Truyền Giáo Trong Vài Môi Trường Đặc Thù

Bài thuyết trình trong lễ khai giảng năm học 2014-2015 Đại Chủng viện Xuân Lộc

Đức Cha Giám đốc đề nghị tôi nói chuyện về đề tài “Hiện tượng tục hóa và ơn gọi linh mục”. Tôi đã thưa với ngài: “Bài thuyết trình của Đức Cha trong Khóa Bồi dưỡng các nhà đào tạo linh mục tại Đà Lạt về đề tài này rất hay, xin Đức Cha trình bày cho các thầy”. Đức Cha Giám đốc nói: “Vậy thì từ kinh nghiệm của Đức Cha, xin Đức Cha thổi lửa truyền giáo cho các chủng sinh. Đề tài tục hóa để dịp khác. Chủng viện Xuân Lộc cũng đang nhấn mạnh nhiều về tinh thần truyền giáo”. Đó là lý do hôm nay tôi được hân hạnh có mặt nơi đây để chia sẻ về đề tài truyền giáo. Xin cám ơn Đức Cha Giám đốc. Xin cám ơn quý Đức Cha và quý Cha, quý Thầy.

“TRUYỀN GIÁO” có một diễn ngữ mới là “PHÚC-ÂM-HÓA”. “Truyền giáo” (Missio) thường được hiểu là loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa. Còn việc “Phúc- Âm-hóa” (Evangelisatio), theo Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu độ” của ĐTC Gioan-Phaolô II, nhằm đến 3 đối tượng: một là những người đã biết Chúa nhưng chưa sống Phúc âm; hai là những người đã biết Chúa nhưng nay bỏ Chúa; ba là những người chưa biết Chúa, cần được truyền giáo theo nghĩa hẹp nói trên. Đối với cả 3 đối tượng này, cần phải thực hiện với một nhiệt tâm mới, phương pháp mới, và cách diễn tả mới, được gọi là tân Phúc-Âm-hóa (Nova Evangelisatio).

Xưa cũng như nay, chỉ có một Phúc Âm hay một Tin Mừng duy nhất, “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời” (Dt 13,8). Tuy nhiên trong một xã hội đa dạng, phức tạp và thay đổi không ngừng, nhất là trong bối cảnh “tục hóa” hiện nay, phương pháp và cách thế loan báo Tin Mừng phải luôn luôn cập nhật hóa, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu và yêu sách đặc biệt của thời đại, cách riêng trong những môi trường đặc thù.

Ở đây xin đề cập đến 2 môi trường đặc thù: môi trường chưa thấm nhuần tinh thần “đổi mới” của Công đồng Vatican II, và môi trường người dân tộc thiểu số. Một vài ví dụ minh họa sau đây cho thấy cần phải đổi mới cách sống đạo và truyền đạo cho phù hợp với tâm thức của thời đại.

1. Môi trường chưa thấm nhuần tinh thần “đổi mới”
của Công đồng Vatican II

Một giám mục đến thăm một giáo họ có khoảng 300 giáo dân, được Ban hành giáo dẫn đi thăm nhà thờ mới xây hết 5 tỷ. Giám mục hỏi: “Ít giáo dân mà sao xây nhà thờ lớn thế ? Chắc bà con ở đây hăng say truyền giáo ?”

– Thưa Đức Cha, ông trùm trả lời, giáo họ chúng con toàn tòng, không có một thằng lương nào lọt vào đây.

– Sao lại gọi người lương bằng thằng ? Vậy chắc là ở đây sinh sản nhiều?

– Thưa Đức Cha, đám trẻ bây giờ chỉ sinh một hai con thôi.

– Vậy cần gì phải xây nhà thờ lớn tốn nhiều tiền như thế ?

– Nhà thờ giáo họ chúng con so với nhà thờ giáo họ bên cạnh còn thua 2 tỷ.

Giám mục hỏi tiếp: “Nghe nói ở giáo họ này, mỗi gia đình có một cuốn Tân Ước ?”. Ông trùm hỏi lại: “Cuốn Tân Ước là cuốn gì, thưa Đức Cha ? Chúng con chỉ học kinh bổn thôi” !

Không biết Tân Ước thì làm sao sống Phúc âm theo gương Chúa Giêsu ?! Chúa Giêsu là trung tâm của việc sống đạo và truyền đạo, chứ không phải nhà thờ là trung tâm ! Vì thế cần được “Phúc-Âm-hóa” theo cách mới bằng việc học hỏi và sống Lời Chúa, đó là tân Phúc-Âm-hóa.

Một dịp khác, giám mục đi làm lễ khánh thành nhà thờ mới; nhà thờ có tháp nhưng chưa có chuông. Sau lễ, Ban hành giáo xin Đức Cha tiền để mua chuông. Đức Cha nói: “Hiện tại có người cho tiền để làm đường bê-tông. Xin mời về tòa giám mục lấy tiền làm đường trước, rồi sẽ có tiền mua chuông sau”. Hai tháng sau, Ban hành giáo có dịp gặp lại giám mục: “Báo cáo Đức Cha, chúng con mua chuông rồi”. Giám mục hỏi: “Tại sao lại mua chuông trước ?”. Ban hành giáo trả lời: “Kéo chuông để truyền giáo, để kêu gọi người ta đến nhà thờ”. Giám mục nói: “Khi nghe tiếng chuông, người bên giáo thì phấn khởi, nhưng người bên lương có thể khó chịu. Khi làm đường cho cả lương và giáo cùng đi, chắc chắn người bên lương sẽ có cảm tình với người bên giáo; chính con đường đó dẫn đến nhà thờ”. Làm đường (quan tâm đến đời sống thực tế của con người) là truyền giáo theo cách mới, là tân Phúc-Âm-hóa !

Tại một giáo họ kia, Ban hành giáo hãnh diện khoe với giám mục: “Họ giáo chúng con tự đóng góp xây nhà thờ này trong vòng 20 năm. Khi xây dựng, và nhất là khi khánh thành, có bà con bên lương đến làm giúp, có cả sư sãi đến ăn mừng nữa”. Giám mục hỏi: “Vậy ở đây, khi bên lương làm chùa mới, bên giáo có đi làm giúp và ăn mừng không ?”

– Thưa không

– Tại sao vậy ?

– Thưa, Cha Xứ không cho đi; Cha Xứ bảo: đạo ta là đạo thật !

Quan niệm truyền giáo bằng cách loại trừ như thế là vì không biết đến “đối thoại tôn giáo” theo tinh thần của Công đồng Vatican II, nghĩa là chưa truyền giáo theo phương pháp mới, chưa thực hiện “tân Phúc-Âm-hóa”.

Một giáo xứ kia, khi đón giám mục đến thăm, đã làm một cái kiệu và mời giám mục lên ngồi trên kiệu. Giám mục không lên kiệu mà đi dưới đất. Sau lễ, Hội đồng Giáo xứ phàn nàn: “Làm kiệu tốn tiền mà Đức Cha không ngồi !”. Giám mục hỏi: “Tại sao các ông muốn tôi ngồi trên kiệu ?”

– Thưa Đức Cha, để cho người ta thấy vinh quang của Giáo hội.

– Giáo hội còn phải noi gương Chúa Giêsu: Người là Thiên Chúa vinh quang nhưng khi làm người thì sống khiêm tốn. Như thế, các ông (làm kiệu) và tôi (đi dưới dất) làm cho người ta thấy cả hai mặt của Giáo hội.

Truyền giáo theo cung cách “khoa trương” không còn hợp thời nữa, mà phải truyền giáo theo cách diễn tả mới là “khiêm tốn phục vụ”; đó là tân Phúc-Âm-hóa.

Từ giáo xứ trên, ban chiều giám mục đến thăm một giáo xứ khác cách đó 4 km. Hội đồng Giáo xứ xin được rước giám mục bằng 50 chiếc xe honda có người cầm cờ ngồi sau cho “hoành tráng”. Giám mục góp ý đón đơn giản từ cổng nhà thờ thôi. Vậy mà nửa giờ trước giờ hẹn đến giáo xứ, đã có đoàn xe mô-tô chờ sẵn để đón giám mục. Giám mục nói với họ cứ về trước, nếu không sẽ không đến thăm giáo xứ nữa, nhưng họ tỏ ra không hài lòng và thưa với giám mục: “Chúng con không được rước là mất cơ hội truyền giáo” ! Truyền giáo bằng cách đó thực tế làm cản trở giao thông, không thể là “tân Phúc-Âm-hóa” được.

Mừng kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II, ĐTC Bênêđichtô XVI trong buổi tiếp kiến 40 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 10-10-2012, đã nhắc nhớ và đề cao đặc tính thời sự của Công Đồng như địa bàn hướng dẫn hành trình của Giáo Hội ngày nay: “Đức Chân phước Gioan Phaolô II (được tuyên thánh năm 2014), trước ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba đã viết: “Tôi cảm thấy hơn bao giờ hết nghĩa vụ phải coi Công Đồng như một đại ân phúc mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20: trong Công Đồng chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trên hành trình trong thế kỷ đang mở ra” (Tông thư Novo millennio ineunte, 57). Tôi nghĩ rằng hình ảnh này thật là hùng hồn. Chúng ta cần trở về với các văn kiện Công Đồng Vatican II… Cả ngày nay, các văn kiện Công Đồng Vatican II vẫn là một hải bàn giúp con thuyền Giáo Hội hải hành trong biển khơi, giữa những bão tố hoặc khi gặp sóng yên biển lặng, để tiến đi chắc chắn và tới đích.” Có thể nêu lên 4 định hướng căn bản của Công đồng Vatican II: Giáo Hội thao thức với sứ mạng truyền giáo;Giáo Hội tập trung vào Ðức Kitô là trung tâm điểm; Giáo Hội gồm toàn thể Dân Thiên Chúa; Giáo Hội nhận thức về mối tương quan mật thiết giữa Hội Thánh và thế giới.

2. Môi trường người dân tộc thiểu số

Giáo phận Đà Lạt hiện có 380.000 giáo dân, trong đó khoảng 140.000 là người dân tộc thiểu số, chiếm 50% số người Thượng trong tỉnh Lâm Đồng. Ngoài Đức Cha Cassaigne, giáo phận Đà Lạt còn có một linh mục được gọi là “tổ phụ” của công cuộc truyền giáo cho người Thượng: Cha Lôrensô Phạm Giáo Hóa, qua đời ngày 29 tháng 12 năm 2012, hưởng thọ 94 tuổi, với 64 năm linh mục nhiệt tâm lo việc truyền giáo.

Trong văn thư ký ngày 16/4/1958 bổ nhiệm Cha Lorensô đặc trách việc truyền giáo cho người dân tộc, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền viết: “Tôi vui mừng nhận thấy Cha có lòng nhiệt thành việc truyền giáo cho Người Thượng. Trong lúc chờ đợi thành lập cơ sở về mục đích trên, nay tôi sai Cha về tạm ở nơi Cha Nguyễn văn Đậu (Blao) để giúp những nơi mới trở lại Đạo, đồng thời học tiếng Thượng.”

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 63 năm linh mục của Cha Cố Lôrensô, Cha Martinô Phú Thứ và Giuse Quang Vinh ghi nhận:

“Học tiếng Thượng và văn hóa của họ, với Cha Cố, không phải chỉ để biết, để giao tiếp, để có thể hướng dẫn họ, hay thậm chí để dạy giáo lý Tin Mừng cho họ, mà trước hết là để có thể đảm nhận cuộc sống của chính mình như họ, và từ đó để có thể phục vụ họ trong tư cách của một người anh em đồng tộc ở giữa họ, và trong tư cách của một người anh em đã được chất men Tin Mừng biến đổi. Được ở gần Cha Cố trong những tháng ngày vừa qua, chúng tôi vẫn thường nghe Ngài từ nhận mình là “Cha Thượng”, “Cha Dân Tộc”. Điều đó càng cho thấy chất men Tin Mừng đã thấm sâu nơi bản ngã của Cha.”

“Chính vì yêu mến mà Cha Cố đã không ngừng đến với anh em Dân Tộc để gần gũi, thăm hỏi, động viên an ủi, sống và chia sẻ cuộc sống đơn nghèo của chính họ: cắt tóc cho những chàng thanh niên, vui bên bầy trẻ thơ nhễ nhãi mồ hôi và bụi đất, trò chuyện bên chóe rượu cần với các già làng, thưởng thức món đọt mây đắng ngắt (Gòl) hay món rau rịa (Biăp Se) thơm ngon, thuốc thang cho những cụ bà đau yếu, và cũng không quên mấy cái chữ cho đám thiếu niên …”

“Những người Dân Tộc của rừng sâu núi thẳm, vốn đơn thành tốt bụng, dẫu chưa hiểu hết những gì Cha Lôrensô giảng dạy về Đạo, nhưng cảm nhận được tình thương yêu của Cha dành cho họ, nên đã tin theo và đón nhận Phép Rửa. Và khi có ai hỏi họ theo đạo nào, Tin Lành hay Công Giáo, thì họ đã xưng mình theo “Đạo Bạp Hóa” (“Đạo Cha Hóa”). Nhà thờ Thiện Lộc được người dân địa phương biết đến với địa chỉ gắn liền với một con người: “Nhà thờ Cha Hóa”.

“Khi B’Lao trở thành Bảo Lộc trù phú với những đồi trà và rừng cà-phê bạt ngàn hương sắc, và khi hạt giống Tin Mừng được gieo đã đến lúc cần được chăm tưới, Cha mời gọi những anh em người Kinh đỡ đầu cho những anh em Dân Tộc: già đỡ đầu cho già, trẻ đỡ đầu cho trẻ, gia đình với gia đình, giáo xứ với bản làng…Tất cả đã trở thành cả “một mạng lưới của tình liên đới” mà tính hiệu năng của nó cho đến nay vẫn còn cần phải được khai thác.”

“Không gì ngăn cản được bước chân truyền giáo của Cha, dù tuổi đã cao, sức đã giảm, và đầu mỗi lúc một cúi sâu về Lòng Đất Mẹ, nhưng Ngài vẫn miệt mài ra đi. Tại nạn xe ngày 03 tháng 01 năm 2010 đã khiến Ngài phải nằm giường từ đó đến nay. Tuy nhiên, lòng Ngài vẫn không ngừng hướng về anh chị em Dân Tộc như những người con được khắc ghi trong trái tim của Ngài.”

“Những ngày cuối cùng trên giường bệnh với những đau đớn thể xác, Cha Cố vẫn kiên nhẫn chịu đựng như đang thông phần vào cuộc Tử Nạn của Đấng mà Ngài đã say mê rao giảng một đời. Sức lực còn lại của Ngài như ngọn đèn dầu đang cháy với những giọt dầu cuối cùng, thế nhưng ánh sáng đức tin của Ngài vẫn đang truyền lan trong lòng người như trong không gian vô tận; vẫn còn làm chứng cho một Tình Yêu có tên là Giêsu, Tấm Bánh đã bẻ ra cho sự sống của anh chị em như khẩu hiệu mà Ngài đã chọn cho cuộc đời linh mục: “Để chúng được có sự sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).”

Điểm nổi bật trong cuộc sống của Cha Cố Lôrensô chính là NIỀM VUI và HẠNH PHÚC phát xuất từ NIỀM TIN. Đối với Cha Cố Lôrensô, “Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi” chính là điều mà Thánh Phêrô đã nói trong đoạn CvTđ: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân… Lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người” (Cv 10, 42.36).

Bình an là khát vọng sâu xa nhất của mọi người, cách riêng những người nghèo khổ. Nhưng làm thế nào để có thể loan báo Tin Mừng Bình An ? Cha Cố Laurensô đã noi gương Chúa Giêsu trong trình thuật của Thánh Luca về hai môn đệ trên đường đi Emmaus: một là, đồng hành với người nghèo khổ; hai là, dùng Thánh Kinh để soi sáng các biến cố; và nhất là, cử hành và sống Bí tích Thánh Thể, vì “khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.

Trên đây là một mẫu gương sống động và cụ thể về việc truyền giáo trong môi trường người dân tộc thiểu số.

3. Trong bất cứ môi trường nào, động lực chủ đạo của
tân Phúc-Âm-hóa là “Niềm vui của Phúc Âm”

Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui của PÂ) là tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, được công bố ngày 24 tháng 11 năm 2013. Trong tông huấn này, Đức Thánh Cha trình bày một giai đoạn mới của Hội Thánh trong sứ mạng hàng đầu của mình là Loan Báo Tin Mừng (hay Phúc-Âm-hoá) trong thế giới hôm nay, với những thách thức của xã hội (kinh tế, chính trị, văn hoá…) và cả những vấn đề của chính Giáo Hội (thái độ tự mãn, lười biếng thiêng liêng…). Ngài nói rõ mục đích của ngài là “khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới” (số 1).

Đức Thánh Cha viết: “Tôi rất vui được thực hiện lời yêu cầu của Thượng Hội Đồng để viết tông huấn này. Làm công việc này, tôi đang gặt hái những thành quả phong phú từ các lao nhọc của Thượng Hội Đồng” (số 16). (THĐ họp tại Vaticanô từ 7 đến 28 tháng 10-2012, với chủ đề: “Tân Phúc-Âm-Hoá để thông truyền Đức Tin.”).

Muốn hiểu đúng tư tưởng của Đức Thánh Cha, cần phải đọc Tông Huấn này theo chủ đích của ngài là lãnh vực mục vụ: “Trong Tông Huấn này, tôi chỉ muốn trình bày một cách vắn tắt và từ quan điểm mục vụ, một số nhân tố có thể cản trở hay làm suy yếu động lực canh tân truyền giáo trong Hội Thánh, hoặc là vì chúng đe doạ sự sống và phẩm giá của Dân Thiên Chúa, hay vì chúng tác động tới những người trực tiếp tham gia vào các tổ chức của Hội Thánh và vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh” (số 51).

Có thể nói “niềm vui” là tư tưởng chủ đạocủa toàn thể bản văntông huấn, là bầu khí tràn ngập tông huấn, từ tựa đề, đặc biệt những đoạn mở đầu tông huấn, cho tới những dòng cuối của tông huấn, niềm vui được ĐTC Phanxicô mô tả hết sức rõ ràng nhưng cũng rất sôi nổi và thi vị. Chỉ cần liệt kê một vài câu của ngài:

– “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu…. được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh… đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này” (số 1).

– “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt…” (số 10).

Người ta đếm được 109 lần Đức Phanxicô sử dụng từ “niềm vui”. Chính Đức Phanxicô đã cắt nghĩa mối tương quan mật thiết giữa niềm vui đón nhận tình thương của Chúa và niềm vui loan báo Tin Mừng, tức là hoạt động truyền giáo của Hội Thánh: “Bởi nếu chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác?” (số 8).

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang dấn thân hoạt động trong Hội Thánh và cho Hội Thánh, nhưng đồng thời ngài cũng đề cập đến các cám dỗ họ đang phải đối diện: “Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người sống đời thánh hiến, nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó …. Kết quả là … tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh. Ba điều xấu này tác động lẫn nhau” (78).

Đối với các chủng sinh, có lần ngài chia sẻ: “Niềm vui đích thực phát sinh từ việc gặp gỡ, từ mối liên hệ với người khác. Nó đến từ cảm giác được chấp nhận, được thấu hiểu, được yêu thương và từ sự chấp nhận… Điều đó thật tuyệt vời… Khi kêu gọi chúng ta Thiên Chúa nói với chúng ta: “Con thật quan trong đối với cha, cha yêu con, cha tin tưởng nơi con”. Đức Giêsu nói điều này với mỗi người chúng ta! Niềm vui được sinh ra từ đây, niềm vui của giây phút Đức Giêsu nhìn tôi. Hiểu và cảm nhận được điều này là bí quyết của niềm vui chúng ta. Cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương, cảm thấy rằng đối với Người chúng ta không phải là những con số, nhưng là những con người, và cảm thấy rằng chính Người kêu gọi chúng ta. Trở thành linh mục, tu sĩ, trước hết không phải là sự lựa chọn của chúng ta. Tôi không tin tưởng một chủng sinh nói rằng: “Tôi đã lựa chọn con đường này”. Điều đó không đúng! Nhưng đó chính là lời đáp trả đối với một tiếng gọi và đối với một tiếng gọi của tình yêu. Tôi nghe thấy điều gì đó trong tôi, làm cho tôi thao thức, và tôi thưa xin vâng. Chúa khiến chúng ta cảm nhận được tình yêu này trong cầu nguyện, nhưng cũng qua rất nhiều dấu chỉ khác mà chúng ta có thể đọc thấy trong cuộc đời chúng ta, qua biết bao nhiêu người mà Người đặt trên đường đi của chúng ta. Niềm vui của sự gặp gỡ với Ngài và tiếng gọi của Ngài không dẫn chúng ta đến chỗ khép kín bản thân nhưng mở lòng chúng ta ra; nó dẫn chúng ta tới việc phục vụ trong Hội Thánh… Đừng sợ phải diễn tả niềm vui vì đã trả lời tiếng gọi của Chúa, của sự lựa chọn yêu thương và làm chứng cho tin mừng của Ngài qua việc phục vụ Hội Thánh… Khi ta gặp gỡ một chủng sinh quá nghiêm nghị, quá buồn, ta nghĩ: có điều gì đó không ổn! Niềm vui của Chúa bị thiếu vắng, niềm vui dẫn ta đến phục vụ, niềm vui của sự gặp gỡ với Đức Giêsu, nó dẫn ta đến gặp gỡ người khác để loan báo Đức Giêsu… Khi ta gặp một chủng sinh, một linh mục, một nữ tu, một tập sinh, với một khuôn mặt buồn thườn thượt, cứ như thể là một cái bao ướt phủ lên cuộc đời, một cái bao nặng nề đã kéo họ xuống… Có điều gì đó không ổn! … Vẻ đẹp của đời dâng hiến: đó là niềm vui, niềm vui”.

Kết luận

Dù trong bất cứ môi trường nào, sứ vụ “truyền giáo” hiện nay, được gọi là “tân Phúc-Âm-hóa”, là một đòi hỏi cấp bách mà các tín hữu – giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân – đều phải quan tâm thực hiện. “Chúa Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong toàn bộ sứ vụ truyền giáo của Giáo hội” (ĐTC Gioan Phaolô II); tuy nhiên con người ngày nay cần cộng tác với Chúa Thánh Thần với “nhiệt tâm” mới, “phương pháp” mới, cách “diễn tả” mới. Chính vì thế, cần “canh tân đời sống đức tin” – “canh tân hoạt động truyền giáo” theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2012:  “Tân Phúc âm hóa để loan truyền đức tin Kitô giáo”.

Đối với công cuộc đào tạo linh mục, đào tạo về các chiều nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ, Giáo hội khẳng định mục tiêu nhắm tới là để trở thành một nhà truyền giáo.

Chúng ta nhớ lại đoạn Mc 3, 13-15 về các yếu tố cấu thành ơn gọi tông đồ: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”.

Antôn Vũ Huy Chương

Giám mục Đà Lạt

Comments are closed.