Sách Đệ Nhị Luật là điểm đến của một trào lưu tâm linh (được mệnh danh cách chính xác là truyền thống Đệ Nhị Luật) vốn có nguồn gốc ở Vương quốc miền Bắc, tạo được những kết quả khá tốt thời cải cách tôn giáo của Giôsiát.[1] Do vậy, điều trước tiên chúng ta phải xác định rằng: Đệ Nhị Luật không chỉ là một quyển sách. Người ta nói tới truyền thống Đệ nhị luật (viết tắt là D), điều đó có nghĩa là nó còn là một trào lưu tư tưởng, là một cách đọc lại lịch sử trong một hoàn cảnh cụ thể là hoàn cảnh thất bại của vương quốc phía Bắc (Samari sụp đổ năm 721).
Cho tới năm 587 tới phiên vương quốc phía Nam bị tàn phá. Nhiều nhà thần học khác cũng sẽ suy gẫm về sự thất bại này và cũng sẽ đọc lại lịch sử đã được viết. Khi nhúng tay san định sách Giosuê và sách Các Vua (cũng như các tác giả D đã san định sách Thủ Lãnh và sách Samuel), các ký lục sẽ cố gắng cho thấy lẽ ra phải sống trung thành với Thiên Chúa như thế nào thì lịch sử Israel đã không đi theo con đường tệ hại như vậy.
Trào lưu Đệ Nhị Luật đã lấy lại các truyền thống liên quan đến Môsê để hiện tại hóa chúng, giải thích lại lịch sử dân tộc – từ cái chết của ông Môsê cho đến cuộc lưu đày – theo một tiêu chuẩn căn bản thống nhất, đó là tiêu chuẩn về lòng trung thành tôn giáo. Chủ đề chính luôn được nhắc lại của sách Đệ Nhị Luật là: làm thế nào để viết lại Giao ước và lề luật cho thời nay? Diễn tả thế nào về cuộc Xuất hành hiện đại? Nỗ lực hiện tại hóa này có ba nét tiêu biểu.[2]
Trước hết: Đệ Nhị Luật hiện tại hóa biến cố Xuất hành bằng cách phối trí trong một bối cảnh phụng vụ và khuyến thiện. Các bài giảng và các câu chuyện của Đệ Nhị Luật gióng lên cách rõ ràng theo một lối văn phong công bố của phụng vụ và khuyến thiện. Những lời ông Môsê nói trực tiếp và truyền đến người nghe. Các từ như “ngươi” và “các ngươi” luôn âm vang. Các biến cố không phải là biến cố của quá khứ mà là biến cố của hôm nay. “Hôm nay” là một từ rất thường gặp trong sách.
Thứ đến: Đệ Nhị Luật hiện tại hóa Giao ước thành sự tái khám phá, trên những hoàn cảnh cụ thể và chỉ thị do luật quy định. Điểm cốt lõi của lề luật và sự mạch lạc của nội dung vốn có giá trị cho mọi người. Theo Đệ Nhị Luật, điểm cốt lõi chính là luật yêu thương (x. 10,12-11,17). Vì thế, điểm cốt yếu của tinh thần Đệ Nhị Luật nhanh chóng được bày tỏ. Đó là tinh thần lắng nghe chăm chú (“Nghe đây hỡi Israel…”), tinh thần yêu thương không gây thương tổn và tinh thần phục vụ:
Giờ đây, hỡi Israel, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc?
(Đnl 10,12-13).
Israel hoàn toàn thuộc về Đức Chúa của mình. Đệ Nhị Luật không bao giờ nói về Giavê cách trống không, mà hầu như luôn nói rằng Đức Chúa Thiên Chúa ngươi, Thiên Chúa của các ngươi, Thiên Chúa chúng ta. Theo Đệ Nhị Luật, toàn bộ việc thừa nhận sự trợ giúp của Đức Chúa bắt nguồn từ tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã hành động trước. Tinh thần Đệ Nhị Luật có một ý nghĩa rất sâu xa về ân sủng. Israel đã được tuyển chọn giữa các dân tộc khác không phải vì Israel có phẩm chất đặc biệt: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân…” (7,7 tt). Chọn lựa của Giavê có tính cách ân sủng thuần tuý:
Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó. Nhưng chỉ có cha ông của anh em là được Đức Chúa đem lòng quyến luyến yêu thương; sau các ngài, giữa muôn dân, Người đã chọn dòng dõi các ngài tức là anh em, như anh em thấy ngày hôm nay.
(Đnl 10,14-15).
Quyền chủ tể hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa là Đấng phát sinh ân sủng, quyền này được thể hiện trong việc trợ giúp con người:
Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ, là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.
(Đnl 10,17-19)
Cấu trúc của tinh thần Đệ Nhị Luật (và tất nhiên của toàn bộ Kinh thánh) là: con người đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa, do vậy nảy sinh việc phụng sự Đức Chúa và sống công bình với đồng loại. Sau cùng phải nói rằng ân sủng không miễn khỏi trách nhiệm. Đó chính là ý nghĩa của chủ đề nói về những phúc lành và những tai họa, về sự sống và cái chết mà Đệ Nhị Luật thường nhấn mạnh. Chủ đề này làm nổi bật địa vị rất quan trọng trong đó Israel đã được ân sủng của Thiên Chúa dẫn dắt. Hẳn là Israel giờ đây sở hữu ân huệ của Thiên Chúa, song về phần Israel cần phải duy trì ân huệ ấy.
Kế đến, Đệ Nhị Luật hiện thực hóa Giao ước thành sự nhận thức và thành sự cải cách dưới ánh sáng của bối cảnh mới mà Israel sống (tôn giáo, xã hội, chính trị). Đệ Nhị Luật nỗ lực nhằm thích ứng Nhất thần thuyết của Do thái (vốn công bố Thiên Chúa của lịch sử) với bối cảnh nông nghiệp mới (với cám dỗ thờ cúng các thần đủ loại của Canaan). Đệ Nhị Luật nỗ lực nhằm xem xét lại các giới luật theo ánh sáng của những cấu trúc mới, vì Israel không còn là một dân du mục nữa nhưng đã định cư, không còn là một liên minh các bộ tộc nữa nhưng là một quốc gia. Đệ Nhị Luật rà soát lại lối sống thiêng liêng trong niềm tin, trong sự tùy thuộc vào Thiên Chúa và trong sự nghèo khó, theo ánh sáng của hoàn cảnh sống mới sung túc và yên ổn (8,1-20).
Về phương diện này người ta cũng có thể nói rằng suy tư của Đệ Nhị Luật đem lại kết quả quan trọng. Theo Đệ Nhị Luật, sự lý giải những dự đoán đã trình bày trước đó, kinh nghiệm về sa mạc (đời sống du mục và sự nghèo khổ) có một giá trị thần học căn bản; đó là một bài học mà Israel cần phải khắc cốt ghi tâm để không bao giờ lãng quên nữa. Đó là cách giáo dục con người sống tùy thuộc vào Thiên Chúa. Từ sự khốn khổ trong sa mạc, Israel cảm thấy bất lực trong việc tạo cho mình những nhu cầu thiết yếu, thế nên buộc phải cầu cứu Thiên Chúa. Đó là thời gian giáo dục niềm tin và đặt ra sự thử thách: một mặt Israel kinh nghiệm về sự kém cỏi của mình, mặt khác cảm nghiệm được sự hiện diện cứu giúp của Thiên Chúa. Israel đã kinh nghiệm rằng “con người không chỉ sống nhờ bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Đó là một bài học Israel phải ghi nhớ nhất là trong hoàn cảnh sung túc hiện thời. Tuy nhiên, đời sống sung túc có những nguy cơ khiến người ta lãng quên Thiên Chúa và tự mãn. Đối diện với những nguy cơ này, Đệ Nhị Luật kết luận, điều quan trọng là hồi tưởng lại kinh nghiệm trong sa mạc, vì đây là cơ hội thực tế.
Thay cho kết luận, chúng ta tập trung vào Đệ Nhị Luật với một vài điểm nhấn căn bản:
1. Sự tuyển chọn (4,32-40): Thiên Chúa tuyển chọn chủ yếu là do yêu thương. Đây không phải là một đặc ân, mà là một sứ mạng.
2. Shema Israel… (6): đoạn đầu của chương này đã trở thành một bài kinh của mọi người Dothái, làm thành trái tim của đức tin. Shema có 2 nghĩa: “Hãy lắng nghe” và “hãy vâng lời”. Như vậy “Hỡi Israel hãy vâng nghe, Đức Chúa là duy nhất” chính là xác quyết nền tảng. Và hệ quả là: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa hết tấm lòng ngươi”.
3. Cuộc sống thường ngày là một thử thách (8,1-5): Thiên Chúa thử chúng ta để xem chúng ta có đặt trông cậy vào một mình Ngài mà thôi không. Bản văn này được lấy lại trong tường thuật các cơn cám dỗ của Đức Giêsu.
4. Luật không phải là một số điều khoản ngoại tại, mà là lời đòi buộc phải đáp trả tình yêu bằng tình yêu (10,12t).
5. Đền thờ là nơi duy nhất mà Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài (12,2-28): mỗi năm 3 lần phải hành hương lên đấy (16,1-17).
6. Ngôn sứ đích thực (18,15-22): Thiên Chúa loan báo Vị ngôn sứ đích thực sẽ đến. Các Kitô hữu đầu tiên coi Vị đó là Đức Giêsu.
7. “Khốn thay kẻ bị treo trên cây gỗ” (21,22): câu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong suy nghĩ của Phaolô về Đức Giêsu bị đóng đinh (Xc. Gl 3,13).
Nguồn: Giuse Phạm Quốc Văn, Một thoáng kinh nghiệm tâm linh trong Kinh Thánh,
NXB Tôn giáo, 23-29.
[1] Giêrusalem năm 622, theo lệnh của của vua Giosiát người ta dọn dẹp trong Đền thờ. Vị thượng tế tìm gặp “quyển sách luật” (2V 22) và Josias coi nó là “sách giao ước” (2V 23,2) rồi dùng nó làm nền tảng cho công cuộc cải cách ông đang tiến hành. Đấy là hoàn cảnh khám phá ra phần cơ bản của cái sẽ trở thành sách Đệ Nhị Luật. Chính những phần cơ bản ấy cũng trải qua một lịch sử phức tạp và việc biên soạn nó trải dài nhiều thế kỷ. Do đó nó chính là cả một trào lưu tư tưởng mà ta phải tìm tòi bởi vì cách suy nghĩ về lịch sử Israel trong tài liệu ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều sách khác của Kinh thánh.
[2] Xc. P. Buis, Le Deutéronome, Paris, 1969; Xem thêm J. Renves, Le Deutéronome, Genève, 1967.