Lý Lịch Đức Giêsu Kitô (p.2)

Phần 1: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-1.html

I. NGUỒN GỐC VÀ THÂN THẾ ĐỨC GIÊSU

1. Năm Sinh

Đức Giêsu có tên thật là J’hosua (nếu là tiếng Do Thái) hoặc Jesua hoặc Jesu (nếu là tiếng Aram). Tên này có nghĩa là: “Giavê là sự cứu độ”, hay “Giavê ban ơn cứu độ”. Giêsu không phải là một tên gọi đặc biệt và mới lạ của riêng Đức Giêsu, nhưng là tên gọi khá thông dụng và rất được ưa chuộng vào thời đó [6]. Cha mẹ Ngài có tên (theo đúng nguyên ngữ) là Joses và Miljam.

Mt 2,1 cho biết: Ngài sinh ra tai Bêlem, xứ Giuđêa dưới thời vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là con của Antipater và Kypros, được chính quyền Rôma phong vương cho làm vua xứ Giuđêa vào khoảng cuối năm 40 trước CN, nhưng mãi 3 năm sau, ông mới được lên ngôi. Hêrôđê băng hà vào năm 750 “ab urbe condita” (năm 750 kể từ khi kiến lập thành phố Rôma). Theo cách tính của chúng ta hiện nay (kỷ nguyên Kitô), năm 1 (năm Đức Kitô sinh ra) là năm 754 “ab urbe condita”.

Vì Đức Giêsu giáng sinh lúc Hêrôđê còn đang sống, cho nên nếu tính cho đúng, thì phải nói là Ngài đã sinh ra vào những năm từ 7 tới 4 trước (!) niên lịch hiện nay. Đó là một nhầm lẫn trong cách tính niên lịch ngay từ lúc đầu. Như đã biết, cho tới thế kỷ thứ 6, nhân loại vẫn chưa chọn Đức Giêsu làm “mốc” cho cách tính niên lịch (dương lịch) như hiện đang thịnh hành. Mãi tới năm 523-525, Đức Giáo Hoàng Gioan I mới truyền cho tu sĩ Diônysiô ở Rôma, – có biệt ‘danh là Diônysiô Exiguô (kẻ thấp hèn), – tính lại ngày lễ Phục sinh của nghi thức Alexandria mà xác định thời biểu của ngày lễ này cho bên Giáo Hội Rôma. Năm 525, Diônysiô cho xuất bản cuốn Liber de Paschate. Trong đó, ngài đã so sánh ba dữ kiện sau đây: đoạn Lc 3,23, năm Hoàng đế Điôklêxiăn lên ngôi và năm “ab urbe condita”. Theo Lc 3,23 cho biết, thì Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào khoảng năm 30 tuổi. Hoàng đế Điôklêxiăn lên ngôi ngày 29.8.284 trước CN. Nếu căn cứ theo ba dừ kiện nêu trên, thì theo ngài, năm 1 (lúc Đức Giêsu sinh ra) phải là năm 754 “ab urbe condita”. Sau hơn 500 năm mới tính lại từ đầu, nên nếu có lệch lạc một số năm như thế, thì chỉ là điều dễ hiểu và có thể tha thứ được.

Ngoài ra, cũng được biết thêm chi tiết này nữa, đó là: có lẽ lúc Đức Giêsu giáng sinh cũng chính là lúc Thầy cả Thượng phẩm Simon Ben Boethos (khoảng năm 24-5 trước CN) còn tại chức tại Giêrusalem.

            Theo Lc 2,1-3 cho biết thì lúc Đức Giêsu sinh ra, cũng là lúc Hoàng đế Augustô đã ra lệnh cho kiểm tra dân số lần đầu tiên, dưới thời Quirinô làm tổng trấn xứ Xyria. Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết được đích xác về một cuộc kiểm tra nào như thế. Rất có thể, cuộc kiểm này đã tiến hành vào năm 8 trước công nguyên, là năm mối bang giao giữa vua Hêrôđê và chính quyền Rôma bị sứt mẻ đi nhiều. Hơn nữa, một vị quan Quirinô nào đó chỉ có thể là tổng trấn xứ Xyria vào những năm từ 12 tới 9/8 trước CN mà thôi, vì từ năm 9-4 trước CN (năm Hêrôđê băng hà), chúng ta đã có danh tánh đích xác của hai vị tổng trấn là Sentius Saturninus và P.Quintilius Varus. Theo Giáo Phụ Tertulianô, không phải Quirinô nhưng là Sentius Saturninus đã cho tổ chức cuộc kiểm tra mà Lc 2,2 đã đề cập tới, vào những năm 9/8 tới 6 trước CN (Adversus Marcionem IV,9). Không rõ Tertulianô đã xác quyết như thế, vì biết chắc về sự kiện này, hay chỉ muốn “điều chỉnh” lại tên của vị tổng trấn ấy sao cho hợp với năm 6 trước CN, như thấy ghi trong sử sách người đời mà thôi.

Sử gia Do thái Josephus Flavius (Ant. 18,1 tt) còn cho biết là ở Xyria thời đó, cũng có một vị tổng trấn tên là Quirinô đã đứng ra tổ chức một cuộc kiểm tra, nhưng cuộc kiểm tra này lại được tổ chức vào năm 6 sau CN, và chỉ kiểm tra miền Giuđêa thôi, chứ không kiểm tra miền Galilê!

Vì thế, có tác giả cho rằng: một là không phải Quirinô, nhưng là một tổng trấn nào đó đã đứng ra lo vụ kiểm tra này; hai là Thánh sử Luca đã lẫn lộn cuộc kiểm tra của Quirinô vào năm 6 sau CN với một cuộc kiểm tra nào đó đã diễn ra vào khoảng năm 4 trước CN mà hiện nay chúng ta chưa thể biết được.

Mt 2,1-12 còn cho biết có một chòm sao lạ đã xuất hiện vào lúc Đức Giêsu sinh ra. Chi tiết này đã gây tò mò cho nhiều người. Vào năm 1606, trong cuốn sách nhan đề De Jesu Christi salvatoris nostri vero anno natalitio, nhà thiên văn J. Kepler đã cho rằng năm sinh của Đức Giêsu phải là năm 7 trước CN. Vì theo cách tính của ông, vào năm đó, hành tinh Jupiter và hành tinh Saturn đã giao thoa trong chòm sao Ngư đẩu (sao con cá). Nếu theo lối giải thích của chiêm tinh học cổ thời, thì Jupiter là ngôi sao của vũ trụ. Jupiter là vì sao vua. Còn Saturn thì đối với người Babylon là ngôi sao chỉ hướng “amuru”, nghĩa là xứ Xyria; còn theo cách cắt nghĩa của nền văn hóa Do Thái đã bị Hy hóa, thì Saturn là ngôi sao của dân Do thái. Còn chòm sao Ngư đẩu là chòm sao của thời cánh chung. Như thế, khi thấy hiện tượng trên, Ba vua (ba nhà chiêm tinh) trong Mt 2 đã hiểu ngay là: ở xứ Xyria, hay rõ hơn là tại miền Do thái (trong thời bảo hộ Rôma, Do thái thuộc vùng hành chánh Xyria-Palestina), một vị vua thời cánh chung vừa giáng sinh [7]. Ngoài ra, vào năm 1925 các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy ở Xippar cạnh dòng sông Êuphrát, một bảng đất nung có từ thế kỷ thứ 3 trước CN, trên bảng đó, có ghi lại việc quan sát một ngôi sao xuất hiện vào năm 7 trước CN.

Nếu ngôi sao đó đã thực sự xuất hiện trên nên trời, thì một là ngôi sao ấy đã xuất hiện vào khoảng tháng 12 năm 7 trước CN, khi trời chiều vừa tối. Nhưng nếu thế, thì lúc đó lại không có mặt vua Hêrôđê ở Giêrusalem, vì theo thông lệ vào mùa Đông, nhà vua thường về nghỉ tại Giêrikhô. Tuy nhiên, thông lệ này không hẳn là một trở ngại lớn cho vấn đề chúng ta đang bàn, vì cũng có thể vào dịp lễ Cung hiến Đền thờ, nhà vua lại trở về thủ đô để dự lễ. Hai là ngôi sao ấy đã xuất hiện vào khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10, lúc bầu trời đã tối mịt. Nhưng nếu thế, thì đoàn tùy tùng của “Ba vua” sẽ khó có thể là một cuộc hành trình kéo dài suốt 6 tuần lễ liên tiếp trong sa mạc được, vì lúc đó nhiệt độ còn quá cao. Kết luận: ngôi sao ấy phải xuất hiện vào tháng 12 thì mới có lý.

Lc 2,1-20 còn cho biết: Đức Giêsu sinh ra giữa lúc các mục đồng và đoàn vật còn đang nghỉ đêm ngoài trời. Chi tiết này cho phép suy diễn để hiểu rằng lúc đó khí trời còn tương đối ấm áp, và ngoài đồng vẫn còn đủ cỏ cho súc vật ăn. Điểm thứ nhất: trên thực tế, ở Bêlem khí trời chỉ ấm áp về đêm trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 10 mà thôi; những tháng còn lại, trời khá lạnh, không thể nghỉ đêm ngoài trời được. Điểm thứ hai: Vào mùa Hạ, vì trời nắng gắt nên cánh đồng Belem cũng thường cháy trụi cỏ. Tình trạng này kéo dài cho tới khi những giọt mưa đầu mùa thu trở lại, lúc đó đồng cỏ mới có thể dần dần hồi sinh. Như thế, đoàn vật chỉ ở ngoài đồng trong khoảng các tháng 3 và 4 mà thôi. Kết luận: ngày giờ Đức Giêsu sinh ra cũng phải trùng vào khoảng thời gian này, vì như thế, mới hợp với chi tiết Lc 2 đã cho biết trên đây.

Nhưng tại sao lại mừng lễ Đức Giêsu giáng sinh vào đêm 24 rạng 25 tháng 12 như hiện nay [8]? Đêm 24 tháng 12 ấy bắt nguồn từ đâu? Thưa: bắt nguồn từ một dịp lễ của người Rôma. Vào mùa đông, đêm 24 tháng 12 là đêm bắt đầu ngắn lại và ngày bất đầu dài ra. Nên từ năm 275 trở đi, người Rôma đã dựa vào hiện tượng thiên nhiên này mà chọn khoảng thời gian giữa đêm/ngày ấy làm dịp mừng lễ thần mặt trời của họ, và đặt tên cho là “natalis solis invicti” (sinh nhật của mặt trời bách thắng). Đến năm 311, dưới thời Hoàng đế Conxtantinô, Kitô giáo được tự do phát triển, nên số tín hữu tại Rôma cứ tăng dần. Dù đã trở lại đạo. nhưng các tín hữu này vẫn còn tiếp tục mừng lễ natalis solis invicti chung với các đồng bào của họ như trước. Rồi sau này, họ đã biến lễ “sinh nhật của mặt trời bách thắng” thành lễ “sinh nhật của mặt trời công chính”. Mặt trời công chính ở đây được hiểu là Đức Kitô theo tinh thần câu Ml 4,2 trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, không biết được đích xác là vào năm nào, các Kitô hữu Rôma này đã biến lễ của người Rôma thành lễ giáng sinh của Đức Giêsu; chỉ phỏng đoán là vào khoảng thời gian từ sau năm 311 cho đến trước năm 336.

2. Nơi Sinh

Mt 2,1 và Lc 2,4 cho biết Đức Giêsu sinh ra tại làng Bêlem, thuộc xứ Giuđêa (miền Nam), còn Nadarét (miền Bắc) là quê hương của cha mẹ Ngài. Nhưng nếu theo cách diễn tả của Mt, thì người đọc Phúc Âm có cảm tưởng là quê hương của thánh Giuse phải là Bêlem hay ít nhất cũng nằm trong vùng Giuđêa mới phải. Thánh Giuse đã đưa gia đình về Nadarét, chỉ vì sợ Arkhêlao (Mt 2,22) mới lên ngôi, sau khi Hêrôđê băng hà.

Còn theo Lc 2,26t, thì quê hương của Thánh Giuse và Đức Mẹ lại là Nadarét, miền Galilê. Các Ngài về Bêlem chỉ là để chu toàn bổn phận đối với vụ kiểm tra dân số.

Ngoài ra, lúc sinh thời, Đức Giêsu cũng thường được gọi là người thành Nadarét (Nazarenos hay Nasarenos), như đọc thấy trong Mc 1,24; 10,47; 14,67; 16,6. Có khi Ngài cũng được gọi là Nazoraios, như trong Mt 2,23; 26,71; Lc 18,37; Ga 18,5.7; 19,19. Thành phố Nadarét còn được gọi là quê cha (patris) của Ngài (Mc 6,1). Căn cứ vào những chứng cớ trên đây, một số tác giả đã cho rằng: Đức Giêsu không phải chỉ lớn lên tại Nadarét mà thôi, nhưng còn sinh ra tại đó nữa. Theo họ, truyền thống Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem đã bị khuynh hướng thần học thời Giáo Hội sơ khai “sửa đổi” cho phù hợp với Mica 5,2-15. Theo lời tiên tri này, thì Đấng Cứu Thế phải sinh ra tại Bêlem, là quê hương của vua Đavit (2,52t). Tuy nhiên, vương cung thánh đường Giáng Sinh tại Bêlem hiện nay đã được xây cất ngay từ năm 325, dưới thời Hoàng đế Conxtantinô, để kính nhớ nơi Đức Giêsu sinh ra. Đây là nhà thờ cổ kính nhất của Kitô giáo còn sót lại cho tới ngày nay.

Nadarét là một thành phố nhỏ nằm về phía Tây hồ Gennêdarét (có lẽ là tên mới của hồ Kinnereth trong Sách Dân số 34,11; theo Ga 6,1; 21,1, thì hồ nói trên cũng được gọi là hồ Tiberias), và cách hồ này khoảng 25 km theo đường chim bay. Không một lần nào tên Nadarét đã được nhắc đến trong Cựu ước. Sử gia Josephus Flavius cũng không hề nhắc tới thành phố này. Ga 1,46 cho biết Nadarét là một thành phố bị khinh rẻ, nằm trong miền Galilê. và chẳng có gì đáng lưu ý, ngoài những đám quân phản loạn. Sự việc Đức Giêsu đã xuất xứ từ thành này – như đã nói trên kia – là một trở ngại lớn cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sơ khai, vì đối với người Do thái, không thể nào Đấng Mêsia lại xuất thân từ vùng này được.

3. Học vấn và nghề nghiệp

Trong Tân Ước, Đức Giêsu thường được gọi là Rabbi (tiếng Do Thái: Mc 9,5; 10,51; 11,21; 14,45; Mt 23,7. 8; 26,25. 49; Ga 1,39. 50; 3,2; 4,31; 6,25; 9,2; 11,8) hoặc Rabbuni (tiếng Aramê: Mc 10,51; Ga 20,16). Bản dịch Hy Lạp chuyển từ ấy thành didáskalos (tạm dịch: thầy dạy, sư phụ). Trong thời đó, tước hiệu này chưa được chính thức dùng để chỉ những thầy tư tế trong đạo Do thái, nhưng vẫn là một kiểu xưng hô lịch sự rất phổ thông của người đương thời. Có lẽ đó cũng là trường hợp tương tự như người dân miền Nam Việt Nam ngày xưa vẫn thường gọi những người phong nhã là thầy. Từ thế kỷ thứ nhất trở đi, danh xưng này mới được chính thức dùng để chỉ những vị tư tế như hiện nay. Vì thế, không thể căn cứ vào tước hiệu này mà kết luận rằng Đức Giêsu đã đi học để làm Rabbi. Có lẽ Ngài chỉ là một thường dân, không địa vị không chức tước gì trong xã hội thời ấy.

Một truyền thuyết Tư tế Do thái lại cho rằng Đức Giêsu là học trò của Jehoshua ben Perakhja vào thuở đó. Nhưng truyền thuyết này không đứng vững, vì nếu thế, thì Ngài phải sống dưới thời vua Jannaj mới đúng. Ngoài ra, theo Ga 7,15, dân chúng thời đó cũng thường thắc mắc tại sao Đức Giêsu không có học hành gì mà vẫn am tường Kinh Thánh đến như vậy.

Dù không chính thức hấp thụ một nền học vấn, nhưng nếu căn cứ theo giáo huấn và những mẩu đối thoại trong Phúc Âm, cũng như chỉ nhìn theo nhãn quan sử học đơn thuần, người ta cũng có thể kết luận được rằng Đức Giêsu có một kiến thức về Do thái giáo còn cao hơn cả Thánh Phaolô, là người vốn được học hành đến nơi đến chốn, dưới chân sư phụ Gamalien (Cv 22,3) rất nổi tiếng vào thời đó, rồi sau này đã trở thành vị tông đồ “trí thức” nhất của Đức Giêsu. Nhiều lần Phúc Âm cũng kể lại Đức Giêsu vào Hội đường, đọc Kinh Thánh rồi giảng dạy dân chúng. Người ta không rõ Ngài có dịch Kinh Thánh từ tiếng Do thái cổ (chính thức) ra tiếng Aram thông dụng thời bấy giờ, rồi giảng dạy dân chúng, hay là Ngài chỉ nhớ một số đoạn Kinh Thánh nào đó quen thuộc, rồi đem ra cắt nghĩa và giảng dạy dân chúng như thế mà thôi. Ngài rất thông thạo các Thánh vịnh, và có lẽ cả sách tiên tri Isaia nữa.

Từ khi khoa khảo cổ phát hiện nhiều di tích tại vùng Palestina, đặc biệt là tại vùng Biển Chết, người ta mới khám phá ra rằng ngày xưa tại vùng này, dân chúng đã sử dụng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau như tiếng Do thái, Aram và Hy lạp, gần giống như trong nước Israel ngày nay vậy: có tiếng Do thái, tiếng Ảrập và tiếng Anh. Có lẽ Đức Giêsu đã nói và giảng dạy bằng tiếng Aram. Ngay trước khi Phúc Âm thành hình, thì những lời nói và giáo huấn của Ngài cũng đã được dịch sang tiếng Hy lạp. Trong Phúc Âm ngày nay, vẫn còn sót lại một vài từ của tiếng Aramê, đã từng thoát ra từ miệng Ngài, như: Abba (‘ăb/’ăbă: Mc 14,36), Ephphatha (’etpatah: Mc 7,34), Eloi, Eloi, lema sabakhtani (Mc 15,34).

Có thể nói, thời đó, tiếng Hy Lạp cũng thông dụng như tiếng Anh bây giờ. Ga 19,20 cho biết là bản án treo trên đầu thập giá Đức Giêsu được viết bằng 3 thứ tiếng: Do Thái là tiếng bản xứ, La Tinh là tiếng bảo hộ, và Hy Lạp là tiếng thông dụng nhiều người biết. Vì thế, có tác giả cho rằng rất có thể Đức Giêsu cũng đã thông hiểu cả tiếng Hy Lạp nữa. Thời đó ai thông hiểu tiếng Hy Lạp, thì được xếp vào thành phần trí thức, giống như những ai thông hiểu chữ Nho trong xã hội Việt Nam ngày xưa, và những ai thông hiểu tiếng La  tinh trong xã hội Âu châu thời Trung cổ vậy.

Các bài giảng của Ngài thường không phải là những bài ứng khẩu theo hoàn cảnh, nhưng là những bài đã được cẩn thận suy nghĩ và chu đáo dọn trước. Vì nếu đem dịch ngược những bản văn Phúc Âm còn lưu truyền bằng tiếng Hy Lạp ra tiếng Aram, thì sẽ thấy những dấu vết còn sót lại của các hình thức đối ngẫu, song song, phản đề, có âm vận có nhịp điệu đầy đủ. Trong cách giảng dạy, Ngài thường dùng ngụ ngôn. Tuy nhiên hình thức này không phải là sáng kiến riêng của Ngài, nhưng là một hình thức khá thông dụng và rất được ưa chuộng ở Phương Đông thời bấy giờ. Các bài giảng của Ngài thường làm chất liệu mở đầu cho các cuộc đối thoại với dân chúng hay với môn đệ của Ngài, hoặc cũng có thể là kết quả thu hoạch từ các cuộc gặp gỡ như thế. Ngài thường giảng một số đề tài nhiều lần, đến độ không phải chỉ các môn đệ theo Ngài mà ngay cả dân chúng cũng thuộc lòng để có thế tiếp tục kể lại đầy đủ cho những người chưa có dịp nghe qua. Đặc biệt, khi nói về Thiên Chúa, theo thói quen “kị húy” ở trong Cựu Ước, Ngài thường dùng thể thụ động thần linh (passivum divinum).

Trước khi ra hoạt động công khai, Đức Giêsu đã hành nghề “tékton” là nghề của Thánh Giuse. Chúng ta thường dịch chữ đó là thợ mộc. Nhưng thực ra từ “tékton” bao quát khá nhiều việc khác nhau như làm cầu cống, làm guồng nước, xây nhà, làm cửa, sửa yên ngựa… như một bản văn Hy Lạp bằng giấy cói (papyrus) thời đó cho biết. Con nối nghiệp cha là chuyện thông thường trong xã hội Do Thái thời đó. Cha có bổn phận phải dạy nghề cho con, như một câu trong văn chương Tư tế đã viết: “Không lo dạy nghề cho con, là dạy nó đi trộm cướp” (bQid 30b).

Ngoài ra, Phúc Âm không mảy may – dù trực tiếp hay gián tiếp – mang theo một dấu vết gì để từ đó có thể liên tưởng tới một bóng “hiền thê” nào trong cả cuộc đời của Đức Giêsu; thế nên, sự kiện Ngài đã sống độc thân là một sự thật lịch sử không thể nghi ngờ được. Theo thiển ý, nếu Ngài đã lập gia đình (hoặc có thêm anh chị em ruột thịt, như nhiều nhà thần học Tin Lành và đôi khi cả Công Giáo (!) chủ trương), thì khi sắp trút hơi thở cuối cùng trên thánh giá, Ngài đã không phó thác Đức Mẹ cho người môn đệ yêu dấu làm chi. Nếu có người ruột thịt trong gia đình riêng của mình mà đi phó thác mẹ mình cho người ngoài gia đình, thì đó là việc làm hoàn toàn trái ngược với tâm tình gia đình Á Đông. Đó là điểm tâm lý Á Đông mà nền thần học tây phương có lẽ chưa hiểu nổi. Mối tình giữa Maria thành Magdala và Đức Giêsu chỉ là sản phẩm “tiểu thuyết hóa”, hoàn toàn không có một chút nền tảng nào trong Tân Ước.

Nếu tóm lược cuộc đời niên thiếu của Đức Giêsu, thì sẽ có được những điểm chính sau đây:

·        Sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Mẹ: tháng 6/7 năm 8 trước CN.

·        Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Êlisabét: tháng 6/7 năm 8 trước CN.

·        Đức Mẹ trở về Nadarét: tháng 9/10 năm 8 trước CN.

·        Về Bêlem làm bổn phận đối với cuộc kiểm tra dân số: tháng 2/3 năm 7 trước CN (đi đường mất 4 ngày).

·        Đức Giêsu giáng sinh: tháng 3/4 năm 7 trước CN.

·        Đức Giêsu chịu cắt bì: 8 ngày sau khi sinh.

·        Dâng Đức Giêsu vào Đền Thánh: 4/5 năm 7 trước CN.

·        “Ba Vua’’ tới thờ lạy: đầu tháng 12 năm 7 trước CN. (sớm nhất là cuối tháng 9 năm trước CN.)

·        Trốn sang Ai Cập: giữa tháng 12 năm 7 và đầu năm 6 trước CN, có lẽ theo con đường ngắn nhất qua ngả Askalon, đi dọc theo bờ biển mà tới bình nguyên sông Nil, nơi đã có nhiều người Do thái đến lập cư.

·        Thảm sát các trẻ em tại Bêlem: đầu năm 6 trước CN.

·        Vua Hêrôđê băng hà: tháng 3 năm 4 trước CN.

·        Trở về Nadarét: cuối mùa Hè hay mùa Thu năm 4 trước CN.

·        Lên Đền Thánh lúc 12 tuổi: năm 6 sau CN.

(Còn tiếp)

—————- 

 

Joses Vũ Xuân Huyên

[3]     Hiện nay, Giêsu vẫn còn được dùng làm tên gọi tại Tây ban Nha và Nam Mỹ.

[4]     Để đơn giản hóa việc trích dẫn, người viết theo cách thức ghi chú sau dây: giữa các con số ghi trong ngoặc, số La mã chỉ tài liệu được ghi ở phần cuối bài, và số Ả rập chỉ trang ở trong tài liệu đó.

[5]     Cho tới nay, Giáo Hội Đông Phương vẫn mừng Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng mỗi năm. Còn vào thế kỷ thứ 3, Clémentê Alexandria lại cho mừng vào ngày 19 tháng 4.

Comments are closed.