Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh_C, 01-5-2022 Ga 21, 1-19 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài chuẩn bị Bữa ăn Phục Sinh”

LECTIO DIVINA

Chúa Nhật III Phục Sinh_C, 01-5-2022

Ga 21, 1-19

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài chuẩn bị Bữa ăn Phục Sinh

1.LECTIO

Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy

Bữa sáng tại Tiberias, như được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay (Ga 21, 1-19), đã được giới thiệu bằng một tình tiết quan trọng là mẻ cá kỳ lạ. Tác giả Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Simon Phêrô cùng với Tôma, Nathanael, các con của ông Giêbêđê và hai môn đệ khác, đi đánh cá ở Biển Hồ Tiberias. Họ vất vả cả đêm, nhưng không bắt được gì. Khi trời vừa rạng sáng, Chúa Giêsu hiện đến với họ trên bờ biển và hướng dẫn họ đánh cá. Theo lệnh của Chúa, các môn đệ bắt được một lượng khổng lồ đầy cá. Mẻ cá dồi dào phong phú là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện và quyền năng của Chúa Phục Sinh. Dấu chỉ này khiến người môn đệ được Đức Giêsu thương mến phải kêu lên, “Chúa đó !” Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến, người đã nhìn thấy dấu chỉ ngôi mộ trống buổi sáng ngày phục sinh (Ga 20, 8), cũng chính là người môn đệ đã cho thấy nhờ đức tin mà mình nhận ra Chúa vào lúc bình minh trên mặt Biển hồ Tiberias.

Theo tác giả Tin Mừng, Phêrô và các môn đệ khác kéo vào bờ mẻ lưới “đầy một trăm năm mươi ba con cá lớn”. Chúng ta không biết chính xác ý nghĩa biểu tượng của con số này, nhưng có lẽ nó ám chỉ đến công việc truyền giáo trong tương lai của các Tông đồ và tính cách phổ quát của công việc đó. Thánh Giêrônimô giải thích rất hấp dẫn rằng các nhà động vật học cổ xưa đã tính toán chính xác là có 153 loài cá. Thế rồi, ý nghĩa ám chỉ tất cả các loại người được các môn đệ sẽ đưa vào Giáo Hội qua lời rao giảng của các Tông đồ. Sự kiện cá nhiều như thế mà lưới không bị rách, cho thấy đặc tính toàn vẹn của cộng đoàn Kitô hữu. Tấm lưới chứa đựng số lượng lớn đầy cá chỉ ra sự đa dạng phong phú và vô số các tín hữu sẽ được đưa vào đức tin, tạo thành một Giáo Hội duy nhất, công giáo và phổ quát của Chúa Kitô. Trong nhiệm vụ tông đồ của mình với tư cách là “ngư phủ chài lưới người”, các môn đệ của Chúa Phục Sinh cần phải trông cậy vào Chúa để sứ mệnh của mình đạt được hiệu quả. Họ không thể đánh bắt được gì nếu không có sự trợ giúp của Chúa. Hành động mà không có Chúa Giêsu sẽ là vô hiệu. Không có sự hiện diện của Chúa, việc quăng lưới vào biển đời sẽ là vô ích.

Bữa sáng mà Chúa Giêsu chuẩn bị và phục vụ cho các môn đệ của Ngài có âm hưởng của Bí tích Thánh Thể. Tác giả Tin Mừng thuật lại: “Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy”. Bữa ăn Phục Sinh tại bờ Biển hồ gợi lại phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được Chúa Giêsu thực hiện bên Biển Hồ Tiberias, khi Chúa bắt đầu sứ vụ thiên sai của Ngài. Trong sự việc đó, Chúa Giêsu cho đám đông đang đói ăn bánh và cá, khi phân phát tùy theo nhu cầu, và còn thu lại được mười hai giỏ bánh vụn. Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Phục Sinh tiếp tục hiện diện với chúng ta trong bánh Lời Chúa mà chúng ta chia sẻ và dưới hình thức bí tích là bánh rượu. Chúa Giêsu được tôn vinh nuôi dưỡng chúng ta bằng bánh là Lời hằng sống và bằng chính mình và máu của Ngài. Biến cố Vượt Qua của Chúa Phục sinh chăm sóc đàn chiên của Ngài, vẫn tiếp tục được hiện thực hóa “ở đây và lúc này” trong Giáo Hội qua Bí tích Thánh Thể, bí tích cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô.

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay nói về tác vụ mục tử đặc biệt mà thánh Phêrô nhận được từ Chúa (Ga 21, 15-19). “Than hồng với cá đặt ở trên” được đề cập trong Ga 21, 9 chuẩn bị cho chúng ta tới cảnh này. Chúa Giêsu sử dụng “than hồng” trong vai trò tôi tớ của Ngài như người đầu bếp và người trao ban bánh và cá. “Lửa than” này giờ đây được dùng như một bằng chứng cho lời tuyên xưng tình yêu của Phêrô, gợi nhớ lại “than hồng” trước đây vào giờ Đức Giêsu chịu khổ nạn (Ga 18, 18), giờ Phêrô chối Chúa bên lò sưởi. Ba lần Phêrô chối Chúa giờ đây được sửa lại bằng ba lần tuyên xưng tình yêu của ông. Như Chúa Giêsu mục tử, Phêrô hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên.

2.MEDITATIO
Tôi có sẵn sàng nhận ra sự hiện diện của biến cố Phục Sinh trong cuộc sống của mình và nhìn nhận tác giả của điều kỳ diệu này, bằng cách tuyên bố với đức tin : “Chúa đó !” (Ga 21, 7) ?
Đâu là câu trả lời của tôi đối với câu hỏi của Chúa Giêsu về tình yêu và sự phục vụ của tôi : “Con có yêu mến Thầy không? … Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy theo Thầy… ”?
3.ORATIO

Lạy Chúa Phục Sinh, chúng con ca ngợi và chúc tụng Chúa đã cho chúng con được chứng kiến phép lạ là mẻ cá dồi dào phong phú. Dấu chỉ tuyệt vời này của tình yêu Chúa sưởi ấm trái tim của chúng con, và mời gọi chúng con đặt niềm tin vào Chúa. Trong hoạt động truyền giáo của chúng con với tư cách là những ngư phủ lưới người ta, xin đừng để chúng con nản lòng trước sự vất vả dường như vô tận và không có kết quả này. Xin giúp chúng con tin rằng Chúa đang ở đó với chúng con, bên bờ biển, sẵn sàng chờ đón chúng con vào buổi bình minh trong ngày, bằng Lời ban sự sống và toàn năng của Chúa. Xin cho chúng con thanh thản và bình an, vì chính Chúa là Đấng hướng dẫn công việc tông đồ là quăng lưới vào biển đời. Chúng con muốn thưa với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự ; Chúa biết chúng con yêu mến Chúa ! ”

4.CONTEMPLATIO

Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy

5.ACTIO
Cầu nguyện cách đặc biệt cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là những ngư phủ lưới người ta.
Làm những gì có thể để cổ võ ơn gọi linh mục.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.