Từ Bên Trong, Từ Lòng Người – Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm B

Hôm nay chúng ta trở lại tin mừng thánh Mác cô, một tác giả rất kiệm lời, chỉ kể lại những lời thực sự thiết yếu của Chúa Giê su, như lời Ngài trách người Do thái: “Dân nầy thờ kính ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì cách xa ta. Chúng thờ phượng Ta một cách hờ hửng”.

Điều gì đã xảy ra trong bài tin mừng hôm nay? Chúa Giê su nói về những cử chỉ tôn giáo truyền thống của người Do thái: rửa tay, rửa chén dĩa, rảy nước thanh tẩy.. Bình thường những cử chỉ ấy phải là dấu hiệu diễn tả một ý muốn thanh tẩy nội tâm. Nhưng thường lại che đậy, giấu giếm bên trong không có gì tốt cả. Không có một động thái nào cho thấy tâm hồn thực sự sám hối. Người ta hành động chỉ vì ngoại diện, vì hình thức, để muốn người khác đánh giá tốt về mình. Nhưng không ai có thể lừa đối Thiên Chúa được vì Ngài nhìn thấy mọi điều trong tâm hồn chúng ta.

Các kinh sư và biệt phái trách Chúa Giê su đã không theo truyền thống tiền nhân. Nhưng đối với Ngài, sự trong sạch đích thật, cội nguồn đích thật của mọi luân lí, đó chính là tâm hồn con người. Ngài lặp lại hai lần từ ‘tâm hồn’ để nhấn mạnh: “Tâm hồn chúng xa cách Ta”. Chính từ nội tâm, từ tâm hồn con người mới phát sinh ra những ý tưởng xấu xa. Vì thế Chúa Giê su mời gọi chúng ta kiểm điểm chính mình. Kiểm chứng lại tính đích thực nơi các hành vi của chúng ta. Để khám phá một sự khác biệt quan trọng giữa những gì người khác thấy nơi cách sống và tâm hồn chúng ta. Đó là giả hình, là ước muốn khoe khoang cái mình không có. Đó chính là mặt xấu của tôn giáo.

Bài tin mừng hôm nay chạm đến khía cạnh cụ thể trong đời sống chúng ta. Những tâm tình đẹp nhất có thể mau chóng xuống cấp trở thành hình thức hời hợt bên ngòai. Thí dụ, cha mẹ lo lắng cho sức khỏe cho con cái là một điều quan trọng; nhưng cũng phải chăm sóc việc giáo dục lương tâm của chúng. Có nhiều người không chịu đựng được một chút vết dơ trên đầu ngón tay, nhưng lại để cho tâm hồn mình bị cái xấu luân lí ngự trị. Nếu cái bên ngoài không cân xứng với cái bên trong, thì hành vi của chúng ta trở nên vô nghĩa.

Do đó, trong ngày chủ nhật nầy, chúng ta đặt cho mình những câu hỏi thiết yếu: hành vi tôn giáo của chúng ta có thực không? Chúng có phát xuất từ tận đáy lòng không? Ngày hôm nay chúng ta nghe lời sấm tiên tri được Chúa Giê su lặp lại: “Cách thờ phượng của chúng đối với ta thật vô ích..”. Mỗi người phải tự hỏi về những thực hành tôn giáo của mình: lối thờ phượng vô ích mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, đó là gì? Thỉnh thoảng chúng ta nghe người khác chỉ trích chúng ta: “Chủ nhật nào cũng thấy anh đi lễ nhưng lúc nào cũng nghe anh chỉ trích người lân cận”. Chúng ta đừng quên rằng mọi điều răn của Thiên Chúa đều qui về giới luật yêu thương.

Cũng là lối thờ phượng vô ích khi chúng ta chỉ bằng lòng với một chương trình tối thiểu để lương tâm yên ổn, khi người ta làm vừa đủ điều phải làm để giữ đúng luật, khi người ta nghĩ rằng chỉ cần đến nhà thờ là đã tham dự sốt sắng thánh lễ chủ nhật. Khi hành động như thế, người ta đo lường điều mà người ta sắp hiến ban cho Chúa. Làm như thế, người ta quên một điều, đó là Thiên Chúa đã không đo lường tình yêu của Người đối với chúng ta, mà trái lại, Ngài hiến ban đến cùng.

Điều mà Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, là làm sao cho cả cuộc sống chúng ta được lắp đầy bằng sự hiện diện và tình yêu của Người. Trong Kinh nguyện Thánh thể thứ 3, chúng ta đọc: “Xin Chúa Thánh Thần biến chúng con thành của lễ muôn đời tôn vinh Chúa…” Lời kinh ấy rất có ý nghĩa vì nó giả thiết rằng chúng ta muốn dành cho Chúa vị trí ưu tiên trong đời sống và để Người hành động. Nếu Người lên án sự giả hình, không phải là để nhận chìm mà là để chữa lành chúng ta, nâng chúng ta lên và giúp chúng ta biến cuộc sống trở thành hiến tế đẹp lòng Người.

Hãy tiếp nhận bài tin mừng nầy như là một tin vui cho phép chúng ta định hướng lại cuộc đời. Điều quan trọng chính là động cơ sâu xa, là sống thực với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Chúa Giê su không muốn một thứ tôn giáo chỉ bằng lòng với những hành vi hay nghi thức bên ngòai. Đối với Người, chính nội tâm con người là nơi phát xuất sự thiện và sự ác; chính từ thâm tâm con người, trong nơi bí ẩn mà con người hòa hợp với Thiên Chúa.

Như người ki tô hữu trưởng thành, tất cả chúng ta được sai đi để làm chứng cho đức tin và niềm hi vọng hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Vấn đề là cần phải để cuộc sống của chúng ta ăn khớp với chứng từ mà chúng ta muốn thể hiện. Ước gì tâm hồn chúng ta được trong sáng và sẵn sàng làm theo Thánh ý Thiên Chúa.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.