Lạy Chúa Giêsu, Xin Ngự Đến

Sống mùa Vọng, Hội Thánh mượn lại tâm tình trông chờ Chúa Cứu Thế của người Cựu Ước để sống niềm hy vọng Người kết thúc thời Tân Ước và dẫn đưa đoàn dân mới vào Giêrusalem mới có Trời mới Đất mới. Trong hy vọng cánh chung ấy, Hội Thánh không ngớt cầu nguyện: “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến!

Maranatha – Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến!” là lời cuối cùng trước khi kết thúc sách Khải Huyền, quyển sách cuối cùng của toàn bộ Thánh Kinh Kitô giáo do thánh Gioan Tông đồ, “Người môn đệ Chúa yêu” viết.

Như vậy, sách Khải Huyền kết thúc, nhưng không phải đã kết thúc sứ mạng của Chúa Giêsu. Quyển Thánh Kinh đã kết thúc với sự kết thúc của sách Khải Huyền, vẫn chỉ là kết thúc một quyển sách Thánh chứa đựng Lời mạc khải của Thiên Chúa, chứ không bao giờ kết thúc triều đại của Chúa Giêsu.

Cũng giống như mạc khải của Chúa Giêsu đã kết thúc với cái chết của thánh Gioan, vị Tông đồ cuối cùng trong hàng ngũ Tông đồ, vẫn chưa từng kết thúc những tiến triển và những khám phá phong phú mà kho tàng mạc khải gợi hứng cho Hội Thánh.

Và cũng như ơn cứu độ từ ngàn xưa của Thiên Chúa đã kết thúc nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, vẫn chưa bao giờ ngừng chảy trong lòng thế giới, giữa vô số những tâm hồn thành tâm thiện chí từ đời nọ đến đời kia.

Cũng vậy, việc trao ban Thánh Thần của Chúa Giêsu đã hoàn tất trong ngày lễ Hiện Xuống, vẫn chỉ là một khởi đầu cho triều đại của ơn Thánh Hóa mà Chúa Giêsu thực hiện nhờ Thánh Thần của Người.

Tất cả những kết thúc đã từng xảy ra trong dòng Lịch Sử Thánh mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa loài người, chưa bao giờ kết thúc, nhưng vẫn chỉ là sự khởi đầu cho những kết thúc mới. Bởi thế, những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Giêsu để nhân loại hưởng nhờ, vẫn là khởi điểm, là sự hướng về và nhắm phục vụ hạnh phúc đời đời của loài người. Bởi chỉ nhận ra tỏ tường rằng thế giới vẫn không ngừng khởi đi từ những kết thúc, nhờ chính vai trò kết thúc và khởi điểm của Chúa Giêsu, đúng như sách Khải Huyền khẳng định: Chúa Giêsu “là Anpha và Ômêga, là Đầu và là Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22, 13) Vì thế, Hội Thánh không những không bao giờ dừng sự hy vọng của mình nơi Chúa Giêsu, mà còn tin tưởng mạnh mẽ và tha thiết kêu nài Người ngự đến (Kh 22, 20).

Nhưng chúng ta không thể chỉ biết hô to khẩu hiệu của mùa Vọng: xin Chúa ngự đến, mà không dấn thân để Chúa ngự đến trong chính tâm hồn mình, trong anh chị em xung quang, trong thế giới mà mình đang hiện diện và đồng hành. Đó là khả năng, là niềm vinh dự Chúa ban cho từng người, nhưng cũng là trách nhiệm đòi buộc trong từng ngày sống của mình. Vậy, tôi thử đề nghị vài cách thức chúng ta cần làm để Chúa ngự đến trong chính mình và nơi mọi người:

1. Chấp nhận chính mình.

Trước hết, phải nói ngay rằng, chấp nhận chính mình mà tôi muốn đề cập ở đây không có nghĩa là một thái độ an phận, sống “tà tà”, ù lỳ, tự biện hộ cho khả năng yếu kém, không muốn làm việc, không muốn vươn lên, thậm chí có khi còn ngụy biện cho những sai trái, kể cả tội lỗi của mình.

Nhưng chấp nhận chính mình là thái độ tích cực của người nhận biết mình, để rồi luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để cải thiện mình, làm cho mình ngày một hoàn hảo hơn. Thái độ chấp nhận mình theo nghĩa tích cực này rầt cần thiết cho người Kitô hữu trong đời sống đức tin.

Nếu chúng ta không bằng lòng với mình, chắc chắn sẽ không bao giờ bằng lòng với bất cứ ai, trong bất cứ việc gì, hoàn cảnh nào. Vì thế, chấp nhận chính mình sẽ giúp ta dễ đón nhận anh chị em hơn. Ta cũng có thể dễ dàng thánh hóa mọi môi trường, mọi nghịch cảnh mà mình phải gánh lấy.

Chấp nhận chính mình, ta sẽ yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô đang diễn lại trong chính đời sống hôm nay của ta. Nhờ đó, ta ngày càng kết hiệp mật thiết với Thánh Giá Chúa, trở nên thánh thiện như Chúa muốn, nhằm bổ túc hình ảnh Thánh Giá của Chúa trong chính đời sống của ta. Sự chấp nhận ấy, đã từng được thánh Phaolô chia sẻ: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Sự gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì thân thể Người là Hội Thánh, thì tôi xin góp phần để hoàn tất.” (Cl 1, 24).

2. Thanh luyện bản thân.

Hình ảnh viên đá cuội trên bãi biển cho ta bài học về sự thanh luyện bản thân. Hết thời gian này đến thời gian khác, viên đá tự mài mòn, gọt dũa trong không biết bao nhiêu con thủy triều và hàng vạn vạn lớp sóng nhỏ to xô đẩy. Đến một ngày viên đá trở nên viên đá cuội không còn một góc cạnh nào, nhưng trơn bóng.

Cũng vậy, thanh luyện bản thân là ta tự gọt dũa, mài mòn những góc cạnh xù xì, gai nhọn trong tương quan sống với chính mình, với anh chị em, với tất cả những hoàn cảnh sống mà mình gặp phải.

Thanh luyện bản thân từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, cái nhìn, diện mạo bên ngoài đến đời sống tâm hồn như bỏ đi một thói quen xấu, một đam mê tội lỗi, bỏ đi những cái nhìn ghen tương, ganh tỵ, nuôi trong lòng sự oán giận, căm thù, óc hẹp hòi, tham lam của cải, mê quyền lợi, quyền lực, kiếm tìm danh giá, dù chỉ là danh giá ảo.

Thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta cách thức thanh luyện bản thân mình: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.” (Cl 3, 12- 14).

3. Loại bỏ việc giữ đạo duy hình thức.

Coi trọng hình thức mà không nhắm đến nội dung là một nguy cơ có thể dẫn tới mất linh hồn. Bởi biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu lần, chỉ quen sống và làm việc đạo đức mà bỏ qua rất nhiều tinh thần của việc đạo đức. Nếu như thế, thì sống cả một đời không hề có một chút công nghiệp nào trước mặt Chúa, bởi họ không giữ Chúa bằng nội tâm của mình qua tất cả các việc làm, nhìn bên ngoài có vẻ thánh thiện, tốt lành, nhưng bên trong chứa đầy những ẩn ý như: khoe khoang, tự cao, tự đắc, kiêu ngạo ngầm.

Nếu sống như thế, ta chẳng khác gì những Pharisêu, những Biệt phái thời Chúa Giêsu. Họ rất “ngoan đạo”, họ giữ kỹ và luôn luôn đề cao mọi thực hành đạo đức cá nhân và tập thể, coi trọng và gìn giữ kỹ lưỡng truyền thông đức tin của cha ông. Họ yêu mến Thiên Chúa, vì thế, họ cầu nguyện nhiều. Họ nhân danh Thiên Chúa trong suốt đời sống của họ. Nhưng thật nghiệt ngã và mỉa mai: chính họ giết chết chính Đấng là Thiên Chúa làm người, đồng thời tự tách mình khỏi ơn cứu độ của Người.

Cũng giống các Pharisêu và biệt phái ưa chuộng hình thức, chúng ta đã nhiều lần lên án anh chị em, đã nhiều lần gây tổn thương anh chị em, chai cứng lòng mình, trởû nên kiêu ngạo vì tự tưởng tượng rằng mình đạo đức. Đúng là đạo đức, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Rõ ràng, trước mắt mọi người, mình rất đạo đức, sống rất gần Thiên Chúa. Nhưng thực tế chua chát làm sao, bởi tất cả đều chỉ là cái vỏ bọc mà thôi.

Duy hình thức: nguy hiểm vô cùng!

4. Đón nhận ý kiến xây dựng của anh chị em.

Thay vì đón nhận người khác và những gì họ đề nghị với mình, vốn rất tự nhiên, chúng ta nổi nóng, dễ ác cảm với người đang có ý kiến với mình.

Chúa Giêsu đã từng dạy ta hãy sữa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ, không phải một lần, mà đến ba lần, và mức độ tăng dần lên: lúc đầu hai người với nhau. Nếu không nghe, sẽ cậy nhờ hai hay ba người để cùng sửa lỗi. Vẫn không nghe, thì đem ra cộng đoàn. Nếu vẫn không thành công, kể như người mắc lỗi bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn, giống như một người ngoại (Mt 18, 15- 17).

Bị kể như người ngoại, đó là hình phạt của những kẻ cố thủ trong những sai lầm của mình. Chúng ta đừng như thế, nhưng hãy mềm dẻo đón nhận ý kiến của anh chị em, nhờ đó, ơn phần rỗi mà Chúa trao ban thuộc về chúng ta. Nếu không, sẽ bị kể như dân ngoại, cũng có nghĩa là bị loại khỏi ơn cứu rỗi.

Độc ác hơn, nhiều người được góp ý, chẳng những không sửa lỗi, lại còn trả thù, tố ngược lại người giúp đỡ mình. Đó chính là thái độ của các nhà lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo tôn giáo Do thái thời Chúa Giêsu. Họ đã dồn nén sự tức tối, sự căm thù đối với Chúa Giêsu, vì nhiều lần, Chúa dám vạch trần tội lỗi của họ. Kết quả của những dồn nén ấy, chính là việc thủ tiêu Chúa Giêsu, để họ được rãnh mắt, rãnh tay sống theo cách của mình.

Chúng ta mà sống như thế, chẳng những cản trở sự ngự đến của Chúa, mà còn tự hủy diệt mình trong cuộc sống đời đời.

5. Luôn sống tâm tình tạ ơn Chúa.

Chúng ta có gì mà đã không đón nhận từ Thiên Chúa! Vì thế, luôn luôn sống trong tâm tình biết ơn Chúa là điều cần thiết và cấp bách.

Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta trong việc sống lòng biết ơn này. Tin Mừng nhiều lần cho biết Chúa Giêsu “dâng lời cảm tạ” Chúa Cha (Mt 26, 26- 28).  như “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, mà lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10, 21). hoặc “Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11, 41).

Việc tạ ơn Thiên Chúa của Chúa Giêsu là tấm gương sáng, đặc biệt quan trọng và cần thiết thúc giục chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, suốt đời mình.

Việc tạ ơn của Chúa Giêsu cũng thúc giục ta hãy nhân danh Người mà tạ ơn Thiên Chúa. Ta cũng được mời gọi mượn lấy tâm tình con thảo, vâng phục, khiêm cung của Chúa Giêsu mà tạ ơn Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã chẳng hướng dẫn chúng ta thực hành việc tạ ơn như thế đó sao: “Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, các con hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5, 20).

Chúa Giêsu sẽ ngự đến nơi lời cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa của chúng ta. Bởi chính trong sự cầu nguyện xuất phát tự lòng tin, đã là một tâm hồn chất chứa chính Chúa Giêsu.

6. Ý thức truyền giáo.

Để có thể truyền giáo, trước nhất người truyền giáo phải mang trong tâm tư mình ý thức truyền giáo và nuôi dưỡng nhiệt tình truyền giáo suốt đời mình. Ấp ủ trong tâm tư mình ý thức truyền giáo, đồng nghĩa với việc người truyền giáo luôn nuôi dưỡng hình ảnh Chúa Giêsu, để chính hình ảnh đó đồng hành với mình, thúc đẩy mình dấn thân truyền giáo. Bởi chỉ khi nào nơi người truyền giáo có Chúa, họ mới có thể đưa Chúa đến anh chị em của mình.

Hình ảnh Đức Maria đi thăm viếng bà Isave, làm cho Mẹ trở nên mẫu gương của nhà truyền giáo, bởi trước khi Mẹ mang Chúa Giêsu nơi thân xác mình đến gia đình bà Isave, Mẹ đã mang Chính Thiên Chúa trong tâm tư của Mẹ suốt những chuỗi ngày sống.

Cũng vậy, để hiệu quả Chúa đến trong lòng người được phát sinh, người truyền giáo không thể chỉ làm truyền giáo, nói truyền giáo, mà còn phải sống truyền giáo. Bởi khi sống truyền giáo, dù một người chỉ sống suốt đời trong bốn bức tường của đan viện, vẫn có thể trở thành nhà truyền giáo lỗi lạc.

Hoặc diễn tả cách hình ảnh như thánh Phaolô: “Anh em là bức thư của Đức Kitô được trao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người.” (2Cr 3, 3).

Hiểu được tầm vóc hết sức quan trọng của việc truyền giáo, người truyền giáo sống gắng bó với Chúa Giêsu mật thiết đến nỗi, tâm hồn họ là chính bức thư Chúa gởi cho anh chị em mình. Nói cách khác, để đem Chúa đến cho anh chị em, người truyền giáo phải sống làm sao để khi anh chị em nhìn thấy họ là nhìn thấy chính Chúa Giêsu trong họ. Đó là sống truyền giáo.

Nếu nuôi dưỡng và ý thức truyền giáo được như thế, chúng ta đã làm cho lời cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” trở thành hiện thực.

****

Vài suy nghĩ về việc sống điệp khúc mùa Vọng “Maranatha – Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” như thế, giúp bản thân tôi tới gần Chúa hơn. Gần Chúa cũng có nghĩa là, Chúa đã đến trong tôi. Tôi tin như thế. Nguyện xin Chúa hãy hoàn tất nơi tôi những gì Người đã khởi đầu, và xin Người khởi đầu nơi tôi những gì Người chưa kết thúc.

Sống mùa Vọng, trong tâm tình của “Người môn đệ Chúa yêu”, tôi mượn lại chính lời cầu nguyện của thánh Gioan Tông đồ để hết lòng dâng lời cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” Chúa Giêsu làm cho lòng tôi tràn ngập chính Người, để tôi biết chấp nhận mình, từ đó thanh luyện bản thân, tránh mọi lối sống đạo hình thức, biết lắng nghe để sửa đổi bản thân nên hoàn thiện hơn. Chúa Giêsu đến tràn ngập tâm hồn tôi, giúp tôi sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa suốt đời mình. Với tâm tình tạ ơn đó, tôi sẽ reo lên vui mừng như lời thiên thần đã từng chúc tụng Đức Maria: Tôi “đã được ân sủng của Chúa Giêsu” (Kh 22, 21/Lc 1, 28).

Sống mùa vọng, trong tâm tình “Người môn đệ Chúa yêu”, tôi nguyện xin Chúa Giêsu ngự đến để chuẩn bị trong tôi đón mừng lễ Giáng sinh thánh thiện và chính Người sẽ thực sự nhập thể và hạ sinh trong lòng tôi. Tôi tin, khi tôi có Chúa Giêsu, tôi sẽ can đảm sống ý thức truyền giáo và để cho niềm ý thức ấy choáng ngập tâm tư tôi, suốt đời sống của tôi.

Sống mùa Vọng, mượn lấy tâm tình của “Người môn đệ Chúa yêu”, tôi xin Chúa Giêsu hãy ngự đến dẫn đưa thế giới này đi vào quỹ đạo cánh chung, để tất cả mọi người sống trong niềm vui ơn cứu độ mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện. Xin Người hoàn tất thế giới trong bình an vĩnh cửu vì, “mãi mãi Người vẫn cứ là Đầu và là Cuối.” Là Đầu và là Cuối, Chúa Giêsu kết thúc thế giới này, nhưng lại khởi đầu một triều đại mới trong khung cảnh của Trời Mới Đất Mới, nơi có thành thánh Giêrusalem mới.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

Comments are closed.