Lý Lịch Đức Giêsu Kitô (p.3)

Phần 1: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-1.html

Phần 2: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-2.html

II. CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI CỦA ĐỨC GIÊSU

Cuộc đời công khai của Đức Giêsu có thể chia làm 2 giai đoạn: (1) giai đoạn thành công lúc ban đầu, thường được gọi là “Mùa Xuân Galilê” tương đối ngắn ngủi, và (2) giai đoạn bị tẩy chay vào lúc cuối đời. Lc 9,51 cho chúng ta thấy rõ khúc quanh lịch sử đó: “Vì giờ hiến thân đã điểm, nên Ngài can đảm đi lên thành Giêrusalem”.

1. Năm Khởi Đầu Hoạt Động

Lc 3,23 cho biết Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào “khoảng 30 tuổi”. Số tuổi đó có chính xác hay không? Chỉ biết rằng đó là con số rất thường gặp thấy trong Kinh Thánh. Giuse ra mắt Pharaô, vua Ai Cập, lúc ông 30 tuổi (St 11,46): Đavít được xức dầu phong vương, lúc ông cũng vừa 30 tuổi (2 Sm 5,4); Êdêkien được gọi làm tiên tri cũng hồi 30 tuổi. Cho nên, có lẽ đó chỉ là con số biểu tượng, tương tự như quan niệm “tam thập như lập” của người Á Đông. 30 là số tuổi lý tưởng để lập thân. Vì thế, E. Stauffer kết luận rằng chi tiết Lc 3,23 cho biết, không phải là chi tiết lịch sử đáng tin cậy. Ngoài ra, Lc 3,23 chỉ nói “khoảng” mà không xác quyết là 30 tuổi tròn.

Trước khi ra hoạt động, Đức Giêsu đã chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả. Đó là điều khá chắc chắn. Gioan Tẩy Giả là một nhân vật lịch sử có thực, không thể nghi ngờ; sử gia Josephus Flavius cũng đã nhắc tới những hoạt động của ngài. Lc 3,1 đã để lại cho chúng ta một chi tiết lịch sử (có thể được coi là chắc chắn nhất trong các chi tiết Phúc Âm ghi lại), khi cho biết Gioan Tẩy Giả đã khởi sự hoạt động vào năm thứ 15 thời Hoàng Đế Tibêriô. Sử sách cho biết là Augusto băng hà ngày 19.8.14 sau CN. Như thế, năm thứ 15 thời Hoàng Đế Tibêriô hoặc là nằm trong khoảng thời gian từ 19.8.28 tới 18.8.29 sau CN, nếu dựa theo cách tính của Rôma: hoặc là nằm trong khoảng thời gian từ 1.10.27 tới 30.9.28, nếu tính theo cách của Xyria. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều tác giả, thì cách tính của Xyria có lẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, những danh tánh được kể ra trong Lc 3,1.2 đều xác thực, khi đem đối chiếu với lịch sử người đời: Pônxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđêa từ năm 26 sau CN. Hêrôđê Antipas làm vua xứ Galiiê từ năm 4 trước CN tới 39 sau CN. Philip làm vua xứ Iturêa từ năm 4 trước CN, tới 34 sau CN. Hanna là thầy cả thượng phẩm từ năm 6 tới 15 sau CN và Caipha từ năm 18 tới năm 38 sau CN. Theo truyền thuyết, Gioan Tẩy Giả đã bị giam và bị xử tại pháo đài Makhairos, thuộc miền nam Peraia phía bên kia Biển Chết.

Nếu thế, Đức Giêsu có thể đã chịu phép rửa từ tay thánh nhân vào tháng 2 năm 27-29 [9]. Để trả lời câu hỏi: “Đức Giêsu đã chịu phép rửa tại đâu?”, thì hiện nay có hai địa danh nằm dọc bờ sông Giócđan được đề ra: hoặc là Bêtania, gần Giêrikhô (miền Nam); hoặc là Aimon, gần Salem, phía nam Skythopolis (Bet-Shean. miền Trung).

Sau khi chịu Phép rửa, Đức Giêsu đã vào ẩn mình trong sa mạc (Mc 1,12); có lẽ là trong sa mạc Giuđêa, gần thành Giêrikhô [10]. Từ ngàn xưa, nơi đây vốn là chỗ lui tới của những người “thoát tục”. Vào sa mạc sau khi đã lãnh nhận Phép rửa là một thông lệ thời bấy giờ, đặc biệt thông lệ của nhóm Qumran. Tuy nhiên, không chắc Đức Giêsu đã lưu lại đó những 40 ngày (nghĩa là từ tháng 2 tới tháng 4) như Tân Ước cho biết. Con số 40 cũng là con số thường gặp trong Kinh Thánh [11]. Điển hình là trường hợp Môsê: ông cũng đã ẩn mình trên núi Sinai 40 ngày. Có lẽ Tân Ước chỉ nhằm đối chiếu Đức Giêsu với Môsê. Nếu Môsê là đấng ban luật cũ, thì Đức Giêsu là Đấng ban luật mới. Do đó, theo tiêu chuẩn lịch sử, thì cũng khó lòng mà biết cho chính xác Đức Giêsu đã lưu lại trong sa mạc trong bao lâu. Vào thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 8, một tu viện Chính Thống giáo thường gọi là “gebel qarantal” đã mọc lên tại Đôk, phía Tây Bắc Giêrikhô để ghi nhớ việc Đức Giêsu đã lưu lại nơi ấy. Nếu Đức Giêsu ở lại đó không bao lâu, thì rất có thể Ngài đã bắt đầu ra hoạt động vào khoảng đầu năm 27-29 sau CN.

2. Thời gian hoạt động

Theo các Phúc Âm Nhất lãm, thì Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem chỉ có 1 lần. Còn theo Phúc Âm Thánh Gioan, thì Ngài hành hương về đó nhiều hơn là một lần. Ga 2,13 cho biết Ngài về đó dự lễ Vượt qua. Ga 5,1 cho biết Ngài lên thánh đô dự lễ của người Do Thái, và vì Thánh sử không nói rõ, nên có tác giả cho là Lễ Vượt qua, có tác giả khác lại cho là lễ Lều Trại. Ga 7,2.14 cũng cho biết Đức Giêsu về Giêrusalem dự lễ Lều Trại [12]. Ga 10,22 còn cho biết Ngài về đó dự lễ Cung Hiến Đền Thờ. Ngoài ra, theo các Phúc Âm Nhất lãm cũng như Phúc Âm Thánh Gioan (19,1), thì Đức Giêsu chịu tử nạn đúng vào mùa lễ Vượt qua. Tóm lại, có thể Ngài đã về Giêrusalem dự lễ Vượt qua tới 3 lần. Như thế, tất thời gian Ngài hoạt động cũng phải được tới 3 năm, hoặc ít lắm là 2 năm trọn.

Tuy có những điểm khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất lãm và Phúc Âm Thánh Gioan, nhưng những chi tiết đó không nhất thiết phải mâu thuẫn lẫn nhau. Có lẽ các Phúc Âm Nhất lãm đã tóm tắt rất nhiều về thời gian hoạt động của Đức Giêsu. Vả lại, khi các Thánh sử chỉ tường thuật có một lần về sự việc Ngài lên Giêrusalem, thì cũng chưa có nghĩa là Ngài hoạt động chỉ được có một năm.

Có điều chắc chắn: Đức Giêsu không phải là một người xa lạ nơi thành thánh này. Theo các Phúc Âm, thì Đức Giêsu có nhiều bạn hữu ở đó [13]. Ngoài ra, tại đó, Ngài cũng đã gặp nhiều người có thiện cảm cũng như lắm kẻ chống đối. Điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã từng đến đó ít nhất là mấy lần, chứ không phải chỉ có một lần duy nhất mà thôi. Hơn nữa, Mt 23,37 cũng cho phép phỏng đoán là Ngài đã đến đó nhiều lần: “Giêrusalem! Giêrusalem! đã bao lần Ta muốn tụ tập các con cái ngươi lại…”. Lc 9,53; 13,1-5; 17,11 cũng kể lại những chi tiết tương tự như thế.

Thời đó, từ Galilê (địa bàn hoạt động của Đức Giêsu ở miền Bắc) về Giêrusalem (miền Nam), có 3 trục lộ chính; không biết Đức Giêsu đã đi theo đường nào. Mc 10,46 cho biết: có một lần Ngài đi ngang Giêrikhô. Nếu đã tới Giêrikhô, thì chắc chắn Ngài sẽ đi theo con đường thông thường là Wadi el-Kelt mà về Giêrusalem. Nếu thế, chúng ta có thể phỏng đoán là Ngài đã dùng tuyến đường phía Đông, chạy dọc theo bờ sông Giócđan. Nếu thực sự Ngài đã đi con đường này, thì nhất thiết Ngài phải băng qua miền Samaria (miền trung), và đi mất tới 3-4 ngày đường mới tới thành thánh. Vào mùa Xuân, khí trời ấm áp, dễ chịu, lữ khách có thể dừng chân nghỉ đêm ngay ngoài trời thanh tịnh, là chuyện khá thông thường trong thời đó.

3. Địa bàn hoạt động

Thành phố Capharnaum (tiếng Do thái là Kefar-nahum: làng Nahum), nằm về phía Tây Bắc bờ hồ Gennêsarét, là trung tâm vùng hoạt động của Ngài (Mc 1,21; 2,1). Mt 9,1 gọi thành phố này là “thành phố của Ngài”. Vì thế, có tác giả cho rằng đây là quê hương thứ hai của Đức Giêsu, và quả quyết thêm rằng, Ngài còn có cả một ngôi nhà tại đó nữa (Mc 2,15; 9,33). Nếu quả thực như thế, thì rất có thể Ngài và mẹ Ngài đã di chuyển về vùng này, trước khi Ngài ra hoạt động công khai.

Capharnaum ngày xưa là một thành phố ngư phủ khá phồn thịnh (mẻ lưới lạ Lc 5,6). Vì nằm giữa ranh giới lãnh địa của Hêrôđê Antipas và Philip, nên thành phố này cũng có cả trạm thuế (thánh Matthêu có lẽ được Đức Giêsu gọi tại thành phố này). Dân nơi đây là dân “tứ chiếng” nên tâm lý cởi mở, dễ dàng đón nhận giáo thuyết mới hơn những nơi khác. Rất tiếc, ngày nay Caphamaum chỉ còn lại những dấu vết của hoang tàn, nổi bật nhất là ngôi nhà Thánh Phêrô và ngôi hội đường được xây dựng vào thế kỷ thứ II, nhưng cũng tại trên nền hội đường cũ thời Đức Giêsu [14]. Hội đường cũ đã do một vị quan Rôma ngoại giáo xây cất cho dân bản xứ (Lc 7,5). Và có lẽ Đức Giêsu cũng đã nhiều lần giảng dạy trong hội đường này. Ngoài ra, Ngài còn hoạt động tại các vùng Nain, Cana, Khôradim, Bếtsaiđa, Nadarét, là những vùng tập trung đa số dân Do Thái sinh sống tại miền Galilê. Dĩ nhiên, còn phải kể đến Giêru-salem, thủ đô toàn quốc của Do Thái kể từ thời vua Đavít [15]. Cũng như các tiên tri thuở trước, Đức Giêsu chỉ hoạt động giữa người Do Thái và cho người Do Thái mà thôi. Ý hướng đó được thể hiện rõ ràng qua việc Ngài lựa chọn 12 môn đệ gồm: Simon Phêrô, Giacôbê, Gioan, Anrê, Philipphê, Báctôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê, Thađêô, Simon Nhiệt thành và Giuđa Iscariôt. Các ông thuộc đủ mọi thành phần khác nhau, nhưng có lẽ tất cả đều xuất thân tại vùng Galilê như Ngài, để tiếp tay với Ngài chiêu tập 12 chi họ Ítraen là: Ruben, Simêon, Lêvi, Giuđa, Dabulon, Issakar, Dan, Gad, Aser, Nephtali, Giuse và Bengiamin, dù thời đó chỉ còn lại có 2 chi họ rưỡi là Juda, Bengiamin và Lêvi mà thôi. Tuy nhiên, Ngài vẫn có cảm tình và rộng tay giúp đỡ cả những người dân ngoại. Những vùng ngoại giáo như Sepphoris, Skythopolis, Gabai, Hippos, Gađara, Gerasa, Xêsarêa Philip, Tyros, Sidon là những nơi mang dấu vết chân Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, rất khó có thể vẽ ra được một lộ trình chính xác về những vùng Ngài đã đặt chân tới. Những chi tiết địa lý do các Phúc Âm để lại cho chúng ta đều tương đối mơ hồ, đến nỗi ngay cả những quả núi Phúc Âm nhắc đến, cũng khó mà có thể được xác định trên địa hình thực tế hiện nay là ở đâu. Đức Giêsu không giảng dạy tại một nơi cố định, nhưng Ngài thường đi khắp nơi trong xứ Palestina, giảng dạy bất cứ lúc nào, khi thuận tiện. Ngài lui tới với mọi người, nhưng đặc biệt là với giới “Amme-ha-Arez” (dân quê, dân nghèo).

4. Thứ tự các hoạt động theo thời gian

Ai cũng biết, khi chép Phúc Âm, các Thánh Sử không ghi lại các sự kiện theo thứ tự không gian và thời gian khách quan, nhưng theo “thứ tự” thần học chủ quan của các Ngài. Vì lưu tâm tới khía cạnh thần học của vấn đề, nên các ngài (đặc biệt là tác giả Phúc Âm Thánh Gioan) có thể hy sinh những tiểu tiết, thứ tự lịch sử hoặc địa lý. Vì thế, các sự kiện mà chúng ta đang có trong tay, đã bị “đảo lộn” đi rất nhiều (nói theo nhãn quan khoa học lịch sử ngày nay). Sau đây, chúng ta sẽ dựa theo phương pháp phê bình lịch sử, để xếp đặt lại những sự kiện đó theo thứ tự thời gian, mong có được một cái nhìn nhất quán và liên tục về các hoạt động của Đức Giêsu. Trong cách phân chia này, chúng ta tạm dựa theo giả thuyết cho rằng Ngài đã hoạt động được hơn kém là 3 năm, tức là dựa theo lập trường đi đúng với truyền thống xưa nay của Giáo Hội.

Trước lễ Vượt Qua năm 27 (29), Đức Giêsu từ sa mạc trở về vùng sông Giócđan, và được Gioan Tẩy Giả nhường lại cho hai môn đệ là Gioan và Anrê. Hai vị này chiêu mộ thêm Simon Phêrô, Philipphê và Nathanaen (Ga 1,35-51). Vào “một ngày thứ ba” Ngài cùng 5 môn đệ đầu tiên đến dự tiệc cưới tại Cana.- Sau đó, Ngài cùng mẹ Ngài và 5 môn đệ đầu tiên di chuyển về thành phố Caphamaum bên bờ hồ Gennêsarét (Ga 2,12).

 “Dịp lễ Vượt Qua năm 27 (29): Đức Giêsu đi lên Giêrusa-lem dự lễ; Ngài thanh tẩy đền thờ (Ga 2,13-22) và gặp gỡ với Nicôđêmô (Ga 3,1-21).

Từ đầu mùa hè tới tháng 11 năm 27 (29): Đức Giêsu từ Giêrusalem trở lại vùng sông Giócđan, nơi Ngài đã lãnh Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy Giả trước đó, để tiếp tục rao giảng. Sau khi bị các người thuộc phái Pharisiêu theo dõi. Ngài bỏ về vùng Galilê qua ngả Samaria, gặp người phụ nữ bên bờ giếng Giacób (Ga 4,1-42) và chữa bệnh cho đứa con của một vị quan triều đình (Ga 4,43-54).

Từ cuối năm 27 (29) cho tới mùa thu năm 28 (30) (hoặc đầu năm 29/31): Rất khó xếp đặt thứ tự cho giai đoạn này. Vì thế, E. Stauffer cho rằng giai đoạn này là “10 tháng thầm lặng” của Đức Giêsu. Thực ra, Ngài không nghỉ ngơi, nhưng còn hoạt động mạnh hơn trước, đến nỗi Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ mình đến hỏi Ngài: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay không?” (Mt 11,3). Có thể tạm xếp đặt giai đoạn này lại như sau:

·        Hoạt động âm thầm tại Galilê.

·        Lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, có lẽ dự cả lễ Ngũ Tuần nữa [16] của năm 28 (30).

·        Chữa nhạc mẫu Phêrô, chữa một người bất toại cùng nhiều bệnh nhân khác.

·        Cuối hè năm 28 (30): kêu gọi thêm môn đệ.

·        Sau khi Gioan Tẩy Giả bị tống ngục. Đức Giêsu lại hoạt động mạnh hơn qua bài giảng “tám mối phúc thật” được coi như là đường hướng cho cương lĩnh hoạt động của Ngài. – Chữa một người phong cùi (Mt 8,1-4). – Chữa đầy tớ quan bách quân (Mt 8,5-13). – Trừ quỷ (Mt 12,22-24; Lc 11,14). – Bài giảng trên hồ (Mc 4,1-34). – Vượt qua biển động và trừ quỷ tại Gêrasa (Mc 4,35-5,21).

·        Cho con gái Giairô sống lại (Mc 5,22-43). – Bị tẩy chay tại Nadarét (Mc 6,1-6). – Sai môn đệ đi rao giảng (Lc 9,1). – Rao giảng tại Giuđêa, trên đường về dự lễ Lều Trại (cuối tháng 9) và Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ đến phỏng vấn Ngài (Lc 7,18-28).

·        Tháng 10 năm 28 (30): Ga 5,1 cho biết Đức Giêsu lên Giêrusalem dự “lễ của người Do Thái”. – Chữa một người bất toại tại Bêtesđa (Ga 5,1-15).

·        Tháng 1 năm 29 (31): Có lẽ cũng khoảng thời gian này Philatô đã nhận tước hiệu “amicus Caesaris” (bạn của Hoàng Đế) (xem: Ga 19. 12) do Sajanus ban lặng. Sajanus là sủng thần của hoàng đế Tibêriô khét tiếng thù ghét người Do Thái trong lịch sử đế quốc Rôma.

·        Đầu năm 29 (31): Tại Galilê, dân chúng đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia. – Phép lạ bánh hóa nhiều (Ga 6,1-13) – Cuộc tranh luận với người Do Thái tại hội đường Caphamaum về lời hằng sống: được lưu truyền trong Ga 6,22-71 như là giáo huấn của Ngài về phép Thánh Thể. Vào dịp lễ Vượt Qua năm nay, Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem dự lễ. Dù Thánh sử Gioan không nhắc đến việc đó trong giai đoạn này, nhưng Đức Giêsu đã tỏ ra rất trung thành với truyền thống đạo đức này, và Ngài cũng không hề bị đối phương tố cáo là đã chểnh mảng việc hành hương, cho nên chúng ta có phép để suy ra là trong mùa lễ năm ấy, Ngài cũng đã có mặt tại đền thánh Giêrusalem.

·        Từ lễ Vượt Qua (tháng 4) tới lễ Lều Trại (tháng 9) năm 29 (31): Đức Giêsu trở lại Galilê để tránh đám đông và tránh Hội đồng tối cao Do thái giáo. Trong thời gian này Ngài có mặt tại vùng Tyrô và Siđon (Mc 7,24-30). – Phép lạ bánh hóa nhiều (Mc 8,1-9). – Ngài lánh mặt tại vùng Xêsarêa Philip và được Phêrô tuyên xưng: Ngài là Đấng Mêsia (Mc 8,27-34). – Tiên báo về cuộc khổ nạn (Mc 8,30- 32). – Cuối Hè năm 31. Ngài biến hình trên núi Tabor (Mc 9,1-9). – Câu chuyện dưới chân núi (Mc 9. 13-28). – Tiên báo khổ nạn lần thứ 2 (cả 4 Phúc Âm đều ghi lại); đó cũng là dịp các môn đệ tranh ngôi, tranh quyền (Mc 9,32-36). – Tháng 9 năm 31, Ngài hành hương về Giêrusalem dự lễ Lều Trại.

·        Lễ Lều Trại: luôn luôn là dịp lễ quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu. Lễ này kéo dài 7 ngày cộng thêm một ngày bế mạc. Sau lễ (Ga 7,37), Ngài tranh luận trong Đền thờ về các tiên tri, gây bỡ ngỡ cho Hội đồng Tôn giáo (Ga 7,37-52). – Đêm trước ngày bế mạc, Đức Giêsu lên núi Cây Dầu. – Ngày bế mạc, Ngài tranh luận với Ký Lục và Biệt Phái về ánh sáng thế gian (Ga 8,12tt) nên bị họ đe ném đá. Thế là Ngài ra khỏi Đền thờ (Ga 8,59). – Gặp người mù từ lúc mới sinh, Ngài chữa lành, nhưng vì là ngày Sabbat nên bị các người Biệt Phái phản đối (Ga 9,1-14). – Sau đó, Ngài trở về Galilê.

·        Mùa Đông năm 29 (31) (tháng 11/12): Đức Giêsu hành hương về Giêrusalem dự lễ Cung hiến Đền thờ (Lc 9,51-10,24). – Dân Samaria không cho Ngài trọ nhà (Lc 9,52-56). – Ngài sai 70 (72) [17] môn đệ đi trước, rao giảng tại miền Giuđêa (Lc 10,1tt). – Ngài đến thăm chị em Maria, Mácta và Ladarô (Lc 10,38-42). – Trong dịp lễ, Ngài bị dân chúng vặn hỏi, có phải là Đấng Mêsia hay không? Ngài giải thích, nhưng bị đe dọa ném đá (Ga 10,22-39). – Lễ xong, Ngài về ẩn lánh tại vùng bắc Pêraia (Ga 10,40), bên kia sông Giócđan, có lẽ cũng là chỗ Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa trước kia (Bêthabara).

·        Ngài lánh mặt tại Pêraia: Pêraia nằm ở phía Đông Bêthania và không xa nơi này nhiều lắm. Khi nghe tin Ladarô đau nặng, Chúa còn ở đó thêm 2 ngày – Khi đến Bethania, Ngài đã làm cho Ladarô sống lại (Ga 11,1-44). – Sau đó, Hội đồng Tôn giáo họp lại tìm cách khai trừ Ngài, vì lý do có liên hệ tới vụ Ladarô (Ga 11,45-53) [18]. Ngài lánh mặt sang vùng Êphraim (Ga 11,54), nằm khoảng 20 km phía Bắc Giêrusa-lem và gần sa mạc (III. 290-293)

(Còn tiếp)

—————- 

Joses Vũ Xuân Huyên

 

[6]     Trong cách phân chia tiếp theo sau đây, chúng ta sẽ tự do uyển chuyển theo hai niên đại trung dung này.

[7]        Giêrikhô là thành phố cổ kính nhất thế giới còn để lại tàn tích cho tới ngày nay.

[8]        Trước cơn đại hồng thủy, trời cũng nưa 40 ngày đêm; tiên tri Elia đi 40 ngày mới tới núi Hôréb.

[9]        Sau mùa thu hoạch nho và ô liu.

[10]    Điển hình là chị em Mácta, Maria và Ladarô tại Bêthania. cách đó không xa.

[11]      Ngôi hội đường này dài 24 m, rộng 18 m cộng thêm một

tiền đường, đã bị sập vì động đất. Hình thức hiện nay đã được chỉnh trang lại một phần.

[12]      Khoảng 1.000 trước CN; nhưng chắc chắn thành phố này

đã có từ năm 1.800 trước CN với tên cũ là Salem.

[13]      Mùa gặt lúa mì 50 ngày sau lễ Bánh Không Men.

[14]      Không rõ 70 hay 72, vì có nhiều bản Tân Ước chép tay cổ xưa lại ghi là 72 !

[15]      Tuy nhiên, có tác giả lại coi việc thanh tẩy (đánh đuổi trong) Đền thờ là lý do trực tiếp đưa đến cái chết của Đức Giêsu.

Comments are closed.