Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh – Ngày 14-05-2021

Lời Chúa: Ga 15,9-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau.

 


Suy niệm

NỐI NGUỒN CHÚA GIÊSU

“Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9)

Bóng đèn tự nó không thể chiếu sáng, nhưng nếu muốn được chiếu sáng, nó cần được nối với nguồn điện. Người môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy, nếu muốn dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội một cách hăng say và hiệu quả, người môn đề cần phải được nối nguồn và ở lại trong tình yêu của Chúa. Vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Chương 15 trong Tin mừng theo thánh Gioan nói về hình ảnh cây nho với cành nho. Hình ảnh này được sánh ví với tương quan tình yêu không thể tách rời của Chúa Giêsu với các môn đệ. Như cành nho nếu tách lìa với cây nho thì nó sẽ héo và chết khô. Trái lại, nếu cành nho hút lấy nhựa sống từ cây nho, nó sẽ xanh tươi và sinh nhiều hoa trái. Người môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy, nếu tách lìa khỏi Chúa, họ sẽ chẳng thể làm được gì. Thế nhưng khi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu qua việc suy gẫm Lời Chúa và tham dự các Bí tích, người môn đệ mới có thể sản sinh nhiều hoa trái đó là đời sống dấn thân phục vụ, lòng quảng đại hy sinh, và sự trung tín bước theo Chúa đến cùng. Khi yêu thương ai, hẳn chúng ta luôn muốn sống bên cạnh người ấy để chia sẻ, và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, phương chi là tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Chúa Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Người muốn họ luôn ở với Người cũng như Người hằng ở với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ diễn tả tình yêu của Người với Chúa Cha và các môn đệ một cách chung chung hay lý thuyết. Nhưng Chúa Giêsu đã minh chứng tình yêu của mình bằng sự tuân phục hoàn toàn theo ý Chúa Cha và đã trao hiến cả mạng sống của mình cho người mình yêu. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.”(x.Ga 15,9)

Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ và Người mời gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Trợ động từ “hãy” vừa là lệnh truyền vừa là lời mọi gọi để đáp trả tình yêu mà Chúa Giêsu đã minh chứng. Điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ đáp trả chắc chắn không phải là thứ tình cảm ủy mị, cảm giác dễ chịu, hay lãng mạn nhưng phải là minh chứng bằng hành động, bằng cả con người với sự hy sinh và sự cho đi. Sự hy sinh càng lớn, sự cho đi chính mình càng nhiều thì tình yêu càng đúng nghĩa. Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hoà bình nói chuyện : “Tôi mơ ước một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…Ông ra sức thực hiện ước mơ ấy, biết bao khó khăn thử thách, ghen tương, đố kỵ đã ập xuống trên ông, nhưng ông vẫn kiên quyết thực hiện hoài bão này. Năm 1968. M.L.King đã ngã gục dưới lằn đạn của những kẻ thù ghét ông. Nhưng công trình của ông vẫn được tiếp tục, bởi ước mơ của ông đã trở thành ước mơ của hàng triệu con người trên thế giới.”

Chương 15 trong Tin mừng theo thánh Gioan gợi lên mối tương quan tình yêu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Là những người dâng hiến đời mình cho Chúa, chúng ta có thể tự xét lại về tình yêu của mình dành cho Chúa Giêsu: Tình yêu của tôi dành cho Chúa Giêsu đang ở mức độ nào? với cường độ và trường độ ra sao? Nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta nhận ra rằng: Chỉ có được hoa trái là đời sống phục vụ nếu chúng ta biết gắn kết và ở lại trong tình yêu của Chúa. Và, để có được tình yêu của Chúa, chúng ta phải ở lại trong đức tin của Giáo hội, qua việc chuyên chăm suy gẫm Lời Chúa, nối nguồn với Chúa Giêsu Thánh Thể và tuân giữ điều răn yêu thương Chúa đã dạy và nêu gương.

Xin Chúa cho chúng ta luôn xác tín vào tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, nhờ đó, qua việc chuyên chăm cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta luôn có được tình yêu của Chúa Kitô thúc bách để dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội cách hiệu quả hơn.


Comments are closed.