Thầy Là Đấng KiTô (Mc 8,29) – Chúa Nhật 24 Thường Niên – Năm B

Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi của Chúa Giêsu: “Người ta bảo Thầy là ai ?”. Trước hết, các môn đệ trả lời bằng cách nói lên ý kiến của người khác về Đấng Messia của Thiên Chúa. Họ hình dung đấng Messia theo hình ảnh Thiên Chúa quyền năng, mạnh mẽ và chiến thắng đã đưa dân nô lệ ra khỏi Ai cập. Rồi khi Chúa Giêsu quay sang hỏi chính các môn đệ, thì ông Phêrô đã không ngần ngại đại diện anh em lên tiếng: “ Đối với chúng con, Ngài là Đấng Messia”. Thật là một lời tuyên xưng đức tin mẫu mực. Nhưng sau khi nghe Chúa Giêsu loan báo rằng Ngài sẽ là một Đấng Messia chịu đóng đinh thì Phêrô không còn hồ hởi tán đồng nữa. Điều mà ông chờ đợi từ đấng Messia là phải chiến thắng quân thù, đặc biệt là bọn La mã xâm lược, và bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa. Phản ứng của ông giống y quỉ dữ khi đề nghị Chúa biến đá thành bánh để làm dịu cơn đói. Phản ứng của Chúa Giêsu rất mạnh mẽ: “Đừng có đứng trước mặt tôi để nói cho tôi biết điều tôi phải làm; hãy đi theo tôi trên con đường tương xứng với vị Messia đích thật”.

Đâu là những lời mời gọi Chúa dành cho chúng ta? Ở mỗi Thánh lễ chúng ta đều lớn tiếng tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại cho từng người câu hỏi ấy: “Đối với con, Thầy là ai?”. Con tin vào một vì Thiên Chúa nào? Khi người ta nhìn thấy hoặc nghe nói các cuộc chiến tranh, các cuộc thảm sát nhân danh Thiên Chúa, thì niềm tin ấy không còn đứng vững nữa. Thiên Chúa đích thật không phải là một đấng thuộc phe nầy chống lại phe kia. Ngài cũng không phải là đấng mà ai cũng có thể kéo về phía mình để mong được thành công trong công việc. Và nếu chúng ta đọc Thánh Kinh, thì đừng mong tìm được những câu trả lời có thể biện minh cho những xác quyết của chúng ta. Thiên Chúa đích thật luôn luôn ở ngoài những gì mà chúng ta nghĩ về Ngài. Ai tin vào Chúa Giêsu, thì chỉ có một việc phải làm là từ bỏ chính mình, vác thập giá và đi theo Ngài.

Cử hành đức tin, đó là điều quan trọng, thậm chí cần thiết nữa. Đức tin cần được nuôi dưỡng tận nguồn bằng các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính trong tương quan thường xuyên với Thiên Chúa mà chúng ta tìm được sức sống để hoạt động. Nhưng khi chúng ta tuyên xưng đức tin, cần phải đi đến tận cùng của sự dấn thân mà niềm tin đòi hỏi, vì chỉ tin bằng lời thì chưa đủ. Đức Kitô đang chờ đợi chúng ta sắp xếp cuộc sống theo cuộc đời Ngài.

Khi hỏi chúng ta nghĩ Ngài là ai, Chúa Giêsu không chỉ chờ đợi một câu trả lời lí thuyết, tri thức hay tình cảm. Câu trả lời đích thực trước tiên nằm trong cách chúng ta sống. Tiếp nhận Đức Kitô và dành vị trí ưu tiên cho Ngài sẽ thay đổi tất cả mọi sự trong cuộc đời. Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta đã được dìm vào trong đại dương tình yêu của Thiên Chúa. Dầu thánh xức trên trán diễn tả sự dấn thân sống động của đức tin. Từ “Kitô” có nghĩa là “được ghi dấu bằng dầu”. Tất cả mọi người chịu phép Rửa đều được mời gọi trở nên Kitô bằng cách sống và yêu thương.

Trong thư, thánh Giacôbê nhắc chúng ta về đức tin cụ thể ấy: có đức tin và là người tín hữu không thôi chưa đủ, còn cần phải hành động: “Đức tin không có hành động là đức tin chết!”. Đức tin và hành động không đối kháng nhau, nhưng trái lại, bổ túc cho nhau. Để làm người kitô hữu đúng đắn, đức tin cần được dấn thân một cách cụ thể và mọi sự dấn thân cần được bắt nguồn từ một đức tin sâu sắc.

Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta họp nhau trong nhà thờ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin gắn bó với Đức Kitô. Cuối thánh lễ, chúng ta được sai đi sống đức tin qua những dấn thân trong cuộc sống. Mỗi người được mời gọi tìm cho mình những cử chỉ đón tiếp, lắng nghe và sẵn sàng đối với những người mà chúng ta gặp trên đường, qua các tình huống cụ thể của mỗi người. Đức Kitô đang hiện diện ở đó, bên cạnh những người bé nhỏ và bị bỏ rơi.

Là người tín hữu, cũng có nghĩa là chứng thực đức tin trong cách xử sự hằng ngày trong gia đình cũng như trong cuộc tiếp xúc ngoài xã hội. Nếu chúng ta không lương thiện trong nghề nghiệp, nếu chúng ta không công bằng, nếu chúng ta nói xấu người anh em, nếu chúng ta trở nên những kẻ khó chịu đối với những người chung quanh, thì đó là một cuộc sống phản chứng. Chính ngang qua cách chúng ta sống mà chúng ta có thể cho thấy đức tin của chúng ta.

Chúng ta được sai đi vào trong một thế giới càng ngày càng tục hóa, có nhiều niềm tin sai lạc và dửng dưng. Thế giới đang cần những chứng nhân có đức tin sống động. Khi đến với bí tích Thánh thể, chúng ta được nuôi dưỡng và tăng cường bởi Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi đi sau Ngài và cho thấy một đức tin hoạt động. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trung thành với sứ mạng ấy.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.