Sự Gì Thiên Phối Hợp, Con Người Không Được Phân Ly (Mc 10,9) – Chúa Nhật 27 Thường Niên – Năm B

Khi nghe bài tin mừng hôm nay ai trong chúng ta có thể nghĩ đến những tình huống đau thương: ngày mà vợ chồng ra trước tòa để xin li dị, để rồi từ đó, tổ ấm mà họ đã thiết lập và thề hứa trung tín đắp xây không còn hiện hữu nữa.

Điều mà người ta quên là đừng bao giờ đưa ra tòa kết án ai. Chúa Giêsu không đến để lên án ai mà để cứu chuộc mọi người. Ngài dẫn hai người phối ngẫu về với lương tâm của mình, về với tiếng nói nội tâm mạc khải cho họ chân lý về tình yêu.

Vào thời Chúa Giêsu, ly dị là một vần đề gây nhiều tranh luận. Có người thì rất nghiêm khắc cho rằng chỉ có sự bất trung của người vợ mới có thể gây ra sự đỗ vỡ. Có người thì dễ dãi hơn, chủ trương chỉ cần một bữa ăn không ngon miệng cũng đủ để ly dị. Khi bắt buộc Chúa Giêsu tỏ rõ lập trường, người ta muốn giăng bẫy thử Ngài. Nếu Ngài cho phép ly dị, Ngài sẽ có những đối thủ chống lại Ngài. Còn nếu Ngài cấm, Ngài sẽ mâu thuẫn với luật Mô sê cho phép ly dị. Câu trả lời của Chúa Giêsu phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa. Người đàn ông và người đàn bà được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Họ bình đẳng nhau về nhân phẫm. trong hôn nhân họ không còn phải là hai, nhưng là một xác thịt. Vậy, điều mà Thiên Chúa phối hợp thì con người không được phân ly.

Như thế, thật rõ ràng: Con Người đến là để tái lập chương trình của Thiên Chúa Cha về yêu thương. Khi các môn đệ thắc mắc và vô cùng ngạc nhiên trước sự nghiêm khắc ấy thì Chúa Giêsu nói trắng ra: Bỏ nhau rồi đi cưới người khác đó cũng là ngoại tình, đối với chồng cũng như đối với vợ. Nhiều người cảm thấy khó hiểu trước những khẳng định và đòi hỏi đó, và muốn xem lời nói nghiêm khắc đó là sai lầm bằng cách nghĩ rằng cần phải thông cảm, đưa về lại mức độ con người.

Và như thế con người đã lèo lái lời Chúa khi biến đổi Lời Ngài thành lời con người hay luật lệ của con người. Mô sê là người trước tiên nhượng bộ kiểu đó. Ông không chủ trương cho ly dị, nhưng từ những tình huống cụ thể ông đã cho phép để hạn chế những thiệt hại  có thể xảy ra. Chúa Giêsu muốn lột mặt nạ cội rễ sự ác. Đó chính là tâm hồn con người. Không thể yêu mến theo cách của Thiên Chúa nếu tâm hồn chai cứng và xấu xa, đầy tính ích kỉ và kiêu căng. Khi muốn đặt bản thân mình làm thầy, con người muốn trở thành độc nhất và không chừa đất sống cho người người khác. Đó là nguyên nhân đưa đến sự chạm trán của đôi vợ chống. Họ trở thành hai kẻ chống đối nhau như hai người lạ mặt, thình thoảng như thù địch. Từ đó không thể có hiệp thông thực sự. Ngày nay có nhiều gia đình sống chung nhưng không thực sự yêu thương nhau. Dù sự rạn nứt không tỏ ra bên ngòai, nhưng coi như đã ly dị. Chúa Giêsu đã đến loan báo  một Tin Mừng: điều gì mà con người không thể thì Thiên Chúa lại có thể thực hiện được. Người có thể ban cho chúng ta một tâm hồn mới, một thần trí mới. Vấn đề đích thực cho mỗi người chúng ta không phải là tìm cách cải hóa người khác, nhưng là cải hóa chính mình: đổi mới chính tâm hồn chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể dạy chúng ta yêu thương như Người đã yêu thương, nghĩa là một cách nhưng không và không đòi điều kiện tiên quyết. Người trung thành ngay cả khi chúng ta phản bội. Người vẫn mãi yêu thương bất chấp chúng ta đối xử với Người như thế nào. Nếu chúng ta muốn là con Thiên Chúa, thì hãy trở nên hòan hảo như Cha chúng ta ở trên trời là đấng hoàn hảo. Mà cho dù chúng ta chưa thực hiện được điều Người mong ước, thì ước muốn của Người bao giờ cũng vẫn là niềm hạnh phúc của chúng ta.

Nhưng chúng ta phải làm gì khi so sánh lí tưởng hòan thiện ấy với con người yếu đuối của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đều nhận rằng mình không phải là thánh nhân cũng không phải là những bậc anh hùng. Dù vậy, chúng ta phải không ngừng bảo vệ gia đình, vì bảo vệ gia đình tức là bảo vệ toàn xã hội. Đức Gioan Phao lô II đã thường xuyên nhắc nhở rằng tương lai nhân lọai tùy thuộc vào gia đình. Chính nơi đó chúng ta học những bài học về sự chia sẻ, cống hiến, và kính trọng người khác. Cũng chính nơi đó mà chúng ta học được cách mở tâm hồn ra để tiếp nhận sự phong phú của lòng tha thứ và lắng nghe, sự kính trọng những khác biệt và sự kiên trì để được lớn lên. Chúa không ngừng mời gọi chúng ta dẹp bỏ khỏi tâm hồn sự giả hình giống như Pharisêu. Tất cả chúng ta là những người mà Thiên Chúa đã kết hợp bằng phép thanh tẩy như là những phần tử cùng một gia đình. Như những người khập khểnh dựa vào nhau để bước đi, chúng ta hãy dìu nhau để bước đi cho thẳng, đừng tách rời những người mà Thiên Chúa đã phối hợp và tiếp tục gọi là con cái của Ngài. Nhiều hoàn cảnh khó khăn của đôi vợ chồng Kitô có thể tránh khỏi hoặc được vượt thắng nhờ lời mời gọi đôi vợ chồng nhớ đến ân sủng bí tích hôn nhân của họ. Tại sao lại không bảo nhau thường xuyên hơn: ‘Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đã hứa trung thành với nhau, Cũng chính Ngài ban người nầy cho người kia. Tại sao bây giờ lại nghi ngờ? Thiên Chúa thì không thay đổi’.

Chúa muốn nhắc lại tất cả những điều ấy cho các đôi vợ chồng trước cộng đoàn Kitô hữu. Vợ chồng Kitô sống một mình là điều nguy hiểm: họ không thể không cần đến sự nâng đỡ của cộng đoàn, của toàn thể Giáo Hội. Đứng lẻ loi một mình thì không thân cây nào có thể chống chọi lại những cơn bão táp. Rồi sẽ đến một ngày nó không còn sức chống nỗi và sẽ gục ngã. Nếu liên kết thành một khối, cả rừng cây sẽ đứng vững trước mọi cơn bão táp. Hơn thế nữa, các đôi vợ chồng Kitô càng cần kết hợp với nhau thành một để có thể chống lại những cơn lốc của một nền văn mình tìm mọi cách để thổi bay những cột mốc Kitô! Chính vì nghĩ đến tất cả những giới hạn và yếu đuối mà chúng ta hôm nay hướng về Chúa. Chúng ta phải không ngừng nói lên và lặp lại rằng: Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta một cách không điều kiện, cho dù chúng ta có ra sao và lỗi lầm như thế nào. Người vẫn đến tìm và gặp chúng ta ngay chính nơi chúng ta đang té ngã để mời gọi chúng ta tiến lên một bước nữa trên con đường sự sống. Ước gì Tin Mừng ấy nuôi dưỡng niềm hi vọng và lời kinh của chúng ta.

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.