CẢM THÔNG VỚI PHẬN NGƯỜI

CẢM THÔNG VỚI PHẬN NGƯỜI

“Chúng ta hãy bước ra, bước ra để dâng hiến sự sống của Đức Giêsu Kitô cho tất cả mọi người…Tôi thích một Giáo hội bị tai nạn, bị thương tích và dơ bẩn vì bước ra đường phố, hơn là một Giáo hội bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ bảo đảm cho mình” (Evangelii Gaudium, 49).

Trở về Đại Chủng viện sau một năm đi giúp xứ, anh em lớp Thần học I, khoá XV được tiếp cận mục vụ ngày Chúa Nhật bằng việc đến với anh chị em di dân trong Giáo phận Xuân Lộc.

Đây là cơ hội thuận tiện để anh em gặp gỡ, lắng nghe và hỏi thăm những anh chị em di dân ở khắp mọi miền đất nước. Họ hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại nhiều nơi và thuộc nhiều Giáo xứ trong Giáo phận. Mang trong mình tinh thần của người môn đệ Chúa, chúng tôi lên đường vào mỗi sáng Chúa Nhật. Hiện diện ở những gia đình di dân, chúng tôi thấu hiểu họ phải đối diện với biết bao là thách thức, khó khăn trong đời sống Kitô hữu như: sự hòa nhập với môi trường sống mới, vấn đề văn hóa, phong tục, luân lý, các thực hành đức tin. Bởi đó, chúng tôi tự vấn làm sao để có thể giúp anh chị em di dân của chúng ta nói chung và cách riêng biệt là các gia đình trẻ di dân sớm hội nhập và thăng tiến đời sống của họ theo giá trị của Tin Mừng.

Chúng tôi nghe anh chị em trải lòng, có nhiều hoàn cảnh gia đình vất vả và khó khăn biết chừng nào. Nhưng trong hoàn cảnh đó, anh chị em vẫn sống một đời sống lạc quan, tin yêu và phó thác. Điều này, làm chúng tôi phải suy nghĩ về chính hoàn cảnh của mình. Nhiều khi, chúng tôi cứ mãi ngồi trách cứ người này kẻ khác, nhưng khi bước ra và đến với những anh chị em di dân, chúng tôi mới nhận thấy sức sống mãnh liệt và sự quyết tâm cao độ nơi họ.

 Chính vào hoàn cảnh như vậy, chỉ có Chúa mới là chỗ dựa vững chắc và chỉ có đường lối của Thiên Chúa mới giúp cho chúng ta từng bước gỡ rối khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Chúa dấn thân và giúp cho các môn đệ của Người biết dấn thân, khi quỳ gối xuống trước kẻ khác để lau chân cho họ. Nhưng tiếp đó Người nói với các môn đệ: “Phúc cho anh em, nếu anh em làm điều này” (Ga 13,17). Chúng tôi, những môn đệ của Chúa, qua hành động và các cử chỉ, tự đặt mình vào cuộc sống hằng ngày của kẻ khác, thu ngắn khoảng cách, tự hạ cho đến khiêm tốn nếu cần thiết, và đón nhận cuộc sống nhân bản, đụng chạm đến thân xác khổ đau của Đức Kitô trong đời sống của dân Chúa.

Chính khi được tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói của anh chị em di dân, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào gánh nặng về “cơm áo gạo tiền” nơi họ. Chúng tôi hy vọng rằng, với khoảng thời gian ít ỏi mà chúng tôi dành gặp gỡ họ, mặc dầu không đủ để khoả lấp những ưu phiền của họ, nhưng phần nào giúp cho họ thêm niềm tin vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trẻ di dân luôn là thao thức mà Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương đang rất quan tâm, bởi Giáo hội nhận biết rằng họ là những Kitô hữu đang cố gắng để tìm kiếm một cuộc sống mới và chắc chắn họ sẽ có những vận may mới, nhưng họ cũng sẽ gặp phải muôn vàn thách đố về cả đời sống và đức tin. Giáo hội luôn mong muốn đồng hành với mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Nhìn ngắm cuộc đời trong thinh lặng, chúng tôi thầm tạ ơn Chúa vì những ơn ban mà Chúa đã trao gửi nơi những môn đệ của Ngài. Nơi mỗi anh chị em, chúng tôi được trải nghiệm về hoàn cảnh sống của từng người, từng gia đình. Để từ tận đáy lòng, chúng tôi có những quyết tâm cho riêng mình trong đời sống tu luyện; ngõ hầu, làm cho danh Chúa cả sáng, và gương mặt của Chúa Giêsu chiếu toả khắp mặt đất này.

Thầy Giuse Hồ Xuân Hải – Thần học I

Comments are closed.