Lời Chúa CHÚA NHẬT I MÙA CHAY_A, 26-02-2023 Mt 4, 1-11 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Trong Ngài, chúng ta chiến thắng”

LECTIO DIVINA

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY_A, 26-02-2023

Mt 4, 1-11

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Trong Ngài, chúng ta chiến thắng

1.LECTIO

Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi đêm ngày và chịu quỷ cám dỗ

Đoạn Tin Mừng (Mt 4, 1-11) được đọc vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay là một bài giáo lý rất hay về Bí tích Rửa Tội dành cho các dự tòng và người đã được rửa tội. Thật vậy, đặc tính phép rửa của mùa Chay được trải nghiệm không chỉ bởi các dự tòng, mà còn bởi cộng đoàn những người đã được rửa tội. Cùng với các dự tòng, Mùa Chay trở thành một cơ hội cho những người đã được rửa tội đi sâu vào ý nghĩa của việc họ được hiến thánh trong Bí tích Rửa Tội, bao gồm một cuộc chiến đấu thắng được cái ác.

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay hôm nay cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Chúa Giêsu tại sông Gio-đan để Chúa Giêsu thi hành sứ mệnh thiên sai, chính là Chúa Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu vào cuộc chiến đấu chiến thắng những mưu chước của tên cám dỗ. Học giả phụng vụ, Adrian Nocent nhận xét : “Ngay từ khởi nguyên, Thần Khí đã có một hoạt động rất đặc biệt, cụ thể. Như Thần Khí đã điều khiển việc sáng tạo thế giới thế nào, Thần Khí cũng đã khơi lên một cuộc sáng tạo mới và hướng dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để Chúa Giêsu đương đầu với một cuộc chiến đấu, không giống như cuộc chiến của Adam, vì là cuộc chiến sẽ kết thúc bằng chiến thắng và là khúc mở đầu cho việc tái thiết và hợp nhất thế giới”. Chúa Thánh Thần, nguyên lý của cuộc sáng tạo mới, đã trao ban cho Chúa Giêsu quyền năng là người Tôi tớ yêu dấu của Giavê Thiên Chúa. Kế đến, Thần Khí xức dầu đã thúc đẩy Chúa Giêsu mới chịu phép rửa vào hoang địa Giuđa để công khai đương đầu với ma quỷ, trong đó Chúa Giêsu sẽ chiến thắng. Thật vậy, Chúa Thánh Thần là sức mạnh sáng tạo làm tăng tốc cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong hoang địa và làm nên cuộc chiến thắng của Chúa Kitô chống lại mọi sự dữ và tội lỗi.

Thánh sử Matthêu thuật lại rằng Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày, bốn mươi đêm trong sa mạc, và sau đó Chúa đói. Là Adam mới và là đại diện lý tưởng của dân Israel, Chúa Giêsu đã trải qua trong hoang địa cùng một cơn đói dữ dội mà dân Chúa chọn đã trải qua trong bốn mươi năm họ lang thang trong hoang địa. Mục đích cuộc thử thách đói khát của Israel trong hoang địa có thể đọc thấy ở Đnl 8, 2-3 : “Anh em hãy nhớ lại con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực ; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”. Giavê Thiên Chúa để cho dân Israel của Ngài cảm nhận được thử thách đói khát nơi hoang địa, và đã kỳ diệu cung cấp cho họ bánh từ trời để họ có thể học được một sự thực quan trọng, đó là : sự ưu việt tuyệt đối của lời Chúa. Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Thật vậy, mục đích cơ bản của sự hiện hữu của con người không phải là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình, mà là vâng phục lời cứu độ của Giavê, là Thiên Chúa yêu thương của họ.

Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi ngày bốn mươi đêm cũng gợi lên kinh nghiệm về sự chay tịnh bốn mươi ngày của Môsê (Xh 34, 28 ; Đnl 9, 9. 18) và của Êlia (1 V 19, 8). Mỗi vị tiên tri thời xưa này đều đã thiết lập và tái khẳng định giao ước của Israel với Thiên Chúa tại Núi Sinai, còn được gọi là Núi Horeb. Trong Kinh Thánh, con số40” có nghĩa là một thời gian chuẩn bị cho một sứ mạng đặc biệt và cho một cuộc gặp gỡ với các phúc lành, lòng thương xót hoặc sự phán xét của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa mạc khải cho Môsê và Êlia trên Núi Sinai, hay Núi Horeb, đòi hỏi phải có đói khát và thử thách trong hoang địa như là sự chuẩn bị và bối cảnh của nó. Trong trình thuật của Matthêu về cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu, chúng ta thấy một sự song song : thử thách đói khát của Chúa Giêsu nơi hoang địa sa mạc chuẩn bị cho Chúa công bố “Lời” trong Bài giảng trên Núi.

Chúa Giêsu bị cám dỗ ba lần trong hoang địa là do ma quỷ muốn xuyên tạc sứ mệnh thiên sai của Chúa và để làm sai lệch cách thế mà sứ mệnh đó phải được hoàn thành. Ma quỷ cám dỗ Chúa ba lần, bằng cách tìm kiếm dàn xếp thái độ hiếu thảo của Chúa đối với Thiên Chúa. Lần nào Chúa Giêsu cũng đẩy lùi cuộc tấn công của quỷ và bày tỏ sự cự tuyệt của mình bằng cách sử dụng lời của Thiên Chúa (x. Đnl 8, 3 ; 6, 16). Cơn cám dỗ thứ nhất thách thức Chúa Giêsu biến đá thành bánh. Chúa Giêsu chống lại lời đề nghị đầy mưu mẹo này bằng cách trích dẫn Đnl 8, 3: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra”. Thật vậy, Chúa Giêsu không hoàn tất sứ mệnh thiên sai của mình bằng cách trở thành một vị vua hành động như cái rổ đựng bánh, nhưng bằng cách công bố bánh hằng sống – là lời của Thiên Chúa – lời ban sự sống.

Cơn cám dỗ thứ hai, trong đó ma quỷ sử dụng việc trích dẫn Kinh Thánh từ Thánh vịnh 91, 11-12, xúi giục Chúa Giêsu làm sai lệch quyền lực của mình bằng cách thực hiện một “dấu chỉ” ngoạn mục – là gieo mình xuống từ nóc đền thờ – khi ma quỷ cố gắng thuyết phục Chúa rằng “Thiên Chúa truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp lại bằng cách trích dẫn Đnl 6,16, một lời cảnh báo chống lại sự liều lĩnh, thiếu suy nghĩ và sự kiêu căng, ngạo mạn : “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em”. Sự phô trương vô ích sẽ không tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu, trong công việc thiên sai của mình, sẽ không dùng đến màn phô trương quyền lực ngoạn mục nhưng trống rỗng để ép buộc những người không tin phải tin.

Cơn cám dỗ thứ ba là xúc phạm nhất. Tỏ cho Chúa Giêsu thấy tất cả các vương quốc trên thế gian trong sự tráng lệ của chúng, ma quỷ tự hào: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4, 9). Học giả Kinh Thánh, Adrian Leske nhận xét: “Cám dỗ thứ ba là cám dỗ tột cùng về quyền lực và sự giàu sang. Một sự xúc phạm đã được hàm chứa trong lời đề nghị “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó”, như vậy vi phạm rõ ràng quyền của Đấng Tạo Hóa như được tuyên bố trong đức tin của mọi người Do Thái: “Trái đất và mọi sự trọn hảo trong đó là của Chúa”. Chính qua sự phục vụ của mình đối với Thiên Chúa và hoàn thành mục đích của Thiên Chúa, mà mọi quyền hành sẽ trở nên quyền thuộc về Con Thiên Chúa. Cơn cám dỗ thứ ba quả là tinh vi nhất. Đó là một cám dỗ đến sự thỏa hiệp, đến thỏa thuận và chơi trò chơi quyền lực. Thật vậy, sự cám dỗ tới chủ nghĩa thiên sai thế tục, việc sử dụng quyền lực chính trị để hoàn thành mục đích của sứ mệnh thiên sai, đã làm sai lệch chính ý niệm về Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê Thiên Chúa, vốn khiêm tốn vâng phục kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, với sự quyết liệt, Chúa Giêsu đã xua đuổi tên cám dỗ, với lời rằng: “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 539-540, cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc đẹp đẽ về ý nghĩa cứu độ của việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ : “Chiến thắng của Chúa Giêsu trên tên cám dỗ trong hoang địa dự đoán chiến thắng trong Cuộc Khổ Nạn, là hành vi tối thượng của sự vâng phục trong tình yêu hiếu thảo của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha. Việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ cho thấy cách thế trong đó Con Thiên Chúa là Đấng Thiên Sai, trái với cái cách Satan đề nghị với Chúa và cái cách con người muốn qui gán cho Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Kitô đánh bại tên cám dỗ cho chúng ta… Với bốn mươi ngày Chay trọng thể, Giáo Hội liên kết chính mình hằng năm với mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong hoang địa”. Thật vậy, mùa Chay thánh là một dấu chỉ bí tích về sự hoán cải của chúng ta – về sự tham gia của Giáo Hội vào mầu nhiệm Chúa Kitô đã ăn chay, chịu cám dỗ, nhưng vẫn chiến thắng trước cám dỗ.

2.MEDITATIO  
Tôi có tin rằng mùa Chay là một dấu chỉ ân sủng – một dấu chỉ thánh thiêng làm hiện thực giá trị cứu độ của Đức Kitô, Đấng đã ăn chay trong hoang địa và đã vẻ vang xác nhận cam kết của mình đối với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha không ?
Tôi có thể lượm lặt được sứ điệp nào từ câu chuyện về sự cám dỗ và sự sa ngã của Adam-Eva tại Vườn Địa đàng ? Ý nghĩa của tội lỗi theo câu chuyện này là gì ?
Tôi có tin rằng ân sủng giành được cho chúng ta nhờ Chúa Kitô, qua sự vâng lời của Ngài đối với lời của Chúa Cha, là dư tràn và lớn hơn những ảnh hưởng của tội lỗi không ? Tôi có quyết tâm dấn thân vào cuộc hành trình tâm linh sâu sắc để hoán cải trong mùa Chay này không ?
3.ORATIO  

Lạy Thiên Chúa là Cha mến yêu, chúng con cảm ơn Cha vì quà tặng là Con Cha, Chúa Giêsu, “Adam mới”, Đấng đã chiến thắng Tên cám dỗ. Ngài đã trung thành với Cha và vâng lời Cha. Trong sa mạc hoang địa để chịu cám dỗ, Ngài đã dạy chúng con ý nghĩa của lòng trung thành và sức mạnh nội tâm. Ngài đã chỉ cho chúng con cách tin tưởng vào sự chăm sóc quan phòng của Cha. Lạy Cha thiên quốc, Cha nhân hậu, thương xót và tha thứ. Khi chúng con bị cám dỗ đến tuyệt vọng, xin đổ đầy hy vọng cho chúng con và củng cố chúng con bằng tình yêu của Cha. Xin nghiêng lòng chúng con về tiếng nói của Cha, và cho chúng con chú ý đến lời ban sự sống của Cha. Trong Mùa Chay này, mùa của cầu nguyện, ăn chay và bố thí, xin đổ đầy chúng con tình yêu chữa lành và cho chúng con vui mừng với ân sủng dư tràn, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ

5.ACTIO  
Tôi cầu nguyện cho những người đang trải qua những cám dỗ và đã chịu thua những cám dỗ.
Để có thể tham gia đầy đủ hơn vào cuộc chiến với chiến thắng của Chúa Giêsu chống lại tội lỗi và sự dữ, tôi hiến mình cho chương trình của Mùa Chay gồm 3 việc là CẦU NGUYỆN -CHAY TỊNH – BÁC ÁI.  

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

Comments are closed.