Kinh Nghiệm Tâm Linh Nguyên Khởi Của Israel

        Như người ta có thể dễ dàng nhận thấy điểm cốt yếu, khi Israel tự vấn về nội dung đức tin của mình thì Israel trả lời cách chung bằng những câu chuyện. Hẳn là, trong Kinh thánh có những lời quả quyết về Thiên Chúa, về thế giới, về sự hiện hữu của con người và về kết cục của cuộc đời. Tất cả những vấn đề này bổ sung vào kho tàng minh triết cổ xưa của Đông phương, vốn tạo nên một nguồn cảm hứng dồi dào cho Israel. Tuy nhiên, định hướng sâu xa, tiêu biểu và độc đáo của tư tưởng Dothái dường như còn có cái gì khác nữa: nó bao gồm một chuỗi những sự kiện lịch sử do Thiên Chúa tạo nên giữa lòng dân tộc của họ.

        Quả thật, Kinh Thánh cốt yếu là một hợp thể bao gồm các sách lịch sử và các câu chuyện. Cũng vậy, người ta gặp thấy những công thức ngắn gọn được sáng tác trong một môi trường phụng vụ và những công thức ấy biểu lộ niềm tin chung, đơn cử như: “Thiên Chúa đã đưa nó ra khỏi Ai-cập, Người là sức mạnh của nó tựa sừng trâu” (Ds 23,22; 24,8); “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2; Đnl 5,6); “… nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho chúng tôi nghe, rằng: chẳng phải Đức Chúa đã đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao? Thế mà bây giờ Đức Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người Ma-đi-an” (Tl 6,13). Những công thức ấy gợi lại biến cố lịch sử của cuộc Xuất hành: “Giavê đã đưa chúng ta ra khỏi Ai cập”. Ngoài ra còn có những bản văn phong phú và tiêu biểu khác nữa.

        Bản văn trước hết, đó là bài ca khải hoàn của cuộc Xuất Hành chương 15. Đây là bài thánh thi cổ xưa tạo nên những bản hợp xướng luân phiên: một trong những bản hợp xướng này là một bài thánh thi nói đến sức mạnh của Thiên Chúa, bản khác kể lại việc Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Những lời của bản hợp xướng chúc tụng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong dòng lịch sử. Mỗi bài thánh thi có liên quan tới một sự việc nhất định (biến cố Xuất hành…), nhưng đồng thời cũng vượt quá sự việc ấy, hiện tại hóa một lịch sử đang tiếp diễn. Sự việc được hiểu như lời hứa, nguyên tắc và cách thức Thiên Chúa hành động trong tương lai. Hành động của Thiên Chúa, Đấng giải thoát dân Israel và trừng phạt Pharaon, là cách thức Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân Người: Thiên Chúa giải phóng, Thiên Chúa cứu thoát và trừng phạt. Cách thức này là chìa khóa để đọc lịch sử, được diễn lại trong việc cử hành Phụng tự, và được dùng để tiên đoán về đời sau. Điều quan trọng nhất là: Israel cảm nghiệm về Thiên Chúa trong lịch sử; lịch sử là nơi Israel khám phá những biểu hiện của Thiên Chúa và cách thức hành động của Người. Chính trong biến cố trọng tâm lịch sử của mình, chứ không phải ngoài lịch sử hoặc trong thần thoại, mà Israel tìm thấy chìa khóa đề giải mã những biến cố trong quá khứ và tương lai.

        Bản văn tiêu biểu thứ hai là chương 24 sách Giôsuê. Năm cuốn sách của Môsê như là những nội dung thu gọn trong bản tuyên tín lớn mà Israel nghe ở Sikhem, trung tâm của việc liên minh các bộ tộc sẽ tiến về Đất hứa. Đây là một công thức mới của Giao ước. Trong phần đầu (cc 2-13), người ta liệt kê những việc Thiên Chúa can thiệp: các tổ phụ, sự giải phóng khỏi Aicập, sa mạc và Đất hứa, phần hai là lời đáp trả của dân sau khi nghe. Như người ta thấy ở công thức, cấu trúc của kinh nghiệm niềm tin luôn là điều này: chính trong lịch sử mà Israel nhận biết Thiên Chúa của mình.

        Bản văn quan trọng thứ ba là đoạn văn trích trong sách Đệ Nhị Luật chương 26,4-10.

        Khi anh (em) vào đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp, khi anh (em) chiếm hữu và ở đất đó,2 thì hãy lấy một phần mọi nông sản đầu mùa anh (em) thu hoạch được từ miền đất của anh (em), mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em). Anh (em) hãy để những thứ ấy vào giỏ, rồi đi đến nơi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), chọn cho Danh Người ngự.3 Anh (em) sẽ đến với tư tế tại chức trong những ngày đó và sẽ thưa với ông:

        “Hôm nay tôi xin trình với Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, rằng tôi đã vào miền đất mà Đức Chúa đã thề với cha ông chúng tôi là Người sẽ ban cho chúng tôi.”

        4 Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em).5 Bấy giờ, anh (em) sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) rằng:

        6 Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. 7 Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. 8 Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập.9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật.10 Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.”

        Trong khung cảnh nghi lễ miêu tả về việc dâng hiến sản phẩm đầu mùa, người ta khám phá một dữ kiện bất ngờ. Vấn đề là ở các câu 5-9, chúng không phải là một lời cầu nguyện hướng về Đức Chúa như người ta đoán trước, nhưng là một trình thuật trong đó người ta nói về Đức Chúa ở ngôi thứ ba. Chỉ khi đến cuối trình thuật, người ta mới tìm thấy công thức cần tìm: “Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con”.       Người Dothái thành kính, khi dâng của lễ đầu mùa cũng được mời gọi thực hiện việc tuyên xưng đức tin, một bản tuyên tín phát xuất từ chính dòng lịch sử. Trình thuật làm nổi bật lòng nhân từ nhưng không của Thiên Chúa, Đấng đã dẫn đưa dân từ thân phận nô lệ đến tình trạng tự do và từ sa mạc đến Đất hứa. Kinh nghiệm của Israel phải được nuôi dưỡng bằng ký ức này. Và trong ký ức ấy, Israel tìm được niềm xác tín rằng Lời Thiên Chúa là Lời trung tín.

        Trong một bài nghiên cứu rất hay, W. Zimmerli[1] phân tích công thức: “Và các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta là Đức Chúa”. Người ta gặp thấy công thức này trong sách ngôn sứ Êdêkien (chẳng hạn 7,2-4; 25,3-5; 37,1tt), cũng như trong các truyền thống và các văn mạch khác nhau (ngôn sứ, kể truyện, cầu nguyện, khuyến thiện). Điều cốt lõi không thể chối cãi là có một công thức biểu thị cách thiết thực những nét chung, cách liên tục những sự mô phỏng, biểu thị về kinh nghiệm tâm linh của Israel. Ấn tượng đầu tiên chính là công thức luôn trở lại bằng câu kết thúc của các đoạn văn trong đó người ta kể lại hành động của Thiên Chúa. Sở dĩ người ta nhận biết Đức Chúa là do Người đã hành động trước trong lịch sử. Hơn nữa, sự nhận thức về Thiên Chúa không những xuất phát từ cuộc gặp gỡ với hành động của Thiên Chúa trong lịch sử mà còn từ mục đích hành động của Thiên Chúa chính là sự hiểu biết:

        Hành động của Thiên Chúa không được thực hiện vì chính nó, hành động được hoàn tất nơi con người. Hành động vây bọc con người và dẫn con người đến sự nhận thức về Thiên Chúa.[2]

        Một số đoạn văn (chẳng hạn như: Gr 23,14, trong đó công thức của sự nhận biết kết hợp với sự “hết lòng và hết tâm hồn”) chúng ta đã biết rằng sự nhận thức không chỉ là hành động của trí óc, mà còn là một thực tại xâm chiếm toàn thể thâm tâm con người. “Điều kiện trước tiên để có được sự nhận thức về Giavê, đó là Giavê đã hành động trước.”[3] Kinh thánh không tạo ra sự nhận thức theo kiểu xuất phát từ việc chiêm nghiệm của con người phản tỉnh về chính mình cũng như từ việc phân tích về thế giới.

        Những tác động của Thiên Chúa không biến mất vào trong quên lãng, nhưng đọng lại nơi lịch sử, từ đó con người có thể khám phá ra sự can thiệp của Người trong chính lịch sử của dân tộc, lịch sử của đời mình. Quả vậy những câu chuyện lịch sử, chính là khởi đầu kinh nghiệm tâm linh của Israel. Sự khuyến thiện trong Cựu ước luôn nhấn mạnh đến bổn phận phải lưu truyền hành động của Giavê qua các thế hệ bằng việc kể lại những hành động đó.[4] Israel bổ sung kinh nghiệm lịch sử của mình từ ký ức, truyền thống, và nhất là tái hiện trong phụng tự.

Nguồn: Giuse Phạm Quốc Văn, Một thoáng kinh nghiệm tâm linh trong Kinh Thánh,

NXB Tôn giáo, 17-22.

[1] Xc. W. Zimmerli, “La Conoscenza di Dio nel libro di Ezechiele” (Sự nhận thức về Thiên Chúa trong sách Êdêkien), trong: Rivelazione di Dio. Una teologia dell’Antico Testamento (Mặc khải của Thiên Chúa. Thần học về Cựu ước), Milan, 1975, tr. 45-108.
[2] W. Zimmerli, Sđd., tr. 51.
[3] W. Zimmerli, Sđd., tr. 72.
[4] Xc. Sđd., tr. 75.

Comments are closed.