Lời Chúa Chúa Nhật XXVI-TN, 27-9-2020 Mt 21, 28-32 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta nói VÂNG với Nước Thiên Chúa”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Chúa Nhật XXVI-TN, 27-9-2020

Mt 21, 28-32

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta nói VÂNG với Nước Thiên Chúa”

1.   LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”

           Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Mt 21, 28-32) là một phần trong phần tường thuật của Matthêu về việc Nước Trời đang đến gần. Phần tường thuật này đặt ngay trước sự kiện Chúa Giêsu gặp gỡ các tư tế và kỳ lão trong đền thờ Giêrusalem, nơi không thừa nhận thẩm quyền của Chúa. Điểm gây tranh cãi là thẩm quyền qua đó, Chúa Giêsu vào thành, thanh tẩy đền thờ, chữa lành người què và người mù, và dạy dỗ. Dựa trên sự bố trí việc tranh cãi và luận chiến này, thánh sử Matthêu trình bày ba dụ ngôn về sự cần thiết phải liên tục thưa “xin vâng” đối với hành động cứu độ của Thiên Chúa. Dụ ngôn Hai Người Con, Dụ ngôn những Tá Điền Độc Ác và Dụ ngôn Tiệc Cưới nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thuộc về Nước Thiên Chúa.

           Học giả Kinh thánh Dòng Tên, Daniel Harrington chú giải dụ ngôn thứ nhất thế này : “Dụ ngôn Hai Người Con thừa nhận rằng lời rao giảng của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa là một thời điểm quan trọng trong lịch sử tôn giáo của Israel. Như người con thứ nhất lúc đầu từ chối lệnh của người cha nhưng sau đó đã ăn năn và vâng lời thế nào, thì những người thu thuế và gái điếm hiện đang cải đổi cuộc sống của họ để đáp lại Chúa Giêsu và đi vào Nước Trời cũng như vậy. Như người con thứ hai đã hứa vâng lời nhưng không làm gì cả, thì những người phản đối Chúa Giêsu cách công khai về phương diện tôn giáo cũng không thực hiện sứ điệp của Chúa Giêsu về Nước Trời y như vậy. Tính có thể quy trách của những người chống đối Chúa Giêsu hệ tại việc họ từ chối lời rao giảng của Chúa Giêsu và đại diện cho sự tương phản sâu sắc với sự cởi mở và kiên quyết của những người bị họ khinh thường… Việc những người thu thuế và người tội lỗi chuyển đổi sang con đường công chính sẽ truyền cảm hứng cho những người chống đối Chúa Giêsu chấp nhận lời rao giảng của Ngài, và đừng nhìn Chúa với sự nghi ngờ và thù địch nữa”.

2.   MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

–        Liên quan đến lời Thiên Chúa mời vào làm việc trong vườn nho của Ngài, phải chăng tôi có thể so sánh mình với người con thứ nhất, lúc đầu từ chối, nhưng đã thay đổi ý định và cuối cùng tuân theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa ?

–        Hoặc, tôi có thể so sánh mình với người con thứ hai ban đầu đáp ứng tích cực, nhưng đáng buồn là không đáp ứng hoàn toàn ?

–        Tôi có tin rằng việc vào Nước Trời đòi hỏi phải liên tục đổi mới lời “xin vâng” của tôi đối với Thiên Chúa không ?

3.   ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

           Lạy Thiên Chúa toàn năng, mọi đường lối của Chúa đều công chính và chân thật. Xin giúp chúng con thưa “VÂNG” với sáng kiến cứu độ của Chúa và đón nhận trọn vẹn vẻ đẹp của ân sủng của Ngài. Xin dạy chúng con mang lấy tinh thần của Đức Kitô và noi gương Ngài tự làm rỗng mình để dẫn đến vinh quang. Chúa Giêsu đã hạ mình cho đến chết – chết trên thập giá. Do đó, Chúa đã tôn Ngài lên làm Chúa của mọi tạo vật. Với Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn và ngợi khen Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.   CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Nó hối hận, nên lại đi”

5.   ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–        Cầu nguyện cho những người đã rút lại tiếng “xin vâng” của lời cam kết với Thiên Chúa ngày chịu Phép Rửa Tội, vì đã có những hành động quanh co và những cách sống gian tà.

–        Cầu nguyện cho những ai đang hướng về Thiên Chúa một lần nữa và đang tìm cách làm mới lại lời “xin vâng” của tình yêu hiếu thảo của họ đối với Thiên Chúa.

–        Hãy làm mới câu trả lời “xin vâng” của bạn với Thiên Chúa bằng cách yêu thương phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề trong cộng đoàn / xã hội của bạn.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.