đầu gối đã rút về phía bụng cũng hơn một năm. Các con của bà nói bà thường chỉ đoán qua khẩu hình để biết ý người nói. Bà thường nằm trên một cái võng và tay cầm chuỗi tràng hạt Mân Côi. Khi có ai đến hỏi thăm, bà ngước lên nhìn và cố vểnh tai để nghe.
Khi tôi hỏi các con của bà về cuộc đời của bà thì họ kể rằng: “Gia đình của mẹ chúng con quê ở miền trung, mồ côi mẹ khi bà mới lên năm và mồ côi cha khi bà lên bảy. Sau đó, mẹ chúng con với gia đình theo cha xứ vào trong miền nam vào những năm 1954. Rồi, mẹ chúng con đã lấy ba chúng con quê ở Bình Thuận và sinh ra ba người con”. Khi nghe qua về cuộc đời của bà, tôi tự hỏi một người đã phải trải qua một cuộc đời thiếu tình thương của cha mẹ thì sẽ như thế nào? Khi nhìn vào những người con đang quây quần bên người mẹ già, tôi chợt nhận ra bà đã luôn cố gắng để trở nên một con người kiên cường, một người mẹ đã trao cho các con tất cả những gì bà đã khao khát. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm nâng đỡ.
Tôi và các anh em đến bên bà và nói “có các cháu của bà về thăm bà này”. Bà nhìn ngang nhìn dọc có vẻ rất ngạc nhiên và rồi một nụ cười nở trên môi. Bà có nói gì đó nhưng chúng tôi không nghe rõ nên cũng không hiểu. Nhưng các anh em chúng tôi đều cảm nhận được bà đang rất vui và hạnh phúc. Tại sao bà lại có được niềm vui như thế? Tôi thầm nghĩ: “Phải chăng bà có niềm tin tưởng vào Chúa, niềm cậy trông phó thác nơi Chúa từ khi bà còn rất nhỏ.” Dù bà không còn đi lại được, nói cũng chẳng ai nghe và nghe thì tiếng được tiếng mất nhưng bà cảm nhận được sự nâng đỡ qua sự chăm sóc tận tình của những người con. Bà còn tin Chúa và Mẹ Maria đang cùng đồng hành với bà trong đau bệnh. Chắc hẳn, bà đã chiến đấu rất nhiều với cơn đau bệnh và phải rất là lạc quan trong cuộc sống. Cuộc đời của bà đã minh chứng điều đó, khi nhìn vào những hoa trái của niềm tin là những người con đang ở bên cạnh. Khi tôi cầm tay bà, tuy không nói gì nhưng bà cảm nhận được sự quan tâm, với nụ cười trên môi và có giọt nước mắt đọng trên khóe mắt. Tôi thầm nghĩ: “Hẳn đây là giọt nước mắt của niềm vui; niềm vui của một người cả cuộc đời đi theo Chúa; niềm vui vì có những người con bên cạnh; niềm vui có những người quan tâm, nâng đỡ.” Khi anh em chúng tôi mời gọi bà cùng đọc kinh Mân Côi để dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa thì bà cũng nhìn theo. Tôi không biết bà có đọc kinh không nhưng sau đó bà hỏi: “không đọc kinh à!”. Người già thì như vậy, quên trước quên sau nhưng con tim luôn chan chứa tình yêu. Sau đó, tôi cùng các anh em xin bà cầu nguyện cho chúng tôi và chúng tôi hứa cũng sẽ cầu nguyện cho bà.
Có những lúc chúng ta tự hỏi, người già thì làm được gì? Họ còn giúp ích gì cho xã hội? Thưa, họ là tấm gương cho ta noi theo. Họ là con người của sự cầu nguyện, của niềm hy vọng và của sự phó thác nơi Thiên Chúa. Cuộc sống của họ cho chúng ta những kinh nghiệm để ta vững chãi khi bước vào đời. Sự khiêm tốn trong tuổi già của họ phản chiếu một con người can đảm chiến đấu với đau bệnh, với sự xa cách của người khác. Họ mong muốn gì? Họ mong có người lắng nghe, nói chuyện, hiện diện với họ. Sự lắng nghe, được nói chuyện, cùng hiện diện của con cháu như sự hiện diện của Chúa bên cạnh. Đây là niềm vui và hạnh phúc của người già.
Thầy Giuse Lê Thanh Hiếu – Lớp Thần Học III