CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III-PS_C, 01-5 2022: SỰ SỐNG VẪN TIẾP DIỄN NHƯ TRƯỚC… CÓ THẬT KHÔNG ?

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III-PS_C, 01-5 2022

֎

SỰ SỐNG VẪN TIẾP DIỄN NHƯ TRƯỚC…

THẬT KHÔNG ?

Bị bắt, bị đưa ra xét xử, bị đánh đập, các Tông đồ sống lại một số tình tiết cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Nhưng từ nay, họ là những người tự do, được biến đổi nhờ sự phục sinh của Đức Kitô. Chính họ đã từng khó khăn để hiểu một Đấng Mêsia đau khổ, giờ đây lại vui mừng vì được chịu khổ nhục “vì danh Chúa Giêsu”.

Bài đọc I : Cv 5, 27b-32. 40b-41

Bấy giờ các Tông đồ trình diện trước Thượng Hội Đồng. Vị thượng tế viện dẫn lệnh cấm các Tông đồ giảng dạy nhân danh Đức Kitô. Ông nói bóng gió rằng các Tông đồ muốn tuyên bố người ta có tội về cái chết của Đức Kitô. Tuy nhiên, các Tông đồ không có ý định trả thù. Các ông chỉ vâng lời Thiên Chúa, Đấng muốn ban cho “Israel ơn sám hối và ơn tha tội”. Dù vậy, các Tông đồ vẫn bị đánh đòn và những sỉ nhục khác, nhưng các ông cảm thấy rất vui vì được làm chứng, nhờ Chúa Thánh Thần, về sự phục sinh của Đức Kitô và hoàn toàn hạnh phúc vì được chịu khổ nhục “vì danh Chúa Giêsu”…

Thánh vịnh 29

Thánh Luca, thánh sử của niềm vui, đã không quên nhấn mạnh niềm vui của các Tông đồ trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi họ bị cấm nói về Chúa Giêsu hoặc nhân danh Người để chữa lành những người bệnh. Hình ảnh “âm phủ” và “huyệt mộ” áp dụng rất đúng cho kinh nghiệm về ngục tù, kiện tụng và sự đánh đập mà các Tông đồ phải chịu. Các Tông đồ giống như những “kẻ tín trung” được gợi lên trong thánh vịnh: họ tạ ơn Thiên Chúa vì “sự nhân từ của Ngài”, đồng thời họ tự do và hạnh phúc vì lại được rao giảng Tin Mừng là Đức Kitô. Như vịnh gia muốn tạ ơn Thiên Chúa trong mọi lúc thế nào, thì các Tông đồ và cộng đoàn cũng thế ấy, không bao giờ chán nản làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Bài đọc II : Kh 5, 11-14

Sách Khải Huyền là một phụng vụ tuyệt đẹp, tập trung vào Đức Kitô phục sinh và vinh hiển, đồng thời được phối hợp một cách khéo léo. Đó là cuốn sách của niềm vui, của “Alleluia” (Kh 19, 1. 3. 4. 6) và “Amen” (Kh 5, 14; 19, 4; 22, 20) vang lên từ mọi phía và bằng “tiếng hô lớn” của các Con Vật và các Kỳ Mục, của muôn vàn thiên thần và thậm chí “của mọi thụ tạo trên trời và dưới đất”. Quả thế, những thị kiến của Gioan đôi khi thật khủng khiếp, khi chúng tiết lộ những phép thuật xấu xa của Con Thú, cụ thể là hệ thống Đế quốc La Mã, trong đó hoàng đế được tôn thờ như một vị thần. Toàn bộ phụng vụ trước ngai thần linh là một đòi hỏi chính đáng về vương quyền của Thiên Chúa và của Con Chiên.

Tin Mừng : Ga 21, 1-19

Gioan làm chúng ta ngạc nhiên với sự hiện ra lần thứ ba của Đấng Phục sinh với một nhóm các Tông đồ. Phêrô quyết định đi đánh cá, – công việc giúp ông sống-, cùng với những người bạn của mình. Những nỗ lực của họ đều vô ích. Bất ngờ xảy ra vào buổi sáng : Chúa Giêsu xuất hiện trên bờ biển, và khi thấy các môn đệ không đánh bắt được gì,đã bảo họ thả lưới “bên phải mạn thuyền”. Lưới liền đầy những cá. Khi tất cả đã tụ họp trên bờ, Chúa Giêsu cho nướng cá, rồi phân phát cá với bánh. Bữa ăn vừa kết thúc, Chúa đã hỏi Simon Phêrô ba lần: “Con có mến Thầy không?” Phêrô trả lời mỗi lần đều khẳng định. Khẳng định ba lần của Phêrô bù lại cho ba lần ông chối Chúa Giêsu, Đấng mà từ nay giao cho ông trách nhiệm “chăn dắt đàn chiên của [Chúa]”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.