Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên – Ngày 30/09/2022

Lời Chúa: Lc 10,13-16

Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

 


Suy niệm

HÃY SÁM HỐI

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi” (Lc 10,13).

Lời rao giảng đầu tiên và cũng là trung tâm lời rao giảng của Đức Giêsu đó chính là sám hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tất cả những phép lạ Ngài làm cũng với một lời mời gọi tương tự. Thế nhưng nhiều người đã không đón nhận lời mời gọi này và đã không sám hối. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi người ta ăn năn hối cải.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin, hỡi Betsaiđa…” Đây không phải là lời nguyền rủa, cũng không phải là lời buộc tội gay gắt, nhưng là lời thở than ái ngại và biểu lộ sự răn đe. Dân thành Khoradin, Betsaiđa và Caphananum đã được chứng kiến bao phép lạ Ngài làm nhưng vẫn chai lì, không tin, không đón nhận lời mời gọi của Chúa. Ngược lại dân thành Tia và Siđôn là những vùng dân ngoại lại đón nhận các phép lạ Chúa làm để sám hối.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay. Lời than thở ái ngại dành cho các thành xưa cũng được dành cho chúng ta hôm nay. Sự chai lỳ của dân thành Khoradin, Betsaiđa xưa cũng chính là sự chai lỳ của chúng ta hôm nay. Chúng ta vẫn chai lỳ vì những điều đáng ra phải làm mà lại không làm. Đó là việc tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Chúa hay việc thi hành bổn phận của Kitô hữu trong cuộc sống thường ngày. Cùng với đó, chúng ta vẫn chai lỳ vì những việc đáng ra không được làm mà chúng ta lại cứ làm dù đã được Hội Thánh nhắc nhở. Đó là lối sống gian tà, chiều theo những lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỷ, làm những điều phản lại tinh thần bác ái Kitô giáo.

Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa. “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26). Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ. Điều quan trọng là sám hối. Điểm khác biệt giữa thánh nhân và tội nhân cũng chính là sự sám hối. Cả thánh nhân và tội nhân đều bằng nhau và như nhau nơi lòng thương xót của Chúa, nhưng khác nhau ở chỗ đón nhận lòng thương xót ấy. Thánh nhân thì biết đón nhận lòng thương xót Chúa và hoán cải, còn tội nhân thì chai lỳ trong tội lỗi của mình, từ chối lòng thương xót Chúa.

Là con người, chúng ta không tránh khỏi những lỗi lầm, thiếu sót, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết ăn năn hối cải. Ước mong rằng, mỗi người chúng ta luôn biết cậy dựa vào tình thương của Chúa, trở lại cùng Chúa, sám hối tội lỗi của mình để đón nhận ơn tha thứ và bình an. Amen.


Comments are closed.