Thứ Hai Tuần III Phục Sinh – Ngày 02/05/2022

Lời Chúa: Ga 6,22-29

22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” 29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

 


Suy niệm

HƯỚNG VỀ GIA NGHIỆP THƯỜNG TỒN

“Hãy ra công làm việc … để có lương thực thường tồn” (Ga 6,27)

Mỗi sáng khi chuông nhà thờ vang lên, tiếng đồng hồ bắt đầu đánh thức, nhiều người vươn mình thức dậy chuẩn bị cho ngày mới với những công việc thường nhật. Người mẹ thì tranh thủ công việc nội trợ trong gia đình; người công nhân tất bật chuẩn bị mọi thứ cho ngày làm việc ở công ty; nơi quán cafe ven đường, người thì an nhàn bên ly cafe, trầm ngâm về con người và cuộc đời; hay trong không khí tĩnh lặng mỗi sáng, nhiều người sắp xếp công việc đến nhà thờ tìm gặp Chúa Giêsu, kín múc nguồn sức sống cho ngày mới. Đời sống con người không chỉ dừng lại ở nhu cầu vật chất nhưng còn phải ra sức làm sao để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và khát vọng sâu xa của con người.

Nhu cầu sinh lý, duy trì sự sống là nhu cầu căn bản của con người. Dân chúng theo Chúa Giêsu được Người hoá bánh cho ăn, ai nấy cũng được ăn no nê, vui vẻ cả ngày. Đối với họ, cuộc sống như vậy có vẻ tạm ổn, không phải lo lắng cho miếng cơm manh áo mỗi ngày. Có Chúa thì không cần phải làm lụng gì cả, vừa nghe giảng lại vừa có của ăn. Thế nhưng hôm nay, khi không thấy Chúa còn ở với họ (x. Ga 6,24), họ hoảng lên. Họ đi tìm Người. Chúa đi rồi ai hoá bánh cho mà ăn. Nên khi vừa gặp thấy Người, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6,25) nhưng Chúa đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Dân chúng hăm hở tìm Chúa không phải tin Chúa là Đấng cứu độ nhưng vì được Ngài cho ăn no nê. Họ chưa nhận ra ý nghĩa những phép lạ mà Chúa đã làm, có lẽ “bánh ăn” đã ngăn cản họ nhận ra ý nghĩa sứ mạng của Người. Nhân đây, Chúa Giêsu cho thấy cuộc sống không chỉ lo tìm lương thực hư nát, quan trọng hơn cả là tìm thứ lương thực trường sinh. Đó là tin vào Chúa Giêsu, Thiên Chúa cứu độ.

Có thể cuộc sống hôm nay có quá nhiều hấp lực từ công việc và tiền tài. Con người hay “thả mồi bắt bóng”, lãng quên thực tại mà cố công chạy theo ảo ảnh, bóng hình. Nhiều lúc gắng sức chạy theo những nhu cầu vật chất và cảm xúc chóng qua, rốt cuộc nhìn lại, phút chốc qua đi, chẳng còn một ý nghĩa gì tồn tại. Bơ vơ, lạc lõng, đâu là bến đợi của cuộc đời. Lời Chúa hôm nay như muốn đánh thức những tâm hồn đang sa vào điều chóng hư nát của cõi nhân sinh. “Hãy ra công làm việc … để có lương thực thường tồn” (Ga 6,27). Có lẽ giờ này ai đó cũng đang hoà mình vào vòng lẩn quẩn cơm áo gạo tiền, chưa nhận ra Chúa là hạnh phúc đích thật và Thánh Thể là bánh trường sinh. Tuy là những môn đệ bước đi theo Đức Kitô nhưng có thể lòng mỗi người vẫn còn mon men bám víu vào những ảo ảnh phù du: danh thơm, tiếng tốt, đồ hiệu… Tâm lý thực tế người ta thường tìm những thứ thoả mãn tính hiện sinh hơn là những thứ gọi là vĩnh cửu. Kinh nghiệm thiêng liêng khi đối diện với Thánh Thể, đặc biệt Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra rằng, những thứ lương thực vật chất mãi không thoả mãn khát vọng con người; ăn no rồi lại đói; nó chỉ làm con người thèm khát mãi không vơi. Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc thật sự của con người, là cùng đích hướng tới của cuộc đời (x. 1 Cr 8,6). Thực tế là vậy, nhưng ta có chân thành và ra sức sống theo những cảm nghiệm thiêng liêng đó hay không? Hãy ra công tìm về Thánh Thể là gia nghiệp trường tồn, nơi Chúa vẫn đang đợi chờ (x. 1 Pr 3,20). Thiên Chúa cần sự gắng công của con người như sự phấn đấu vật lộn của Giacóp. Cuộc vật lộn đó chỉ mối tương quan cam go giữa con người và Thiên Chúa: phải liên tục cố gắng không buông Người ra, bám chặt lấy Người và Người sẽ ban phúc lành cho . Như vậy, tin là bám chặt lấy Thiên Chúa, dẫu cho cuộc sống nhiều bôn ba, lo lắng… ta phải luôn hướng tầm nhìn về quê hương trên trời (x. Pl 3,20) và “trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích” (Diogene) của mình.

1. Kinh Thánh, ấn bản 2011, bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nxb. Tôn giáo, 2015, phần dẫn nhập sách Sáng Thế, tr. 25-26.

Nguyện xin Chúa giúp ta nhận ra ý nghĩa mầu nhiệm Phục sinh mà Giáo hội đang sống và loan báo để luôn kiếm tìm Chúa như là gia nghiệp duy nhất và vững bền của cuộc đời.


Comments are closed.