Lý Lịch Đức Giêsu Kitô (p.4)

Phần 1: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-1.html

Phần 2: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-2.html

Phần 3: https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/ly-lich-duc-giesu-kito-p-3.html

III. CUỘC KHỔ HÌNH VÀ TỬ NẠN CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem

Theo Ga 11,54, thì Đức Giêsu từ Ephraim, nơi Ngài đang lánh mặt, trở về Giêrusalem. Còn theo Lc 17,11 thì Ngài lại khởi hành từ phương Bắc. Dầu sao đi nữa, Ngài cũng phải bắt đầu lên đường trước ngày đại lễ khoảng 2 tuần. – Trên đường về, Ngài chữa lành 10 người phong cùi (Lc 17,11-19) ngoài thành Giêrikhô. – Vào ngày thứ năm (trước Chúa Nhật lễ Lá hiện nay), Ngài chữa thêm một người mù nữa. – Gặp Giakêu (Lc 19,1-10) và nghỉ tại nhà ông đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu. – Sáng hôm sau, Ngài tiếp tục cuộc hành trình đi về Giêrusalem. Đêm đó, có thể Ngài nghỉ tại nhà Ladarô, hoặc có thể nghỉ ngay tại núi Cây Dầu theo thông lệ. Nhưng dù sao chăng nữa, chắc chắn vào ngày Sabbat hôm sau, Ngài đã có mặt tại Bêthania, để vào Hội đường cầu nguyện. – Sau khi ở Hội đường về, Ngài tới nhà Simon dùng bữa trưa và được Maria xức dầu thơm (Ga 12,1- 8). – “Vào ngày hôm sau” (Ga 12,12), tức là ngày thứ nhất trong tuần (Chúa Nhật lễ Lá hiện nay) Ngài từ Bétphagê đi vào thành Giêrusalem, được đa số dân chúng tiếp đón bên đường (Lc 19,28-40). Khi tới núi Cây Dầu. Ngài dừng chân nhìn về Giêrusalem và khóc thương cho số phận thành này (Lc 19,41-44). – Sau cuộc khải hoàn, Ngài lại vào Đền thờ. Có thể xếp đoạn Phúc Âm nói về việc Ngài “thanh tẩy Đền thờ (lần thứ hai)” vào trong khoảng thời gian này.

2. Từ Chúa Nhật tới thứ tư Tuần Thánh

Có thể xếp các sự kiện lại như sau: Ngài bị vặn hỏi là có nên nộp thuế cho hoàng đế hay không? (Mt 22,15-21). – Tranh luận với nhóm Sađuxê về sự sống lại (Mt 22,23-33). – Che chở người đàn bà ngoại tình khỏi bị ném đá (Ga 8,1-11). Matthêu còn thêm nhiều sự kiện khác nữa trong khoảng thời gian này (22,3440; 22,41-46; 23,1-36; 22,1- 14; 24,1-51; 25,1-13; 25,14-32; 25,31-46). Tuy nhiên, cũng không có gì là phi lý nếu chúng ta xếp các sự kiện này vào một khoảng thời gian sớm hơn.

3. Từ thứ tư tới thứ sáu Tuần Thánh

Thời gian này tuy ngắn ngủi, nhưng rất phức tạp, vì các Thánh Sử đã rút gọn các biến cố lại rất nhiều. Thêm vào đó, còn phải kể tới những chi tiết khác biệt giữa các Phúc Âm. Theo các Phúc Âm Nhất lãm (Mc 14,12), thì bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu là bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua. Còn theo Phúc Âm Thánh Gioan, thì bữa tiệc Vượt Qua này lại diễn ra vào chiều ngày thứ Sáu, nghĩa là khi Ngài chịu chết trên thập giá. Như thế, theo Phúc Âm Thánh Gioan, bữa Tiệc Ly không phải là bữa tiệc Vượt Qua. Điểm khác biệt tuy nhỏ, nhưng có một tầm mức thần học quan trọng. Có thể quyết điểm khác biệt một cách tạm ổn thỏa với giả thuyết cho rằng Thánh Gioan đã hy sinh tiểu tiết lịch sử, để làm nổi bật khía cạnh thần học của việc Đức Giêsu chịu chết: Ngài chịu tử nạn như một con chiên hy tế trong lễ Vượt Qua, vì Ngài mới là Con Chiên hy tế đích thực, thay thế cho con chiên vượt qua trong Cựu Ước.

a) Bữa Tiệc Ly vào ngày nào trong tuần?

Một số tác giả cho rằng Đức Giêsu dùng bữa Tiệc Ly không phải vào tối thứ năm (như Giáo Hội vẫn thường mừng lễ từ trước tới nay), nhưng là vào tối thứ ba. A. Jaubert (La Date de la Cène. Paris 1957) nghiên cứu và cho biết là các tu sĩ sống tại vùng Qumran đã dùng một thứ lịch riêng, khác với loại lịch thông dụng thường được dùng tại Giêrusalem. Loại lịch của nhóm Qumran này căn cứ theo sách Giôben và tính theo mặt trời; trong khi đó, loại lịch tại Giêrusalem lại tính theo mặt trăng! Điều này được các văn bản thời đó (thí dụ: 1 QM 2,1-2) chứng minh là đáng tin cậy.

Do đó, người ta cho rằng vào thời Đức Giêsu đã có hai thời điểm để mừng lễ Vượt Qua. Nhưng dù tính theo loại lịch nào chăng nữa, thì ngày lễ Vượt Qua luôn luôn phải là ngày 15 tháng Nisan. Tuy nhiên, nếu tính theo mặt trời, thì ngày này luôn luôn là ngày thứ Ba trong tuần: còn nếu tính theo mặt trăng, thì lễ này chuyển dịch khác nhau theo các ngày trong tuần.

Kết luận: lễ Vượt Qua theo niên lịch của nhóm Qumran trong năm Đức Giêsu chịu tử nạn phải là ngày thứ ba. Nếu theo giả thuyết này, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc cho ngành chú giải về giai đoạn này trong cuộc đời Đức Giêsu. Cho nên không lạ gì, khi thấy giả thuyết này được J. T. Milik… và mới đây E. Ruckstuhl ủng hộ nhiệt liệt. E. Ruckstuhl (xem: Zur Chronologie der Leidensgeschichte Jesu, lần cuối cùng in trong: – , Jesus im Horizont der Evangelien (SBAB 3). Stuttgart 1988, 101-139; 141-184) còn lý luận cho rằng các phiên tòa xét xử Đức Giêsu không thể giải quyết quá lẹ trong một đêm thứ năm như vậy được, nhất là khi Ngài lại bị áp giải đi đi lại lại mấy lần như thế. Ruckstuhl còn đi xa hơn nữa, khi cho rằng Đức Giêsu cũng dành rất nhiều cảm tình cho nhóm Qumran [19], và kẻ cho Chúa mượn phòng dùng bữa Tiệc Ly rất có thể là một người trong nhóm này thuộc chi nhánh tại Giêrusalem.

Dù thế, chúng ta vẫn tạm chọn ngày thứ năm là ngày Đức Giêsu dùng bữa Tiệc Ly – đúng theo lập trường của truyền thống xưa nay trong Giáo Hội, – để phân định các biến cố như dưới đây:

Sau trưa ngày thứ Năm, Đức Giêsu trao trọng trách cho Phêrô và Gioan lo chuẩn bị mừng lễ. Nếu Ngài đã thực sự ăn chiên Vượt Qua trong dịp này, thì bắt buộc Phêrô và Gioan phải kiếm chiên mà giết trong Đền Thờ theo luật định. Nếu không, các ngài vẫn có thể giết chiên tại nhà, nhưng như thế không thể gọi là chiên Vượt Qua được. Khi trời vừa tối, Đức Giêsu đi tới nơi dự tiệc. Tiệc này chỉ được dùng trong vòng đai của thành thánh Giêru-salem mà thôi. Bữa ăn thường kéo dài từ lúc mặt trời lặn cho tới mãi nửa đêm. Nếu thực sự bữa này là bữa tiệc Vượt Qua, thì tất cả thực khách phải ăn theo thế nằm và uống rượu theo luật định. Luật buộc uống rượu nhằm làm nổi bật tính cách đại tiệc của bữa Vượt Qua, vì thời đó không phải ngày nào cũng có rượu mà uống [20]! Khi dùng bữa xong, có thể Đức Giêsu đã ghé qua Đền Thờ, vì từ đêm nay Đền Thờ đã bắt đầu mở cửa để mừng lễ Vượt Qua. Sau đó Ngài mới đi ra vườn Giệtsêmani (nghĩa là: máy ép dầu) nằm tại chân núi Cây Dầu. Nếu không ghé qua Đền Thờ, thì Ngài sẽ tới núi Cây Dầu vào khoảng 12 giờ đêm; còn nếu có ghé qua Đền Thờ, thì Ngài sẽ đến đó trễ hơn lối một giờ, nghĩa là vào khoảng một giờ sáng ngày thứ Sáu. Đêm nay, nếu Ngài có bỏ thành Giêrusalem mà ra núi Cây Dầu, cũng không có gì là vi phạm luật lệ lễ Vượt Qua cả. Vì khu vực núi Cây Dầu, tuy nằm ngoài tường thành của thánh đô, nhưng vẫn được luật nhân nhượng kể là khu vực hành lễ, bởi lẽ con số khách hành hương lên quá cao trong những dịp như thế. Theo W. Steark, trong thời Đức Giêsu, thủ đô Giêrusalem có tới 200.000 dân cư; trong khi đó, J. Jeremias ước lượng chỉ vào khoảng 55.000 hoặc cao lắm là 95.000. Theo thiển ý, con số 55.000 đáng tin hơn. Nếu thế, vào dịp lễ Vượt Qua, số khách hành hương khắp nơi (cả từ những vùng diaspora) tuốn về thêm khoảng 125.000 người nữa. Tổng cộng, có tới 180.000 người có mặt tại thủ đô bé nhỏ này trong dịp đó. Như thế là quá chật chội, buộc phải nới vòng đai hành lễ thêm ra.

Có lẽ cũng vì quá chật chội như thế mà Đức Giêsu đã ra núi Cây Dầu để cầu nguyện. Nhưng thực ra Ngài ở đó không được lâu, vì khoảng một hoặc hai giờ sáng (dù có ghé qua Đền Thờ hay không), Ngài đã bị bắt đem đi.

b) Bị bắt và ra tòa

Ai đã bắt Ngài? Theo Mc 14,43, thì một đội quân trong Đền Thờ, do các Thượng tế, Ký lục và Kỳ lão sai đi, đã đến bắt Ngài. Một số thành viên của 3 phe này làm thành Tòa án tối cao của Do thái giáo (Synhedrion). Còn theo Mt 26,47, thì đội quân đi bắt Ngài là do Thượng tế và Kỳ lão sai đi (không có các Ký lục). Trong khi đó, Lc 22,52 lại cho biết là đích thân các Thượng tế và Kỳ lão cùng đội quân Đền Thờ của họ đã ra tay bắt Ngài! Ga 18,3 cho biết thêm: ngoài đội quân của Thượng tế và Biệt phái còn có cả một cơ binh (speira) cùng một cơ đội trưởng (chiliarchos: 18,12) đã nhúng tay hợp tác vào trong việc này. Chi tiết này hơi phi lý, vì một “speira” của đội quân Rôma có tới 600 người! Hơn nữa, nếu chính người Rôma đi bắt, thì họ đã giải Đức Giêsu về thẳng với vị quan của họ là Philatô rồi! (VIII,292t).

Bắt được Ngài là nhờ có sự cộng tác của Giuđa Ítcariốt, một trong nhóm 12 tông đồ của Ngài. Có tác giả cho rằng, có lẽ trước khi theo Đức Giêsu, Giuđa đã có chân trong “mặt trận cứu quốc” giữa người Do thái. Chữ Hy lạp ’’Iscariôtês” có thể bắt nguồn từ chữ Latinh “sicarius” và có nghĩa là: người mang đoản kiếm (siqarim). Ở điểm này, còn một thắc mắc khác nữa: nếu Giuđa đã thực sự bỏ đi ra sau khi dùng món khai vị trong bữa Tiệc Ly – như từ trước tới nay chúng ta vẫn ước đoán, thì lúc đó trời còn sớm: tại sao Giuđa đã không dẫn người tới bắt Thầy mình ngay tại nhà Tiệc Ly, mà lại phải đợi để bắt tại núi Cây Dầu?

Vào khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng ngày thứ Sáu. Đức Giêsu bị điệu đến trước mặt Thầy cả Thượng phẩm Hanna và bị vị này chất vấn. Theo Josephus Flavius (Ant. 20. 198), Hanna là một trong những người được coi là có phúc nhất thời đó, vì ông có những 5 người con thuộc hàng thượng tế. Chỗ khác (De Bello Judaico 5,506), Josephus Flavius còn cho biết là mộ phần của Hanna nằm ở phía Nam thành phố Giêrusalem. Cuộc điều tra tại dinh Hanna chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, tức khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng là xong, nghĩa là đúng vào lúc gà gáy nhắc nhở Phêrô, vào “lúc ngày mới vừa bắt đầu” (Lc 22,66). Sau đó, Hội đồng tối cao nhóm họp. Cơ quan này là Tòa án Tối cao của Do thái, cũng gọi là Tòa Đại hình (beth dijn ha-migdol), gồm 70 thành viên cộng thêm Thầy cả Thượng phẩm đương nhiệm. 70 thành viên này thuộc 3 phe khác nhau: Thượng tế, Ký lục và Kỳ lão; nhưng trong thực tế, phe Thượng tế có nhiều thế lực hơn 2 phe kia. Theo các Phúc Âm Nhất lãm, cơ quan này đã nhóm họp vào đêm hôm đó (Mc 10,53-65) tại Đền Thờ. Còn theo Phúc Âm Thánh Gioan (18,12-14.19-24), thì sau khi Đức Giêsu bị Hanna (nhạc phụ Caipha) thẩm vấn, Ngài đã bị điệu tới nhà Caipha.

Như đã biết, theo sách Mishna – được chép vào năm 200 sau CN, nhưng có lẽ lề lối này đã được áp dụng ngay từ thời Đức Giêsu, cơ quan này chỉ họp vào ban ngày mà không họp ban đêm như các Phúc Âm Nhất lãm đã cho biết, nhất là vào trong đêm mừng lễ Vượt Qua thì lại càng phi lý. Hơn nữa, trên phương diện pháp lý, nếu cơ quan này đã chính thức họp, thì họ có toàn quyền sinh sát mà không cần đến ý kiến của chính quyền bảo hộ Rôma! Họ có quyền xử tử công dân Do thái. Dĩ nhiên, hình thức án phạt không phải là đóng đinh nhưng chỉ là ném đá. Trái lại, như chúng ta thấy trong trường hợp Đức Giêsu, họ đã dùng đến cánh tay của Philatô, đại diện cho chính quyền Rôma. Như thế, điều phi lý này chỉ giải thích được với giả thuyết cho rằng: Cơ quan này đã không chính thức họp vào đêm đó, nhưng cùng lắm là chỉ gặp nhau tại dinh Thầy cả Thượng phẩm với tư cách riêng tư, để hội ý, điều tra và tìm cách kết tội Đức Giêsu sao cho hữu hiệu mà thôi (VIII,294-298.771).

“Tới sáng” họ lại áp giải Ngài tới dinh Tổng trấn Philatô (Mc 15,1). Philatô là vị Tổng trấn thứ 5 của Rôma tại vùng đất này. Theo Philô (Legato ad Gaium, 301-302), thì Philatô là người “cứng cổ, ngang ngược và đanh thép” đã “có những hành vi hối lộ, hung tàn, trộm cướp, ngược đãi, nhục mạ, có thể đem ra xử tử mà khỏi cần tòa án, cộng thêm nhiều chuyện cực kỳ tàn nhẫn khác”. Đức Giêsu bị áp giải tới Philatô vào một “buổi sáng”. Đó là một chi tiết khá xác thực, vì hợp với quy định pháp lý trên thực tế. Theo quy định, tòa án Rôma thường bắt đầu nhóm họp vào lúc trời vừa mới hừng đông. Ngoài ra, một phiên tòa Rôma phải hội đủ 4 điều kiện: (1) công khai, (2) người tố cáo phải là dân sự, (3) bị cáo có quyền bào chữa và (4) phải do một hội đồng (consilium) tuyên án. Dưới thời Hoàng Đế Augustô, vị quan Tổng trấn là Thẩm phán duy nhất. Ông có thể có thêm cộng sự viên, nhưng không bị lệ thuộc vào phán quyết của những người này (xem: Cv 25. 12) (XI. 298t). Trong phiên tòa xử Đức Giêsu, rất có thể là Philatô đã dùng tới thông dịch viên, khi phải thẩm vấn Ngài. Phiên tòa nãy đã diễn ra một là tại pháo đài Antônia, nằm ở phía Tây Bắc Đền thờ, hai là tại trong cung điện Hêrôđê, nằm gần cổng Giáppha, phía Tây thành Giêrusalem, trong trường hợp dinh Philatô cũng nằm trong khu vực của hoàng cung (VIII,309). Tuy nhiên, từ thế kỷ 12 người ta cho rằng phiên tòa xử Đức Giêsu có lẽ đã diễn ra tại pháo đài Antônia. Vì vào những ngày đại lễ như thế, Philatô phải có mặt tại pháo đài này để trực tiếp chỉ huy việc giữ an ninh trật tự nơi đền thờ. Ngoài ra, Ga 19,13 cũng cho biết: “Khi Philatô nghe thế, ông liền dẫn Đức Giêsu ra ngoài, rồi ngồi trên ghế thẩm phán (chính ông ngồi lên hay ông bắt Đức Giêsu ngồi lên: có hai cách dịch), nơi chỗ gọi là lithostrotos, tiếng Do thái gọi là Gabbatha. “Gabbatha” có nghĩa là một “chỗ cao”; có lẽ cũng là một chỗ nào đó trong pháo đài này. Nếu thực sự phiên tòa đã diễn ra tại đây, thì cũng nên biết là nơi này có thể chứa được từ 4.000 cho tới 4.500 dân chúng vào tham dự, vì bên trong pháo đài có một sân rộng tới 2.500 mét vuông (VII,773). Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn bị nghi ngờ, vì không trả lời được câu hỏi: tại sao bà vợ của Philatô cũng có mặt tại nơi đây trong những ngày “lộn xộn” như vậy.

Bản án công khai treo trên đầu thập giá Đức Giêsu tiết lộ cho chúng ta biết “tội trạng” chính thức, dựa theo đó người ta đã xử tử Ngài: mưu đồ xưng vương. Đó là một tội phạm chính trị, có hại cho nên an ninh công cộng của đế quốc Rôma. Ngoài ra, còn biết được rằng những tội nhân bị án phạt đóng đinh trên thập giá trong khoảng thời gian từ lúc Rôma đến bảo hộ vùng này cho tới khi kết liễu chiến tranh Do thái, tất cả đều bị kết án vì lý do chính trị như thế (VIII,291). Nhưng nếu sự thực chỉ có thế Philatô kết án Đức Giêsu, vì sợ Ngài nổi loạn, thì làm sao mà dằn lòng cho khỏi thắc mắc như thế này được: tại sao ông Philatô lại không cho “vơ gọn” luôn tất cả các môn đệ của Ngài? Như vậy, có lẽ sự thật thực ra còn phức tạp hơn nhiều! Thật sự, phiên tòa này là kết quả của một cuộc tranh chấp tôn giáo giai dẳng nhiều năm tháng. Qua các Phúc Âm, chúng ta được biết Đức Giêsu thường công khai chỉ trích cách thức giữ luật và lề lối sống đạo của các người Do thái (nhất là giới lãnh đạo) đương thời. Cao điểm là việc thanh tẩy Đền thờ. Cho nên, như đã nói ở trên, nhiều tác giả chủ trương cho rằng chính việc thanh tẩy này là nguyên nhân trực tiếp dã khiến người ta quyết định trừ diệt Ngài. Như thế, lý do chính trị chỉ được viện dẫn ra để làm “bình phong” cho một vụ án tôn giáo khá mờ ám mà thôi. Trong hình luật Rôma, người ta cũng thấy có ghi lại hai loại tội đáng lãnh án tử hình, là: (1) phản quốc (đế quốc Rôma) (perduellio) và (2) làm mất thể diện oai phong của quốc dân Rôma (crimen maiestatis populi Romani imminutae). Những lời giới thẩm quyền Do thái buộc tội Đức Giêsu nhằm rất đúng vào 2 loại tội ghi trong hình luật này (VIII. 291.308)

Sau khi thẩm vấn xong, Philatô cho điệu Đức Giêsu tới gặp Hêrôđê, vì Philatô cho rằng ông vua này mới có quyền trên Ngài là người Do thái. Nhưng Hêrôđê không xử, lại trả về cho quan Tổng trấn. Vì không tìm ra được lý do chính đáng, nên Philatô dự tính chỉ cho lính đánh đòn rồi tha Ngài; nhưng vì bị phản đối, nên buộc lòng ông phải kết án và cho thi hành án lệnh. Phiên tòa kết thúc vào lúc 12 giờ trưa: “khoảng giờ thứ 6, nhằm ngày chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua” (Ga 19,14). Quân lính áp giải Đức Giêsu đi đánh đòn, rồi đóng đinh trên thập giá, theo bản án.

c) Trên Thánh Giá

Trước khi bị điệu đi đóng đinh, Đức Giêsu còn bị lôi ra đánh đòn theo thông lệ. Đánh đòn đây không phải là để tra tấn nữa, nhưng là để tiến hành phần “dạo đầu” đương nhiên của bản án đóng đinh. Từ thời Catô đã có luật bảo vệ người công dân Rôma cho khỏi bị đánh đòn. Xêda coi đó là một hình thức hành hung tàn nhẫn. Khi đánh đòn, lý hình thường dùng một sợi giây da kinh khủng (horribile flagellum), đầu giây có gắn xương khô, gai nhọn hoặc những hạt chì. Nạn nhân thường bị lột áo ra, nằm dưới đất hoặc bị trói vào cột. Số roi thường không cố định, nhưng tùy hứng và tùy sức của lý hình (VIII,308tt).

Bản án đóng đinh trên thập giá là một bản án rất phổ thông của người Rôma dành cho phường phản loạn. Cicêrô (Pro Rabirio 5,16) coi đó là “bản án tử hình tàn nhẫn và ghê sợ nhất”. Josephus Flavius (Bell. 7,203) cũng coi đó là “một cách chết thương tâm nhất”. Đây cũng là hình phạt dành cho hạng nô lệ (servile supplicium) (Tacitus, Historiae 4,11). Đối với một công dân Rôma, muốn đóng đinh họ, trước hết buộc phải tước quyền công dân của họ đi (VIII,312).

Đức Giêsu phải vác thập giá đi ngang khu phố cao của kinh thành Giêrusalem, qua cổng Gênnath, gần tháp Hippikus, mà tiến ra pháp trường nằm phía ngoài dãy tường thành phố. Hippkus, Phasael và Mariamme là tên của ba cây tháp nằm ở phía Đông Bắc cung điện Hêrôđê. Theo luật Rôma và đồng thời cũng hợp với phong tục Do thái, thì bản án phải được thi hành bên ngoài thành phố. Con đường đau khổ Đức Giêsu phải đi (Via Dolorosa [21]) chỉ dài chừng vài cây số mà thôi.

Tấm bảng kể tội Đức Giêsu được viết bằng 3 thứ tiếng (Ga 19,20) [22] – sau này sẽ được đóng trên đầu thập giá – có thể đã do một người được lệnh cầm đi phía trước đoàn người hành quyết, hoặc là đã được lý hình đem treo ngay vào cổ “tội nhân”, lúc còn trên đường tiến ra pháp trường. Họ bắt tội nhân vác thập giá đi công khai như thế, nhằm cảnh cáo những kẻ bên đường. Tội nhân phải tự vác thanh ngang (patibulum) của thập giá. Nếu họ bắt ông Simon quê Xyrênê (Mc 15,21ss) vác đỡ thập giá, thì không phải ông này đã chung vai vác với Đức Giêsu (như thường thấy trong các bức tranh…), nhưng là phải vác thay hẳn cho Ngài. Đây là nghĩa vụ lao công chiến trường rất phổ thông dành cho những người Do thái thời đó, nhất là trong các dịp lễ quan trọng như lễ Vượt Qua (VIII,310).

Pháp trường là ngọn đồi Gôngôta (Golgotha). Các Thánh Sử đều dịch là “núi Sọ” (Mc 15,22 ss). Gôngôta bởi tiếng “golgolta” (bỏ mất một chữ “l”) của Do thái và có nghĩa là: cái sọ người, một khối tròn. Ngọn đồi này mang tên như thế có lẽ vì hình dáng của nó trông giống như một cái sọ. Không rõ đây có phải là pháp trường cố định hay chỉ là nhất thời mà thôi. Ngọn đồi này nằm gần chỗ bức tường (thường gọi là bức tường thứ hai) phía Bắc quặt về hướng Tây, tức là ở chỗ Đền thờ Đấng Cứu Thế (có mồ Đức Giêsu ở phía trong) hiện nay. Thực ra, Đền thờ này đã được xây cất lần đầu, khi Thánh Hêlêna, từ mẫu của Hoàng đế Conxtantinô, được thị kiến cho biết nơi đó là pháp trường của Đấng Cứu Thế ngày xưa. Còn đền thờ hiện nay mới được Thập tự quân xây lại hồi thế kỷ 12, cũng nằm trên nền đền thờ cũ. Do đó, từ thế kỷ thứ 4 tới nay, nơi đây vẫn được coi là nơi Đức Giêsu đã bị treo trên thập giá và đã được mai táng trong mồ. Tuy nhiên, khoa khảo cổ chỉ tìm thấy nơi đây những vết tích từ thời Hoàng đế Conxtantinô mà thôi. Công cuộc khai quật của U. Lux- Wagner vào những năm 1971-1974 cho biết là Gôngôta (nếu thực sự nằm ở đấy), thì chỉ cao khoảng 12 mét so với đáy của hầm đá bên cạnh. Chi tiết này cắt nghĩa tại sao khách hành hương từ Bordeaux tới Giêrusalem vào năm 333, đã gọi Gôngôta là “monticulus” (núi nhỏ, đồi bé). Cho tới nay, trong giới khảo cổ cũng như giới chú giải Kinh Thánh, chưa ai dám xác định cho chắc 100% vị trí của Gôngôta ngày xưa là ở đâu. Vì thế, một nơi khác gọi là “Gordon’s Calvaria,” nằm ở phía Bắc thành phố Giêrusalem, cũng thường được đề ra làm giải đáp thứ hai. Thực ra, rất khó mà xác định Gôngôta nằm ở đâu, vì từ thời Đức Giêsu cho tới nay, tường thành Giêrusaiem đã bị phá đổ và được xây lại nhiều lần. Thêm vào đó, vòng đai thành phố mỗi ngày một rộng thêm ra (XI,310tt; IX,773). Đến nỗi, ngay cả tên các cổng thành ngày xưa và ngày nay cũng không còn đồng nhất với nhau nữa.

Khi bị đóng đinh như thế, tử tội sẽ bị đóng đinh hoặc cột chặt hai tay vào thanh ngang (patibulum) mà chính mình đã vác trước đó, rồi bị dựng đứng lên. Lý hình sẽ tìm cách ghép thanh ngang này cùng với tội nhân vào thanh dọc là một cây cột đã dựng sẵn, làm thành thập giá hình chữ T (crux commissa) hoặc hình chữ (crux immissa). Trong trường hợp Đức Giêsu, có lẽ Ngài không được cột hai tay nhưng đã bị đóng đinh thực sự vào thập giá. Ga 20,25 và Lc 24,39 tiết lộ cho biết rõ điều đó. Nếu đóng đinh, thì đinh được đóng vào cổ tay, chứ không phải trong lòng bàn tay (như thường thây nơi các tượng chịu nạn). Và để sức nặng không làm cho thân xác của tội nhân xệ xuống hoặc bứt ra khỏi thập giá, thì người ta thường gắn thêm một cái kệ để đỡ chân (sedile).

Vì thập giá cũng không cao hơn thân hình tội nhân bao nhiêu, nên đôi chân của họ thường bị đóng theo thế cong  vòng: nạn nhân không thể duỗi thẳng chân ra được. Ngành khảo cổ đã khai quật được bộ xương của một người bi đóng đinh vào khoảng trước năm 70 sau CN, và nhờ đó mà có thêm bằng chứng cho điều vừa mô tả trên đây: cây đinh còn dính liền với bộ xương vừa nói, chính là cây đinh đóng thâu qua hai chân của tội nhân (VIII,311).

Đức Giêsu bị đóng đinh vào lúc 13 giờ (1 giờ trưa), trùng với khoảng thời gian ông Simon từ ngoài đồng trở về nghỉ trưa, vì tháng đó, trời đã bắt đầu nắng gắt. Các Phúc Âm Nhất lãm còn nói thêm: từ giờ thứ 6 tới giờ thứ 9, trời đất bỗng ra tối tăm (Mc 15,33). Chi tiết này không gặp trở ngại nhiều cho cách tính giờ của chúng ta. Thời bấy giờ, khi nói vào giờ thứ 6 thì có thể hiểu cả những giờ sau giờ thứ 6 nữa, tương tự như tiếng “hồi trưa” của Việt Nam, không nhất thiết là phải đúng 12 giờ trưa (III,295).

Khi đóng đinh xong, lý hình có quyền chia nhau y phục của tội nhân. Đây là một thông lệ khá cổ điển. Nếu tội nhân còn tiền bạc và tài sản gì khác, thì sẽ bị xung vào công quỹ của quan Tổng trấn. Trường hợp Đức Giêsu, lý hình chỉ có thể chia nhau chiếc áo trong, chiếc áo ngoài, một giây thắt lưng và cùng lắm là thêm một chiếc khăn che đầu nữa mà thôi. Ngài không còn có gì hơn nữa. Ngài sống khó nghèo. Ngài cũng sống như tiêu chuẩn chính Ngài đã đề ra cho các môn đệ Ngài, khi sai họ đi rao giảng: Các con chớ mang bị, chớ mang hai áo, giày dép và gậy gộc! (xem: Mt 10,10ss). Khi tranh luận về vấn đề có nên nộp thuế cho Xêdar hay không, Ngài đã xin người ta cho Ngài xem một đồng tiền (Mc 12,15). Có tác giả cho rằng có lẽ vì Ngài chưa hề biết đến “mặt mũi” đồng tiền ra sao cả.

            Khoảng 2 giờ chiều, những kẻ lên án Ngài bỏ ra về, để xin Philatô chuẩn bị cho cất xác các nạn nhân xuống. Họ tin rằng, mọi sự đều đã thi hành theo đúng quy định Rôma: Đánh dập ống chân, cất xác xuống rồi thủ tiêu. Tất cả mọi hành vi đều có lính canh chừng kiểm soát. Những tên lính đứng canh dưới chân thập hình có hai nhiệm vụ như sau: (1) chứng thực cái chết của tội nhân và (2) nếu quá hạn mà nạn nhân chưa chết, thì lo đập dập ống chân cho mau chết, khoảng 3 chiều, Đức Giêsu tắt thở. Ngài đã chết thật, không phải chết giả hoặc chưa chết hẳn, như người ta vẫn thường vu khống từ 2000 năm qua. Có một điểm khác biệt không thể bỏ qua, gặp thấy trong các trình thuật Phúc Âm ghi lại các biến cố của giờ phút nghiêm trọng này: theo các Phúc Âm Marcô và Matthêu, trước khi tắt thở, Đức Giêsu đã lớn tiếng than rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15,34 ss). Đó là một câu (2a) trong Thánh vịnh 22 (21) [23]. Theo Phúc Âm thánh Luca, Đức Giêsu đã đọc một lời kinh chiều quen thuộc của Do thái giáo: “Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Chúa” [24] , và xin tha cho những kẻ đóng đinh Ngài (23,34.46). Còn theo Phúc Âm thánh Gioan, thì Đức Giêsu đã thốt ra lời: “Mọi sự đã hoàn tất” (19,30). Có lẽ là vì mỗi phúc âm gia đều nhằm một tiêu đích riêng, và đều phải “đưa tin mừng” cho nhiều loại thính giả/độcgiả khác nhau, nên trong lúc trình thuật, đã lưu ý đặc biệt đến những điểm đáp ứng nhiều hơn cho nhu cầu công tác của mình, và không thấy cần phải kể lại một số chi tiết khác. Hoặc là: trong lúc “sưu tầm” (Lc 1,3), mỗi phúc âm gia đã gặp thấy một số chi tiết trong cuộc đời của Đức Giêsu, được kể lại trong số tài liệu mình có, nhưng lại không thấy nói tới ở trong những nguồn tài liệu mà các phúc âm gia khác thu thập được.

Sau khi Đức Giêsu tắt thở, Giuse Arimathia đã đến xin Philatô cho cất xác Ngài xuống để mai táng. Theo luật Rôma, xác tử tội không được tháo xuống khỏi thập giá, nhưng cứ để rữa ra cho chim trời tới ăn. Sau đó, nếu còn gì sót lại, thì mới được đem hủy đi, bình thường là quẳng xuống sông. Giáo Hội thời sơ khai thường không lấy được xác các vị tử đạo về là vì như thế. Nếu muốn lấy xác về an táng, thì phải có phép đặc biệt. Chính thân nhân của kẻ xấu số phải đứng ra xin. Nhưng nếu bị kết án vì tội perduellio (phản quốc) như trường hợp Đức Giêsu, thì rất khó. Ngược lại, theo luật Do thái, nạn nhân bị tử hình trên thập giá phải được chôn cất ngay. Làm thế không phải vì cảm thương người xấu số nhưng vì sợ tên tử tội sẽ đem lại tai họa cho xứ sở và làm ô uế việc phụng tự. Đệ nhị Luật 21,23 quy định rằng: “Xác chết không được để qua đêm trên thập hình, nhưng phải được chôn cất ngay trong ngày đó, vì kẻ bị đóng đinh là kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ. Ngươi không được phép làm ô uế đất đai mà Giavê đã ban cho ngươi làm thừa tự như thế”. (XI. 314). Có lẽ vì tế nhị và vì tôn trọng luật lệ thiêng liêng này, mà Philatô đã cho phép cất xác Đức Giêsu xuống và đem đi mai táng, cho dù Ngài đã bị kết tội là perduellio. Mặc dầu hôm đó là nhằm ngày lễ Vượt Qua, nhưng vẫn không có gì cản trở việc an táng, vì đó là việc nghĩa, được phép làm cả trong ngày Sabbat. Có lẽ đến lúc trời vừa tối, Giuse Arimathia và các bạn ông mới hoàn tất nghĩa cử mai táng ấy.

Trong khi đó, những kẻ đã kết án Đức Giêsu về tới nhà, bắt đầu mừng lễ Vượt Qua vào lúc 6 giờ chiều. Họ có thể mừng riêng tại nhà hoặc mừng chung tại một phòng hội nào đó (nếu là Pharisiêu). Sau khi dùng tiệc xong, họ mới được tin là xác Đức Giêsu đã lọt vào tay Giuse Arimathia, nên lại họp nhau để bàn kế hoạch mới. Sáng sớm ngày Sabbat hôm sau, Hội đồng tối cao Do thái giáo còn gởi người đến xin Philatô cho lính canh mộ. Bốn người lính Rôma được cắt cử làm công tác ấy. Họ canh gác liên tục từ sáng sớm ngày Sabbat hôm đó cho tới lối 1 giờ sáng của ngày đầu tuần hôm sau. Khi các bà đến thăm mồ Đức Giêsu, thì họ đã tẩu thoát mất hút đâu hết từ lâu rồi!

4. Đức Giêsu chịu tử nạn vào năm nào và Ngài đã sống được bao lâu?

Theo Mc 14,12ss, Đức Giêsu chịu tử nạn vào ngày đầu tiên của thời gian mừng lễ Vượt Qua, nghĩa là ngày 15 tháng Nisan. Còn theo Ga 13,1-29; 18,28; 19,31, thì Ngài chịu tử nạn vào ngày trước đó, nghĩa là vào buổi chiều giết con chiên Vượt Qua, tức là ngày 14 tháng Nisan. Tại sao lại có sự khác biệt khá quan trọng như thế? Có hai cách trả lời (phần trên đã nói qua, xin hệ thống hóa lại như sau): (1) Có lẽ các Phúc Âm Nhất lãm trung thực hơn về chi tiết này. Như đã biết, Thánh Gioan thường hy sinh các chi tiết lịch sử cho mục tiêu thần học Ngài nhắm. Ở đây cũng thế, ngài cố ý xếp giờ Thầy mình chịu tử nạn sao cho trùng hợp với lúc giết con chiên Vượt Qua làm hy tế, để chứng minh rằng chính Đức Giêsu mới là Con Chiên Vượt Qua đích thực (19,18: xem thêm 18,28). (2) Có thể là vì thời đó có hai thứ niên lịch khác nhau được dùng song song cùng một lúc: lịch tính theo mặt trời (Qumran) và lịch tính theo mặt trăng (Giêrusalem). Ở Giêrusalem thời đó chưa có niên lịch nhất định, nhưng chỉ biết căn cứ vào lúc mặt trăng xuất hiện mà tính ngày cho từng tháng. Điều đó thiếu chính xác, vì khi mắt phàm thấy được ánh sáng, thì trước đó, mặt trăng đã thực sự chuyển sang chu kỳ mới ít nhất là một ngày rồi! Hơn nữa, nếu tính theo mặt trăng, thì một năm chỉ có 354 ngày. Do đó, cứ 19 năm thì lại có 7 tháng nhuận. Chưa kể là đôi khi lịch cũng uyển chuyển theo “tình cảm”, như khi đường xá xa xôi, khách hành hương chưa kịp về hoặc vì mùa màng chưa xong, chưa có phẩm vật để dâng lễ tạ ơn, thì cơ quan soạn lịch sẽ “nhân nhượng” thêm cho một tháng nhuận để đợi chờ! Cho nên, tính ngược lại sao cho chính xác sau gần 2.000 năm dài, là việc làm hết sức phức tạp. Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu chịu tử nạn vào một ngày thứ Sáu, thì người ta có thể tự hỏi: ngày thứ Sáu nào thời đó trùng với ngày 14 hoặc 15 tháng Nisan. J. Jeremias cho rằng: rất có thể ngày thứ Sáu đó trùng vào ngày 15 Nisan của năm 27 hoặc có thể là cả của những năm 30, 31 và 34 (sau CN) nữa. Cách tính này hợp với các Phúc Âm Nhất lãm. Còn nếu là ngày 14 Nisan, thì rất có thể là của những năm 30 và 33 và có thể là cả của năm 27 (sau CN) nữa. Cách tính này hợp với Phúc Âm Thánh Gioan. Thực ra, chúng ta chỉ có được một vài tiêu điểm thời khắc khá chắc chắn, dùng làm “mốc” để tính thời gian như sau: “Mốc trước” (terminus a quo/post quem) là lúc Đức Giêsu bắt đầu ra hoạt động công khai, nghĩa là không thể trước năm thứ 15 thời Hoàng đế Tibêriô, là năm Gioan Tẩy Giả bắt đầu hoạt động. Không thể nào Đức Giêsu đã hoạt động công khai trước Gioan Tẩy Giả, năm thứ 15 thời Hoàng đế Tibêriô nằm trong khoảng thời gian như đã nói trên, tức là từ 1.10.27 cho tới 30.9.28: tính như thế xem ra có lý hơn cả. Còn “mốc sau” (terminus ad quem/ante quem) là năm Phiiatô mãn nhiệm chức Tổng trấn Giuđêa (năm 36). Hoặc xa hơn nữa, có thể lấy cả thời điểm Thánh Phaolô trở lại để làm mốc mà tính. Ngài chỉ có thể trở lại sau khi Đức Giêsu đã chịu tử nạn và sau khi Giáo Hội sơ khai đã phát triển đến mức độ “đáng lo ngại”. Theo W. G. Kuemmel, thì Thánh Phaolô đã trở lại khoảng năm 31/32. Còn W. Marxsen cho rằng ngài trở lại trễ nhất là vào năm 33/34. Do đó, có thể tạm rút ra kết luận để nói là Đức Giêsu đã chịu tử nạn vào ngày thứ Sáu 7.4.30 (đúng như cách tính của các Phúc Âm Nhất lãm). Đó là cách tính được nhiều tác giả công nhận. Hoặc cũng có thể xê dịch sang ngày thứ Sáu 14 Nisan 30, tức là ngày 6.4.30 (theo cách tính của Phúc Âm Thánh Gioan). Tuy nhiên, cũng còn có nhiều giả thuyết khác được đưa ra để cố giải đáp cho vấn đề tính năm này: những năm được chọn đều nằm trong khoảng thời gian kể lừ năm 27 (sớm nhất cho tới năm 33! (trễ nhất). Nếu là thế, thì Đức Giêsu đã phải sống lâu hơn từ 36 tới 39 tuổi, chứ không phải chỉ có 33 tuổi như chúng ta vẫn tưởng đâu! (II,92-97: IV,97).

Như thế, cuộc đời Đức Giêsu gắn liền với 2 triều đại Octa-vianô Augustô (27 trước CN – 14 sau CN) và Tibêriô (14 – 37 sau CN) trong đế quốc Rôma, nhưng cả 2 hoàng đế này chưa từng một lần đặt chân tới vùng bảo hộ Palestina, quê hương của Ngài.

IV. TỔNG KẾT

Tóm lại, cho tới nay, với hơn 200 năm nghiên cứu và tranh luận, xuyên qua những đổ vỡ tiêu cực, khoa phê bình lịch sử đã đạt được những thành quả tích cực rất đáng tin cậy về lý lịch của Đức Giêsu như sau:

·        Họ và tên: J’hoshua (tiếng Do Thái) hoặc Jesua hay là Jesu (tiếng Aramê)

·        Quốc tịch: Do thái, thuộc hoàng tộc Đavít.

·        Năm sinh: 7 trước CN (trước khi vua Hêrôđê băng hà ít lâu: 4 trước CN)

·        Nơi sinh: có lẽ là Bêlem.

·        Nơi thường trú: Nadarét.

·        Ngôn ngữ: tiếng Aram của miền Galilê.

·        Cha mẹ: Joses và Mirjam.

·        Nghề nghiệp: có lẽ theo nghề teknos (“thợ mộc”) của cha.

·        Tình trạng: độc thân.

·        Liên hệ: có liên lạc với Gioan Tẩy Giả, lúc mới ra hoạt động và đánh giá vị này rất cao.

·        Hoạt động công khai: bắt đầu lúc Ngài chừng 30 tuổi.

·        Địa bàn hoạt động: Khác với Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu giảng dạy khắp nơi, nhưng phần lớn là chung quanh hồ Gênnêsarét, mà trọng tâm là thành phố ngư phủ Caphar-naum. Thời gian hoạt động chừng 2 năm rưỡi.

·        Tâm tình với thủ đô: nhiều lần lên Giêrusalem.

·        Đề tài rao giảng: Nước Thiên Chúa đang ở gần kề.

·        Hoạt động nổi bật nhất: chữa bệnh.

·        Thái độ đối với ngày Sabbat: thái độ này đã gây bất mãn cho giới thẩm quyền và những người “mộ đạo” trong dân Do chái.

·        Cảm tình: Ngài được mộ mến, vì tiếp xúc với mọi hạng người, đặc biệt là hạng Amme-ha-Arez (dân quê/nghèo hèn) và những người có tội công khai.

·        Môn đệ: dù không phải là Rabbi, nhưng Ngài cùng thu nhận một số (70/72) môn đệ, trong số đó Ngài đã chọn ra 12 Tông đồ.

·        Thành công: lúc ban đầu, vì đa số tin rằng Ngài là Đấng Mêsia.

·        Thất bại: với thời gian số người tin theo giảm dần, chỉ còn lại một số nhỏ (Lc 12,32).

·        Hiểu lầm: cố tránh phát biểu về chính trị, nhưng thường chỉ trích giới thẩm quyền tôn giáo, và mãnh liệt tấn công lề lối phụng tự chỉ vụ hình thức ở trong Đền thờ.

·        Bữa Tiệc Ly: Trong lần cuối cùng có mặt tại Giêrusalem, Ngài đã dùng bữa Tiệc Ly với các tông đồ. Bữa tiệc này không phải là bữa tiệc bình thường như chính lời nói và cử chỉ của Ngài trong bữa tiệc đó minh chứng.

·        Nội công: Ngài bị bắt vì một người trong nhóm 12 phản bội.

·        Tội phạm: Giới thẩm quyền Do thái đã tố cáo Ngài phạm thượng.

·        Bản án: Chính quyền Rôma, đại diện là Pônxiô Philatô, đã lên án Ngài vì lý do chính trị, hiểu lầm Đấng Mêsia theo quan niệm thế tục đương thời (titulus crucis là “Vua Do thái”).

·        Hành quyết: Ngài bị đóng đinh sau trưa ngày lễ Vượt Qua (7. 4. 30) tại một nơi nằm ngoài vòng đai thủ đô Giêrusalem.

·        Mai táng: trong cùng ngày đó, tại một chỗ không xa nơi hành quyết.

·        Mồ trống: ngay sau ngày Sabbat.

·        Phục sinh: Các môn đệ của Ngài xác tín và làm chứng rằng họ đã được xem thấy và tiếp chuyện Ngài như một người vẫn sống.

·        Tác phẩm: Ngài không để lại một bút tích nào cho các thế hệ tương lai.

Như thế, khách quan mà nói, chúng ta biết hơi ít và rất tương đối về lý lịch của Đức Giêsu. Tuy nhiên, theo A. Chlatter và P. Althaus, thì không có lý lịch của một nhân vật cổ thời nào được ghi lại tương đối kỹ lưỡng cho bằng cuộc đời của Đức Giêsu. Còn theo Hans Kueng (xem: Die Weltreligionen als Herausforderung (Wir in unserer Welt), Heme 1990), thì những điều chúng ta biết về Ngài vẫn chi tiết, xác thực và đầy đủ hơn những điều nhân loại biết về những vị sáng lập các tôn giáo lớn cùng thời với Ngài. Dĩ nhiên, sẽ có những độc giả không đồng ý với điểm này điểm nọ trong những điểm vừa trình bày trên đây. Điều đó dễ hiểu, vì cho tới nay, ngay cả những kết quả nghiên cứu của các tác giả nổi danh vẫn còn khá nhiều bất đồng với nhau. Bài này chỉ cố gắng đi tìm một “mẫu số chung” cho nhiều “phân số” bất đồng, chỉ cố gắng đi tìm một “con dường mòn” được nhiều người ái mộ trong “rừng sách” mênh mông. Hơn nữa, những kết quả của các cuộc nghiên cứu lâu năm, tuy được các ngành khoa học khác nhau kiểm chứng dưới ánh sáng của lý trí, nhưng chúng vẫn còn là (hoặc mãi là) những giả thuyết.

Giả thuyết thì chưa thực. Giả thuyết thì tương đối. Nhưng cái chưa thực còn hơn là cái hư ảo. Cái tương đối còn là hơn cái mơ hồ.

Người viết chỉ mới chập chững đi tìm những chi tiết lịch sử về Đức Giêsu, không phải vì “hùa theo” trào lưu đặt lại vấn đề, cũng không nhằm lấy hồ nghi làm động lực, nhưng là vì nhu cầu của con tim. Con tim của một người con. Người con mới mở mắt vào đời đã “mồ côi” cha, mà khoảng cách giữa lúc Cha lìa đời và con vào đời là đã 2000 năm. Cho nên, bất cứ một dấu vết lịch sử nào – tuy có tương đối – về lý lịch của người Cha đó, thì cũng đủ làm cho đứa con sinh sau đẻ muộn này hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi.

 

(Hết)

—————- 

Joses Vũ Xuân Huyên

Nguồn: Vietcatholic, Tài liệu Hộ giáo, số 8, 106-175.

 

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO

° I. BiKi 24(1969) tập 2

° Leroy, H., Jesus. Ueberlieferung und Deutung (Ertraege der Forchung 95). Darmstadt: Wiss. Buchges. 1978.

° Tiết mục: “Versuch einer Chronologie des Lebens Jesu,” in: Mertens, H. A., Handbuch der Bibelkunde. Duesseldorf: Patmos 1984, 287-295.

° Schmid, J., Das Evangelium nach Lukas (Regensburger NT III): Das 15. Jahr des Kaisers Tiberius und die Chronologie des Lebens Jesu. Regensburg: Pustet (1) 1940 – (4) 1960, 94 tt.

° Trilling, W., Fragen zur Geschichtlichkeit Jesu. Duessedorf: Patmos/Leipzig: St. Benno 1966.

° Trilling, W., Vieifalt und Einheit im NT ( Unterweisen und Verkuenden 3).Einsiedeln-Zuerich-Koeln: Benziger 1968.

° Danh hiệu: “Jesus von Nazareth”: trong: G. Comfeld – G. J. Botterweck (xb.). Die Bibel und ihre Umwelt (Pictorial Biblical Encyclopedia. Tel Aviv 1964). Bergisch-Gladbach: G Luebbe 1988,762-776.

° Gnilka, J., Jesus von Nazaret. Botschaft und Geschichte. (HThK NT, Suppl.III). Freiburg-Basel-Wien: Herder (2) 1991.

 

CHÚ THÍCH

[19]      Khác với những nhóm khác đương thời, trong các Phúc Âm không hề thấy đề cập tới nhóm này.

[20]      Việc giới hạn rước Máu Thánh trong các Thánh Lễ như

hiện nay – theo thiển ý – là điều đáng tiếc, vì như thế làm giảm đi tính cách “đại tiệc” của mỗi Thánh Lễ. Khi có thể và được phép, nên ủng hộ việc rước lễ dưới hai hình thức, và chọn cách thức sao cho hợp với ý của mọi người tham dự.

[21]      Via Dolorosa với 14 chặng như hiện nay là do các tu sĩ Dòng Phanxicô mới cắm mốc dẫn lối từ thế kỷ 16.

[22]    Vào thời Trung cổ, người ta cho rằng: 3 thứ ngôn ngữ được dùng để viết ở đây tượng trưng cho 3 thứ “ngôn ngữ thánh” của Giáo Hội thời sơ khai.

[23]    Đây là lời kinh một người lâm nạn – giống như người Tôi tớ Giavê trong Is 52-53, lòng đầy tín thác [như thấy trong câu: “Chúa là sức mạnh con nương. Cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa”, và câu cuối: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa/ Cho anh em tất cả được hay,/ Và trong đại hội dân Ngài./ Con xin dâng tiến một bài tán dương”, thưa lên cùng Thiên Chúa. Trên thập giá, Đức Giêsu đã đọc trọn cả lời kinh của thánh vịnh này. Ngài bắt đầu đọc lớn tiếng; sau đó, sức không còn nữa, Ngài đã đọc thì thầm – ít nhất là trong lòng.

[24]    Giờ thứ 9 là một giờ kinh (Nona) của Do thái giáo.

Comments are closed.