Người tín hữu Việt Nam với việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria

Khởi đi từ “văn hóa mẹ” nên người Việt rất dễ dàng đón nhận và hết lòng sùng tín với “niềm tin vào Mẹ”. Có dấu đanh thiên thu ghi trên thân xác người Con thì cũng có lưỡi đòng xuyên thấu trái tim người Mẹ. Có thánh giá cứu đời của con và cũng có mẫu tâm hiệp thông cứu chuộc của Mẹ. Mẹ cao sang, Mẹ vinh hiển, nhưng Mẹ cũng thật gần với người tín hữu….

1. Nhận định chung

Lòng đạo đức bình dân đối với Mẹ Maria vừa đa dạng trong những cách biểu thị, vừa sâu sắc trong những động cơ và là một sự kiện đáng chú ý của Giáo Hội. Sự sùng kính này bộc phát từ niềm tin và lòng yêu mến của dân Chúa đối với Đức Kitô và từ sự thấu hiểu sứ mạng Thiên Chúa đã giao phó cho Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ. Mẹ Maria vừa là của Mẹ Đấng Cứu Thế, vừa là Mẹ của tất cả mọi tín hữu trên bình diện ân sủng[1].

Mẹ Giáo Hội hằng cổ võ con cái mình, thừa tác viên chức thánh cũng như tu sĩ và giáo dân, phát huy lòng sùng kính cá nhân và cộng đồng của họ nhờ những việc tôn sùng mà Giáo Hội chấp nhận và khuyến khích[2].

Hình ảnh người mẹ trong văn hóa Việt rất thân thương và gần gũi. Biết bao điều gợi nhớ về mẹ: những dòng sông, những ngọn núi, tên gọi quê hương, tiếng nói con trẻ vang lên cũng mang giọng chân quê “Tiếng Mẹ”. Cần có mẹ để có con, mỗi ngày có thêm bao người bắt đầu làm mẹ để cuộc sống không vắng bóng mẹ. Mẹ như bầu trời, như ánh sáng, như biển rộng sông dài. Mẹ hiện diện khắp cả trong tâm trí cũng như trong mắt nhìn.

Khởi đi từ “văn hóa mẹ” nên người Việt rất dễ dàng đón nhận và hết lòng sùng tín với “niềm tin vào Mẹ”. Có dấu đanh thiên thu ghi trên thân xác người Con thì cũng có lưỡi đòng xuyên thấu trái tim người Mẹ. Có thánh giá cứu đời của con và cũng có mẫu tâm hiệp thông cứu chuộc của Mẹ[3]. Mẹ cao sang, Mẹ vinh hiển, nhưng Mẹ cũng thật gần với người tín hữu. Người tín hữu kính sợ Mẹ nhưng còn kính mến Mẹ nhiều hơn:

“Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng

Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Maria linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…”

                                                                        (Trích bài thơ Ave Maria của thi sĩ Hàn Mặc Tử)

2. Một vài việc đạo đức dâng kính Đức Maria của người giáo dân Việt Nam

Giáo dân Việt Nam dành nhiều thời gian và hoạt động trong năm để tỏ lòng tôn kính yêu mến Đức Mẹ như: Dâng hoa tháng Năm, lần chuỗi Mân Côi tháng Mười, tổ chức rước kiệu, kính nhớ Đức Mẹ vào mỗi thứ bảy hàng tuần, cử hành tuần tam nhật-cửu nhật, suy ngắm Bảy Sự Đau Đớn của Đức Mẹ,…

Đọc kinh Mân Côi

Kinh Mân Côi hay tập Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ, là một trong những lời kinh đẹp nhất dâng về Thân Mẫu Chúa[4]. Kinh Mân Côi là lời kinh được vô vàn các thánh yêu thích và được Huấn quyền cổ võ. Lời kinh đơn sơ nhưng sâu sắc và dễ dàng hòa nhập vào đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam. Kinh Mân Côi thật đẹp, đáng ca ngợi và chiêm ngưỡng vì có được chiều sâu của sứ điệp Tin Mừng. Suy ngắm từng mầu nhiệm kinh Mân Côi là ta đang dõi bước theo cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế. Kinh Mân Côi thường được đọc chung trong các nhà thờ, nhà nguyện trước hoặc sau thánh lễ, các đài Đức Mẹ, giờ kinh gia đình, nguyện giỗ, các cuộc rước… Đặc biệt vào tháng Mười – tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn đạo dâng nhiều kinh Mân Côi kính Mẹ. Không chỉ lần chuỗi 50 hay 150, bổn đạo còn tổ chức “Chuỗi Mân Côi sống”[5]; hoặc kết hợp đọc kinh với suy ngắm trọng thể các mầu nhiệm Mân Côi. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình có ghi lại Phép Lần Hạt Rất Thánh Đức Bà Văn-Côi – mười lăm sự chia ra làm ba phần…;  Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca – Vườn Rosa quanh trái đất, cảnh thiên nhiên rất diệu hiền…; Văn Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca – Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ, suy ơn cứu chuộc loài người thế…[6] để các bổn đạo đọc cách trang trọng trong tháng Mân Côi.

Linh mục Giuse Hoàng Kim Toan, chánh xứ giáo xứ Tân Hòa thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn từng chia sẻ: Trong một lần về nhà, đứa con hỏi mẹ: Tại sao lúc nào Mẹ cũng đọc kinh Mân Côi? Bà mẹ trả lời với con: Lời kinh ấy cho mẹ đức tin. Những ông bố, bà mẹ Việt Nam có khi chẳng đọc được chữ, nhưng nhờ lời kinh Mân Côi mà giữ được đạo cách trung kiên. Tâm tình ấy đã được đúc kết qua bao đời, lưu truyền nơi dòng máu người tín hữu Việt Nam. Người tín hữu Việt Nam bình dân bao giờ cũng thích đọc kinh hơn là thinh lặng để suy gẫm, họ cứ tập họp cầu nguyện ở đâu là đọc kinh râm ran ở đó. Thiếu đọc kinh (Mân Côi) là buổi cầu nguyện dường như chưa trọn vẹn. Thế mới có câu thơ thời trước Công Đồng Vaticanô II ở Việt Nam:

“Các thầy đọc sách La-tinh

Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”

Kiệu Đức Mẹ

Kiệu rước là hình thức tôn sùng phổ biến ở nhiều giáo xứ; đặc biệt là các giáo xứ miền Bắc hay gốc bắc. Cuộc rước kiệu thường có mặt đầy đủ các hội ban với những bộ đồng phục rất đa dạng và rực rỡ. Nhiều nơi, cỗ kiệu được sơn son thếp vàng và trang hoàng rất lộng lẫy. Cuộc rước kiệu Đức Mẹ thường kết hợp với việc lần chuỗi Mân Côi và hát Thánh ca kính mừng Đức Mẹ.

Kính nhớ Đức Mẹ ngày thứ Bảy hàng tuần và ngày 13 hàng tháng

Trong những ngày dành riêng cho Đức Mẹ, ngày thứ Bảy chiếm một vị trí đặc biệt, vì nó được nâng lên thành ngày kính nhớ Đức Maria. Người ta không biết những lý do khiến ngày thứ Bảy đã được chọn, chỉ biết đây là truyền thống cổ kính của Giáo Hội, nhắc nhở cho con cái Giáo Hội biết Đức Mẹ luôn luôn hoạt động trong đời sống Giáo Hội. Trong ngày này, ngoài việc lần chuỗi Mân Côi, bổn đạo cũng cử hành suy ngắm về Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà.

Ngoài việc kính nhớ Đức Mẹ ngày thứ Bảy mỗi tuần, bổn đạo còn dùng ngày 13 mỗi tháng để kính nhớ việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và để đáp trả sứ điệp Mẹ nhắn nhủ với tất cả con cái Giáo Hội của Mẹ là: Cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ. Ở các giáo xứ trong miền Nam, trong ngày này, các bổn đạo thường đi hành hương kính Đức Mẹ ở Fatima Bình Triệu, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức Mẹ La Mã – Bến Tre, thuộc giáo phận Vĩnh Long. Những năm gần đây có thêm hành hương Đức Mẹ Tà Pao, thuộc giáo phận Phan Thiết. Nhìn chung bổn đạo rất sốt sắng và thành kính.

Tận hiến cho Mẹ

Rảo qua lịch sử lòng đạo đức Kitô giáo, người ta ghi nhận nhiều kinh nghiệm khác nhau, cá nhân cũng như cộng đồng về “sự dâng hiến cho Đức Mẹ”[7]. Thánh Louis Marie Grignion de Monfort là bậc thầy về việc dâng hiến này. Ngài đề nghị các Kitô hữu việc dâng hiến cho Chúa Kitô qua tay Mẹ Maria như phương thế hữu hiệu để sống trung thành với lời hứa khi chịu Phép Rửa[8].

Tín hữu Việt Nam có các hội đoàn tận hiến cho Đức Mẹ như Hội Con Đức Mẹ, Hội Tràng Hạt Liên Tiếp, Hội Ảnh Áo Đức Bà Núi Carmelo, Hội Tận Hiến Dòng Đồng Công… Trước đây, một số giáo xứ thuộc (hay gốc) địa phận Dòng có thói quen cho các em thiếu nhi vừa được rước lễ lần đầu dâng mình cho Đức Mẹ, mặc Ảnh Áo Đức Bà Núi Carmelô với ý nghĩa mặc lấy Chúa Kitô với sự trợ giúp của Đức Mẹ; trông cậy vào sự chuyển cầu của Đức Mẹ với lòng tin trọn vẹn để được Mẹ đỡ nâng, che chở xác hồn.

Dâng hoa tháng Năm

“Một năm hai tháng Đức Bà,

Một là Hoa Phượng hai là Văn Côi”

Tháng Năm còn được gọi là tháng Hoa (hay mùa hoa), nhiều giáo xứ tại Việt Nam thường tổ chức dâng hoa kính Đức Mẹ vào tháng này. Trong mùa hoa, mỗi giáo họ đều quy tụ một đội hoa riêng, trao cho các bà quản tập tành suốt cả tháng trời, nhộn nhịp sôi nổi nhất là hai ngày “khai hoa” và “giã hoa”, thường có sự thi đua giữa các xóm, đôi khi còn rước đoàn hoa xứ bạn đến “hội hoa” hay “góp hoa”[9]. Đội hoa là những em thiếu nhi tuổi từ 6 – 14 được phục sức bằng những bộ trang phục rất rực rỡ, với năm sắc hoa trên tay: đỏ, trắng, vàng, tím, xanh. Dâng hoa phải có cung điệu ca hát nhịp nhàng. Bài ca hay vãn dâng hoa thì tùy theo từng giáo phận, giáo xứ. Sách kinh của địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình có chép bài vãn dâng hoa ngâm theo cung giọng Bắc[10]. Bài vãn này gồm: Thăng đường ngâm – nhị nhân ngâm; Ngũ bái vịnh – chúng nhân đồng vịnh: Ba câu bái vịnh thờ lạy Chúa Ba Ngôi, một câu bái vịnh Đức bà, và một câu bái vịnh thiên thần các thánh. Thủ hoa ngâm – nhị nhân ngâm: cầm lấy hoa; Tiến hoa tụng – chúng nhân đồng tụng: tiến hoa năm sắc, tượng trưng năm dấu được ghi khắc trong lòng Đức Bà, thêm hai sắc hoa tỏ lòng khiêm nhường hướng về Thiên Chúa như loài hoa Quỳ, cùng với hoa Sen đượm lòng trinh trong của sắc thái dân tộc Việt “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa Sen được dùng để trang trí nơi thờ tự của nhiều tôn giáo trên Đất Việt. Cách người Kitô hữu dùng hoa Sen để chỉ nhân đức đồng trinh của Đức Maria là một thích ứng văn hóa một cách uyển chuyển[11].

Mùa Hoa Mân Côi lại về với con cái Mẹ Maria, cách riêng với gia đình Đại Chủng viện Xuân Lộc. Xin cho từng tâm hồn trở nên những cánh hoa thiêng tươi thắm dâng lên Mẹ. Xin cho từng lời kinh, từng tràng chuỗi được suy ngắm, mở ra khung cảnh Thiên Đàng cho những tâm hồn thiết tha yêu mến Mẹ, như lời vãn trong bài dâng hoa cổ:

“Tràng châu mở cảnh tràng sinh

Trông cây cực tốt cực lành Ro-sa

Đượm nhuần vũ-lộ-thi-a (gratia)

Bốn mùa hoa nở rum ra lạ lùng”.[12]

Tháng Hoa 2015

Martinô Ngô Hoàng Lâm

Khóa V – ĐCV Xuân Lộc


[1] X. THÁNH BỘ PHỤNG TỤ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Hướng dẫn về lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng vụ, Bản dịch của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN, số 183.
[2] X. CĐ VATICANÔ II, Lumen Gentium số 67; Presbyterorum Ordinis số 18; Optatam Totius số 8; Apostolicam Actuositatem số 4.
[3] X. GIUSE HOÀNG KIM TOAN, Đức Maria trong văn hóa Đạo Mẫu, lưu hành nội bộ, 2002, tr.6.
[4] X. THÁNH BỘ PHỤNG TỤ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Văn kiện đã dẫn, số 197.
[5] Chuỗi Mân Côi sống là việc đọc kinh Mân Côi tập thể. Theo cách đọc này, các ngắm mầu nhiệm Mân Côi sẽ được chia cho từng cá nhân, mỗi cá nhân suy niệm 1 mầu nhiệm Mân Côi và đọc 10 kinh Kính Mừng.
[6] X. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình, tr.127-158.
[7] X. THÁNH BỘ PHỤNG TỤ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Văn kiện đã dẫn, số 204.
[8] X. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater, số 48.
[9] X. PX. ĐÀO TRUNG HIỆU. OP, Hành Trình Ân Phúc, Chân Lý, 2013, tr.121.
[10] X. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình, tr.168-175.
[11] X. GIUSE HOÀNG KIM TOAN, Đức Maria trong văn hóa Đạo Mẫu, lưu hành nội bộ, 2002, tr.312.
[12] X. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình, tr.171.

Comments are closed.