Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh, 01-4-2021 THÁNH LỄ TIỆC LY Ga 13, 1-15 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Chúa và là Thầy của Thánh Thể”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Thứ Năm Tuần Thánh, 01-4-2021

THÁNH LỄ TIỆC LY

Ga 13, 1-15

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài là Chúa và là Thầy của Thánh Thể”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Chúa Giêsu đã yêu họ đến cùng”

          Đoạn Tin Mừng hôm nay được lồng vào trong một tổng thể văn học bao gồm các chương 13-17 của Tin Mừng Gioan. Ở phần đầu, chúng ta có trình thuật về Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ, trong đó Ngài thực hiện cử chỉ rửa chân (13, 1-30). Sau đó, Chúa có một cuộc đối thoại dài từ biệt với các môn đệ (13, 31 – 14, 31). Chương 15-17 có chức năng đào sâu thêm diễn từ trước đây của Vị Tôn Sư. Ngay sau đó, Chúa Giêsu bị bắt (18, 1-11). Thật thú vị khi lưu ý điều chú thích cuối cùng này: từ đoạn 12, 1 trở đi, Lễ Vượt Qua không còn được gọi là Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mà là của Chúa Giêsu. Từ nay, chính Ngài, Chiên Thiên Chúa sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi. Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu là nhằm giải phóng con người: một cuộc xuất hành mới cho phép đi từ bóng tối tới ánh sáng (8, 12), và sẽ mang lại sự sống và lễ hội trong nhân loại (7, 37).

          Chúa Giêsu ý thức rằng Ngài sắp kết thúc cuộc hành trình hướng về Chúa Cha và do đó kết thúc cuộc xuất hành cá nhân và dứt khoát của mình. Chuyến đi như thế đến với Chúa Cha, đã diễn ra ngang qua Thập giá, một thời khắc quyết định, trong đó, Chúa Giêsu phó thác mạng sống của mình vì lợi ích của con người.

          Thật là xúc động khi người đọc nhận ra cách Thánh sử Gioan trình bày rõ ràng về con người của Chúa Giêsu, trong khi Chúa ý thức về những biến cố cuối cùng trong cuộc đời Chúa, và do đó, (ý thức) về sứ mệnh của mình. Tất cả là để khẳng định rằng Chúa Giêsu không bị nghiền nát hay bị khuất phục trước những biến cố đe dọa đến mạng sống của Ngài, nhưng Ngài sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình. Trước đây, Thánh sử ghi nhận rằng giờ của Chúa chưa đến; nhưng bây giờ khi tường thuật về việc rửa chân, Thánh sử nói rằng Chúa biết rằng giờ của Chúa đã gần kề. Ý thức như thế là nền tảng trong cách diễn đạt của Gioan: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (câu 1). Tình yêu dành cho những người “thuộc về mình”, những người làm nên cộng đoàn mới, đã thể hiện rõ ràng khi Chúa ở bên họ, nhưng tình yêu đó sẽ tỏa sáng một cách rõ ràng trong cái chết của Chúa. Chúa Giêsu thể hiện một tình yêu như thế qua cử chỉ rửa chân. Cử chỉ này, về giá trị biểu tượng của nó, cho thấy tình yêu liên tục được thể hiện trong việc phục vụ.

Quả thế, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, là một biểu hiện của tình yêu hoàn hảo và sự sẵn sàng phục vụ và tha thứ cho người khác. Trong cảnh gây ấn tượng sâu sắc này, Người Tôi Tớ-Con Thiên Chúa trở thành tôi tớ của loài người. Việc rửa chân biểu thị sự tự trút bỏ mình trên cây gỗ thập giá. Đó là biểu hiện của một cuộc sống hoàn toàn phục vụ ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu là Thầy mà còn làm nhiệm vụ của đầy tớ là rửa chân (cho chủ), thì các môn đệ của Chúa cũng phải rửa chân cho nhau và phục vụ lẫn nhau.

          Được rửa tội trong cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được hiến thánh để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương nhau. Chúng ta cũng phải học cách phục vụ đến độ hy sinh và rèn luyện khả năng yêu thương “cho đến cùng”.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Tôi có noi theo tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu không? Tôi có tuân theo mệnh lệnh của Chúa là rửa chân cho nhau không? Tôi có thấy mối liên hệ mật thiết giữa hành động của Chúa Giêsu rửa chân cho đầy tớ và cái chết của Ngài trên thập giá với tư cách là Người Con Tôi Tớ của Thiên Chúa không?

–      Tầm quan trọng của việc “ghi nhớ, tưởng nhớ” là gì? Tầm quan trọng của việc cử hành nghi lễ trong đời sống của người Do Thái và đời sống của Giáo Hội là gì? Tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống cá nhân của tôi là gì?

–      Khi cùng chia sẻ bánh rượu Thánh Thể, tôi có thực sự công bố cái chết của Chúa và để cho mình được biến đổi không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng để cử hành các mầu nhiệm này, vì mỗi khi chúng con dâng lễ hy sinh tưởng niệm này, công việc cứu chuộc chúng con được hoàn tất. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới ngày Chúa đến”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Trong Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa, tưởng niệm cách đặc biệt việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể, tôi đặc biệt chú ý đến khía cạnh “tưởng nhớ” “sự hiện diện cách mầu nhiệm” của biến cố Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô. Để được giúp đỡ nhờ việc suy niệm, tôi dành một chút thời gian yên tĩnh để tôn thờ trước Thánh Thể.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.