TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA RỒI (Lc 7,48) – Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 11 Thường Niên – Năm C

Tất cả các bài đọc chủ nhật hôm nay là một lời mời gọi khẩn thiết hãy tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Có nhiều người than thở trong nỗi chán chường tuyệt vọng rằng: “Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi”. Sự thất vọng ấy khiến họ mãi mãi lìa xa bí tích hòa giải. Họ quên rằng, Chúa Giêsu không đặt một giới hạn nào trong việc Thiên Chúa tha thứ cho những người có lòng sám hối.
Nhưng làm sao chỉ cho họ thấy tội mình mà không làm họ mất mặt và nhận chìm họ. Tiên tri Nathan (bài đọc 1) được Thiên Chúa sai đến với Đavít thực hiện một sứ mạng vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Đavít đã phạm tội ngọai tình và giết người. Thay vì cáo tội ông, Nathan đã kể cho ông nghe một dụ ngôn để giúp ông ý thức tội của mình. Và ông nói: “Người đã giết con chiên duy nhất của người hàng xóm để đãi bạn, chính là Bệ hạ. Vua Đavít khiêm nhường sám hối và Thiên Chúa đã tha thứ cho ông.
Bài Tin mừng kể lại một lần nọ, Chúa Giêsu đã được một nhân vật quan trọng, một thủ lãnh người Pharisêu mời dùng bữa. Với tư cách là chủ nhà, theo phép xã giao, lẽ ra ông phải tỏ ra là một người hiếu khách lịch sự. Nhưng ông đã có cái nhìn khinh bỉ đối với người phụ nữ đến ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Đối với ông thì rõ ràng, chỗ của bà không có ở đây. Bà thuộc loại những người tội lỗi không ai được tiếp xúc.
Còn điều mà ông Simon thấy trước tiên nơi người phụ nữ là tội lỗi. Bà bị đóng khung và nhận chìm trong tai tiếng của bà. Vĩnh viễn bà đã bị xếp hạng. Ông Simon không hiểu rằng Chúa Giêsu có thể chấp nhận để cho một người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng đến ngồi dưới chân mình. Nhưng Chúa Giêsu vẫn có tự do của mình. Ngài không sợ phải phá bỏ những rào cản. Ngài tiếp nhận người phụ nữ nầy. Ngài chấp nhận những cách tỏ lòng yêu mến, trân trọng và hối hận của bà. Thậm chí Ngài còn nói chuyện với bà và tha thứ cho bà. Hơn nữa, Ngài đề cao tình yêu và đức tin của bà trước những thực khách tự cho là có lương tâm chân chính và được đánh giá cao hơn.
Người phụ nữ tội lỗi nầy biết mình là bệnh nhân về phần thiêng liêng. Bà đến với Chúa Giêsu như người ta đến với thầy thuốc. Giống như vua Đavít, những dòng lệ chứng tỏ bà thật lòng sám hối ăn năn những lầm lỗi quá khứ. Chính đó là điều mà Chúa Giêsu thấy trước tiên nơi người phụ nữ nầy. Và đối với chúng ta cũng thế. Sự tha thứ của Ngài chỉ đến với chúng ta nếu như chúng ta tin tưởng và khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi trước mặt Ngài. Bấy giờ lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ giải thoát và cứu độ chúng ta.
Để cho mọi người hiểu rõ hơn, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn ngắn. Hai người cùng là con nợ của một chủ nợ. Một người nợ 10 lần nhiều hơn người kia, nên khi được tha, người ấy sẽ mang ơn và yêu mến chủ nợ hơn. Đừng vội cho rằng phần nợ ít hơn là của người biệt phái. Có thể ông không có gì đáng trách trong cách sống, nhưng về tâm tình và cách tiếp nhận Đức Kitô, ông ta còn thiếu sót, vì ông đã bỏ qua những luật lệ sơ đẳng nhất của lòng hiếu khách.
Bài Tin mừng nầy mời gọi chúng ta xét lại cái nhìn mà chúng ta thường có đối với những người chung quanh. Rất thường chúng ta có một bảng xếp hạng trong đầu và trong tim chúng ta. Ít nhiều chúng ta có khuynh hướng xếp hạng người ta theo cái mã bên ngoài hoặc theo những gì mình nghe được. Khi chúng ta có những phán đóan tiêu cực về một ai đó, chúng ta xếp hạng họ và chúng ta dìm họ. Và khi chúng ta gặp họ, chúng ta không còn có một cái nhìn tiếp nhận nữa mà là một cái nhìn tạo khoảng cách. Lí do là vì chúng ta có khuynh hướng xấu, lẫn lộn người có tội với hành vi mà người đó mắc phải. Nathan và Chúa Giêsu lên án những hành vi không thể chấp nhận được, nhưng đối với các Ngài, người tội lỗi là một con người cần phải được cứu vớt. Nếu Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi của mình, thì không phải là để dìm chúng ta, mà là để giúp chúng ta dễ nhìn nhận và sám hối tội lỗi, và sẵn sàng tiếp nhận ơn tha thứ cho phép chúng ta tái sinh.
Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Như Vua Đavít, chúng ta có thể nói: “Người ấy chính là tôi!”. Nhưng ở đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa. Chúng ta được sai đi chính là để làm chứng điều đó trong thế giới bất khoan dung đối với những người lầm lỗi ngày nay. Những ai đã hưởng được ơn tha thứ của Thiên Chúa, đều trở thành một nhân chứng cho tình yêu của Người nơi anh em mình. Chúng ta đừng quên rằng các nhân chứng lớn của đức tin là những tội nhân đã được tha thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến thánh Phêrô, thánh Augustinô, thánh Charles de Foucauld và nhiều vị thánh khác nữa.
Những thái độ ngoan cố và những phán đoán vô trách nhiệm của chúng ta ngăn cản chúng ta hiểu tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà chúng ta đã được hưởng. Chúng ta mù quáng đến nỗi chúng ta không có ý thức về tình trạng tội nhân và nhất là về tình yêu thương xót của Chúa đối với chúng ta. Chủ nhật nầy, chúng ta hãy tiếp nhận lời Ngài mời gọi đi vào trong cuộc phiêu lưu lớn của lòng tha thứ.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.